RSS
Write some words about you and your blog here

Thứ Năm, 18 tháng 4, 2013

DU LỊCH SÔNG HINH


ĐỊNH HƯỚNG ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN
    Cử nhân kinh tế Lê Xuân Độ 
 Trưởng Ban QL dự án Sở Văn hoá, 
            Thể thao và Du lịch Phú Yên
Công viên 25/2, thị trấn Hai Riêng, Sông Hinh, Phú Yên



Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây- Nam tỉnh Phú Yên với Trung tâm huyện là thị trấn Hai Riêng, phía Đông giáp huyện Tây Hòa (ranh giới là sông Con), phía Bắc giáp huyện Sơn Hòa (ranh giới là sông Ba), phía Tây giáp huyện Krông Pa tỉnh Gia Lai (ranh giới là ngã 3 sông Krông H’Năng), phía Nam giáp huyện M’Drăc tỉnh Đắc Lắk (ranh giới là suối EaMKeng).
Tổng diện tích tự nhiên: 885 km­­2.. Dân số: 41.301 người;  Gồm 12 dân tộc anh em sinh sống, phần lớn là dân tộc Kinh, Êđê, Bana và một số dân tộc khác như Chăm Hroi, Gia Rai, Răc Lây, Tày, Nùng, Dao, Mường, Sán Rìu, Hoa...
Tỉnh lộ 645: (ĐT 645) nối QL 1A tại km 1339+500 phường Phú Lâm, thành phố Tuy Hòa theo hướng Tây nối trung tâm huyện miền núi Sông Hinh, điểm cuối tuyến trên địa phận Phú Yên tại cầu Đắc Phú chiều dài tuyến là 83 km.
Hồ Hai Riêng huyền ảo bên cạnh công viên 25/2

I. Tiềm năng du lịch huyện Sông Hinh
Sông Hinh có vị trí địa lý nằm trên trục đường giao thông nối liền giữa đồng bằng và Tây nguyên, với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn, suối đẹp, yên tỉnh, thơ mộng như hồ thủy điện Sông Hinh; văn hoá đa dạng của nhiều dân tộc sinh sống trên địa bàn, Sông Hinh có khả năng phát triển loại hình du lịch sinh thái. Không gian vùng hồ Sông Hinh và phụ cận đây là hồ thuỷ điện đã đi vào hoạt động ngày 23/11/1995 với 2 tổ máy có công suất 70MW. Hàng năm thuỷ điện Sông Hinh cung cấp một lượng điện là 373 triệu Kwh. Công trình không chỉ cung cấp điện hoà vào lưới điện quốc gia mà còn là nguồn nước tưới cho 5.500 ha lúa vùng Sơn Giang, Sơn Thành và góp phần hình thành một khu vực nuôi cá nước ngọt diện tích 41km2 . Hồ thuỷ điện Sông Hinh góp phần điều tiết khí hậu, cải thiện môi trường huyện Sông Hinh, đây là vùng du lịch xanh, Mặc dù tính sinh học ở vùng này chưa phải là cao, tuy nhiên hệ sinh thái hồ ở đây được xem là tương đối độc đáo với nhiều cảnh quan đẹp và hấp dẫn.
Bên cạnh những giá trị về sinh thái tự nhiên của vùng hồ, du khách đến đây còn có thể tìm hiểu được những giá trị văn hoá bản địa của đồng bào ÊĐê, Bana sống ở khu vực phụ cận hồ.
Căn cứ vào các đặc điểm sinh thái tự nhiên và điều kiện có liên quan, hoạt động du lịch ở vùng này chủ yếu là tham quan nghiên cứu hệ sinh thái hồ đặc thù kết hợp thắng cảnh và du lịch văn hoá.
Trong không gian du lịch này, trọng điểm đầu tư để phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái đích thực tập trung ở khu vực phía Bắc Hồ và khu vực phát triển du lịch vui chới giải trí và văn hoá cộng đồng ở khu vực hồ thị trấn Hai Riêng.
Để khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch sinh thái đa dạng của huyện, đảm bảo sự phát triển bền vững phải xem xét các yếu tố đứng từ góc độ tự nhiên và nhân văn, các yếu tố kinh tế, sự quan hệ tương tác để tổ chức đầu tư phù hợp cho từng dự án. Không nên đầu tư dàn trải, đầu tư một vài nơi có quy hoạch hướng phát triển tương lai, không phá vỡ quy hoạch, đầu tư dần từng giai đoạn theo phân kỳ đầu tư, để giảm tập trung vốn lớn. Trước mắt địa bàn huyện Sông Hinh chủ yếu là khách nội địa, điểm đến du lịch thăm quan đi về thành phố, trung tâm lớn của tỉnh trong ngày, giống như các huyện miền núi khác trong tỉnh, nếu không tạo được sản phẩm độc đáo.
Những khó khăn và thách thức:
- Du lịch Sông Hinh đang ở giai đoạn đầu của điểm xuất phát so với du lịch trong trong tỉnh  hoạt đông du lịch còn yếu dựa vào tự nhiên, chưa được tôn tạo thông qua bàn tay con người, kinh nghiệm quản lý, kinh doanh và trình độ nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ lao động trong ngành dịch vụ du lịch còn bất cập, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỷ thuật du lịch hầu như chưa có.
- Tài nguyên du lịch và môi trường đang có sự suy giảm do  khai thác rừng. Sử dụng thiếu hợp lý và những tác động của thiên tai diễn ra nhiều vùng trong vùng
- Vốn đầu tư phát triển du lịch rất thiếu, trong khi đó đầu tư chưa đồng bộ kém hiệu quả đang là một thách thức không nhỏ đối với sự phát triển các hoạt động du lịch
II. Tăng cường công tác quy hoạch và quản lý phát triển du lịch:
Xe hoa chào mừng 400 năm Phú yên tại Sông Hinh

 Huyện chủ động điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển du lịch theo nguyên tắc gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh thời kỳ 2010 - 2020, gắn với bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái và gắn với quy hoạch sử dụng đất. Các khu du lịch phải có quy hoạch chi tiết và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trước khi thực hiện. Đối với các quy hoạch khu du lịch lớn, hiện đại, quy hoạch các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch đòi hỏi phải có chất lượng cao và có tầm chiến lược trong phát triển du lịch của tỉnh,cũng như phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương,
Đối với quy hoạch cần có sự kết hợp đồng bộ giữa các ngành tài nguyên môi trường, xây dựng, giao thông vận tải, văn hoá, điện, nước... để triển khai các quy hoạch chi tiết nhằm đầu tư xây dựng các khu, cụm du lịch
III. Đầu tư hạ tầng du lịch

1. Phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch:
Hiện nay cơ sở hạ tầng giao thông của huyện còn quá thấp hầu hết các tuyến đường thuộc loại 6 (nhóm E).
- Đường bộ: ngoài việc đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, những tuyến đường được xác định là lộ trình du lịch.
- Xây dựng lộ trình mở, khai thác khách du lịch từ Tây Nguyên liên kết với tuyến du lịch biển đảo. 
- Tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật ở trung tâm thị trấn để tạo điều kiện thuận lợi đối với khách du lịch.
2. Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch:
Nâng cao chất lượng dịch vụ tại các cơ sở lưu trú; dự báo nhu cầu về lưu trú và cơ sở lưu trú du lịch thời kỳ 2010 - 2020 và các năm tiếp theo làm cơ sở để xây dựng và công bố quy hoạch phát triển cơ sở lưu trú (khách sạn, nhà nghỉ) ở địa phương đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của khách du lịch. Quy hoạch phát triển các nhà nghỉ ở các khu du lịch hồ và khu sinh thái rừng thiên nhiên. Khuyến khích, tạo điều kiện cho cộng đồng dân cư tại địa phương tham gia phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch cũng như đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về đặc thù văn hoá các dân tộc sống ở địa phương của khách du lịch, đồng thời tạo khả năng khắc phục khó khăn về cơ sở lưu trú theo thời vụ nhà nghỉ gắn được sinh hoạt văn hoá cộng đồng địa phương, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân tại địa phương.
Tại các trung tâm du lịch lớn, cần có các khu vui chơi giải trí đa dạng có quy mô tương đối.
3. Chính sách Đầu tư phát triển du lịch:
Có cơ chế, chính sách thích hợp về vốn, nhân lực, đất đai, thuế, huy động đầu tư ngoài huyện, ngoài tỉnh và cải tiến các thủ tục hành chính để mọi thành phần kinh tế, cả trong ngoài tỉnh tham gia đầu tư phát triển du lịch.
Căn cứ khả năng ngân sách và nhu cầu đầu tư phát triển du lịch chủ động bố trí kinh phí, đồng thời có cơ chế chính sách thích hợp để huy động các nguồn lực hợp pháp phục vụ yêu cầu đầu tư phát triển du lịch.
a) Hệ thống giao thông:
Đây là phần rất quan trọng phục vụ cho việc phát triển đầu tư các khu du lịch, không có đường giao thông thuận tiện thì sẽ không có khách đến khu du lịch, trước khi đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch thì phải đầu tư giao thông trước. Đối với những khu du lịch sinh thái chú ý khi đầu tư giao thông trong các khu du lịch tránh phá vỡ môi trường cảnh quan, các con đường phải tạo cho khách cảm giác hoà nhập với thiên nhiên.
b) Đầu tư phát triển hệ thống các công trình vui chơi giải trí, thể thao tổng hợp:
Hiện nay, các hoạt động vui chơi giải trí, thể thao bổ trợ cho các hoạt động của khách du lịch khi đến Vùng núi còn rất hạn chế. Điều này đã hạn chế đáng kể thời gian lưu trú và khả năng chi tiêu của khách, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh du lịch. Để khắc phục tình trạng này cần ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình vui chơi giải trí, thể thao leo núi, lội suối để đáp ứng nhu cầu của khách khu du lịch, đặc biệt là khách du lịch nội địa – thi trường khách có nhu cầu cao về các dịch vụ vui chơi giải trí và thể thao.
c) Đầu tư bảo tồn, tôn tạo các giá trị văn hóa lịch sử, cách mạng và phát triển các lễ hội truyền thống phục vụ du lịch:
Vùng núi là nơi tập trung nhiều di sản văn hóa của nước ta; là chiến trường khốc liệt trong chiến tranh nên đã để lại nơi đây những di tích cách mạng đã ghi dấu ấn oanh liệt của các thế hệ trẻ Việt Nam, ghi lại lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam… Chính vì thế, đối với khách du lịch quốc tế mục đích chính khi đến đây là để nghiên cứu tìm hiểu về nền văn hóa bản địa. Do vậy, việc đầu tư bảo tồn, tôn tạo các giá trị văn hóa lịch sử - cách mạng và các lễ hội truyền thống, một mặt có ý nghĩa giáo dục các thế hệ trẻ về những giá trị văn hóa lịch sử - cách mạng của dân tộc, về những hy sinh và kỳ tích của các thế hệ cha ông đi trước trong các cuộc chiến tranh giữ nước, mặt khác có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động phát triển du lịch. đầu tư xây dựng nâng cấp các lễ hội truyền thống.
- Xây dựng một số làng văn hóa điển hình của đồng bào dân tộc ít người, tạo điểm tham quan nghiên cứu văn hoá của khách du lịch.
- Đầu tư xây dựng chương trình, tiết mục, cồng ba chiêng năm, múa dân tộc thiểu số...
- Phát triển một số loại hình du lịch văn hoá, khu du lịch sinh thái.
d) Đầu tư cho công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch có chất lượng cao:
Đây là một lĩnh vực đầu tư rất quan trọng, đảm bảo cho việc nâng cao chất lượng các sản phẩm và dịch vụ du lịch, đặc biệt trong bối cảnh du lịch tỉnh nhà nói chung và du lịch huyện miền núi nói riêng đang bước trên con đường hội nhập với hoạt động phát triển du lịch của cả nước, khu vực và thế giới. Chính vì vậy, việc đầu tư để xây dựng một chương trình đào tạo toàn diện và đồng bộ từ cán bộ quản lý đến đội ngũ nhân viên phục vụ có chất lượng cao để đáp ứng được nhu cầu hiện nay là rất quan trọng.
e) Về đầu tư phát triển sản phẩm du lịch:
Xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo mang sắc thái riêng của huyện miền núi Sông Hinh, đặc biệt chú trọng đến các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa. Bên cạnh đó, nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, đẩy mạnh phát triển du lịch lòng hồ thuỷ điện Sông Hinh, khu mua sắm sản phẩm vùng núi, ẩm thực và chú trọng phát triển các dịch vụ vui chơi giải trí sinh hoạt cồng chiêng về đêm…
Nhóm giải pháp đầu tư:
Công viên 25/2 về đêm

Do du lịch ở huyện ta trình độ thấp, nên phát triển du lịch Sông Hinh phải gắn với sự phát triển du lịch trong khu vực, nhất là các huyện, tỉnh lân cận; phải tạo được sự gắn kết về du lịch với các huyện, thành phố trong khu vực và cả nước; đặc biệt là phải tăng cường mở rộng sự liên doanh, liên kết với các đơn vị kinh doanh du lịch ở các tỉnh, thành phố lớn.
- Việc đầu tư phát triển du lịch cần theo thứ tự ưu tiên dễ làm trước, khó làm sau, nhưng phải chú trọng đến việc đa dạng hoá các sản phẩm du lịch, tạo ra những sản phẩm du lịch có chất lượng cao, hấp dẫn, nhất là các sản phẩm du lịch, dịch vụ độc đáo riêng của huyện Sông Hinh.
-Việc tổ chức hoạt động kinh doanh du lịch phải gắn liền với tổ chức quản lý nhà nước, đảm bảo an ninh, trật tự và an toàn xã hội, đảm bảo ngăn chặn các tệ nạn xã hội, đặc biệt phải phát huy và nâng cao truyền thống văn hoá, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, bảo vệ môi trường, phát triển hệ sinh thái để du lịch Sông hinh  phát triển bền vững cùng với khu vực và cả nước.
- Phát triển đa dạng các loại hình du lịch, xây dựng các điểm du lịch, một số điểm du lịch miền núi gắn với chiến trường xưa, các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hoá. khuyến khích các thanh phần kinh tế tham gia làm dịch vụ theo quy hoạch, bảo đảm an ninh quốc phòng, an toàn xã hội, bảo vệ cảnh quan môi trường.
Kiến nghị:
- Cần có kế hoạch để xây dựng các dự án phát triển du lịch khả thi cụ thể.
- Cần lồng ghép kế hoạch phát triển du lịch với những chương trình kinh tế - xã hội khác như: Chương trình trồng rừng trên địa bàn huyện, chương trình xoá đói giảm nghèo, chương trình tôn tạo các di tích lịch sử văn hoá ... nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch.
- Có kế hoạch cụ thể xúc tiến quảng bá tiềm năng du lịch huyện để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư và khách du lịch trong tỉnh và khu vực.
+ Tổ chức hội nghị đầu tư nhằm kêu gọi và định hướng đầu tư cho các dịch vụ còn thiếu và chưa đạt chất lượng, đặc biệt là hệ thống khách sạn, nhà nghỉ du lịch, nhà hàng, phương  tiện vận chuyển.
+ Tiếp tục kêu gọi đầu tư để hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, đường sá trên suốt tuyến du lịch đường bộ.
+ Đầu tư cho công tác đào tạo đội ngũ nhân sự cả về chuyên môn khai thác điều hành và ngoại ngữ nhằm đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách./.
 

 

Công viên 25/2

0 nhận xét:

Đăng nhận xét