RSS
Write some words about you and your blog here

Thứ Năm, 1 tháng 8, 2013

ĐI TÌM SẮC THÁI HOẠT ĐỘNG DU LỊCH Ở HUYỆN SÔNG HINH




Như chúng ta biết Du lịch bao gồm tất cả mọi hoạt động của những người du hành, tạm trú, trong mục đích tham quan, khám phá và tìm hiểu, trải nghiệm hoặc trong mục đích nghỉ ngơi, giải trí, thư giãn; cũng như mục đích hành nghề và những mục đích khác nữa, trong thời gian liên tục nhưng không quá một năm, ở bên ngoài môi trường sống định cư; nhưng loại trừ các du hành mà có mục đích chính là kiếm tiền. Du lịch cũng là một dạng nghỉ ngơi năng động trong môi trường sống khác hẳn nơi định cư. Với ý nghĩa nội dung này, chúng ta thử đi tìm sắc thái hoạt động du lịch ở huyện Sông Hinh tỉnh Phú Yên.

Đất Sông Hinh ngày xưa vốn là nơi cư trú của các dân tộc thiểu số, có quan hệ với người Chăm và nằm trong khu vực Thủy Xá và Hỏa Xá. Năm 1806 những tên làng đầu tiên của Sông Hinh được xuất hiện trong sử sách, thời gian đầu thuộc huyện Đồng Xuân, rồi huyện Sơn Hòa. Trước năm 1945, phần lớn diện tích của Sông Hinh thuộc huyện Madrak tỉnh Đắk Lắk. Năm 1970 thuộc huyện Tây Nam. Tháng 6-1976 thuộc huyện Sơn Hoà. Năm 1977 thuộc huyện Tây Sơn (Phú Khánh). Năm 1985 Sông Hinh trở thành một đơn vị cấp huyện với đầy đủ chức năng hoạt động của nó. Địa giới huyện Sông Hinh ở phía đông giáp các huyện Tuy Hoà, Vạn Ninh và Ninh Hoà có núi Lá. Phía tây giáp tỉnh Gia Lai - Kon Tum cách Thành phố Tuy Hòa 54 km; phía nam giáp tỉnh Đắc Lắc. Phía nam có dãy núi hòn Cồ và Mẹ bồng con, nơi đây có những đỉnh cao như Chư Ninh (1.035m), Chư Bát, Chư Đam, Chư Một. Phía bắc giáp huyện Sơn Hoà là vùng đồi núi thấp nằm dọc theo bờ sông Ba. Khí hậu: là vùng đất nằm tiếp giáp với Tây Nguyên, Sông Hinh chịu ảnh hưởng của khí hậu Tây Nguyên nên mùa mưa thường xuất hiện sớm, ban ngày nắng gắt, ban đêm nhiệt độ giảm xuống và lạnh dần về sáng. Dân số: 35.837 người, trong đó người Việt 19.361 người, người Êđê: 11.624, người Chăm: 127, người Bana: 882, người Tày: 1.172, người Nùng: 1.232.
- Về Di tích - danh thắng có: Miễu Tuy Bình ở thôn Tuy Bình; Mộ Ông ở thôn An Hòa xã Đức Bình Tây ; Phế tích tháp Chăm ở Thôn Hà Giang  xã Sơn Giang và cũng là nơi phát hiện có nhiều tiền cổ ; Đồn Tuy Bình (cách mạng) và Lô cốt ngụy quyền thôn Đồng Phú ở xã Đức Bình Tây ; Lòng hồ thủy điện Sông Hinh; Lòng hồ thủy điện Sông Ba hạ ; Thác nước nóng Suối Mây ; Thác MaRe (cách cầu Sông Hinh 1km về Đông Bắc). 
- Về huyền thoại có: chuyện tình bên Thác H’Ly kể về một thiên tình sử diễm lệ của đôi trai gái yêu nhau mà không bao giờ được gần nhau; Có huyền thoại về con lươn ở buôn Đức thuộc xã Eatrôl, huyện Sông Hinh có một người đàn bà sinh hạ được người con trai đặt tên là Y Rít. Chàng là người con hiếu thảo, chăm chỉ làm ăn, luôn yêu thương giúp đỡ người khác; Có huyền thoại  về nàng H’Pia , H’Lúi và con voi rừng ở vùng núi Chư Hong Di Ao và Chư Man Di Un thuộc địa phận EaLâm và EaLy huyện Sông Hinh bị Yàng bắt về hoá kiếp làm voi đày xuống trần gian để trông coi vùng rừng núi từ EaLy (Sông Hinh) chạy dài lên tận Phước Tân (Sơn Hoà). Có sự tích Hang Cồ tại buôn Đức xã Ea Trôl giải thích những dấu vết lằn ngang vết dọc như có người cầm dao băm vằm những nhát lớn trên một bãi đá tảng là trận huyết chiến giữa Y Hanh và tên Cồ hung ác, xảo trá.
- Về di sản văn hóa vật thể chúng ta có : 14 bộ công chiêng loại 5 chiếc; 350 bộ công chiêng loại 6 chiếc; 183 bộ công chiêng loại 8 chiếc; 8 bộ công chiêng loại 9 chiếc; 7 chiếc Trống; 51 Chiêng lớn  (Sal ); 1 Cồng lớn (Plao ); 11 bộ Aráp; 1 cái  Đàn Tính của người Tày; 1 cái đàn Đinh Klút ( Đinh Gúi ) của người Êđê; 1 cái  Tù và của người Dao; 03 Ché Tang 03 cái ( Tang kra, Tang kó) ; 1 cái Ché Pa mnâng ; 1 cái Ché Pa kvang; 1 cái Ché Dú
Về nghệ nhân hát sử thi (trường ca) có:
- Nghệ nhân Ksor Y Thia (Ma Thơm, mù bẩm sinh), sinh năm 1944. Thể hiện được các bài sử thi: Ktam; Xinh Nhã (Xin Ngă); Si Tnit; Xinh Nhã Mó; Ktam Yang; Ktam Di; Ksing Ron; Kti Krí; Hla Yang hiện ở tại Buôn Dành A thuộc xã Ea Bia;
- Nghệ nhân Ksor Y Tốp (Oi Bôn), sinh năm 1923 (hiện nay mù mắt). Thể hiện được các sử thi: Xinh Nhã; Ma Hứ; Đam Di chặt đọt mây; Mrong Tung, hiện ở tại Buôn Ma Sung thuộc xã Ea Bia;
- Nghệ nhân Nei Y Blếch (Ma Đoan), sinh năm 1939. Thể hiện sử thi:  Ayong Khan Yú (Anh Khan Yú), hiện ở tại  Buôn Dành B thuộc xã Ea Bia;
- Nghệ nhân Oi Đức, sinh năm 1935. Thể hiện được các bài sử thi: Xinh Nhã; Đam Di; Chi On; Đam Dan tuốt lúa; Truyện cổ tích: Chàng lười; Chàng Cốc; Hờ Lúi chẻ củi; Chim vàng; Con Thỏ với Y Rít; Con Cọp với con Dê; Y Nan; Rum Dú; Con Lươn; Prong Pă; thổi sáo hút Buôn Đức, hiện ở tại  thuộc xã Ea Trol;
- Nghệ nhân Aley Đúp (Oi Dung), sinh năm 1936. Thể hiện được các sử thi:  Đam Di chặt đọt mây; Xinh Nhã; Đam Di đi săn; Y Thoa; hiện ở tại Buôn Bầu thuộc xã Ea Trol;
- Nghệ nhân Niê Y Dú (Oi Lắt), sinh năm 1931. Thể hiện được các sử thi:  Xinh Nhã; - Anh Y Brao hiện ở tại  Buôn Ly thuộc xã Ea Trol ;
- Nghệ nhân Kpă Y Vít (Ma Nhon), sinh năm 1960.Thể hiện được các sử thi: Xinh Nhã; - Đam Di; Nghệ nhân Oi Quân, sinh năm 1926 thổi được Đinh Lkút (Đinh Gúi) hiện ở tại  Buôn Chung thuộc xã EaBar;
- Nghệ nhân Ksor HLắc (Duôn Ra) thể hiện được các sử thi: Xinh Nhã; Đam Di; KĐăm Di; hiện ở tại  Buôn Thứ thuộc xã EaBar;
  - Nghệ nhân Ma Meo hát sử thi, 65 tuổi hiện ở tại  Buôn Ken thuộc xã Ea Bar;
- Nghệ nhân thổi ống đất Y Rố, 30 tuổi hiện ở tại  Buôn Chao thuộc xã EaBar;
 - Nghệ nhân Đàm Thị Cầu (người Tày), 51 tuổi hát và đánh đàn tính hiện ở tại Khu phố 8 thuộc Thị trấn Hai Riêng;  
- Nghệ nhân đánh nhạc cụ bằng tre, nứa Oi Diêu, sinh năm 1920 hiện ở tại  xã EaBar;
- Nghệ nhân đẽo tượng Ma Dêu 63 tuổi hiện ở tại Buôn Thô thuộc Thị trấn Hai Riêng;
- Nghệ nhân đẽo tượng Ma Núc, 61 tuổi (Buôn Chung); Oi Chiêu, Oi Nhói (Buôn Trinh) hiện ở tại  Buôn Thứ thuộc xã Ea Bar ;
Về lịch sử thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ: cũng có nhiều sự kiện như đầu năm 1954, ta phá khu dồn và cứ điểm EaRiêng, đánh địch tại Đức Bình, Trường Lạc, dốc Phường, giữ chân không cho Pháp đem quân chi viện chiến dịch Atlante đang sa lầy tại Phú Yên. Ngày 10-3-1975, hai chiếc xe tải chở hàng tiếp viện cho chiến trường Phú Yên được nhân dân các buôn Ma Giá (Suối Trai) buôn Bai, buôn Bưng, buôn Keng, đưa từ bờ bắc sang bờ nam an toàn. Ngày 16-3-1975, lực lượng du kích các xã EaBá, Đức Bình chặn đánh, làm tan rã cuộc co cụm về đồng bằng theo đường tỉnh lộ số 7.
Với Non sông – Đất nước và Con người ở Sông Hinh như trên, chúng ta thử  chọn chủ đề hoạt động du lịch ở Sông Hinh là “Không gian văn hóa cồng chiêng”. Từ chủ đề này, mục tiêu hướng đến là làm cho khách du lịch hiểu và thẩm thấu âm giai văn hóa cồng chiêng của một vùng đất có mật độ núi khá dày, tạo cho Sông Hinh có nhiều sông và suối như sông Ba, sông Hinh, sông Con, Thác H’Ly… Để đạt đến đích của mục tiêu này, chúng ta cần phải làm những công việc cụ thể như sau:
- Một là: Cần phải xây dựng Nhà bảo tàng di sản văn hóa vật thể: Cồng, Chiêng, Trống đôi, đàn Aráp, Đàn Tính, Đàn Đinh Klút (Đinh Gúi), Tù và, Ché Tang, Ché Pa mnâng, Ché Pa kvang, Ché Dú. Thông qua các hiện vật này chúng ta có thể đáp ứng được cho khách du lịch muốn tìm hiểu về nét sống văn hóa của một vùng đất sử thi có liên quan đến Thủy xá và Hỏa Xá.
- Hai là: Xây dựng và củng cố đội ngũ hát sử thi, hát khan; đẽo tượng và sử dụng nhạc cụ dân tộc để phục vụ khách du lịch thưởng lãm và đó cũng là sự gián tiếp giới thiệu sắc thái văn hóa cồng chiêng của một vùng đất.
- Ba là: Xây dựng các chương trình diễn tấu hoặc trích đoạn trong các lễ hội đặc trưng như lễ cầu mưa, lễ ăn hỏi, mừng nhà mới, mừng lúa mới…cho 6 đội văn nghệ quần chúng ở  các xã: Sông Hinh, Ea Lâm, Ea Trol, Ea Bá, Ea Bia và thị trấn Hai Riêng để phục vụ các tour du lịch đến Sông Hinh.
- Bốn là: Cần có chương trình sưu tầm di sản văn hóa vật thể để bổ sung Nhà bảo tàng di sản văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể bổ sung cho Thư viện Sông Hinh để làm phong phú thêm sản phẩm “Không gian văn hóa cồng chiêng” và đó cũng là điều kiện để thúc đẩy cho việc xây dựng, củng cố và phát triển đội ngũ  nghệ nhân và các đội văn nghệ quần chúng hiện nay.
Kính thưa quý vị, nếu chúng ta hoàn thành được 4 công việc cụ thể nêu trên một cách thường xuyên, chính là chúng ta đang thực hiện thành công trong việc quy hoạch sản phẩm du lịch ở Sông Hinh. Và đó cũng là giới thiệu được sắc thái hoạt động du lịch của huyện Sông Hinh.
Mặt khác hoạt động du lịch “Không gian văn hóa cồng chiêng ở huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên cũng là thực hiện được công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, góp phần giáo dục ý thức bảo vệ di sản văn hóa cồng chiêng, suy tôn các nghệ nhân cồng chiêng, di sản văn hóa của nhân loại được thế giới thừa nhận và Việt Nam vinh dự được thừa hưởng và làm cho nó ngày càng có sức lan tỏa và phát huy giá trị thật sự của văn hóa cồng chiêng. 

Dương Thái Nhơn
Giám đốc Thư viện tỉnh Phú Yên

0 nhận xét:

Đăng nhận xét