Hướng dẫn nông dân người dân tộc thiểu số sử dụng công cụ hỗ trợ sạ hàng lúa vụ Hè thu 2014 |
Nông nghiệp
chiếm tỷ trọng gần một nửa trong tổng giá trị sản xuất các ngành chính của
huyện Sông Hinh. Tuy nhiên, nắng hạn kéo dài từ đầu năm đã khiến việc sản xuất
bị ngưng trệ, mùa màng đảo lộn. Nhưng cùng với sự quan tâm kịp thời của Đảng
bộ, Chính quyền cơ sở, nông dân huyện Sông Hinh đã nêu cao tinh thần khắc phục
khó khăn, chống hạn xuống giống sản xuất vụ mới với khí thế quyết tâm cao.
Nắng hạn kéo dài trong thời gian qua đã để lại hậu quả
lớn đối với ngành nông nghiệp huyện Sông Hinh, hơn bốn nghìn hecta cây trồng bị ảnh
hưởng trực tiếp, trong đó hơn sáu mươi hecta lúa bị mất trắng; Gần một nghìn hecta sắn phải trồng lại; gần năm mươi hecta mía bị khô chết; Thiếu nước tưới, cây cà phê khô héo, rụng quả; bệnh phấn trắng, phấn hồng hoành hành làm cây cao su rụng lá tả tơi; Đàn bò thiếu cỏ gầy yếu, cạn kiệt sức lực…
Dư âm của nắng hạn còn đang làm cho người nông dân vất
vả xoay xở mới có được giống sắn tốt để trồng. Ông Ma Uyên Buôn Hai K’Rông, xã
Ea Bia cho biết: “Nếu không bị hạn hán
thì bây giờ sắn của mình gần đến ngày thu hoạch rồi; sắn hiện nay khô héo không
còn giống để trồng, mình phải đi tìm khắp nơi, khắp chỗ để có giống sắn mới về
trồng”.
Nắng hạn khiến mía cháy... |
Để giảm thiểu thiệt hại do hạn hán, huyện Sông Hinh đã
có những giải pháp tích cực như hỗ trợ bơm tưới cứu lúa ở những nơi có nguồn
nước, nạo vét kênh mương, hướng dẫn nhân dân tận dụng phụ phẩm nông nghiệp có
sẵn như rơm, ngọn mía, thân chuối để làm thức ăn cho bò; Huyện cũng đã hỗ trợ
trực tiếp hơn 4.000 bó giống sắn mới với diện tích khoảng 75 hecta; hỗ trợ 50%
tiền mua gần 05 tấn giống lúa lai cho các hộ dân. Sự quan tâm kịp thời của
chính quyền địa phương đã tạo nên động lực to lớn, động viên nông dân khắc phục
mọi khó khăn, huy động mọi nguồn lực sẵn có để đối phó chống chọi với thời tiết
khắc nghiệt. Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Sông Hinh cho
biết: “Bằng mọi biện pháp hiện có, bà con
đưa ra các biện pháp chống hạn một cách tích cực, mua máy bơm, thuê máy bơm để
tưới chăm sóc cây. Đặc biệt một số hộ đào hồ để bơm nước cho sắn mì, cho mía và
đặc biệt để cứu lúa. Bằng nỗ lực của bà con cũng đã cứu được, khắc phục được
trên 50% số diện tích do nắng hạn gây ra”.
Sắn chết khô. |
Những cơn mưa sớm trong tháng sáu vừa qua được ví như
mưa vàng sau 165 ngày mong đợi. Không
khí rộn ràng trên khắp xóm làng, tiếng cười nói, tiếng gọi nhau ý ới len lỏi
trên từng đồi ngô, rẫy sắn. Chưa đầy một tháng đã có hơn bốn nghìn hecta sắn, mía, bắp… xuống giống vụ mới; hơn năm nghìn hecta cây trồng được chăm sóc, bón phân kịp thời. Màu xanh bạt ngàn đang dần trở
lại. Ma Nghĩa, một lão nông xã Ea Bá nói: “Bà
con rất phấn khởi, tranh thủ làm cả sáng, cả chiều, trồng, làm cỏ, nếu chỗ nào
nhiều cây chết thì cấy dặm để trồng cho nó đều, phủ xanh đất đó cho tốt hơn”.
Những ngày qua, trời nắng gắt báo hiệu một cơn mưa
giông nữa lại đến. Trên cánh đồng buôn Kít, xã Sông Hinh, Y Thu cùng bà con nông dân hối hả cày đất cho nhuyễn, san mặt ruộng cho phẳng, kịp
thời gieo sạ giống lúa lai ưa chuộng TH 3-3 để đón cơn mưa mới. Mồ hôi ướt đẫm vai, chảy dài trên gò má nhưng cũng
không làm vơi sự quyết tâm đến một mùa vụ mới với nhiều hứa hẹn. Y Thu nói: “Hạn hán gây thiệt hái quá nhiều đối với bà
con nông dân chúng tôi, nhưng không vì thế mà chúng tôi nản lòng. Mà ngược lại,
bà con chúng tôi động viên nhau tích cực lao động sản xuất, thâm canh; đảm bảo
cho vụ mùa mới thắng lợi”.
Ông Trần Thanh Định, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh
bày tỏ: Vụ sản xuất mới vẫn còn dài và nhiều khó khăn, nhưng những việc làm
tích cực của chính quyền, cùng với sự nỗ lực vượt khó của người dân, đó là
những thành quả bước đầu đáng phấn khởi, tin tưởng bà con nông dân huyện Sông Hinh
gặt hái được nhiều kết quả trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp nói riêng và sự
phát triển của huyện nhà nói chung.
Văn Thùy
Ảnh: Nông dân người dân tộc thiểu số sử dụng công cụ
hỗ trợ xạ hàng lúa vụ hè thu 2014.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét