RSS
Write some words about you and your blog here

Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

Cà phê Sông Hinh: “Bỏ thì thương, vương thì tội”


Cà phê Sông Hinh nhiều lá it quả
Trên địa bàn huyện Sông Hinh (Phú Yên) có khoảng 1.300hecta cà phê đang khai thác, trong đó nhiều nhất là Công ty TNHHMTV cà phê Ea Bá (thuộc xã Ea bar, huyện Sông Hinh) quản lý hơn 600 hecta. Năng suất ngày càng tụt giảm, giá cả xuống thấp, không ổn định, người trồng cà phê đang lâm vào cảnh “bỏ thì thương, vương thì tội”.
KHÓC VỚI CÀ PHÊ
Đang trong thời kỳ cao điểm thu hoạch cà phê nhưng không khí thật ảm đạm bao trùm cả vùng đất Ea Bar, nơi tập trung diện tích lớn cà phê. Con đường đất dẫn vào thôn EaMkeng (xã Ea Bar) không còn tấp nập như những năm nào, những rẫy cà phê xanh tốt bời bời, thế nhưng trái rất lưa thưa. Vợ chồng anh Nguyễn Tư Tình đang vạch từng chiếc lá để hái những quả chín trước; là khách quen, anh Tình dừng tay kể : “Năm nay thật là buồn vì năng suất cà phê thấp quá. Năm trước đến thời điểm này, với 1,4 ha cà tôi đã thu được gần 20 tấn quả tươi, còn năm nay khi đã thu hoạch gần xong mà chỉ được 5 tấn. Anh thấy đấy, cà thưa trái thế này khi thu hết may ra cũng chỉ bằng 1/3 sản lượng so với năm ngoái.”

Tiếp tục vượt đường đất vào thôn Chư Blôi, càng vào sâu, những rẫy cà phê càng xanh tốt nhưng hẻo trái. Trên mãnh rẫy cà phê 0,5 ha của anh Lê Minh Hoàng, 3 người đang lúi húi bới từng cành cà phê để hái những quả chín, anh Hoàng kể: Nhà em không có đất để canh tác, thương tình một anh trong thôn đã nhận khoán vườn cà phê này của Công ty TNHHMTV cà phê EaBá rồi nhượng lại cho em. Không có tiền em đã đi vay Ngân hàng 10 triệu để trả cho người ta tiền đầu tư chăm sóc. Tuy nhiên nhận lại vườn cà xấu quá em phải mua 20 khối phân bò và 2,5 tạ phân NPK về bón cho vườn cây, tổng cộng hết 9 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này em còn nợ đại lý, định đến mùa thu hoạch sẽ trả nợ. Thế nhưng thật không may là năm nay ở đây mất mùa nặng. Đến thời điểm này mới hái được 5 tạ cà tươi; không biết khi thu hoạch xong lượng cà phê có đủ trả nhận khoán cho Công ty hay không (0,5 ha hết 1,6 tấn) và tiền công thuê thu hái. Còn khoản nợ 20 triệu đồng tiền vay Ngân hàng và mua chịu phân bón, thuốc trừ sâu không biết lấy gì mà trả trong khi đó các chủ nợ đang hối thúc từng ngày.

Hộ chị Trần Thị Huỳnh ở thôn EaM’keng còn bi đát hơn. Ngoài nhận khoán 0,5 ha cà phê của Công ty, nhà chị còn có thêm 0,8 ha cà nữa. Thế nhưng đến thời điểm này chị mới thu được 5 tạ quả tươi. Chị Huỳnh cho biết: năm ngoái với 0,5 ha cà nhận khoán, tôi phải thuê 20 lao động hái từ sáng đến tối mới hết quả, còn năm nay chỉ 3 người hái mà chưa hết ngày đã xong. Theo tính toán của chị Huỳnh, riêng tiền đầu tư cho 0,5 ha cà đã mất đứt gần 4 triệu, lượng cà trả cho Công ty cũng lên trên 1 tấn quả tươi, còn tiền thuê công hái cứ 1kg quả tươi mất 2000 đồng. Hiện giá cà phê thu mua ở mức 4000 đồng/kg quả tươi, thấp hơn giá bình quân cả vụ năm ngoái 2000 đồng/kg thì chị Huỳnh bị lỗ nặng. Cũng như nhiều hộ dân ở đây, nhà chị Huỳnh sống chủ yếu dựa vào cây cà phê, do vậy hậu mất mùa không biết lấy ở đâu tiền ăn, tiền học cho con cái và tái đầu tư cho vườn cà vụ sau.

Theo những con đường lô, băng từ đội 2 sang thôn Chứ Sai, xã Ea Trol, chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Minh đang thu hái cà phê, anh buồn bã cho biết: Tôi có 7 sào (7000m2) nhưng năng suất quá thấp do khi cà phê ra hoa gặp mưu lớn liên tục. Bây giờ tôi thuê công tận thu được tý nào hay tý đó. Có mót sạch vườn thì sản lượng cũng chỉ đạt gần 2 tấn ( Năng suất 2,8 tấn/ha). Do chi phí đầu tư chăm sóc như nhau ( khoảng 25 triệu đồng/ha), nhưng công hái từng vườn khác nhau. Nếu vườn có năng suất cao từ 15 tấn trở lên thì khoảng 1.700 đồng/kg, còn những vườn như vườn của tôi thì công hái 3000 đồng/kg. Như vậy sau khi thu hoạch xong gia đình tôi lỗ gần 9 triệu đồng. Đó là chưa kể khoản nợ ngân hàng 15 triệu đồng mà tôi đã vay để đầu tư chăm sóc vườn cà. Thê thảm như hộ anh Đinh Văn Minh, ở đội 4 còn có các hộ như Phạm Văn Đào, Nguyễn Thị Tân, Lê Doãn Xuân… Tất cả họ đều chỉ biết kêu trời.

Ông Dương Quang Quý- Phó Giám đốc Công ty TNHHMTV cà phê EaBá cho biết: Công ty quản lý 670 ha cà phê thu hoạch vụ này, năng suất bình quân chỉ đạt 3,3 tấn/ha, trong đó có 30% diện tích năng suất chỉ đạt dưới 2 tấn/ha. Vì vậy, dự kiến sản lượng của toàn Công ty chỉ đạt khoảng 2.200 tấn, giảm 60% sản lượng so với vụ trước và 70% so với kế hoạch. “Không riêng xã Ea Bar, mất mùa cà phê là tình trạng chung của toàn huyện”, ông Quý nói.

 

TÌM HƯỚNG ĐI MỚI

Đây là năm mất mùa nặng nhất trong vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, điều đáng nói dù được mùa, được giá thì cây cà phê ở đây cũng không thực sự hiệu quả so với các cây trồng khác. Ông Nguyễn Hoàng Dũng, cán bộ kỹ thuật của công ty TNHHMTV cà phê Ea Bá cho biết, hàng chục năm qua, công ty loay hoay với cây cà phê chè, cà phê vối; lúc đầu trồng cà phê vối không hợp nên đã phá bỏ, chuyển hết sang cà phê chè. Dù cây cà chè có khá hơn nhưng vẫn kém xa so với các địa phương khác như ở Lâm Đồng. cây cà phê ở đây ra hoa, tạo quả sau tết Nguyên đán nên hầu hết gặp mưa hoặc thời tiết lạnh khiến hoa rơi quả rụng, năng suất thấp.  Năm nào thuận lợi, chăm sóc tốt thì mới đạt 15 tấn quả tươi/hecta. Còn trung bình chỉ đạt 10 tấn hecta. Trong khi đó, mùa thu hoạch lại chính vào mùa mưa, người trồng cà phê phải chấp nhận ăn chia 50/50 với nhân công hái cà để giành giật từng quả cà phê với mưa lũ. Có những năm mưa lũ kéo dài, cà phê chất đống, bỏ thối vì đường trơn trượt, chẳng có xe nào vào ra được mà trao đổi mua bán. Với giá trung bình 5.000 đồng/kg quả tươi, trừ hết chi phí, mỗi hecta cà chỉ lãi vài triệu đồng.

Ông Nguyễn Ngọc Hanh, một nông dân ở thị trấn Hai Riêng cho biết, nhà tôi có hơn một hecta cà phê đất đỏ thuộc khu vực rừng già, địa phận thị trấn hai Riêng, nếu tính hết tiền đầu tư phân bón, tiền thuê nhân công hái và tiền xăng xe đi lại trông nom rẫy thì cũng chỉ vừa đủ, nhưng tôi vẫn cố gắng cầm cự hy vọng giá cả có đột biến. Mặt khác đã bỏ ra cả đống tiền đầu tư trồng, chăm sóc mấy năm mới có thu hoạch, nay bỏ đi cũng tiếc. “Không thể chờ được nữa, năm nay tôi quyết định trồng cây cao su vào rẫy. Còn cây cà phê vẫn để nhưng không chăm sóc, vụ sau được quả nào, ăn quả đấy, nếu thấy có dấu hiệu giá cả tốt sẽ tính toán sau”- ông Hanh chia sẻ.

Còn anh Nguyễn tư Tình, thôn EaMkeng, cay đắng cho hay, thấy người ta trồng sắn mì đầu tư công cán, vốn liếng ít mà lãi mấy chục triệu đồng hỗi hecta mà thèm; tôi thì cứ phải ôm với 1,4 hecta cà phê vì đây là đất qui hoạch tồng cây lâu năm nhận khoán của Công ty không thể phá bỏ để trồng cây khác được. Còn cây cao su thấy mọi người trồng quá nhiều, vốn liếng không có, không biết sau này ra sao nên cũng không dám vay mượn để đầu tư tiếp vì lấy đâu ra nguồn thu để trả…

Ông Vũ Đức Phong, Giám đốc công ty TNHHMTV cà phê Ea Bá cho hay, cây cà phê đã không mang lại hiệu quả rõ nét, để tìm hướng đi mới, Công ty khuyến khích những hộ quản lý những rẫy cà phê đã về cuối chu kỳ trồng xen cây cao su, như vậy khi cao su được khai thác mủ cũng là lúc cây cà phê đã hết chu kỳ khai thác và có thể phá bỏ. Đến thời điểm này, phần lớn rẫy cà phê già cỗi đã được chuyển sang trồng cao su, tuy nhiên vẫn có nhiều hộ chưa có kinh phí để đầu tư chuyển đổi vì những năm qua, họ sống nhờ vào cà phê nhưng đều thất bát, vả lại, cây cà phê đã gắn bó với họ hàng chục năm qua, biết bao mồ hôi, công sức và cả tâm huyết, không dễ gì rứt bỏ ngày một, ngày hai.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sông Hinh Nguyễn Khắc Sự cho hay, diện tích cà phê theo quy hoạch của huyện là khoảng 1.500 hecta. Tập trung nghiều nhất ở Nông trường cà phê Ea Bá, nay là Công ty TNHHMTV cà phê Ea Bá với diện tích hơn 600hecta; còn lại ở các xã Ea Trol, Ea Ly, xã Sông Hinh và thị trấn Hai Riêng. Sau nhiều năm kém hiệu quả, nhiều người đã phá bỏ sang trồng các cây nông nghiệp gắn ngày như sắn, mía, nhiều nhất là chuyển sang trồng cao su, ca cao… gây nguy cơ phá vỡ vùng qui hoạch cà phê. Tuy nhiên từ thực tế, huyện đang xem xét, bố trí, chuyển đổi hợp lý. Những diện tích cà phê già cỗi, xa nguồn nước, thực sự kém hiệu quả thì nên chuển đổi sang trồng cây dài ngày có hiệu quả kinh tế cao hơn như: hồ tiêu, cao su, ca cao… 
                                                                                                            Thùy Cường

 

Chú thích ảnh: Vườn cà phê xanh tốt nhưng rất ít trái

0 nhận xét:

Đăng nhận xét