Hội
Cựu chiến binh thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh có 12 chi hội, 210 hội viên.
Hưởng ứng phong trào thi đua “Cựu chiến binh tích cực”, trong thời gian qua,
dưới mái ấm của Hội, từng hội viên đã phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, nỗ
lực vượt qua khó khăn, giành được nhiều thắng lợi trên mặt trận xóa đói giảm
nghèo ngay tại địa phương mình.
Hội CCB thị trấn Hai Riêng trao đổi king nghiệm khai thác mủ cao su |
Cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Như Năm, chi
hội 5, Hội CCB thị trấn Hai riêng không chỉ được nhiều người biết đến là cá nhân
13 lần liên tiếp tình nguyện hiến máu nhân đạo mà ông còn được nhiều người dân
cảm phục bởi nghị lực vượt khó làm giàu từ bàn tay, sức lực của mình. Năm 2002, ông tập trung toàn lực vào mô hình bò sữa; ít năm
sau, sữa đầy nhà nhưng chẳng có đơn vị nào thu mua. Cùng lúc đó giá bò rớt thảm
hại, đầu tư hàng trăm triệu đồng mà khi bán đàn bò chỉ vỏn vẹn được 15 triệu
đồng, số tiền đó không đủ trả nợ chứ chưa tính toán đến công chăm sóc nhiều năm
trời.
Cuộc sống lâm vào cảnh khó
khăn cùng cực, vợ chồng không ít lần lời qua tiếng lại. Không chịu khuất phục,
với bản chất của người lính, sau nhiều đêm trăn trở vợ chồng ông quyết định chuyển
sang nghề nuôi heo. Tay làm, miệng không quên
khuyên nhủ, động viên vợ con “thà chịu khó còn hơn khó chịu". Lúc đầu chỉ
hai con heo, sau tăng dần lên năm, sáu con, kết hợp với nấu rượu và máy xay
sát; dưới bàn tay chăm chỉ đàn heo ngày càng nhiều và luôn hồng hào, béo tốt. Từ
việc nuôi heo này, giờ đây ông đã có cơ ngơi nhà cửa khang trang trị giá trên
tỷ đồng, có cơ sở máy xay sát gạo hoạt động thường xuyên, thu nhập hàng trăm
triệu đồng mỗi năm. Không dừng lại, ông tiếp tục học hỏi, áp dụng kỹ thuật mới
trong chăn nuôi như làm chuồng vi sinh, hầm biôga vừa để phòng ngừa bệnh tật,
vừa đảm bảo vệ sinh môi trường trong khu dân cư. CCB Nguyễn Như Năm tâm sự:
“Trong lúc khó khăn nhất, đồng đội anh em trong Hội thường xuyên đến động viên,
an ủi và còn tạo điều kiện cho vay mượn 20 triệu đồng. Gia đình tôi rất trân
trọng tình cảm này. Không biết cuộc sống gia đình tôi sẽ ra sao nếu không có sự
sẻ chia từ đồng đội”.
Khác với Nguyễn Như Năm, CCB
Đoàn Đình Bảng, chi hội 8, tìm hướng đi riêng cho mình quyết làm giàu từ cây
tiêu. Cách đây hơn mười năm, tiêu rớt giá, mọi nhà đua nhau chặt bỏ tiêu để
trồng cây khác, còn ông vẫn kiên trì tìm tòi học hỏi anh em, bạn bè, tích lũy
kỹ thuật chăm sóc vườn tiêu của mình. Thành quả đã đến khi những năm qua tiêu
liên tục được giá, mỗi năm hơn 8 sào tiêu cho lợi nhuận từ 120 đến 200 triệu
đồng. Có tiền, có kinh nghiệm ông tiếp tục mở rộng diện tích, số còn lại chia
sẻ cho con cái để đầu tư vào sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Ngoài các gương điển hình trên, trong thời gian qua Hội CCB
thị trấn Hai Riêng đã xuất hiện nhiều cá nhân tiêu biểu trong việc phát triển
kinh tế với những mô hình đa dạng như: CCB Nguyễn
Ngọc Phi- chi hội 2, nhờ cần cù lao động trong trồng trọt, chăn nuôi bò đã xây
cất một ngôi nhà trị giá gần 02 tỷ đồng; CCB Cao Xuân Trợ, Trần Văn Hùng chi hội
6; CCB Đặng Quốc Dụ, Ngô Văn Quân chi hội 9 hiện đang sản xuất hàng chục hecta
gồm cao su, mía, sắn mỳ, keo lá tràm bình quân mỗi năm cho thu nhập trên 300
triệu đồng; Trong đầu tư kinh doanh, buôn bán, hội viên Lê Bá Thiệu, Vũ Tuyển
Cử, Phạm Ngọc Cương, Lại Văn Nghiêm…đã mạnh dạn đi tắt, đón đầu mở nhà hàng
tiệc cưới, quầy hàng tạp hóa, xưởng mộc dân dụng đã tạo nhiều công ăn việc làm
cho hàng chục lao động, lợi nhuận thu về hàng trăm triệu đồng/năm, gương mẫu
chấp hành nghĩa vụ thuế với Nhà nước và làm tốt công tác từ thiện…
Ông Tô Hữu Đồng, Chủ tịch
Hội CCB thị trấn Hai Riêng bày tỏ, trong những năm qua, phong trào thi đua “Cựu
chiến binh gương mẫu” đã được đông đảo hội viên hưởng ứng. Song song với nhiệm
vụ xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền, phong trào thi đua phát triển sản xuất,
xóa đói giảm nghèo được đông đảo hội viên hội CCB thị trấn Hai Riêng đẩy mạnh. Với
nghị lực truyền thống của mình, từng hội viên đã trăn trở, tìm tòi, áp dụng
khoa học kỹ thuật khai thác triệt để tiềm năng, lợi thế ngay tại địa phương, bứt
phá vươn lên trở thành những hộ gia đình khá giả.
Đồng hành với nỗ lực của
từng hội viên, Hội CCB đã đề ra chủ
trương vận động các tổ chức cơ sở hội thành lập quỹ quay vòng để giúp nhau phát
triển kinh tế. Đến nay hầu hết các chi hội đã có quĩ với tổng số tiền lên đến
hơn 180 triệu đồng. Số tiền trên giúp các hội viên nghèo đầu tư phát triển kinh
tế. Bên cạnh đó, Hội đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH huyện
thực hiện vốn vay ưu đãi. Đến nay tổng dư nợ đã lên đến hơn 07 tỷ đồng cho 429 hội viên được vay, trong đó tập trung đầu tư chăn
nuôi cho trên 150 con bò sinh sản, đầu tư cho hơn 100 ha mía, khoảng 80 ha sắn
mì và hơn 200 ha cây trồng các loại, thu nhập bình quân từ 50-70 triệu đồng/
năm.
Đáng chú ý, để giúp các hội
viên có thêm kinh nghiệm, Hội thường xuyên tổ chức đi thăm quan các mô hình
kinh tế của các hội viên khác trong và ngoài huyện, qua đó các hội viên có điều
kiện trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, tạo mối liên kết chặt chẽ trong hệ
thống hội, từ đó giúp hội viên kịp thời trao đổi, thông báo cho nhau những biến
đổi bất thường về thời tiết, giá cả. Ông Ngô Văn Quân, CCB chi hội 9 cho biết:
“Đầu năm 2014, cây cao su bị nấm khiến lá rụng hàng loạt, nhờ có đồng đội quen
biết trong các đợt thăm quan ở xã Ea Ly, Ea Bar báo về, nên tôi đã kịp thời
phun thuốc. Nhờ vậy bệnh được ngăn chặn ngay từ đầu, vườn cao su của gia đình vẫn
đảm bảo năng suất đều như mọi năm”.
Nỗ lực, quyết tâm của toàn thể cán bộ, hội viên trong phát
triển kinh tế hộ gia đình đã có chuyển
biến tích cực, hộ giàu từ 15 hộ năm 2009 tăng lên 30 hộ năm 2014, chiếm 11,4%;
hộ khá 80 hộ chiếm 28%. Hơn những thế, tinh thần đó đã lan tỏa sâu rộng, nhân
lên nghị lực trong các gia đình hội viên nghèo, nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo giảm từ
25% năm 2009 xuống 8% năm 2014. Hầu hết các
gia đình hội viên đã có nhà cửa ổn định, không còn hộ đói, con cái đều được học
hành đầy đủ.
Ông Phạm Tây, Chủ tịch Hội CCB huyện Sông Hinh nói: Chủ trương giúp
nhau phát triển sản xuất của Hội CCB trị trấn Hai riêng đã mang lại hiệu quả rõ
rệt, giúp từng hội viên ổn định và nâng dần mức sống. Nhưng điều quan trọng hơn
là tạo được niềm tin và gắn bó giữa hội viên với tổ chức cơ sở hội; đó là môi
trường thuận lợi để các hội viên phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, đoàn kết,
giúp đỡ lẫn nhau, xây dựng tình làng nghĩa xóm gắn bó, đồng lòng chung sức cùng
với toàn Đảng, toàn dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, góp phần thực
hiện thắng lợi nhiệm vụ CNH-HĐH và hội nhập quốc tế của của đất nước ta hiện
nay.
Văn Thùy
0 nhận xét:
Đăng nhận xét