RSS
Write some words about you and your blog here

Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2013

NGƯỜI PHỤ NỮ Ê ĐÊ "VÁC TÙ VÀ HÀNG TỔNG"


Dù lớn tuổi nhưng Mí Cách luôn nhiệt tình với việc làng
            Chuyện "người vác tù và hàng tổng" ở huyện Sông Hinh xưa nay được coi là công việc của đấng mày dâu. Nhưng điều đó đã được phá lệ ở một buôn có đông đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống như Kinh, Tày, Nùng, Dao, Ê Đê, Ba Na, Gia Rai... Đó là Mí Cách- Trưởng buôn Zô xã EaLy, huyện Sông Hinh. Câu chuyện Mí Cách "vác tù và hàng tổng" thì rất dài, dài như những thành tích mà Mí Cách đã làm được trên vùng đất bình nguyên giàu tiềm năng này. 


NGƯỜI PHỤ NỮ GIỎI VIỆC NƯỚC ĐẢM VIỆC NHÀ
            Với dáng vẻ nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, trông Mí Cách vẫn trẻ, khỏe hơn nhiều so với tuổi 55 của Mí. Năm 1994, sau khi nhường lại đất để xây dựng nhà máy sắn mì, Mí Cách rời buôn Nhum (xã EaBia) lên đây khai hoang lập nghiệp. Mí Cách kể lại: "Hồi đó ở đây chỉ có vài nóc nhà tạm bợ, không đường, không trường, không trạm. Nhưng với vùng đất đai phì nhiêu, mưa thuận giá hòa đã thu hút ngày càng đông đồng bào dân tộc phía bắc và ở nơi khác đến đây sinh sống. Được Đảng và Nhà nước quan tâm, đến tháng 10/2000 buôn Zô được thành lập, đời sống của bà con phần nào bớt khó khăn". Đến nay, toàn buôn đã có 186 hộ với 789 nhân khẩu, đường giao thông đi lại thuận tiện, điện sinh hoạt, trường, trạm được xây dựng kiên cố đảm bảo trẻ em được đi học, nhà tạm bợ dần dần được đổi thành những ngôi nhà dài hoặc nhà xây khang trang, đời sống của bà con ngày càng ổn định, khấm khá.
            Sự phát triển của buôn Zô gắn liền với các hoạt động xã hội của Mí Cách. Từ hồi thành lập buôn đến nay, Mí Cách đã được tín nhiệm với nhiều chức vụ khác nhau như: Chi hội trưởng phụ nữ, Chi hội trưởng Cựu chiến binh, cộng tác viên dân số  KHHGĐ, cộng tác viên y tế, chủ tịch mặt trận buôn. Dù ở bất kỳ lĩnh vực nào, Mí Cách đều năng nổ, nhiệt tình và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
            Chị Nguyễn Thị Vân, CT hội phụ nữ xã Ea Ly cho biết: những năm đầu mới thành lập, nhiều hộ dân ở buôn Zô rất cần vốn để sản xuất, nhưng khi cán bộ ngân hàng đến thấy cảnh nghèo nàn, tạm bợ thì chùn bước không dám cho vay, chị Vân và Mí Cách phải mất nhiều lần lặn lội về tận huyện thuyết phục, từ đó Mí Cách kiêm luôn cả tổ trưởng tổ vay vốn. "Nhiều khi bà con kẹt tiền chưa trả lãi kịp, mình phải lấy tiền túi bù vào để giữ uy tín với ngân hàng"- Mí Cách nói.
            Vợ chồng Ma Ca cũng ở buôn Zô đang xây ngôi nhà cấp 4 trị giá gần trăm triệu đồng, Ma Ca tâm sự: "khi còn dính nợ của ngân hàng mà cần vốn để sản xuất, nhờ Mí Cách giúp đỡ, bảo lãnh, trừ nợ cũ còn 8 triệu, nghe lời Mí Cách, mình đã mua 1 cặp bò mẹ con về nuôi, chỉ sau vài năm đàn bò đã nhân lên hàng chục con, nhờ vậy hôm nay mới có tiền để làm nhà mới". Cũng như Ma Ca, nhiều hộ gia đình khác được Mí Cách giúp vay vốn và hướng dẫn cách làm ăn đã trở nên khấm khá, mua sắm nhiều phương tiện đắt tiền như: ti vi, xe máy, máy kéo, máy xay sát..., tiêu biểu như: Mí Công, Mí Nguyệt, Ma Lé, Ma Ngôi, Ma Thuy... Hiện nay, toàn buôn đã có 151 hộ gia đình được vay vốn ưu đãi với tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng. Đây là một số tiền khá lớn đối với một thôn, buôn. Nhưng dưới sự điều hành của Mí Cách, 3 tổ vay vốn luôn hoạt động hiệu quả, không có hộ nào trây ỳ, nợ quá hạn; nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích và đem lại hiệu quả cao.
            Với vai trò là cộng tác viên dân số, Mí Cách thường xuyên, gần gũi, tỷ tê tâm sự hướng dẫn cách phòng tránh thai cho chị em trong buôn, đến nay chị đã vận động được 31 ca tự nguyện đình sản. Mí Nguyệt trong buôn nói: "mấy năm trước, nói đi khám phụ khoa là chị em lẩn chốn, xấu hổ. Nhưng nay thì khác rồi, chỉ cần Mí Cách hô một tiếng là chị em ùn ùn kéo nhau đi ngay"
            Là một người có uy tín trong buôn nên các vụ hòa giải hầu như đều có mặt Mí Cách, "Công tác hòa giải phải thực hiện nhanh, kịp thời và có sự phối hợp chặt chẽ với các ban ngành đoàn thể, đặc biệt là già làng, việc hòa giải kịp thời, đúng lúc thì sẽ đem lại hiệu quả cao"- Mí Cách nói. Mí Cách đã tham gia hòa giải thành công 12 vụ lớn nhỏ trong buôn.
            Người Ê Đê thường có thói quen nuôi nhốt gia súc dưới sàn nhà gây mất vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe cần phải xóa bỏ. Để làm được việc đó, Mí Cách đã vận động các gia đình làm chuồng bò ra góc vườn xa có mái che mưa, nắng, vừa sạch sẽ, vừa thu gom được phân để bón cây trồng. "Muốn vận động bà con thì mình phải làm trước để mọi người thấy được cái hay, cái lợi"- Mí Cách nói. Không dừng lại ở đó, mới đây với 8 triệu được vay từ nguồn vốn hỗ trợ xây nhà cầu tự hoại, Mí Cách thêm vào cả chục triệu đồng để xây hệ thống nhà cầu, nhà tắm, bể, bơm nước, vòi hoa sen... . Mí Cách nói: "Bây giờ không phải đi xách nước như trước nữa, làm thế này vừa sạch sẽ, vệ sinh mà mỗi khi đi làm về chỉ cần vặn một cái là có nước phun lên đầu, thích lắm, hiện mình đang vận động một số hộ có điều kiện cũng làm để giữ vệ sinh chung ở buôn làng"
            Buôn Zô là một nơi mà các đối tượng tin lành Đề ga phản động thường xuyên lui tới hoạt động. Để chủ động đối phó, Mí Cách đã thành lập đội tuyên truyền vận động nhanh gồm 25 chị. Mí Cách cho biết "Mỗi khi có hiện tượng, phân công cụ thể chị em tiếp xúc các điểm nóng để nắm bắt tình hình, đồng thời tuyên truyền vận động bà con  không nghe, không tin, không làm theo lời xúi dục của kẻ xấu vì chúng chỉ muốn phá hoại sự bình yên của buôn làng", Mí Cách cho biết thêm "Mình thường xuyên đến thăm hỏi, giúp đỡ những đối tượng theo đạo tin lành ở trong buôn, tranh thủ những lúc chị em nhổ tóc bạc, tóc sâu hay lúc đi làm nương rẫy về để khuyên nhủ họ đừng làm những việc có hại đến dân làng, đến pháp luật". Mí Cách còn giúp nhiều hộ gia đình theo đạo tin lành được vay vốn sản xuất, điển hình như Mí Ca, nhờ vậy mà nhiều hộ đã thoát được nghèo, kinh tế khá giả. Mí Ca tâm sự "Cũng nhờ có Mí Cách mà mình mới được như ngày hôm nay, cảm ơn Đảng, cảm ơn Nhà nước, cảm ơn Mí Cách nhiều lắm"
            Không những năng nổ, nhiệt tình với công tác xã hội mà Mí Cách còn giỏi trong việc phát triển kinh tế gia đình. "Phải biết làm kinh tế thì nói dân làng mới nghe"- Mí Cách nói. Với lợi thế đồng cỏ rộng, Mí Cách tập trung phát triển đàn bò, có những thời điểm đàn bò của Mí Cách lên đến 30 đến 40 con. Với 5 ha đất sản xuất, Mí Cách trồng xen canh , luân canh  nhiều loại cây trồng khác nhau như bắp lai, sắn, mè... Thu nhập bình quân hàng năm trên 40 triệu đồng, hiện nay Mí Cách đã sắm được máy cày lớn, nhỏ, máy kéo để vận chuyển hàng nông sản. 02 người con của Mí Cách đã xây dựng gia đình, sống hòa thuận, hạnh phúc.

KHI MÍ CÁCH LÀM TRƯỞNG BUÔN
            Khi đảm nhận trọng trách "người vác tù và hàng tổng", công việc của Mí Cách nhiều lên gấp bội. "Từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ trong buôn, vợ chồng xích mích cũng gọi trưởng thôn, đám thanh niên uống rượu say đánh nhau cũng phải trưởng thôn giải quyết, xử phạt trâu bò ăn hoa màu cũng cần trưởng thôn, nhiều đêm khuya đang ngủ cũng có người gọi nhờ trưởng thôn hòa giải"- Mí Cách nói. Mí Cách cho biết thêm: "Làm trưởng thôn cũng vui nhưng đôi khi cũng buồn, vui vì mình nói có nhiều người nghe theo, còn những lúc hòa giải không thành thì thấy buồn, áy náy". Tâm sự với chúng tôi Mí Cách vẫn còn nhiều điều trăn trở, như tình trạng thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô, hay tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao so với các địa phương khác. "Mặc dù được Nhà nước đầu tư đào giếng nhiều lần nhưng đều gặp đá tảng phải dừng lại. Vì vậy vào mùa khô, bà con phải đi bộ xa hàng cây số mới có nước nhưng cũng không đảm bảo vệ sinh. Bên cạnh đó là một buôn mới thành lập, đa số các hộ di cư đến đây đều với 2 bàn tay trắng, chính vì vậy tỷ lệ hộ nghèo ở đây cao nhất xã"- Mí Cách cho biết.
            Chị Nguyễn Thị Vân- Chủ tịch Hội phụ nữ xã EaLy, người giúp đỡ Mí Cách thường xuyên và nhiệt tình trong mọi công việc cho biết: "Mí Cách luôn nhiệt tình, năng nổ, hay giúp đỡ mọi người nên được bà con trong buôn rất kính trọng, giới trẻ trong buôn hay anh cán bộ ngân hàng huyện đều gọi Mí Cách là mẹ, Mí Cách rất vui vì điều đó"
            Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã EaLy Đinh Ngọc Dạn vui vẻ nói: "Đầu năm 2009, khi làm công tác chuẩn bị nhân sự bầu trưởng buôn Zô, chúng tôi hơi băn khoăn bởi từ xưa đến nay trưởng thôn, buôn là nữ là rất ít, trong khi đó công việc, trọng trách là rất lớn. Nhưng với số phiếu tuyệt đối, chúng tôi rất yên tâm. Thực tế qua quá trình hoạt động, Mí Cách được đánh giá là một nữ trưởng buôn xuất sắc. Ngoài ra, Mí Cách rất tích cực tuyên truyền vận động bà con trong buôn học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, sống đoàn kết hòa thuận giữa các dân tộc anh em"
            Già làng Oi Truyn khẳng định: "Buôn Zô được như ngày hôm nay có công rất lớn của Mí Cách, nhờ có Mí Cách mà nhiều người được vay vốn, đẻ ít con nên có nhiều thời gian làm nương rẫy, ra nhiều sắn, bắp"
                                               
                                                                                                Văn Thùy

0 nhận xét:

Đăng nhận xét