RSS
Write some words about you and your blog here

Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2013

Nhện đỏ hại sắn khiến người dân lo lắng

Cán bộ khuyến nông hướng dẫn trừ nhện đỏ cho nông dân

      Trong niên vụ sắn 2012-2013, giá sắn liên tục tăng cao, bà con nông dân phấn khởi vừa được mùa, vừa được giá. Tuy nhiên, những ngày qua thời tiết nắng nóng kéo dài cùng với nhện đỏ gây hại cây sắn đã khiến người nông dân lo lắng.
     Ông Trần Văn Nhất, thôn Chí Thán, xã Đức Bình Đông có hơn một hecta sắn. Cuối ngăm 2012, với giá bán 1.800 đồng/kg củ tươi, rẫy sắn đã giúp cả gia đình ông đón tết vui vẻ, đầm ấm. Tuy nhiên gần hai mươi ngày qua, ông Nhất như ngồi trên đống lửa bởi rẫy sắn đột nhiên ngưng phát triển, lá chuyển màu đốm trắng, sau đó úa vàng rồi rớt trụi. Ông Nhất lo lắng nói: “Cả nhà tôi trông chờ vào rẫy sắn này, ngoài tiền công ra, tôi đã đầu tư hơn chục triệu đồng tiền phân, tiền giống. Từ trước đến nay, cả khu vực này không hề thấy bệnh này. Những chỗ không bị bệnh, cây đã cao ngang đầu người, còn phần lớn sắn đã bị vàng lá, cây lẹt đẹt chỉ đến đầu gối. Không biết vụ này năng suất ra sao?”
    Không riêng gia đình ông Nhất, hầu như các rẫy xung quanh đều có hiện tượng trên. Ông Nguyễn Hữu Hóa, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Bình Đông cho biết, diện tích sắn bị hại tập trung nhiều ở thôn Bình Giang, thôn Chí Thán, và nhiều nhất ở những đồi cao, những nơi khô hạn, tốc độ lây lan nhanh, mạnh nhất là trong đợt nắng nóng vừa qua. Chỉ trong thời gian ngắn, từ chỗ vài hecta, đến nay đã tăng lên 15 hecta. Biểu hiện của bệnh giống như rệp trên cây xoài, tuy nhiêm nguy hiểm hơn là gây rụng lá, cây ngưng phát triển. “Đây là loại bệnh mới, chưa có kinh nghiệm trị nên đã khiến bà con nông dân lo lắng”- Ông Hóa nói.
    Ông Nguyễn Văn Kiện, Trưởng trạm Bảo vệ Thực vật huyện Sông Hinh cho biết, ngay sau khi nhận được tin báo, trạm đã phân công người tiến hành điều tra, khảo sát troàn bộ diện tích sắn trong huyện và đã phát hiện trường hợp trên là do nhện đỏ phát sinh gây hại sắn. Nhìn qua kính lúp, trứng nhện hình cầu, trong, mờ; nhện con mới nở màu xanh nhạt, có 6 chân, trên cơ thể có hai chấm đỏ sậm. Khi trưởng thành, nhện có 8 chân màu đỏ, nhện đỏ li ti, mắt thường nhìn kỹ mới thấy. Vòng đời của chúng rất ngắn, chỉ khoảng 10 đến 12 ngày. Nhện đỏ gây hại các lá đã trưởng thành trên cây, sau đó di chuyển lên các lá phía trên. Bám dày đặc ở phần giữa lá và dọc theo gân lá. Nhện tập trung hút biểu bì làm lá có những vết chấm màu trắng, khi bị nặng, các vết liên kết làm cho lá mất diệp lục, bị vàng khô và rụng. Nếu gặp nắng nóng kéo dài sẽ làm cho cây sắn khô và chết.
    Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sông Hinh cho biết. Diện tích sắn bị nhện đỏ gây hại tập trung nhiều ở các xã Đức Bình Đông 15 hecta, Sơn Giang 20 hecta và Ea Bia khoảng 5 hecta. Đặc biệt nhện đỏ chỉ tấn công trên sắn giống KM 98-5. Vào thời điểm này năm trước, nhện đỏ xuất hiện ở khu vực thôn Bình Giang, xã Đức Bình Đông trong phạm vi vài hộ gia đình, sau khi hướng dẫn, nhện đỏ đã được khống chế và sắn phát triển bình thường; đồng thời khuyến cáo bà con không nên sử dụng làm cây giống ở những diện tích này. Tuy nhiên do đây là giống sắn mới có năng suất cao nên bà con bất chấp những lời khuyến cáo, và lấy lại những cây sắn vụ trước để làm giống.
    Theo ông Nguyễn Văn Kiện, Trưởng trạm bảo vệ thực vật huyện Sông Hinh, qua kiểm tra, nhện đỏ gây hại khiến năng suất ở những diện tích bị bệnh giảm 15 đến 30%, cá biệt có những diện tích năng suất giảm từ 50 -70%. Nếu không chữa trị kịp thời và thời tiết tiếp tục nắng nóng thì thiệt hại sẽ lớn hơn rất nhiều cho người trồng sắn. “Nhện đỏ rất sợ nước, ở trong môi trường ẩm ướt, nhện đỏ sẽ chết, trứng nhện bị hư, thối. Vì vậy, để phòng trị nhện đỏ nên phun thật nhiều nước, chú ý tập trung phun nước ở mặt dưới lá. Nhện đỏ có khả năng kháng thuốc rất nhanh, khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thì cần luân phiên sử dụng các loại thuốc khác nhau, ví dụ như : Camite 73 EC, liều dùng  01 lít/hecta; Ortus 5SC, liều dùng 01 lít/hecta; Rufast 3 EC, liều dùng 0,5 lít/hecta. Khi dùng thuốc cần tuân thủ các biện pháp vệ sinh an toàn lao động và đảm bảo nguyên tắc 4 đúng: đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách”- ông Nguyễn Văn Kiện, Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Sông Hinh khuyến cáo.


                                                NGỌC CƯỜNG- VĂN THÙY

0 nhận xét:

Đăng nhận xét