Cảnh xô đẩy nhau để lấy phiếu đăng ký tại trường MN Hoa Mai Sông Hinh |
Chứng kiến buổi bán hồ sơ nhập học cho lứa tuổi nhà trẻ vào sáng ngày 23/8 tại trường Mầm non Hoa Mai huyện Sông Hinh (Phú Yên) mới thấy được nỗi khổ của những cha mẹ phụ huynh. Khá vất vả để có một bản đang ký, lấy số thứ tự. Chen lấn, giằng co, xô đẩy- vì tương lai của con em mình- họ đã chờ đợi từ nhiều ngày trước. Những người đến đăng ký sớm còn có cơ hội được mua hồ sơ gửi trẻ, còn đến muộn thì chỉ còn cách đứng nhìn rồi ra về. Nhu cầu quá lớn còn trường lớp thì có hạn gây bức xúc cho nhiều bậc phụ huynh. Anh Nguyễn Huy, khu phố 1, thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh cho biết: “Chờ đợi mãi mới đến ngày bán hồ sơ, tôi đến đây từ 6 giờ sáng nhưng đã có rất đông người đến trước lấy số thứ tự. Không gửi được con vào nhà trẻ thì làm sao mà yên tâm làm ăn được”.
Là người dân tộc
thiểu số, để con mình có cơ hội học tập, giao lưu với trẻ em khác, sớm tiếp cận
với tiếng phổ thông, anh Y Hoàng, buôn Bầu, xã Ea Trol đã chầu chực ở đây từ 04
giờ sáng. Dù đã đăng ký được, nhưng với lứa tuổi 19-24 tháng, chỉ tiêu ít, Y Hoàng
cũng gần như không có cơ hội thực hiện ước mong của mình. “Trẻ dưới 19 tháng
tuổi còn có cơ hội đến trường năm sau, còn con tôi đã 23 tháng tuổi, coi như hết
cơ hội rồi, lại mất một năm nhốt trẻ ở nhà vì chẳng có trường học, buồn quá’- Y
Hoàng than vãn.
Nguyên nhân của
tình trạng trên là do cung không đủ cầu. Mặc dù chỉ tiêu nhận trẻ của trường là
khoảng 80 hồ sơ, nhưng thực tế người đăng ký đã tăng gấp 3- 4 lần, phần lớn họ
là ở thị trấn Hai riêng và một số lân cận như Ea Trol, Ea Bia, Đức Bình Đông.
Bà Nguyễn Thị Thu, Hiệu trưởng trường MN Hoa Mai huyện Sông Hinh cho biết, biết
trước được tình trạng trên, trong công tác nhận trẻ năm nay, trường cương quyết
không bán trước bất kỳ bộ hồ sơ nào, tuyệt đối công bằng con cán bộ, hay con
người dân. Đến thời điểm này, hầu hết các lớp từ mẫu giáo đã quá tải, vượt từ 7
đến 9 học sinh mỗi lớp so với qui định của Bộ Giáo dục. Dù rất thông cảm nhưng
nhà trường cũng không thể đáp ứng hết các nhu cầu của phụ huynh. Ngay trong
biên chế chỉ tiêu 80 hồ sơ nhận trẻ năm nay, trường cũng đã tính toán đến vượt
số lượng cháu trong mỗi lớp nhưng chũng chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu
gửi trẻ của phụ huynh. “Để đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh như năm
nay, cần ít nhất từ 3 đến 5 phòng; về tương lai thêm cả chục phòng thì mới đảm
bảo nhu cầu và chất lượng dạy học cho nhân dân trên địa bàn thị trấn”- chị
Nguyễn Thị Thu, nói.
Như
vậy, ngoài 80 cháu được nhận vào trường MN Hoa Mai thì còn hàng trăm trẻ em
khác trong lứa tuổi nhà trẻ sẽ không có cơ hội đến trường, không được giao lưu
với trẻ em cùng lứa, không được tiếp cận với phương thức giáo dục mới, với với
những giáo viên được đào tạo bài bản.
Hơn thế nữa, còn rất nhiều trẻ em khác lứa tuổi nhà trẻ trong huyện cũng trong
tình trạng như vậy bởi trường mầm non Hoa Mai là đơn vị duy nhất trong huyện là
cơ sở giáo dục lứa tuổi nhà trẻ từ 6 đến 36 tháng tuổi. Bà Nguyễn Thị Hoa, cán
bộ Phòng giáo dục, phụ trách lĩnh vực mầm non, huyện Sông Hinh cho biết: Hiện
nay, ngoài trường MN Hoa Mai, trường mẫu giáo xã Đức Bình Tây cũng có lớp nhà
trẻ nhưng chỉ ở một độ tuổi là 24 -36 tháng tuổi. còn lại các trường mẫu giáo
khác trong huyện chỉ nhận trẻ từ 36 tháng tuổi trở lên. Năm học trước, huyện
Sông Hinh cũng đã cấp phép cho 02 trường tư nhân, nhưng do kinh phí cao, người
dân ít tin tưởng, trong khi điều kiện kinh tế phần đa còn hạn chế nên các
trường này không đảm bảo số lượng, đã giải thể. “Là huyện miền núi còn nhiều
khó khăn, ngành giáo dục đã nhiều lần ý kiến lên cấp trên, lên hội đồng nhân
dân Tỉnh để được đầu tư xây dựng thêm các trường mẫu giáo nhà trẻ nhưng vẫn
chưa được giải quyết. Trước mắt, Phòng chỉ đạo cho trường MN Hoa Mai bố trí,
sắp xếp hợp lý, để có thể nhận thêm cháu nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng giáo
dục, đảm bảo sức khỏe cho giáo viên cũng như các cháu tại lớp học”- Chị Nguyễn
Thị Hoa, cán bộ Phòng giáo dục huyện Sông Hinh, nói.
Chỉ trong ngày
đầu bán hồ sơ nhập học, nhưng đã có nhiều trẻ đã phải nhịn đói chờ ở nhà hoặc
phải theo bố mẹ đi tranh mua hồ sơ nhập học. Rồi đây nữa nhiều ông bố, bà mẹ
phải thay nhau bỏ việc đồng áng, nương rẫy, hay ăn bớt giờ làm việc để ở nhà
giữ trẻ. Nhu cầu con cái được học tập ở một sơ sở giáo dục tin cậy, chất lượng,
nhất là đối với người đồng bào dân tộc thiểu số cũng là điều đáng mừng. Đã đến
lúc cần phải có giải pháp xã hội hóa giáo dục tích cực hơn nữa hoặc một chiến
lược đầu tư tính toán phù hợp đến nhu cầu phát triển chung của xã hội, đặc biệt
là đối với một huyện miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số..
V.Thùy
0 nhận xét:
Đăng nhận xét