Người dân nghèo xã miền núi Ea Bia, huyện Sông Hinh đã bình yên trở lại sau
những ngày rúng động bởi hàng chục người bị lừa đi lao động ngoài tỉnh. Với
việc giúp đỡ tích cực của chính quyền, 26 người đã được chuộc lại trở về với
gia đình, địa phương. Tuy nhiên cuộc sống của họ vẫn gặp rất nhiều khó khăn,
thiếu việc làm kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình.
NHỌC NHẰM TÌM VIỆC LÀM THUÊ
Cho đến bây giờ, chị chị Trần Thị Phương, dân tộc Dao, buôn Duôn Chách, xã Ea Bia vẫn không quên những
ngày hãi hùng bên đất khách quê người, bị nhốt vào nhà kín, bị đánh đập, hù
dọa, bị tịch thu điện thoại, ăn mì tôm sống uống nước lã qua ngày, rồi sau đó
bị ép lao động quần quật từ sáng sớm đến tối mịt với tiền công ít ỏi… chỉ đến
khi có công an đến chị mới được giải cứu trở về với gia đình chồng con. Chị
Phương bùi ngùi kể lại: “Tôi vẫn nhớ như in buổi sáng hôm ấy, khi lên đầu buôn
chơi, vừa có một ô tô đi vào thì đã thấy mọi người gọi kéo nhau đi ầm ầm. Hỏi
ra mới biết là đi hái cà phê ở Lâm Đồng với mức lương 3,6 triệu đồng, cơm nuôi.
Lúc đó là mùa mưa, ở nhà không có việc làm nên hai vợ chồng đều muốn đi. Lúc
ngồi trên xe mọi người rất phấn khởi, vừa ngắm cảnh, vừa nói chuyện rôm rả và
bảo nhau phải đoàn kết cùng làm một chỗ để còn hỗ trợ nhau. Ai ngờ khi xuống xe
thì bị lùa vào phòng kín mới biết là bị lừa”.
Tìm hiểu thì được biết, hiện gia đình chị Phương là hộ nghèo, nuôi
ba con nhỏ, thiếu đất sản xuất, cuộc sống của vợ chồng chị phần chính trông chờ
vào việc đi làm thuê. Chị Phương cho hay, từ khi bị lừa đi lao động trở về, vợ
chồng chị không dám đi xa mà chỉ quanh quẩn ngồi nhà ngóng việc. Năm nay thời
tiết hạn hán kéo dài, từ tết nguyên đán đến giờ mới có vài ngày công, đủ tiền
mua gạo sống qua ngày, còn số tiền vay chuộc thân trước đó vẫn còn nợ lại chưa
biết khi nào mới trả được”.
Trưởng buôn Duôn Chách Hoàng Văn Hải cho biết, trong số những
người bị lừa trở về khó khăn nhất là Mí Tri. Mí Tri không có chồng nuôi ba con
nhỏ hiện đang sống trong ngôi nhà sàn rộng chưa đầy hai mươi mét vuông. Nhà
được làm từ số tiền hỗ trợ năm triệu đồng của chương trình xóa nhà tạm, tuy
nhiên qua nhiều năm, nay nhà đã xuống cấp, xiêu vẹo như sắp muốn đổ sập. Mặc dù
ở cạnh nhà văn hóa nhưng nhiều năm qua mẹ con Mí Tri vẫn sống trong cảnh không
điện. Mấy ngày nay, Mí Tri phấn khởi hơn vì có người quen bên Sơn Hòa gọi chặt
mía thuê nên kiếm được ít tiền trang trải cuộc sống. Khi hỏi chuyện cũ, Mí Tri
cho hay: “Vì thấy người ta hứa trả lương cao, đi vài tháng kiếm tiền nuôi con,
ai ngờ lại bị lừa, cứ tưởng rằng không được về nữa. May có nhà nước, công an
giúp cho tiền chuộc, tôi rất cảm động”
Trưởng buôn Hoàng Văn Hải (bên phải ảnh) lo ngại cho hoàn chảnh của Mí Tri |
Cũng như chị Phương, Mí Tri, hầu hất những người bì lừa trong vụ
việc lao động ở Lâm Đồng thuộc diện hộ nghèo, hoàn cảnh gia đình khó khăn và
thiếu việc làm như: LMô Y Thứ, LMô Y Thuối, Y Vét (buôn Duôn Chách); Ma Nhai, Ma Nhót, Y
Chem, Y Mép (buôn Ma Sung) hay Y Rin, Y Bóc (buôn Hai K’Lốk xã Ea Bia). Theo lời Y Thứ,
mặc dù rất muốn kiếm tiền phụ giúp gia đình nhưng từ đó đến nay, hầu hết mọi
người rất ngại đi làm xa hoặc ngay cả những việc làm trong huyện. Những ngày
không có việc, mọi người bày ra đủ thứ việc để làm như mót mì, vào suối đánh cá
hay đi nhặt phân bò khô về bán kiếm vài chục ngàn đồng mỗi buổi.
Phó Chủ tịch UBND xã Ea Bia ông Nay Y Son cho
hay: Ea Bia là xã vùng cao, vùng dân tộc thiểu số như Ê Đê, Tày, Nùng,
Dao… Đời sống của bà con còn nhiều khó khăn bởi chủ yếu sản xuất nông nghiệp,
làm theo thời vụ. Vì vậy những lúc nông nhàn, hầu hết mọi người đều kiếm việc
làm thuê có tiền cải thiện đời sống. Tuy nhiên do nhận thức kém, thiếu thông
tin cần thiết về việc làm đã dẫn đến vụ lừa lao động nói trên. Không những mất
tiền chuộc mà đến nay tâm lý mọi người rất sợ với những việc làm ngoài tình,
ngoài huyện
Người dân tộc thiểu số khó tìm được việc làm ở địa phương |
CẦN LAO ĐỘNG, VẪN THIẾU VIỆC LÀM
Cần việc làm trong thời gian ngắn, thu nhập cao là tâm lý chung
của người dân tộc thiểu số, cộng với việc thiếu thông tin đã khiến người dân
nơi đây rơi vào cảnh đã khó lại càng khó hơn. Đáng chú ý, trong số những người
bị lừa lao động kể trên thì phần lớn là trong độ tuổi thanh niên, trong khi đó
cơ hội để kiếm được việc làm ổn định, lâu dài là không khó.
Thực tế cho thấy, hàng năm huyện Sông Hinh thường phối hợp với các
ngành chức năng ở tỉnh mở những phiên giao dịch việc làm ngay tại địa phương
với nhu cầu tuyển dụng hàng ngàn người từ lao động phổ thông đến lao động có
đào tạo của những đơn vị, doanh nghiệp hợp pháp. Nhưng thực tế lại rất thưa
thớt, đặc biệt là đối với người dân tộc thiểu số. Số người có việc làm từ những
phiên giao dịch này chỉ tính được trên đầu ngón tay. Người lao động tại xã Ea Bia cũng nằm trong số
đó. Ông Nay Y Son – Phó Chủ tịch UBND xã EaBia cho nói: “Thực tế cho
thấy, ở vùng dân tộc thiểu số, thanh niên không muốn đi làm ăn xa với công việc
ổn định, lâu dài mà chỉ muốn có việc làm thời vụ một vài tháng rồi trở về nhà
cùng gia đình, bên cạnh đó nhiều thanh niên chưa có đào tạo nên không đáp ứng
được nhu cầu tuyển dụng. Nhưng cơ bản vẫn là bà con chưa nhận thức được việc
cần có một công việc với thu nhập ổn định”.
Với đặc thù huyện miền núi đất đai rộng lớn, hàng ngàn hec ta sắn, mía, cà phê, cao
su… mỗi năm tạo hàng chục ngàn công cho người lao động từ khắp nơi trong tỉnh.
Có rất nhiều tốp lao động được tổ chức thành thừng nhóm từ 10 đến 30 người. Họ
không ngại khó, ngại khổ, sẵn sàng duy trì bám trụ nhiều tháng tại nương rẫy để
nhổ sắn, chặt mía hay hái cà phê thuê với mức tiền công từ 120 đến 130.000
đồng/ngày. Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Sông Hinh cho hay: Thực tế cho
thấy, nhu cầu sử dụng lao động phổ thông theo thời vụ là rất lớn. Tuy nhiên để
có việc làm, người lao động phải được tổ chức thành từng nhóm, làm việc nhiệt
tình, uy tín, điều này ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa làm được mà mới
chỉ dừng lại ở việc vần đổi công trong phạm vi xóm nhỏ. Bên cạnh đó, với lợi thế
đất đai, bà con nơi đây có thể tự tạo việc làm ổn định cho mình bằng việc tăng
gia sản xuất, mở rộng chăn nuôi theo hướng thâm canh nâng cao hiệu quả sản
xuất, tuy vậy số người làm được điều này là rất ít.
Trung tá Lê Thành Lũy, phụ trách Đội điều tra tổng hợp công an
huyện Sông Hinh, người đã theo dõi, giải quyết vụ việc nêu trên
khuyến cáo: “Kinh tế thị trường rất phức tạp, để đạt được mục đích, các doanh
nghiệp môi giới việc làm dùng mọi thủ đoạn để thu hút nhân công và đưa ra rất
nhiều hứa hẹn mà thực tế những hứa hẹn chỉ là lời nói. Còn khi chính thức vào
thực tế, ký hợp đồng thì với lao động phổ thông không thể có mức lương cao, với
chế độ ưu đãi như lời lừa phỉnh của một số đối tượng môi giới trong vụ việc lừa
lao động ở Lâm Đồng vừa qua. Bà con nhân dân cần nhận thức rõ và hết sức cảnh
giác với những thông tin nghi vấn, báo cáo kịp thời với chính quyền đại phương
để xử lý”.
Textbox: Trung tá Lê Thành Lũy, phụ trách Đội điều tra
tổng hợp công an huyện Sông Hinh: “Cuối năm 2012, một số
đối tượng lạ đến địa bàn xã Ea Bia hứa hẹn tuyển người
di lao động đến các trung tâm giới thiệu việc làm bên Lâm Đồng với mức lương
cao, chế đội làm việc thỏa mái. Cả tin, 26 người, chủ yếu ở địa bàn xã Ea Bia đã theo lên Lâm
Đồng, tới nơi, họ bị ép lao động vất vả với mức lương thấp hơn nhiều so với hứa
hẹn lúc đầu, thấy bị lừa, những người này đòi về thì các chủ lao động không
đồng ý hoặc đòi trả lại tiền chi phí ăn ở môi giới. Nhận được tin báo của quần
chúng, UBND huyện Sông Hinh đã thành lập tổ công tác
đặc biệt trong đó công an và Phòng LĐ&TBXH huyện chủ công phối hợp
công an tỉnh Lâm Đồng đến tận nơi điều tra. Sau
nhiều ngày, đoàn công tác đã đưa toàn bộ số lao động trên lên xe trở về địa
phương, 03 đối tượng lao động không có tiền chuộc đã được UBND huyện hỗ trợ. Về đến
nhà, bà con nhân dân rất phấn khởi cảm động trước tinh thần trách nhiệm, nhiệt
tình của đoàn công tác”
Văn Thùy- Ngọc Cường
0 nhận xét:
Đăng nhận xét