RSS
Write some words about you and your blog here

Thứ Năm, 22 tháng 11, 2012

Mô hình chuồng heo sử dụng đệm lót vi sinh: KHÔNG Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG


Trạm khuyến nông- khuyến ngư huyện Sông Hinh vừa triển khai mô hình ứng dụng men vi vinh làm chất độn chuồng trong chăn nuôi heo thịt. Mô hình trên được triển khai thực hiện thực tế ở các hộ dân đang chăn nuôi heo trên địa bàn thị trấn Hai Riêng. Đây là mô hình mới không những đối với huyện mà còn mới trên địa bàn toàn tỉnh Phú Yên. 
Nuôi heo thị trong chuồng có chất độn lót vi sinh của ông Trần Hữu Thung, Khu phố 6, Hai Riêng

Nhận thấy lợi ích từ mô hình, ông Trần Hữu Thung, khu phố 6, thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh đã mạnh dạn đầu tư sửa chữa khu chăn nuôi heo của gia đình thành nhiều chuồng nhỏ, mỗi chuồng khoảng 3,5m2. Về hình thức, kết cấu tường bao, mái che không có gì thay đổi, khác ở chỗ, nền chuồng âm sâu khoảng 60cm dùng để chứa hỗn hợp men vi sinh. Qua hơn hai tháng, heo nuôi trong chuồng có nền độn bằng chất vi sinh luôn khỏe mạnh, ăn khỏe, chóng lớn, không có biểu hiện bệnh tật. Đặc biệt, ưu điểm vợt trội của mô hình này khử được hoàn toàn mùi hôi. Ông Thung nói: “Với năm con heo như thế này, nuôi như trước phải dành một khoảng đất trống để chứa chất thải, trong khi đất đai chật hẹp, mùi hôi thối không thể chịu được. Từ khi áp dụng chuồng vi sinh, nhiều người đến rất ngạc nhiên, không biết là nhà đang nuôi heo. Ba cái lợi thấy rõ là không mùi hôi, không phải rửa chuồng, không phải tắm thường ngày cho heo như trước”.

            Từ hiệu quả thực tế của mô hình, nhiều hộ chăn nuôi heo ở thị trấn Hai Riêng đã triển khai áp dụng. Tiêu biểu như hộ ông Nguyễn Như Năm, khu phố 5, thị trấn Hai Riêng. Với qui mô thường xuyên trên dưới hai chục con heo, vừa heo nái, vừa heo thịt; mặc dù đã có hầm biôga lớn nhưng mùi hôi từ đàn heo vẫn là nỗi ám ảnh không chỉ riêng của gia đình mà còn ảnh hưởng nhiều đến bà con xóm làng khiến ông không thể mở rộng chăn nuôi. Được sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, ông đã cải tạo lại toàn bộ chuồng trại ở khu chăn nuôi của gia đình, ngoài ra ông còn làm mới một dãy chuồng ba gian, diện tích nền 30m2, trong đó có 20m2 nền chứa hỗn hợp men vi sinh. Ông Năm cho biết, chi phí cho mô hình này không quá lớn, nếu không tính phần sửa chữa, cải tạo chuồng trại, cụ thể hai mươi mét vuông nền chuồng chi phí để làm hỗn hợp men vi sinh hết khoảng ba triệu đồng, trong đó gồm hai kilogam bột vi sinh, hai mươi kilogam bột bắp, còn lại là tiền công. Ông Năm cho hay: mùn cưa và trấu là những nguyên liệu có sẵn ở địa phương; không cần tính toán kỹ, chỉ riêng giảm công chăm sóc, tiết kiệm được nước là đã thấy rõ hiệu quả kinh tế của mô hình. Quan trọng hơn, đây là chìa khóa quan trọng để mở rộng đàn heo mà gia đình ấp ủ từ nhiều năm qua. Ngoài gia đình ông Năm, nhiều hộ khác trên địa bàn thị trấn đã hưởng ứng như ông: Trần Quốc Tuấn, Trần Thanh Tùng…
Xử lý hỗn hợp vi sinh đưa vào chuồng ở gia đình Nguyễn Như Năm (Kp5, Hai Riêng).

Thực tế các mô hình trên cho thấy, vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường đã được giải quyết triệt để, không còn mùi hôi thối, chất thải của heo được vi sinh chuyển hóa thành chất vô hại ngay trong chuồng. Bên cạnh đó, mô hình này còn mang lại hiệu quả về kinh tế. Cụ thể như: tiết kiệm được 80% lượng nước do không phải tắm cho heo hoặc tẩy, rửa chuồng; công lao động cũng giảm đến hơn 60% để làm vệ sinh chuồng trại; Tiết kiệm đến 10% chi phí thức ăn do heo tận dụng được nguồn protein, chất khoáng, vi ta min từ hỗn hợp vi sinh, giúp heo tiêu hóa, hấp thụ thức ăn tốt hơn.
            Ông Nguyễn Ngọc Dậu, Trưởng trạm khuyến Nông- Ngư huyện Sông Hinh, mô hình nuôi heo sử dụng hỗn hợp vi sinh độn chuồng có đầu tư thấp, chồng trại thiết kế đơn giản vì cần sự thông thoáng tối đa. Việc xử lý kỹ thuật làm đệm lót không cầu kỳ, phức tạp nhưng lại có giá trị kinh tế cao, lâu dài. Một đệm lót nền chuồng nếu xử lý tốt, đúng kỹ thuật có thể sử dụng liên tục từ 1 đến 3 năm; nguyên liệu làm hỗn hợp là những vật liệu rẻ tiền sẵn có tại địa phương. Sau cùng lớp độn lót đó được dùng làm phân bón có chất lượng cao cho cây trồng. Ngoài ra, men vi sinh từ bột bắp trong chất độn chuồng có tác dụng kích thích tiêu hóa, giúp heo ăn nhiều hơn.
           
Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp huyện Sông Hinh, mô hình mang lại hiệu quả lớn về môi trường. Thực tế cho thấy, hiện nay trên địa bàn huyện có khá nhiều hộ nuôi heo với qui mô vài chục con. Phần lớn các chất thải như phân, nước tiểu, nước tảy rửa đều đưa trực tiếp ra môi trường. Nhiều hộ có điều kiện hơn thì làm hầm tự hoại nhưng cũng không xử lý hết mùi hôi, gây nhiều bức xúc trong cộng đồng dân cư. Từ những kết quả bước đầu mang lại, mô hình nuôi heo trong chuồng có đệm lót vi sinh là giải pháp hữu hiệu cho các hộ chăn nuôi mở rộng qui mô sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình.
VT

Điểm định canh định cư xã Ea Lâm: Mong được đặt tên buôn



Được Nhà nước đầu tư, gần 100 hộ dân (chủ yếu là đồng bào Ê Đê) ở Ea Lâm đã có đất ở, nhờ vậy cuộc sống ngày càng ổn định và phát triển. Tuy Nhiên người dân nơi đây vẫn mong mỏi chờ đợi xớm được công nhận là một đơn vị buôn để thuận lợi hơn trong sinh hoạt cộng cồng cũng như việc quản lý của chính quyền cơ sở.
Đồng bào khu tái định cư thu hoạch lúa hè thu năm 2012


Sau hơn hai năm triển khai xây dựng, đến nay điểm định canh, định cư tập trung xã Ea Lâm cơ bản đã hoàn thành, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo cán bộ, nhân dân trong xã. Hưởng lợi từ dự án này là những hộ gia đình dân tộc thiểu số du canh, du cư, không có nhà ở, phải ở tạm trên những túp lều ngay tại nương rẫy cách biệt với cộng đồng dân cư hoặc những người đã có vợ chồng con cái nhưng sống trong gia đình ba bốn thế hệ chật chội, mất vệ sinh vì lý do không có đất ở. Vợ chồng Y Rét là một trong những hộ gia đình như vậy. Đến với điểm định canh định cư tập trung, Y Rét được cấp một lô đất ở với diện tích 600m2, ngoài ra còn được hỗ trợ 15 triệu đồng dựng nhà cửa, kéo điện, mua gạo ăn trong thời gian đầu… Cùng với số vốn vợ chồng đã dành dụm và sự giúp đỡ của bà con dòng họ, xóm làng, Y Rét đã làm được ngôi nhà sàn dài chắc chắn. Niềm vui lớn của Y Rét cũng là niềm vui chung của xóm làng. Y Rét phấn khởi cho biết: “Nơi ở mới rộng rãi, sạch sẽ, thoáng mát, có đất làm chuồng bò, làm vườn rau cải thiện; con em không phải nghỉ học vì đường xa, bệnh tật được chữa trị kịp thời vì đường xá thuận lợi. Bà con ai ai cũng phấn khởi biết ơn Đảng, Nhà nước”.
            Ông Ksor Y Tin, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Sông Hinh cho biết, dự án định canh, định cư xã Ea Lâm được đầu tư xây dựng với tổng mức đầu tư hơn sáu tỷ đồng. Trong diện tích 10 hecta chia thành 100 lô với đường giao thông ngang dọc, đi kèm là hệ thống điện lưới ba pha phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Ông Y Đen, Chủ tịch UBND xã Ea Lâm cho hay, Trước khi đến khu định cư, chính quyền xã đã tổ chức họp, bình xét đồng thời tuyên truyền vận động về việc giữ gìn vệ sinh, giữ trật tự an ninh xóm làng và đã nhận được sự đồng tình, nhất trí cao của đông đảo nhân dân. Đến nay hầu hết các hộ đều làm được nhà sàn hoặc nhà xây kiên cố; làm hàng rào bao quanh đất ở, không thả gia súc, gia cầm dưới sàn nhà; làm khu chăn nuôi cách xa nhà ở. An cư lập nghiệp, đời sống kinh tế từng hộ gia đình ngày một đi lên với tinh thần tích cực hăng say động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nâng cao thu nhập và phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Hầu hết hộ gia đình đã có ti vi để xem truyền hình, có xe máy, điện thoại; Nhiều hộ đã xắm được máy cày phục vụ sản xuất; tự bỏ tiền san ủi đất làm ruộng lúa nước, diện tích sắn, mía được mở rộng lên hàng chục hecta. Chủ tịch Y Đen nhấn mạnh: “Đáng mừng nhất là mặc dù dân từ nhiều nơi khác nhau cùng về tập trung sinh sống nhưng bà con luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, tình làng nghĩa xóm gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tin tưởng chấp hành tốt các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, cũng như các qui định ở địa phương”.
            Là một khu quần cư, có vị trí cạnh khe suối Ea Sái nên bà con nơi đây hay gọi nôm na là buôn Ea Sái. Nhưng đó mới chỉ là ý nguyện mong chờ. Bí thư Đảng ủy xã Ea Lâm Lê Văn Hiền bày tỏ: Việc chưa có thành lập đơn vị hành chính cấp buôn gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý, công tác tuyên truyền cũng như hạn chế nhiều việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mỗi người dân. Đơn cử như hộ khẩu của mỗi hộ gia đình hiện vẫn nằm rải rác ở khắp các buôn trong xã, điều đó đồng nghĩa mọi việc họp hành, sinh hoạt cộng đồng người dân phải về nơi ở cũ theo hộ khẩu đăng ký. Chính quyền xã Ea Lâm đã có văn bản đề nghị cấp trên xem xét được thành lập buôn mới nhưng vẫn chưa thấy kết quả. “Mong muốn chung của người dân cũng như chính quyền cơ sở là sớm được công nhận buôn mới để bà con an tâm, cùng nhau đoàn kết xây dựng buôn làng phát triển”- Bí thư Hiền nói.

Lễ đón nhận bằng chuẩn Quốc gia mức độ 1


Chào mừng ngày nhà giáo Việt nam 20/11, Sáng ngày 17/11/2012, Trường Tiểu học Tân Lập (xã Ea Ly, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) long trọng tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1 năm 2012.
Ông Trần Thơ Ấu (Phó CT UBND huyện Sông Hinh) trao bằng công nhận chuẩn Quốc gia

Là một xã vùng cao, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn và mới được thành lập từ năm 1996; nhưng với sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, sự nỗ lực cố gắng của cán bộ, giáo viên, công nhân viên chức và sự giúp sức của toàn xã hội, đến nay cơ sở vật chất của trường đã được đầu tư kiên cố hóa khang trang; 30 phòng học đầy đủ bàn ghế, bảng chống lóa, điện chiếu sáng; khuôn viên trường rộng rãi, sạch sẽ, thoáng mát, hợp vệ sinh; các phòng chức năng, phòng y tế, thư viện được trang bị đầy đủ trang thiết bị đáp ứng nhu cầu học sinh; 43 giáo viên đứng lớp đã được đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn; tỷ lệ học sinh đạt danh hiệu Học sinh giỏi đạt gần 22%, học sinh tiên tiến 30%; Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học sau 5 năm (năm học 2006-2007 đến 2011-2012) đạt 95,2%, vượt chuẩn qui định 5,2%.
Như vậy đến nay, toàn huyện Sông Hinh đã có 01 trường THCS, 03 trường tiểu học và 01 trường mầm non được công nhận đạt trường chuẩn Quốc gia.

Văn Thùy

Bỏ cà phê, trồng cao su


CÀ PHÊ ĐƯỢC MÙA GIÁ THẤP

Sông Hinh đang vào giữa vụ thu hoạch cà phê, năng suất năm nay ước đạt 10 tấn/hecta, cao gần gấp đôi so với năm trước. Mặc dù vậy do giá thu mua thấp, hiệu quả mang lại từ cây cà phê vẫn không hơn nhiều so với niên vụ trước.
Nông dân Sông Hinh thu hoạch cà phê

Được sự đầu tư của Nhà nước, đường liên xã Ea Trol- Ea Bá đi qua nông trường cà phê Ea Bá (nơi có diện tích cà phê nhiều nhất huyện) đã được bê tông hóa thông suốt. Cầu Ea Mkeng, cửa ngõ vào nông trường cũng đã được khánh thành, chấm rứt cảnh cà phê bỏ thối vì ách tắc giao thông trong mỗi mùa mưa lũ. Mặc dù vậy niềm vui của người dân nơi dây vẫn không được chọn vẹn khi đã vào chính vụ mà giá cà phê vẫn kém xa so với cùng thời điểm năm trước. Chị Trần thị Trúc Linh, Nông trường cà phê Ea Bá cho hay, với ba hecta cà phê nhận của nông trường, năm ngoái giá cà phê quả tươi thời điểm này gần 10.000 đồng/kg nên lợi nhuận thu về cũng khá. Có vốn, chị đã đầu tư chăm sóc tốt vườn cà với hơn 60 triệu đồng cho hai lần bón phân; gần 20 triệu đồng hai lần phun thuốc trừ nấm hồng, rệp sáp; hơn 15 triệu đồng tưới nước chống hạn, gần chục  triệu công cắt tỉa cành thừa… Nhờ vậy năng suất ước đạt hơn 12 tấn/hecta, cao hơn ba tấn so với vụ trước. Nhưng với giá cả trung bình 6.500 đồng từ đầu vụ đến nay, trừ hết chi lợi nhuận thu về cũng chỉ được trên dưới chục triệu đồng mỗi hecta.

Còn ông Nguyễn Ngọc Hanh, thị trấn Hai Riêng, có hơn một héc ta cà phê gần khu vực đất sản xuất xã Ea Bar cho hay, năm nay hạn kéo dài gần ba tháng, thiếu nước tưới, cà phê táp lá, quả héo khiến năng suất tụt giảm chỉ bằng 2/3 so với năm trước. ông Hanh chua sót nói: “Đến thời điểm này, tôi đã thu hoạch được bốn tấn cà tươi, khi cộng sổ tính toán thì tiền công hái đã chiếm một nửa, nếu chi li cả tiền đầu tư phân bón, công chăm sóc một năm trời thì coi như hòa vốn”. Theo ông Hanh, giá thu mua cà phê tươi năm nay không ổn định, thời điểm cao nhất là 7.200 đồng, thấp nhất 4.800 đồng một kilogam quả tươi, tính ra không hiệu quả bằng người làm công bởi người trồng cà một nắng hai sương, mong ngóng cả năm trời, hơn thế nữa, chi phí vận chuyển tăng cao vì xăng dầu liên tiếp tăng giá trong những ngày qua. “Hy vọng những ngày sắp tới giá cả tăng thêm chút đỉnh để còn có ít lời cải thiện đời sống gia đình và tái sản xuất cho vụ sau”- ông Hanh thổ lộ.

Những người trồng cà phê ở đây cho biết, giá thu mua tại địa phương chênh lệch khá nhiều so với giá bên các tỉnh như Đăk Lăk, Lâm Đồng. Còn người cà phê ở Sông Hinh đã hái là phải bán trong ngày chứ không có lựa chọn nào khác, vì muốn phơi thì không có nắng, còn sấy khô thì chi phí lại quá cao. Để có thêm thu nhập, trong những ngày đầu vụ quả chín lưa thưa nên các hộ tận dụng hết công nhàn rỗi trong gia đình. Cũng có nhiều hộ sở dữu diện tích cà phê lớn thì tìm giữ cho mình đội công “ruột”. Chị Nguyễn Thị Ly, xã Ea Bar cho biết, dù không có hợp đồng hay giấy tờ gì giằng buộc, nhưng đến hẹn lại lên, cứ vào mùa cà phê là đội công gần chục người ở dưới đồng lại đến làm trong suốt vụ thu hoạch. Theo chị Ly, để giữ chân nhân công trong cả vụ và vụ sau, chủ cà phê phải chuẩn bị tốt chỗ ăn, ở, sinh hoạt, nước non động viên kịp thời, hỗ trợ thêm tiền xăng xe đi lại… Đổi lại, những người làm công coi đây như việc của mình, hiệu quả công lao động đạt cao, ít hao hụt và quan trọng là bảo vệ cây cà phê, hạn chế gãy cành, rụng lá, đảm bảo năng suất cho vụ sau. 
Ông Lê Phước Huệ, Cán bộ Nông Nghiệp xã Ea Bar cho biết, xã Ea Bar là địa bàn có diện tích cao su cao nhất huyện với hơn 1.000 hecta, kinh nghiệm nhiều năm qua cho thấy, năng suất cây cà phê ở đây phụ thuộc nhiều vào thời tiết, lúc hoa nở rất dễ gặp mưa lạnh, dẫn đến thối hoa, rụng quả. Còn thời điểm thu hoạch lại vào đúng mùa mưa, nhiều khi mưa lớn thu hoạch không kịp, quả chín rụng xuống trôi theo nước lẫn vào đất cát. Người hái cà phải mặc hai ba lần áo mưa, trầm mình từ sáng đến tối để dành giật với trời. Chính vì vậy mà công lao động hái cà luôn cao hơn nhiều so với những công việc khác.
Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Sông Hinh cho biết, hiện toàn huyện có khoảng 1.700 hecta cà phê, trong đó chủ yếu là cà phê chè, diện tích tập trung nhiều nhất ở xã Ea Bar, Ea Trol, Ea Ly, Sông Hinh và TT Hai Riêng. Vụ thu hoạch năm nay, năng suất trung bình ước đạt 9,5 đến 10 tấn trên một hecta, tăng 3,2 tấn/hecta so với niên vụ trước. Vào thời điểm này năm ngoái, giá thu mua quả tươi đã ở mức cao, tám nghìn đồng một kilogam, sau đó tăng dần lên chín, mười ngàn một kilogam vào chính vụ, lợi nhuận thu về cũng khá. Còn năm nay, mọi chi phí từ xăng dầu, phân bón, công lao động đều lên, nếu giá thu mua không cải thiện thì người trồng cà phê chỉ hòa vốn, hộ nào chăm sóc tốt, năng suất đạt cao thì may ra có lãi chút đỉnh. Huyện Sông Hinh đã chỉ đạo cán bộ phụ trách nông nghiệp các địa phương bám sát cơ sở, theo dõi, vận động nhân dân tranh thủ thời tiết thuận lợi, thu hái kịp thời nhưng vẫn đảm bảo chất lượng quả hái chín đều, từng bước nâng cao thương hiệu cà phê Sông Hinh.
 

CẢNH BÁO THU HẸP DIỆN TÍCH CÀ PHÊ

Cây cao su đã khẳng định vị thế vững chắc trên vùng đất Sông Hinh, hiệu quả kinh tế mang lại vượt xa cây cà phê khiến đa số chủ rẫy cà chuyển hẳn sang trồng cao su hoặc áp dụng mô hình trồng xen cà phê, cao su…
Cao su Sông Hinh có chất lượng mủ tốt

Thực tế gần chục năm gần đây cho thấy lợi nhuận mang về từ cây cà phê không thực sự rõ nét, thậm chí thua cả cây sắn, cây mía nếu có đầu tư chăm sóc tốt. Năng suất năm nay được, năm sau mất, giá cả bấp bênh và luôn chịu ở mức thấp. Trong khi đó do đặc thù khí hậu vùng, cà phê chín đúng vào mùa mưa, không những vất vả, nhọc nhằn mà luôn bị động trong việc tiêu thụ vì không thể bảo quản bằng việc phơi khô như ở các địa phương khác. Bên cạnh đó, đất trồng cà phê thường là đất đỏ, phì nhiêu, màu mỡ.
Không để lãng phí tài nguyên đất đai, nhiều người đã tìm hướng đi mới bằng cách chuyển đổi cây trồng hợp lý, trong đó phần lớn được chọn là chuyển sang trồng cao su. Ông Phan Xuân Hồng, ở thị trấn Hai Riêng có hơn một hecta cà phê chè, qua nhiều năm thu hoạch, năm 2005 ông Hồng đã quyết định trồng xen cây cao su với cây cà phê. Với mục đích lúc đầu trồng để lấy bóng mát nên qui cách cũng có sự thay đổi, bình thường trồng cao su hàng cách hàng 6m, cây cách cây 3m, còn trong trường hợp này, ông Hồng trồng hàng cách hàng 8m, cây cách cây 3m. Đến nay một hecta cao su với khoảng 400 cây mỗi lần cạo cũng cho năng suất khoảng 40 kg mủ đông, với giá bán 16.000đ/kg, lợi nhuận thu về trung bình được tám triệu đồng/ tháng. Song song với đó, cây cà phê vẫn kinh doanh bình thường dù năng suất có giảm đôi chút. Theo ông Hồng, nếu thực hiện đúng qui trình, trồng thưa, chăm sóc đều tay, cây cao su sẽ có tác dụng hỗ trợ cho cây cà phê khi gặp nắng hạn; bên cạnh đó thời điểm cây cao su rụng lá nghỉ đông cũng là lúc cây cà phê có nhu cầu cao về quang hợp. Hạn chế của mô hình xen ghép này là thời gian thu hoạch cà phê kéo dài hơn do quả chín không đều; việc bón phân cũng như phòng trừ nấm hồng, rệp sáp yêu cầu khắt khe hơn. 
Sông Hinh chăm sóc cao su sau mùa thu mủ

Việc đưa cây cao su vào vườn cà phê diễn ra phổ biến ở hầy hết các địa phương có diện tích cà phê lớn như Ea Trol, Ea Ly, Ea Bar, mạnh nhất là trong khoảng thời gian 3, 4 năm trở lại đây khi mà thực tế cây cao su đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Phan Công Quyền, trưởng thôn Chứ Sai, xã Ea Trol cho biết, trong 300 hecta cà phê của thôn thì đã có gần 90% diện tích đã được trồng xen cao su. Đến nay một số diện tích gần đến tuổi khai thác mủ. Điều đáng nói phần lớn những diện tích này được trồng nhằm để chuyển đổi hẳn từ cà phê sang cao su, mật độ trồng dày, từ 500 đến 550 cây trên một héc ta. Như vậy sản lượng cây cà phê sẽ giảm dần theo độ che phủ của tán cây cao su. Sau khoảng bảy năm khi cây cao su cho mủ cũng là lúc cây cà phê hết tác dụng vì không đủ ánh sáng để quang hợp. Ngay cả vùng trọng điểm cây cà phê là nông trường cà phê Ea Bá, việc trồng xen cao su với cà phê cũng được khuyến khích. Ông Vũ Đức Phong, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Cà phê Ea Bá cho biết, hiện đơn vị đang quản lý một nghìn hecta đất, trong đó có hơn 500 hecta trồng cao su và khoảng 450 hecta cà phê kinh doanh, trong đó hơn một nửa diện tích cà phê đã được trồng cao su, những diện tích cà phê này cũng gần hết tuổi, khi cây cao su cho mủ cũng là lúc kết thúc chu kỳ khai thác. Vì vậy, công ty khuyến khích người trồng cà phê chuyển mạnh sang đầu tư cho cây cao su.    
Nhưng cũng có nhiều người có suy nghĩ khác. Ông Lê Văn Minh, thôn Ea Mkeng, xã Ea Bar nói, qua các phương tiện thông tin, cây cao su đang được trồng tràn lan từ Bắc tới Nam, sang cả các nước bạn như Lào, Cam Phu Chia. Với diện tích rộng lớn như vậy, không biết việc thiêu thụ sản phẩm sau này sẽ ra sao? “Hiện giờ tôi cố gắng chăm sóc tốt hai hecta cà phê của nhà, xem xét, tính toàn kỹ lưỡng rồi mới tìm bước đi tiếp theo”- Ông Minh nói. Còn ông Nguyễn Ngọc Hạnh, khu phố 5 thị trấn Hai Riêng cho biết, với hơn một hecta cà phê năm năm tuổi của mình, ông cũng trồng xen cao su nhưng với mật độ thưa, hàng cách hàng 12m, cây cách cây 3m. Theo ông Hạnh, trồng như vậy lượng mủ mỗi cây cao su cho nhiều hơn, trong khi đó vẫn đảm bảo năng suất cà phê. Quan trọng hơn là sẽ hạn chế được rủi ro sau này.
Dự báo trong thời gian vài năm đến, diện tích cây cà phê sẽ giảm mạnh, thay vào đó là cây cao su. Trưởng phòng nông nghiệp huyện Sông Hinh Nguyễn Khắc Sự cho biết, chủ trương của huyện Sông Hinh là đa dạng hóa vật nuôi cây trồng, chú trọng đầu tư phát triển các cây công nghiệp ngắn và dài ngày có hiệu quả kinh tế cao. Ngoài cây cà phê, cao su, các cây công nghiệp khác được khuyến khích mở rộng như hồ tiêu, mắc ca, ca cao… trên những diện tích đất phù hợp. Với những vườn cà phê già cỗi, hoặc không có sự đầu tư bài bản từ lúc trồng, không chủ động được nguồn nước, năng xuất thấp… cũng nên chuyển đổi sang cây trồng khác phù hợp và hiệu quả hơn.

V Thùy


Thứ Hai, 12 tháng 11, 2012

Địa chỉ nhân đạo


Qua lời giới thiệu của một người quen, sáng ngày 11/12/2012, tôi tìm đến ngôi nhà nhỏ của em Trần Thị Huyền (khu phố 7, thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên); Nhìn em- một học sinh lớp 8 yếu ớt, gầy gò hơn các bạn cùng trang lứa đang chăm sóc mẹ tôi không khỏi động lòng trước hoàn cảnh của em…
Để ruột bên ngoài, cơ thể chị Hậu ngày càng teo tóp

Cách đây 1 năm mẹ của em là Đậu Thị Hậu bị một viên sỏi nhỏ bắn vào mắt khi đi nhổ sắn mì thuê, do không được chữa trị đúng cách nên đã bị hỏng một mắt, ngay sau đó tai nạn lại ập đến với gia đình em khi mẹ em bị đau ruột thừa nhưng không được phát hiện và mổ kịp thời dẫn đến thối ruột và phải cắt đi phần lớn ruột. Bây giờ chị phải đeo ruột mình ở ngoài bằng 1 bì bóng , khúc ruột này thường xuyên chảy mủ, chất dinh dưỡng ra ngoài nên mỗi ngày chị phải mất mấy chục ngàn tiền bông và cồn để thấm, rửa vết thương, trong khi thu nhập của 4 người trong gia đình chỉ khoảng một trăm nghìn đồng một ngày . Việc phải đeo ruột mình rất khó khăn cho việc sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ, cơ thể của chị ngày một teo tóp….
                                                    
Theo lời chị kể thì các bác sĩ ở bệnh viện đa khoa Phú Yên cho biết chị phải được nối ruột nhân tạo thì mới có thể nhét rột vào trong bụng như mọi người; Nếu không sớm chữa trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến tính mạng vì chất dinh dưỡng phần lớn bị chảy ra ngoài, Sức khỏe của chị rất yếu phải nằm liệt giường. Ngoài thời gian học ở trường em phải tất bật với việc chăm sóc mẹ, đi chợ nấu ăn, hướng dẫn em học bài và đưa, đón em tới trường. Gia cảnh em Huyền hiện rất nghèo khổ, không đất sản xuất, tất cả chỉ trông vào nguồn thu nhập rất ít ỏi từ việc làm thuê mướn của cha. Do làm việc nặng nhọc, quá sức lại phải lo toan dành tiền chữa bệnh cho vợ, tiền học cho 2 con nên cha em là Trần Ngọc Thành cũng thường xuyên đau yếu, Em kể: “ông vừa phải nghỉ hơn 1 tuần vì trẹo xương , nhiều lúc ba em vừa uống thuốc, vừa đi làm để kiếm tiền nuôi gia đình”. Từ khi mẹ  bị bệnh nặng đến nay, kinh tế gia đình em càng khó khăn hơn. Em cho biết năm học vừa rồi gia đình mua sách vở và may áo đồng phục cho em thì không còn tiền mua sách cho em của em đang học tiểu học, rất may có người hàng xóm tốt đã cho lại bộ sách cũ .
Hàng ngày, hai chị em Huyền thay nhau ở bên mẹ để chăm sóc

“Ước mong của chúng em là được đến trường như các bạn bè, nhưng nếu cứ đà này chắc hai chị em phải bỏ học mất vì không có tiền và phải ở nhà lo toan chăm sóc mẹ; Em rất mong có tiền để mẹ em chữa khỏi bệnh, đi lại ăn uống bình thường để em có điều kiện đi học”- Huyền nói.
Thầy Nguyễn Quang Hiển, Chủ nhiệm lớp 8C, trường THCS Trần Phú, huyện Sông Hinh, tỉn Phú Yên cho biết: Hoàn cảnh của hai chị em Trần Thị Huyền rất thương tâm, mong các nhà hảo tâm, các tổ chức từ thiện trong và ngoài nhà trường, hãy mở rộng lòng nhân ái giúp đỡ để mẹ em được nối ruột nhân tạo, có sức khỏe để chăm sóc 2 con , giúp em yên tâm tới trường cùng bạn bè.
"Chúng em không muốn nghỉ học..."- Huyền nói.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về em Trần Thị Huyền , lớp 8c5 trường THCS Trần Phú hoặc ông Trần Ngọc Thành- KP7- thị trấn Hai Riêng – huyện Sông Hinh-tỉnh Phú Yên. Hoặc Đài TT-TH huyện Sông Hinh, ĐT 01633762672.
                                                                 Văn Thùy

Ngày hội đại đoàn kết ở buôn Lê Diêm, thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên


Chiều ngày 12/11/2012, buôn Lê Diêm, thị trấn Hai Riêng tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc chào mừng kỷ niệm 82 năm ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11/1930- 18/11/2012). Đến dự có đồng chí Lê Tấn Hổ, Bí thư Huyện ủy Sông Hinh.
Tặng quà cho hộ gia đình nghèo ở buôn Lê Diêm trong ngày Đại đoàn kết

Diễn văn tại buổi lễ nêu rõ, sau 17 năm thực hiện cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống mới ở khu dân cư; 12 năm thực hiện cuộc vận động Ngày vì người nghèo, đến nay bộ mặt kinh tế, văn hóa, xã hội của buôn Lê Diêm đã có nhiều khởi sắc. Cụ thể như toàn buôn đã có 05 hộ vươn lên thành hộ giàu, 52,7% hộ khá, trung bình; 09 hộ có máy cày, 04 máy xay xát; 90% hộ có điện thoại và xe máy; 95% họ có ti vi; 90% hộ có nhà kiên cố; bình xét năm 2012, đã có gần 50% hộ gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa. Trong buôn không có hộ nào bị kẻ xấu xúi dục lôi kéo theo tin lành Đề ga.
Phát biểu tại buổi lễ của lãnh đạo Huyện ủy, lãnh đạo thị trấn Hai Riêng khẳng định: Là buôn có phần lớn là đồng bào dân tộc Ê Đê, điểm xuất phát thấp, những kết quả đạt được như trên thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực, đoàn kết, thống nhất lớn của cán bộ và nhân dân buôn Lê Diêm.
Nhân dịp ngày đại đoàn kết, hội chữ thập đỏ và Mặt trận huyện Sông Hinh đã tặng 10 suất quà, mỗi suất trị giá 250.000đ cho các gia đình thuộc đối tượng nghèo, nạn nhân chất độc da cam trong buôn Lê Diêm.

V Thùy

Trao nhà tình thương cho Mí Ngai, Buôn Chung, xã Ea Bar, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên

Trao nhà tình thương cho Mí Ngai (áo đen đứng giữa) và con gái bị tật bẩm sinh

Sáng ngày 12/11/2012, xã Ea Bar, huyện Sông Hinh (tỉnh Phú Yên) tổ chức lễ bàn giao nhà tình thương cho gia đình Mí Ngai ở buôn Chung; Ngôi nhà được xây bằng gạch, vữa xi măng, nền lát gạch men, mái lợp ngói… với tổng trị giá 50 triệu đồng.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nay Y Tôn, Bí thư Đảng ủy xã Ea Bar nói: Gia đình Mí Ngai là trường hợp đặc biệt khó khăn, Mí Ngai đã lớn tuổi và chỉ có hai mẹ con sống nương tựa, trong khi đó người con gái bị tật, không có khả năng lao động. Hai mẹ con Mí Ngai ở trong ngôi nhà ván gỗ đã cũ nát, xiêu vẹo, không an toàn trong mùa mưa bão. Để giúp Mí Ngai có nhà ở, Chính quyền xã Ea Bar đã vận động, quyên góp các đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, cán bộ, đảng viên được 50 triệu đồng và tiến hành xây nhà cho Mí Ngai. Trong tổng số tiền đó, Viện nghiên cứu cao su Việt nam đã hỗ trợ 40 triệu đồng.
Đại diện gia đình, Mí Ngai xúc động phát biểu bày tỏ lòng biết ơn đến Đảng, Chính quyền địa phương, các doanh nghiệp đã ân cần đến thăm hỏi, quan tâm giúp đỡ.
Nhân dịp này, Lãnh đạo Viện nghiên cứu cao su Việt Nam đã tặng gia đình Mí Ngai một ti vi màu 20 inh, Chính quyền xã Ea Bar cũng tặng gia đình mí Ngai 01 nồi cơm điện.
Sau dây là một vài hình ảnh tại buổi lễ.
Ông Nay Y Tôn đại diện địa phương cảm ơn các đơn vị đã hỗ trợ xây nhà
Tặng quà cho gia đình Mí Ngai nhân ngày về nhà mới
"Được hỗ trợ xây nhà tình nghĩa là niềm vui lớn của tập thể, cán cộ, CNVC đơn vị"- lãnh đạo Viện nghiên cứu cao su Việt Nam phát biểu
Chúc mừng gia đình Mí Ngai về ở nhà mới
 
Cường - Thùy

Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2012

Xây dựng Đảng từ trong lòng dân


                                                                                             VĂN THÙY 


Ea Bar (huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) là một xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Toàn xã có 1370 hộ, hơn 5400 khẩu, 12 chi bộ trực thuộc Đảng bộ xã với 106 đảng viên. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), từng cán bộ, đảng viên luôn bám sát địa bàn, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, từ đó, đã có nhiều việc làm thiết thực chăm lo đời sống nhân dân, tạo niềm tin yêu của nhân nhân với Đảng, chính quyền cơ sở.  
Bí thư Đảng ủy Ea Bar Nay Y Tôn (áo trắng) thường xuyên đến thăm hỏi những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Giờ đây, ước mơ của Mí Ngai (buôn Chung, xã Ea Bar) đã trở thành hiện thực, một ngôi nhà cấp bốn mới xây khang trang rộng 24m2 cho Mí Ngai vừa khánh thành, thay thế ngôi nhà ván gỗ liêu xiêu, chật hẹp. Với Mí Ngai, ở tuổi ngoài sáu mươi, hàng ngày dù có nỗ lực, cố gắng làm lụng vất vả cũng chỉ đủ kiếm cơm gạo qua ngày nuôi người con gái tật nguyền mất khả năng lao động; vì vậy, dù thuộc đối tượng được hưởng chính sách xóa nhà tạm, nhưng Mí Ngai cũng không có tiền để đối ứng. Trong khi đó, nhà cũ đang xuống cấp trầm trọng mà mùa mưa thì sắp đến. “Nhờ có Đảng ủy xã quan tâm, giúp đỡ mà mẹ con tôi có được ngôi nhà trong mơ này, từ bây giờ không phải lo sợ mối khi đến mùa mưa bão nữa”- Mí Ngai phấn khởi nói.
Để có ngôi nhà trên, Đảng ủy xã Ea Bar đã vận động cán bộ, đảng viên và các đơn vị doanh nghiệp, nhà hảo tâm đóng trên địa bàn xã hỗ trợ, trong đó nhiều nhất là Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam, tại Ea Bar, với số tiền 40 triệu đồng, cán bộ, đảng viên và các nhà hảo tâm góp 10 triệu đồng, ngoài ra còn có hàng chục công lao động tại địa phương hỗ trợ. Trước đó không lâu, một nhà tình nghĩa cũng đã được bàn giao cho hộ gia đình Y Phương ở khu tái định cư xã Ea Bar, phần lớn nhà tình nghĩa được xây là tiền do cán bộ, đảng viên Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cà phê Ea Bá đóng trên địa bàn xã ủng hộ. Bí thư Đảng ủy xã Ea Bar Nay Y Tôn cho hay, xác định dân là gốc, việc chăm lo đến đời sống nhân dân cũng là một nhiệm vụ quan trọng của các cấp ủy Đảng. Với quan điểm đó, đầu năm 2012, Đảng ủy xã đã thành lập Ban chỉ đạo Vì người nghèo, thành viên là cán bộ chủ chốt của xã, thôn, đại diện các ban ngành đoàn thể, trong đó đồng chí Bí thư Đảng ủy xã trực tiếp làm trưởng ban chỉ đạo. Mục đính chính của Ban chỉ đạo là phát hiện, báo cáo kịp thời cho Đảng ủy những trường hợp khó khăn đặc biệt cần giúp đỡ, từ đó Đảng ủy có kế hoạch tổ chức, triển khai vận động các tổ chức, cá nhân hảo tâm, các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị xã hội chung tay ủng hộ. Từ chủ trương trên, nhiều hộ gia đình đặc biệt khó khăn được hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần như Mí Ngai, H Tú (buôn Thứ), Ma Bút (buôn Quyen)…
Cũng theo Bí thư Tôn, để kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng, cũng như những khó khăn vướng mắc đột xuất ở cơ sở, ngoài việc duy trì đều đặn lịch giao ban bí thư các chi bộ hàng tháng, Đảng ủy xã thường xuyên xuống cơ sở tiếp xúc đối thoại với nhân dân, vừa trực tiếp nghe dân nói, vừa có điều kiện xác minh tình hình thực tế; Song song với đó, Đảng ủy xã chỉ đạo các ban ngành đoàn thể bám sát địa bàn, kịp thời báo cáo diễn biến tư tưởng trong quần chúng nhân dân và những vấn đề cần giải quyết, từ đó Đảng ủy có sự chỉ đạo, tạo sự thống nhất chung trong toàn hệ thống chính trị.
Với nỗ lực chung của toàn Đảng bộ, sự quan tâm giúp đỡ của cấp trên, nhiều ý kiến, kiến nghị, tâm tư nguyện vọng của nhân dân đã được giải quyết thỏa đáng, tiêu biểu như việc giải quyết đất ở cho gần một trăm hộ dân thiếu đất, đang ở trên nương rẫy, xa cộng đồng dân cư, hoặc đang ở chung trong gia đình nhiều thế hệ; hay việc đầu tư nhiều kilômet đường điện lưới quốc gia đến các hộ dân xa xôi, hẻo lánh, nằm sâu dưới chân núi thuộc thôn Ea Din. Phấn khởi nhất là đường liên xã Ea Bar- Ea Trol đã được nhà nước đầu tư bê tông hóa kiên cố thông suốt, hàng trăm em học sinh ở các thôn Ea MKeng, Ea Din, Chư Blôi không phải nghỉ học trong những đợt mưa lũ dài ngày; hàng nghìn hecta đất đai màu mỡ được bà con nhân dân yên tâm đầu tư thâm canh sản xuất với những cây trồng có giá trị kinh tế cao như cao su, sắn, mía, mắc ca…
Cán bộ, đảng viên xã Ea Bar luôn gần dân, lắng nghe dân.

 Để đạt được những kết quả đó, trong  thời gian qua, Đảng ủy xã Ea Bar đã có nhiều sự quan tâm trong công tác xây dựng Đảng, trong đó đặc biệt là việc phổ biến, triển khai nghiêm túc Nghị quyết TW 4 khóa XI “một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đến từng cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân, gắn với Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Trong các buổi chào cờ đầu tuần, Đảng ủy xã đưa nội dung kiểm điểm, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao của các tập thể, cá nhân; kiểm điểm tinh thần, thái độ, phục vụ nhân dân; tác phong, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên trong cộng đồng dân cư… Già làng Oi Gin, xã Ea Bar phấn khởi cho hay, “được Đảng, nhà nước quan tâm đến vùng đồng bào dân tộc, đời sống xã hội của bà con buôn làng ngày càng đổi thay, buôn nào cũng có đường bê tông, có điện xem ti vi, làm máy xay xát, có lúa gạo đủ ăn, có cây sắn, cây cao su để làm giàu; cán bộ thôn, xã ngày càng tận tình, năng nổ, không nề hà giúp đỡ mọi việc khi dân cần, rõ nét nhất là khi Đảng ta ban hành Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Bà con buôn làng mong muốn Nghị quyết Trung ương 4 được các cấp thực hiện nghiêm túc để kịp thời uốn nắn, giúp đỡ, xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên tâm huyết, giàu sức cống hiến, góp phần đưa quê hương, đất nước ta phát triển nhanh và bền vững”.
 Ông Nguyễn Chí Hiền, Huyện ủy viên, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Sông Hinh phụ trách địa bàn xã Ea Bar nhận xét: Với đặc thù là một xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên Ea Bar vẫn còn không ít khó khăn, thách thức. Vượt lên trên những khó khăn đó, từng cán bộ, đảng viên đã nêu cao tinh thần đoàn kết, từng bước tạo chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng Đảng; Cùng với đó, việc đẩy mạnh cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn thực hiện Nghị quyết TW 4 (khóa XI), năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và từng đảng viên không ngừng được nâng lên, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, với Bác Hồ kính yên./.

Thứ Hai, 5 tháng 11, 2012

DU LỊCH SÔNG HINH TIỀM NĂNG VÀ TRIỂN VỌNG PHÁT TRIỂN


Tiềm năng du lịch Sông Hinh
                                     Phạm Văn Bảy
 Trưởng Phòng Nghiệp vụ Du lịch,
                                      Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Phú Yên
Thú vui tao nhã

1. Nhận dạng một số tài nguyên du lịch tiêu biểu của huyện Sông Hinh:
Sông Hinh là một huyện miền núi nằm ở phía tây nam của tỉnh Phú Yên, cách thành phố Tuy Hòa 54 km, phía đông giáp huyện Tây Hòa, phía tây giáp huyện Krông Pa và huyện Madrak, phía nam giáp huyện Ninh Hòa, phía bắc giáp huyện Sơn Hòa, có tài nguyên du lịch khá phong phú.
Tài nguyên du lịch tự nhiên:
 - Lòng hồ và nhà máy Thuỷ điện Sông Hinh: Nằm trên phạm vi 2 xã Đức Bình Đông và Sông Hinh; diện tích rộng 41km2 với nhiều loài cá nước ngọt sinh sống, trong đó có nhiều loại đặc sản như cá mã, cá sảnh, cá lăng, cá thác lác...; có thảm thực vật bao quanh hồ phong phú; có các bãi tắm ven hồ, ven một số đảo, khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm. Quanh hồ là những cánh rừng nguyên sinh xanh bạt ngàn. còn có tiềm năng du lịch sinh thái rất lớn. Du khách đến đây sẽ tham quan hệ thống đập ngăn nước đồ sộ và nhà máy thuỷ điện Sông Hinh; hoặc du thuyền trên lòng hồ để ngắm cảnh, thưởng thức đặc sản hoặc vào thăm các buôn làng sinh sống ở quanh khu vực hồ.
- Lòng hồ và nhà máy thuỷ điện Sông Ba Hạ: Nằm trên phạm vi địa phận 3 huyện: Sơn Hoà, Sông Hinh (Phú Yên) và KrôngPa (Gia Lai). Diện tích mặt hồ trên 60 km2, đây là công trình thuỷ điện lớn của cả nước; Công trình thuỷ điện Sông Ba hạ cùng với hồ chứa nước, gần với Khu bảo tồn thiên nhiên Krông Trai, các khu rừng tự nhiên trong vùng sẽ là tiềm năng to lớn để phát triển du lịch sinh thái theo trục Đông - Tây của tỉnh.
- Hồ trung tâm thị trấn Hai Riêng: Diện tích mặt nước: 17ha, có thảm thực vật bao quanh hồ phong phú; có các bản làng người dân tộc thiểu số sinh sống quanh hồ; khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm, được xem là lá phổi của thị trấn. Nơi đây các thể hình thành trung tâm du lịch phía Tây Nam của tỉnh gắn với các cơ sở vật chất kỷ thuật: Khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, mua sắm.
- Lòng hồ và nhà máy thủy điện Krông-Hnăng: Diện tích mặt hồ 24km2, phần lớn nằm trên địa phận huyện Krông-Hnăng (Đắc Lắc), công trình nhà máy thuỷ điện nằm trên địa phận huyện Sông Hinh (Phú Yên). Nơi đây có tiềm năng du lịch sinh thái, tuy nhiên cần có sự liên kết giữa 2 tỉnh.
Ngoài ra còn có các tài nguyên du lịch tự nhiên khác như: Thác H’ly (buôn Kít xã Sông Hinh), thác MaRe (xã Đức Bình Tây), sông Nhau (xã Sơn Giang)…
Tài nguyên du lịch nhân văn:
Sông Hinh có văn hóa cồng chiêng gắn với nhiều lễ hội văn hóa, tín ngưỡng đặc sắc mang nhiều nét truyền thống văn hóa, bản địa của người dân tộc thiểu số như: Lễ hội đâm trâu, lễ hội mừng lúa mới, lễ bỏ mã, lễ mừng thọ…; các sử thi, truyện cổ tích dân gian, các điệu múa truyền thống, nhạc cụ cồng chiêng, Arap; Làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống; Ẩm thực với đặc sản như cá lăng, cá bống, gà vườn, heo rừng lai và các loại rượu cần…                
Hồ thủy điện Sông hinh
                  
Một số tài nguyên du lịch trong mối liên hệ vùng với Sông Hinh:
Khu bảo tồn thiên nhiên Krông Trai: nằm trên địa bàn 2 xã Suối Trai và Krông Pa - huyện Sơn Hoà; có diện tích trên 22 nghìn ha, trong đó rừng tự nhiên 12.340ha. Với vị trí địa lý thuận lợi, giàu tài nguyên thiên nhiên và nhân văn, nên khu bảo tồn thiên nhiên Krông trai có điều kiện để phát triển du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học kết hợp với văn hoá;
Thác Hoà Nguyên thuộc xã Sơn Nguyên - huyện Sơn Hoà, với phong cảnh khu rừng nguyên sinh, nhiều loài sinh vật quý hiếm, kết hợp không khí trong lành, mát mẻ;
Đập Đồng Cam thuộc xã Hoà Hội - huyện Phú Hoà, một công trình kiến trúc có giá trị mỹ thuật cao, có ý nghĩa về lịch sử và kinh tế. Hằng năm vào này mồng 8 tháng giêng âm lịch, nhân dân địa phương tổ chức lễ hội Đồng Cam, thu hút hàng ngàn lượt khách tham quan du lịch;
Vực Phun nằm ở thượng nguồn sông Bánh Lái thuộc xã Hoà Mỹ Tây, huyện Tây Hoà, có thể phát triển thành một khu du lịch hấp dẫn, thu hút khách đến tìm hiểu sinh thái rừng, leo núi, tắm suối, cắm trại và nhiều hoạt động vui chơi khác;
Suối nước nóng Lạc Sanh thôn xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hoà, nơi đây có tiềm năng lớn để phát triển loại hình du lịch sinh thái kết hợp với nghỉ dưỡng, chữa bệnh. Ngoài ra, đến đây du khách có thể tắm nước nóng, bùn hoặc đắm mình trong dòng nước mát của sông Chống Gậy.
            Ngoài ra, còn có các suối, cảnh đẹp có thể kết hợp khai thác phát triển du lịch như: Suối Lạnh (xã Hoà Thịnh – Tây Hoà), cụm hồ Mỹ Lâm và Đá Bàn (Hoà Thịnh - Tây Hoà); Di tích lịch sử quốc gia Đường 5 (ĐT645)...
- Là nơi tiếp giáp giữa khu vực đồng bằng và miền núi cao nguyên, có hệ thống các sông, suối, hồ lớn, có ý nghĩa quan trọng về phòng hộ, dự trữ nguồn nước, giảm tác động thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái.
- Là vùng đất có lịch sử phát triển lâu đời, giàu truyền thống hào hùng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ tổ quốc, nhưng cũng là vùng luôn nhạy cảm về dân tộc, tôn giáo.
- Là địa bàn đang hình thành các tuyến giao thông quan trọng, tạo thuận lợi cho giao lưu, hợp tác, liên kết phát triển với các vùng trong và ngoài tỉnh và là một trong những cửa ngõ nối các tỉnh Phú Yên với các tỉnh Tây Nguyên:
+ Tuyến tỉnh lộ ĐT 645 đi qua thị trấn Hai Riêng, kiến nghị Trung ương chuyển ĐT 645 đi Đắc Lắc thành quốc lộ;
+ Đang xây dựng tuyến Đông Trường Sơn của quốc gia đi qua địa bàn huyện Sông Hinh và trục giao thông phía Tây nối 3 tỉnh Bình Định – Phú Yên và Đăk Lăk;
+ Đang đề nghị Trung ương đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Tuy Hoà – Tây Nguyên, phần đi qua địa bàn Tây Hoà, Sông Hinh dài khoảng 30 km.
Việc phát triển hạ tầng giao thông là một yếu tố quan trọng để nhà đầu tư và khách du lịch có nhiều điều kiện thuận lợi để tiếp cận với tài nguyên du lịch của huyện Sông Hinh.

3. Triển vọng phát triển du lịch Sông Hinh:

Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 122/2008/QD-TTg ngày 29/8/2008 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Yên đến 2020, trong đó:
- “...Xây dựng tỉnh Phú Yên thành một cửa ngõ mới ra hướng Đông cho vùng Tây Nguyên; phấn đấu trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ lớn trong khu vực và cả nước. Hình thành cụm đầu mối giao thông đường sắt, đường thủy, đường bộ Đông Tây và đường hàng không...”. “...Từng bước xây dựng  du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, công nghiệp “sạch” mang màu sắc độc đáo riêng... Tôn tạo các di tích, danh thắng, các điểm du lịch gắn với công tác bảo vệ môi trường. Tăng cường thu hút vốn đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, khu nghỉ mát... đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch và chất lượng phục vụ du khách, đa dạng hóa các hoạt động du lịch. Phát triển nghề thủ công truyền thống, tạo sản phẩm độc đáo mang sắc thái địa phương phục vụ khách du lịch”.
- Đối với hướng Đông – Tây: Nối Phú Yên với các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung thông qua các hành lang kinh tế: quốc lộ 25, ĐT645, QL 24, 14, 19... Hướng này phát triển du lịch với văn hoá các dân tộc, khai thác các cảnh quan tự nhiên, các tiềm năng du lịch miền núi và gắn với du lịch biển. Trong đó tập trung khai thác các điểm du lịch: các hồ chứa nước lớn: hồ thuỷ điện Sông Hinh, hồ thuỷ điện Sông Ba Hạ, hồ Phú Xuân, hồ Đồng Tròn, hồ Xuân Bình...Các thác suối: thác Hoà Nguyên, thác Cây Đu, thác Mơ, vực Phun, Thác Hàng, Vực Hòm, Vực Song... Các nguồn nước khoáng: Phú Sen, Lạc Sanh, Triêm Đức...và các di tích lịch sử: Núi đá bia, mộ và đền thờ Lê Thành Phương, mộ và đền thờ Lương Văn Chánh, nhà thờ Bác Hồ, hội trường mùa xuân ở Sơn Định...xây dựng Vân Hoà trở thành đô thị du lịch trung tâm nghỉ mát của Phú Yên. Xây dựng một số buôn làng văn văn hoá du lịch của đồng bào các dân tộc, thu hút khách du lịch (các buôn khu vực gần hồ thuỷ điện Sông Hinh, buôn Hoà Ngãi –Sơn Hoà...)...
Hiện nay, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đang lập Quy hoạch phát triển du lịch Phú Yên đến năm 2020. Căn cứ vào sự phân bố tài nguyên du lịch, nguồn lực và các điều kiện có liên quan, định hướng phân vùng các không gian du lịch của tỉnh Phú Yên thành bốn không gian du lịch có các tính chất phát triển khác nhau bao gồm:
(1) Không gian du lịch trung tâm: bao gồm thành phố Tuy Hòa và một số vùng phụ cận thuộc huyện Đông Hòa, Phú Hòa, Tuy An;
(2) Không gian du lịch nghỉ dưỡng biển đảo: bao gồm thị xã Sông Cầu và một phần của huyện Tuy An ;
(3) Không gian du lịch miền núi phía Tây Bắc: bao gồm Cao Nguyên Vân Hòa và vùng phụ cận thuộc các huyện Sơn Hòa, Đồng Xuân, Tuy An ;
(4) Không gian du lịch miền núi phía Tây Nam: bao gồm huyện Sông Hinh và vùng phụ cận thuộc các huyện Sơn Hòa, Tây Hòa, Phú Hòa; Không gian du lịch này có những điểm như sau:
- Trung tâm du lịch chính là thị trấn Hai Riêng gắn với hồ thủy điện Sông Hinh và khu tiểu vùng là Khu bảo tồn thiên nhiên Krông Trai gắn với hồ thủy điện Sông Ba Hạ.
- Đây là vùng có tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn khá phong phú; nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, vùng căn cứ cách mạng, vùng có nhiều di tích lịch sử văn hoá, phong cảnh đẹp, núi non hùng vĩ, hoang sơ, nhiều lễ hội mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc…
- Các h­ướng khai thác và sản phẩm du lịch chủ yếu:
+ Hoạt động du lịch chính của không gian này là du lịch sinh thái rừng và văn hoá bản địa đồng thời có tính chất bổ trợ cho các sản phẩm du lịch thương mại, công vụ và du lịch nghỉ dưỡng biển đảo của tỉnh.
+ Địa bàn chính để tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái là khu vực Khu bảo tồn thiên nhiên Krông Trai, hồ thủy điện Sông Hinh, hồ thuỷ điện sông Ba Hạ, các nguồn nước khoáng: Lạc Sanh, Phú Sen...
+ Hình thành một số buôn làng văn hoá du lịch của đồng bào các dân tộc thu hút khách du lịch (trước mắt ưu tiên khu vực trung tâm của thị trấn Hai Riêng và cụm xã của huyện Sông Hinh, ...).
+ Ẩm thực đặc trưng của vùng núi Sông Hinh gán với các hồ thuỷ điện…
- Đối tượng và thị trường khách du lịch chủ yếu của không gian du lịch này là khách du lịch nghỉ ngơi cuối tuần hoặc vào các dịp lễ hội, dân địa phương, khách từ TP Tuy Hoà, Khu kinh tế Nam Phú Yên; tương lai là khách từ các thị trường Duyên hải Nam Trung Bộ; khách du lịch quốc tế nghỉ dưỡng thuần túy dài ngày hoặc khách từ các khu nghỉ dưỡng biển của tỉnh đến đây theo các tour du lịch.
- Các tuyến du lịch có thể hình thành:
+ Tuyến du lịch nội tỉnh: Tuy Hòa - sông Hinh -  Sơn Hòa (Thời gian: 1 - 2 ngày): Các khu, điểm chính nằm trên tuyến du lịch này: suối nước nóng Phú Sen - hồ thủy điện Sông Hình - hồ thủy điện sông Ba Hạ - thị trấn Hai Riêng -  - Khu bảo tồn thiên nhiên Krông Trai - khu du lịch sinh thái Sơn Nguyên - thắng cảnh thác Kraitang, Hly, các buôn làng dân tộc như các làng văn hoá dân tộc buôn La Diêm…;
+ Tuyến du lịch Đông - Tây: Trung tâm không gian du lịch Phía Tây sẽ là điểm dừng chân của du khách trên tuyến du lịch từ Tuy Hoà lên Tây Nguyên hoặc ngược lại.
4. Đề xuất một số giải pháp phát triển du lịch huyện Sông Hinh:
1. Phát triển du lịch của huyện Sông Hinh phải đặt trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh.
2. Phát huy tối đa nội lực, tranh thủ sự hổ trợ đầu tư của Trung ương, thu hút mạnh mẽ các nguồn lực từ các thành phần kinh tế đầu tư hạ tầng;
3. Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải; ưu tiên đầu tư những điểm có lợi thế nội tại, có lợi thế so sánh, có sản du lịch độc đáo để đầu khai thác hiệu quả, tạo bước phát triển đột phá. Phối hợp chặt chẽ với các hoạt động du lịch của tỉnh, các vùng lân cận để đầu tư kết cấu hạ tầng, khai thác phát triển các điểm du lịch, hình thành các sản phẩm du lịch độc đáo mang màu sắc văn hoá dân tộc, có nét đặc thù riêng: sinh thái rừng, hồ, tắm nước khoáng, vui chơi giải trí, lễ hội dân gian.....
4. Tăng cường công tác giáo dục, nâng cao nhận thức của các cấp, cá ngành và cộng đồng về vai trò, vị trí của ngành du lịch trong phát triển kinh tế xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể gắn với phát triển du lịch;
5. Phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường theo hướng bền vững; khi thực hiện các dự án phát triển du lịch phải đánh giá và xử lý tác động môi trường; giữ gìn đa dạng sinh học, cảnh quan; khuyến khích phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.