Với sự chỉ đạo quyết liệt, trong
năm qua, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở huyện miền núi
Sông Hinh bước đầu đã có kết quả đáng mừng. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu đề
ra là đến năm 2015 có 20% và năm 2020 có 60% số xã đạt nông thôn mới thì đòi hỏi
cần có sự nỗ lực rất lớn, nhất là trong công tác tuyên truyền, vận động, nâng
cao nhận thức người dân.
Dấu
ấn của chương trình mục tiêu quốc gia
xây dựng nông thôn mới trong năm qua là chương trình bê tông hóa đường giao thông
nông thôn theo nghị quyết của HĐND Tỉnh. Được sự hỗ trợ của nhà nước, hàng trăm
tấn xi măng đã cấp về tận tay các buôn làng, tạo lên phong trào bê tông hóa đường
giao thông nông thôn sôi nổi, rộng khắp, tiêu biểu như các xã Sơn Giang, Đức
Bình Đông, Đức Bình Tây, Ea Ly… Với chương trình này, nhà nước chỉ hỗ trợ một
phần còn toàn quyền xây dựng do người dân quyết định. Từ việc chọn địa điểm, cử
người giám sát, đến việc vận động, tổ chức nhân dân xây dựng. Nơi nào người dân
bận rộn thì họ góp tiền để thuê thợ, nơi rảnh rỗi thì góp công, góp sức tự thi
công với sự hướng dẫn của các kỹ sư xây dựng. Ngoài sự đóng góp của nhân dân hưởng
lợi trực tiếp, nhiều địa phương còn có sự đóng góp của một số doanh nghiệp đóng
trên địa bàn. Nhờ vậy, chỉ trong khoảng thời gian ngắn 17,99 km đường bê tông kiên cố đã được hoàn thành trong giai đoạn
một, tăng gần 4km so với đăng ký lúc đầu. Đường bê tông kiên cố đã len lỏi đến
từng buôn làng, diện mạo vùng quê ngày càng khang trang sạch đẹp. Ông Nông Văn
Quân một người dân thôn Tân Sơn, xã Ea Ly phấn khởi bày tỏ: “Lúc mới triển
khai, bà con còn e ngại, nhưng sau khi được tuyên truyền, giải thích và đã có
đường mới sạch đẹp, không sợ mưa lũ, bà con rất phấn khởi. Hiện nay, không những
thôn Tân Sơn mà hầu hết các thôn khác đã chuẩn bị sẵn sàng tiếp tục làm đường
bê tông nông thôn xây dựng nông thôn mới”.
Với
sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, các hội đoàn thể, khí thế xây dựng
nông thôn mới lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng dân cư. Ông Ma Van, Chủ tịch
UBMT TQ Việt Nam huyện Sông Hinh cho biết, nhằm thúc đẩy thực hiện xây dựng
nông thôn mới, các hội, đoàn thể từ huyện đến cơ sở đã có nhiều việc làm cụ thể
thiết thực như: phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của hội nông dân,
qua đây nhiều cây trồng có giá trị kinh tế cao được mở rộng như cây cao su, trồng
lúa lai năng suất cao, trồng sắn cao sản năng suất gấp đôi sắn thường; trồng
mía thâm canh có tưới nước cho năng suất trên 80 tấn/hecta hay mô hình trồng mía
lưu gốc trên 10 năm, góp phần giảm chi phí, nâng cao thu nhập… Hội phụ nữ huyện
hàng đêm xuống các buôn vùng dân tộ thiểu số tuyên truyền hướng dẫn nhân dân thực
hiện vệ sinh nhà cửa, thu gom tiêu hủy rác thải, giữ gìn môi trường trong sạch;
Đoàn thanh niên với phong trào chấp hành nghiêm Luật an toàn giao thông, giữ
gìn an ninh, trật tự, bảo vệ xóm làng bình yên; Hay Hội người cao tuổi với
phong trào tuổi cao gương sáng, ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền, tích cực
giáo dục con cháu trong gia đình, dòng họ chấp hành nghiêm pháp luật, tích cực
tham gia các hoạt động xây dựng buôn làng, quê hương ngày thêm đổi mới. Trao đổi
về vấn đề này ông Ma Van, Chủ tịch UBMT TQ Việt Nam huyện Sông Hinh cho biết
thêm: “căn cứ vào các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, mặt trận huyện đã giao
nhiệm vụ cụ thể cho các hội, đoàn thể, trong đó đề cao tính gương mẫu đi đầu của
mỗi đoàn viên hội viên trong nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Mặt trận tổ quốc
Việt Nam huyện cũng đã hướng dẫn các tổ chức tôn giáo trong huyện xây dựng kế
hoạch phù hợp trong việc tham gia xây dựng nông thôn mới qua đó các chức sắc,
chức việc và giáo dân đã nhiệt tình hưởng ứng cùng nhân dân địa phương góp công
góp của xây dựng đường giao thông, tăng gia sản xuất, giữ gìn thôn xóm bình
yên”.
Ông Nguyễn Khắc
Sự, Trưởng Phòng NN&PTNT, Phó Ban chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng
nông thôn mới huyện Sông Hinh cho biết, nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông
thôn mới, bên cạnh việc kiện toàn Ban chỉ đạo, đào tạo cán bộ phụ trách xây dựng
nông thôn mới, thì công tác vận động
nâng cao nhận thức cho quần chúng nhân dân được chú trọng với nhiều hình thức
khác nhau như: thông qua các hội đoàn thể, lấy hội viên, đoàn viên là nòng cốt;
tuyên truyền trong các buổi họp thôn, buôn, tuyên truyền qua phương tiện thông
tin đại chúng như đài phát thanh, loa công cộng, nhiều cá nhân tiêu biểu, mô
hình hay được biểu dương, phổ biến kịp thời để nhân rộng... Nhờ vậy, ý thức của người dân từng bước được nâng lên.
Điều đó được thể hiện như nhân dân tự nguyện đóng góp 168 triệu đồng đồng, hàng trăm
ngày công, và nhiều ý kiến tham gia góp ý vào việc xây dựng nông thôn mới. Ông
Nguyễn Khắc Sự cho biết thêm, đồng bộ các giải pháp xây dựng nông thôn mới, tính
riêng năm 2013, huyện đã giải ngân hơn 1,6 tỷ đồng tập trung cho các công trình
như nhà văn hóa, trường học, hỗ trợ nhân dân sản xuất... qua đó đã góp phần
tích cực cổ vũ nhân dân hăng hái cùng Đảng, chính quyền xây dựng nông thôn mới.
Chủ tịch UBND
huyện Sông Hinh Đặng Đình Toại bày tỏ: Xác định vai trò, ý nghĩa quan trọng
trong công tác tuyên truyền vận động, ngay từ đầu Ban chỉ đạo nông thôn mới cấp
huyện đã có sự chỉ đạo quyết liệt đến toàn hệ thống chính trị thực hiện nhiều
giải pháp khác nhau nhằm nâng cao nhận thức cho người dân và bước đầu đã có
chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, là huyện miền núi, có đông đồng bào dân tộc
thiểu số, trình độ, nhận thức còn thấp, đời sống của nhân dân có bước nâng lên
nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, đây là những trở ngại không nhỏ trong việc thực
hiện nhiệm vụ sắp tới. Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Đặng Đình Toại cho biết
thêm: “Ngay từ những ngày đầu năm 2014, Ban chỉ đạo nông thôn mới cấp huyện đã
về các địa phương rà soát, kiểm tra nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới ở các địa
phương. Ngoài các tiêu chí cần sự hỗ trợ vốn của nhà nước, huyện sẽ phân bổ các
nguồn vốn hợp lý; để hoàn thành các tiêu chí còn lại cần sự nỗ lực rất lớn của
người dân. Vì vậy, Ban chỉ đạo yêu cầu các địa phương củng cố tinh thần, nhận
thức ngay từ các thành viên ban chỉ đạo; tăng cường phối hợp với các ban,
ngành, đoàn thể tăng cường công tác vận động quần chúng bằng nhiều hình thức đa
dạng, thiết thực, mục đích cuối
cùng là để tất cả người dân hiểu được việc xây dựng nông thôn mới là của từng
người dân, do nhân dân quyết định, nhân dân là chủ thể” .
Với những nỗ lực đó, đến nay việc thực hiện các tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng
nông thôn mới trên địa bàn các xã đạt được một số kết quả nhất định. Cụ thể như
2 xã điểm: Sơn Giang đạt 11
tiêu chí với 24/39 chỉ tiêu; EaLy đạt 9 tiêu chí với 22/39 chỉ tiêu. 08 xã còn
lại: Đức Bình Tây đạt 11 tiêu chí với 27/39 chỉ
tiêu; Đức Bình Đông đạt 8 tiêu chí với 20/39 chỉ tiêu; EaBar đạt 6 tiêu chí với
17/39 chỉ tiêu; Ea Bá đạt 5 tiêu chí với 20/39 chỉ tiêu; Sông Hinh đạt 4 tiêu
chí với 16/39 chỉ tiêu; Ea Lâm đạt 4 tiêu chí với 17/39 chỉ tiêu; EaBia đạt 4
tiêu chí với 17/39 chỉ tiêu; EaTrol đạt 3 tiêu chí với 15/39 chỉ tiêu.
V. Thùy
0 nhận xét:
Đăng nhận xét