Lễ Đâm trâu trâu của người Ê Đê MD'Hour tại Sông Hinh |
Lễ hội là một loại hình sinh
hoạt văn hóa cộng đồng phổ biến và đậm đà bản sắc dân tộc, là tài sản vô giá
trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể, làm giàu và phát huy giá trị nền văn
hóa dân tộc.
Lễ hội phản ánh những sinh
hoạt, những khát vọng cùng tài năng của nhân dân về nhiều mặt của đời sống;
đồng thời, thông qua lễ hội: trí tuệ, đạo lý, tình cảm, khuynh hướng thẩm mỹ
của nhân dân được tỏa sáng.
Lễ hội đáp ứng một cách hiện
thực, hiệu quả đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trong tổ chức các nghi
lễ và hưởng thụ các hoạt động hội, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của
các vùng, miền, dân tộc.
Lễ hội, đó là một loại hình
sinh hoạt văn hoá cổ truyền đã trở thành phong tục tập quán của dân tộc Việt
Nam. Lễ hội được tổ chức để nhằm thoả mãn nhu cầu sinh hoạt văn hoá, nhu cầu
tâm linh của nhân dân, đồng thời góp phần tích cực vào công tác giáo dục truyền
thống văn hoá của dân tộc ta cho thế hệ mai sau.
Lễ hội còn là nơi thu hút,
sáng tạo nhiều loại hình nghệ thuật, thể thao và các trò chơi dân gian, là bảo
tàng sống về văn hoá tinh thần. Thông qua sinh hoạt lễ hội, nhiều môn nghệ
thuật, trò chơi, diễn xướng… được phục hồi, theo đó nó có sự tác động sâu sắc
đến tình cảm, góp phần xây dựng tính cách và tâm hồn con người, giáo dục truyền
thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.
Lễ hội là địa điểm đến lý tưởng hấp dẫn đối
với người dân, lễ hội không những đưa họ đến với những di tích, góp phần tôn
tạo, tu sửa di tích, danh lam thắng cảnh, mà còn nâng cao ý thức trách nhiệm
của cả cộng đồng trong việc bảo vệ di tích, danh thắng. Thông qua lễ hội thì
những ước mơ, nguyện vọng và năng lực sáng tạo văn hoá của nhân dân sẽ được thể
hiện, qua đó góp phần quan trọng trong việc gìn giữ bản sắc văn hoá, đề cao
lòng tự tôn dân tộc, là thành lũy đề kháng những văn hoá phẩm độc hại, hướng
con người đến với cái chân, thiện, mỹ trong xã hội…
Từ những quan điểm trên,
chúng ta có thể khẳng định Lễ hội, hoạt động lễ hội có vai trò rất quan trọng,
gắn liền với sự phát triển của hoạt động du lịch, nhất là trong quá trình hội
nhập của đất nước hiện nay.
Một trong những dạng tiêu
biểu và đang phát triển mạnh của lễ hội hiện đại đó là lễ hội du lịch.
Lễ hội du lịch còn được gọi
là liên hoan du lịch – là thời điểm diễn ra các hoạt động du lịch tập trung
trên một địa bàn cụ thể.
Lễ hội du lịch là lễ hội văn
hoá do các tổ chức, các đơn vị trong ngành du lịch phối hợp cùng với các cơ
quan chức năng hoặc cơ quan trong ngành văn hóa, thể thao, du lịch đứng ra tổ
chức. Đây là hình thức hoạt động văn hoá xã hội tổng hợp mang nội dung văn hóa
sâu sắc, thông qua việc tổ chức khai thác các giá trị nhiều mặt đặc biệt là giá
trị kinh tế từ các hoạt động của lễ hội qua con đường du lịch.
Tuy là hình thức sinh hoạt
văn hoá mới mang đậm yếu tố kinh tế, văn hoá xã hội nhưng lễ hội du lịch luôn
tiếp thu, kế thừa và phát triển nhằm hoàn thiện và nâng cao những giá trị,
thành tựu của nền văn hóa dân tộc. Đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của đông đảo
các tầng lớp nhân dân.
Xét dưới góc độ kinh doanh,
một lễ hội du lịch hay một Festival là nơi tạo cơ hội cho mọi người, mọi tầng
lớp: Mua bán, trao đổi các sản phẩm hàng hoá. Tham quan du lịch trong khu vực
tổ chức lễ hội du lịch, tạo công ăn việc làm, tìm việc và làm việc. Quảng bá
hình ảnh của cá nhân, tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương, của quốc gia hoặc
khu vực.
Xét từ nhiều góc độ, lễ hội
du lịch hay liên hoan du lịch trong thời kỳ đổi mới là một phương tiện, một
công cụ văn hoá đa năng để giới thiệu những cái hay, cái đẹp, của những miền
đất nước, con người trong thời đại mới đang không ngừng đổi thay, tiến bộ cả
trong tư duy và hành động. Sự kết hợp giữa lễ hội với du lịch là một cách làm
hay, mở ra những cơ hội để quy tụ, tập hợp và liên kết các lợi ích đa dạng giữa
các thành phần kinh tế, văn hóa xã hội.
Tổ chức lễ hội gắn với du
lịch là nhằm tôn vinh các giá trị tài nguyên thiên nhiên, giá trị lịch sử lễ
hội văn hóa của địa phương, góp phần phát triển du lịch bền vững, qua đó nâng
cao nhận thức, khơi dậy niềm tự hào, ý thức trách nhiệm cộng đồng khuyến khích
người dân bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, giữ gìn nét đẹp truyền thống của các
lễ hội, nâng cao trình độ văn hóa ứng xử, văn minh của lễ hội.
Tóm
lại, Lễ hội, các hoạt động lễ hội là tiềm năng lớn để xây dựng các sản phẩm du
lịch đặc sắc, đặc biệt là du lịch văn hóa gắn với tín ngưỡng, tôn giáo. Sự
phong phú về số lượng, sự đa dạng về chủng loại, sự dày đặc về mật độ chính là
tiền đề quan trọng góp phần làm đa dạng hóa các sản phẩm của du lịch.
Sông Hinh là huyện miền núi
nằm phía Tây - Nam tỉnh Phú Yên với trung tâm huyện là thị trấn Hai Riêng, cách
thành phố Tuy Hòa 70 km. Phía Đông giáp huyện Tây Hòa, phía Đông Nam giáp với 2 huyện Ninh Hòa
và Vạn Ninh tỉnh Khánh Hòa, phía Tây và Tây - Bắc giáp tỉnh Đắc Lắc và tỉnh Gia
Lai, phía Bắc giáp huyện Sơn Hòa.
Với vị trí địa lý và điều
kiện thuận lợi cho việc tạo lập cuộc sống nên nhiều dân tộc như dân tộc Kinh,
Bana, Chăm-Hroi, Êđê, Hrê, Raglai… và các dân tộc từ phía Bắc vào định cư sau
ngày giải phóng như Tày, Nùng, Dao, Thái, Lu Hủ, Sán Dìu, Sán Chay, Mường,
H'Mông, Cao Lan ..v..v.. đã hội tụ về đây sinh sống, lập nghiệp. Hiện nay Theo
điều tra dân số của huyện Sông Hinh hiện nay có gần 21.000 người, với hơn 48%
là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là người Ê Đê, người BaNa và
người Chăm H'roi. Chính sự phong phú về các sắc tộc đã tạo cho Sông Hinh
trở thành một vùng đất với nhiều sắc thái văn hoá dân gian đa dạng, đặc biệt là văn hoá phi vật thể vô cùng quý
giá của cộng đồng các dân tộc sinh sống từ lâu đời trên vùng đất này, đó là sự
đan xen, giao thoa nhiều nền văn hoá, nhiều vùng văn hoá khác nhau để tạo nên
một quần thể văn hoá trong sự đa dạng và phong phú.
Từ những thành tố cơ bản
trên đã đem lại cho Sông Hinh là huyện có những lễ hội truyền thống mang đậm
bản sắc văn hoá các dân tộc. Hằng năm những lễ hội này được tổ chức khá chu
đáo, có đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, như: “Lễ hội đâm trâu” của dân
tộc BaNa, “Lễ bỏ mả” của dân tộc Ê Đê và Chăm-Hroi, “Lễ mừng cơm mới”, “Lễ mừng
sức khoẻ” của dân tộc Chăm-Hroi, “Lễ mừng nhà mới”, “Lễ cầu mưa”..., đặc điểm
chung nhất của các lễ hội ở đây bao giờ cũng gắn chặt với phần văn hoá tâm linh
của cộng đồng, các nghi thức gắn với tôn giáo, thần linh, phần hội lại gắn với
nhạc cụ cổ truyền của mỗi tộc người. Qua đó, cho thấy hoạt động lễ hội ở Sông
Hinh ngày càng được khơi dậy và phát triển, góp phần tích cực cho công tác bảo
tồn các giá trị văn hoá phi vật thể của Sông Hinh, của tỉnh Phú Yên nói riêng
và các dân tộc Việt Nam nói chung.
Đặc biệt, là trong năm 2009
vừa qua “Lễ cầu mưa” của dân tộc Êđê huyện Sông Hinh là một trong 10 lễ hội
được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chọn để phục dựng, nhằm bảo tồn các giá
trị lễ hội truyền thống tiêu biểu của đồng bào trên các vùng miền trong cả
nước.
Về ưu điểm: cũng như hoạt
động lễ hội của Phú Yên nói chung, hoạt động lễ hội của huyện Sông Hinh trong
thời gian qua có những bước chuyển biến mới, nhất là sau khi Chỉ thị số 27-
CT/TW, ngày 12/01/1998 của Ban Chấp hành Trung ương về việc thực hiện nếp sống
văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội được ban hành. Công tác hướng dẫn,
quản lý của chính quyền trong hoạt động lễ hội dần dần đi vào nề nếp; vai trò,
ý thức trách nhiệm của người sáng tạo, hưởng thụ văn hoá ngày càng được thể
hiện rõ nét; các giá trị, sản phẩm văn hoá được thể hiện qua một số hoạt động
trong lễ hội có sự chuyển biến tích cực; Lễ hội được thể hiện khá phong phú, đa
dạng về cách tổ chức, thành phần tham gia và hoạt động; giữ được những nghi
thức truyền thống; được tổ chức mang tính nghệ thuật, tính cộng đồng và tính
thẩm mỹ cao hơn.
Tuy nhiên,
nhìn một cách tổng thể trong hệ thống và nghiêm túc nhận xét thì công tác tổ
chức, hướng dẫn, quản lý lễ hội ở huyện Sông Hinh vẫn còn nhiều hạn chế và tồn
tại, cần sớm được khắc phục, đó là:
- Về năng
lực tổ chức, quản lý thì vai trò của Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức lễ hội thể hiện
qua công tác điều hành, hướng dẫn, đảm bảo vệ sinh môi trường… chưa thật sự sâu
sát; Chưa coi trọng vai trò và sức sáng tạo của nhân dân trong việc tham gia tổ
chức lễ hội.
- Lễ hội là
một loại hình sinh hoạt văn hóa tổng hợp đa dạng và phong phú. Trên thực tế sự
kết hợp giữa lễ hội và các địa danh, các điểm du lịch hiện có của huyện, nhằm
khai thác các giá trị lễ hội, tạo nên sự hấp dẫn đối với du khách về Sông Hinh
để du lịch, thưởng thức chưa thực hiện được.
- Việc đầu
tư đúng mức cho hoạt động lễ hội cũng chưa được chú trọng, cho nên kinh phí đầu
tư và phục vụ cho các lễ hội đang còn nhiều hạn chế.
Từ những cơ
sở lý luận trên, đồng thời từ thực trạng, khó khăn hiện tại, cho thấy hiện nay
việc phát huy những cái đẹp, điểm mạnh từ lễ hội ở Sông Hinh để tạo ra sản phẩm
du lịch, phục vụ cho hoạt động du lịch vẫn chưa được khai thác. Vậy cần phải
làm gì để khai thác được những tiềm năng và lợi thế vốn có của mình, bảo tồn,
nâng cấp, phát triển các loại hình Lễ hội, các hoạt động lễ hội trong phát
triển du lịch ở huyện Sông Hinh ? Xin đề xuất định hướng và những giải pháp sau
đây:
1- Cần có một công trình
nghiên cứu khoa học mang tính tổng thể về lễ hội truyền thống trên địa bàn
huyện:
Trong đó những người làm công tác nghiên cứu văn hóa phải chỉ ra được
những giá trị tích cực của từng lễ hội. Hay nói cách khác, họ phải rạch ròi đâu
là tín ngưỡng văn hóa dân gian, đâu là mê tín dị đoan, đâu là những giá trị vốn
có, đâu là những yếu tố lai tạp, vay mượn, chắp vá... trong một lễ hội. Từ đó,
những người làm du lịch lựa chọn cái nào có thể biến thành sản phẩm phục vụ đối
tượng khách nào, vào thời điểm nào, ở đâu và như thế nào. Ngược lại, sự lựa
chọn của người làm du lịch có tiếng nói của giới nghiên cứu, người làm văn hóa
với vai trò phản biện sẽ làm cho sản phẩm chất lượng hơn.
2- Phải xác định, chọn
cho được lễ hội chủ đạo, tiêu biểu của địa phương:
Như đã nêu trên, Sông
Hinh là huyện có nhiều lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hoá các dân
tộc, như: “Lễ hội đâm trâu” của dân tộc BaNa, “Lễ bỏ mả” của dân tộc Ê Đê và
Chăm-Hroi, “Lễ mừng cơm mới”, “Lễ mừng sức khoẻ” của dân tộc Chăm-Hroi, “Lễ
mừng nhà mới”, “Lễ cầu mưa”.... Vì vậy cần phải xác định, chọn ra những lễ hội
chủ đạo, trong đó có thể là những lễ hội tiêu biểu đại diện cho từng dân tộc
...Có như vậy, thì việc đầu tư để bảo tồn, nâng cấp được tập trung, không bị
dàn trải và sẽ có chất lượng cao hơn.
Vì tự thân di tích - lễ hội
chưa thể trở thành những điểm du lịch. Muốn biến di tích - lễ hội trở thành
“hàng hóa” du lịch, phải bổ sung cơ sở vật chất, thiết bị hạ tầng và hàng loạt
các dịch vụ khác, như hệ thống đường sá, phương tiện vận chuyển, nhà hàng khách
sạn, thông tin liên lạc, cấp cứu y tế… đủ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
3. Tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng:
Sau khi thực hiện những
nhiệm vụ trên, thì cần phải làm cho người dân nhận thức rõ hơn về tầm quan
trọng và sự cần thiết nâng cao chất lượng lễ hội để phục vụ phát triển du lịch.
Tổ chức lễ hội gắn với du lịch là nhằm tôn vinh các giá trị tài nguyên, lịch
sử, lễ hội văn hoá của địa phương, góp phần phát triển du lịch bền vững, qua đó
nâng cao nhận thức, khơi dậy lòng tự hào, ý thức trách nhiệm cộng đồng, khích lệ
người dân bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, giữ gìn nét đẹp các lễ hội truyền
thống, nâng cao văn minh, văn hoá ứng xử.
Qua đó, dẫn chứng việc tổ
chức lễ hội ở một số địa phương có du lịch phát triển đã đem lại hiệu quả thiết
thực: tạo được nguồn thu, giải quyết việc làm, thu nhập cho người dân, góp phần
xoá đói, giảm nghèo, từ đó thu hút sự quan tâm của cộng đồng, người dân sẽ tích
cực tham gia vào các hoạt động lễ hội, phục vụ lễ hội. Làm cho người dân trên
địa bàn được gắn kết vào hoạt động lễ hội để cùng chia sẻ quyền lợi và trách
nhiệm.
4. Chú trọng đến địa điểm nơi tổ chức lễ hội
Địa điểm tổ chức cần gắn với
yếu tố lịch sử truyền thống nơi đó. Tuy nhiên cần bố trí một số khu vực liền kề
hoặc gần với khu vực tổ chức lễ hội, có khoảng không gian rộng, thuận lợi về
mặt giao thông để tổ chức nhiều hoạt động cho phần hội; cần có khu vực để du
khách tham quan, tham dự vào các buổi lễ.
5. Xác định đối tượng tham gia lễ hội
Ngoài đối tượng là người dân
địa phương, người dân trong khu vực, sự tham dự của các cơ quan Đảng, chính
quyền, đoàn thể, các tổ chức, doanh nghiệp, các cơ quan thông tin đại chúng…
thì đối tượng cần nhắm đến đó là du khách, đặc biệt là du khách trong nước, từ
đó có các hoạt động đặc trưng của địa phương để thu hút khách.
6. Chú trọng và đa dạng các hoạt động phần hội
Cần kết hợp các phần lễ và
phần hội vào hoạt động du lịch. Ngoài phần lễ, thì phần hội nên tổ chức nhiều
hoạt động lồng ghép như: Tổ chức các trò chơi dân gian, các hoạt động thể thao,
gắn các tour tham quan du lịch…qua đó, không gian lễ hội được mở rộng, thu hút
được nhiều đối tượng khách tham gia.
Tùy theo tính chất lễ hội,
các đơn vị kinh doanh du lịch sẽ xây dựng chương trình du lịch có lồng ghép nội
dung lễ hội vào để bán cho khách, chẳng hạn như: Khi tổ chức “Lễ cầu mưa“ của
đồng bào dân tộc Êđê tại Ea Bia hoặc Ea Trol, cần gắn tuyến du lịch đến tham
quan thủy điện sông Hinh - sông Ba Hạ, thăm khu di tích Nhà thờ Bác Hồ...;
Lễ hội và
các chương trình du lịch phải được tính toán về mặt thời gian hợp lý để khách
du lịch vừa tham dự lễ hội vừa được tham gia các chương trình du lịch.
7. Kinh phí tổ chức lễ hội
Ngoài kinh phí chung của
ngân sách hỗ trợ, cần phát huy sức mạnh cộng đồng, kêu gọi, khuyến khích mọi cá
nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tài trợ và tham gia tổ
chức một số hoạt động của phần hội.
Trong lĩnh vực du lịch, việc
kêu gọi nhà tài trợ để tham gia tổ chức lễ hội là cần thiết. Cần làm rõ các
quyền lợi và trách nhiệm, các nội dung công việc cần kêu gọi tài trợ để nhà tài
trợ lựa chọn hình thức tham gia phù hợp, đảm bảo cho lễ hội tổ chức hoành
tráng, đặc trưng, ấn tượng, hiệu quả, an toàn và tiết kiệm;
Tăng cường công tác vận
động, huy động sức mạnh tổng hợp của cộng đồng cả về vật chất, tinh thần để
tham gia, ủng hộ tổ chức Lễ hội.
8. Công tác chuẩn bị tổ chức lễ hội
Xây dựng kế hoạch, thành lập Ban chỉ đạo, Ban tổ chức
và các tiểu ban phụ trách từng phần nội dung công việc cụ thể, tùy theo từng lễ
hội, các nội dung của phần hội để xây dựng kịch bản, chương trình, kế hoạch cho
từng nội dung. Tổ chức các phương án bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội
cho lễ hội và du khách.
9. Nguồn nhân lực
Đối với những lễ hội tổ chức
với quy mô lớn cần đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên,
thuyết minh viên, tình nguyện viên; tổ chức các khóa tập huấn, bồi dưỡng kiến
thức du lịch và văn hoá cộng đồng để phục vụ cho khách đến tham dự lễ hội.
Tóm lại, Phú Yên đang ráo
riết chuẩn bị tổ chức kỷ niệm 400 năm Phú Yên gắn với Năm du lịch Quốc gia
Duyên hải Nam trung bộ- Phú Yên 2011, dự kiến sẽ có nhiều lễ hội được tổ chức
với quy mô lớn để gắn kết với các hoạt động Năm du lịch Quốc gia. Do đó, ngay
từ bây giờ chúng ta cần xác định các lễ hội tiêu biểu, đặc trưng của huyện Sông
Hinh để có kế hoạch tổ chức, nâng cao chất lượng cả về hình thức lẫn nội dung.
Một mặt khai thác các giá trị của lễ hội phục vụ cho hoạt động du lịch của địa
phương, mặt khác góp phần làm phong phú, đa dạng các loại hình lễ hội của Phú
Yên, giới thiệu và thu hút du khách đến với Phú Yên nói chung và Sông Hinh nói
riêng.
Cử nhân Nguyễn Trần Vỹ
Sở
Văn hoá, Thể thao và Du lịch
0 nhận xét:
Đăng nhận xét