RSS
Write some words about you and your blog here

Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2013

Cách xử lý thông cáo báo chí


Nhưng nếu xét từ địa vị của một độc giả thì có lẽ cơn đau đầu này của tôi khó có khả năng khỏi một sớm một chiều nếu sáng nào cũng thấy mấy cái thông cáo báo chí được chép trên mấy báo liền với nội dung y chang, chả cứ là báo to hay báo nhỏ. Đồng ý rằng thông cáo báo chí là cần thiết nhưng trong hầu hết mọi trường hợp, phóng viên chỉ nên coi đó là khởi điểm để viết bài.

Các cơ quan phổ biến thông cáo báo chí để đề cao chính họ, công việc, sự nghiệp hay sản
phẩm của họ, vì thế các tin họ đưa ra thường không đầy đủ hoặc chỉ có một chiều. Hoặc các tin này viết không được chỉnh lắm, thiếu các chi tiết cần thiết cho một bản tin hay một bài viết về tin tức. Các phóng viên giỏi phải dùng tài sáng tạo và tài tường thuật khéo léo của chính họ để đưa ra các bài viết hay dựa trên các thông cáo báo chí xoàng. Họ cho độc giả thấy một hình ảnh toàn vẹn hơn thay vì chỉ viết lại một chiều.

Theo cuốn "Cẩm nang viết tin" của Peter Eng và Jeff Hodson, do Quỹ Tưởng niệm Báo chí Đông Dương phát hành, phóng viên nên gọi điện cho nguồn tin đưa ra thông cáo báo chí đó để yêu cầu cho biết rõ thêm về sự kiện hay thêm các chi tiết. Dùng kiến thức riêng hay các nghiên cứu của bạn, thêm bối cảnh và toàn cảnh vào chủ đề được nói đến trong thông cáo báo chí. Thu thập những nhận xét và bình phẩm của những người có thể không đồng ý với tin tức chứa đựng trong thông cáo báo chí đó, hoặc có thể cung cấp các quan điểm khác. Nếu đó là những người bị ảnh hưởng bởi những gì nói trong thông cáo báo chí, hãy yêu cầu họ cho biết ý kiến.

Nhiều thông cáo báo chí viết với giọng văn rườm rà quan liêu hay có tính cách kỹ thuật chuyên môn. Đừng quên tự hỏi, và cho độc giả biết: điều này nghĩa là gì đối với người dân thường?

Sau đây là những điều cần quan tâm mỗi khi phóng viên nhận được một thông cáo báo chí:
·                                 Hãy tự hỏi: có gì mới hay đáng lưu ý ở đây?
·                                 Kiểm tra lại xem tin đó có đúng hay không;
·                                 Dùng 5 chữ W và chữ H để thử nghiệm. Có gì thiếu sót?
·                                 Tìm góc cạnh gợi sự chú ý của con người;
·                                 Gọi điện cho người liên lạc được ghi tên trên thông cáo báo chí để lấy thêm chi tiết;
·                                 Phỏng vấn các nguồn tin khác. Tìm hiểu quan điểm của "phía bên kia" trong câu chuyện.
Hãy xem một thông cáo báo chí dưới đây và nhận định xem chúng ta phải xử lý như thế nào. Thông cáo này, do một cơ quan Liên Hiệp Quốc đưa ra, chứa đựng một số các dữ kiện đáng lưu ý, và nếu chịu khó một chút, bạn có thể biến thông cáo này thành một bài viết hay.
Thông cáo báo chí
Mồng 7 tháng 9 năm 2001

FAO gửi lương thực cho 40.000 nạn nhân lũ lụt tại Campuchia

Phnom Penh - Trong khi mùa lụt đang đe dọa Campuchia, Chương trình Lương thực Thế Giới (FAO) gửi thực phẩm cứu trợ khẩn cấp đến cho khoảng 40.000 người đã bị nước lụt cuốn trôi mất nhà cửa và mùa màng, gia súc.

Để nhanh chóng đáp ứng bước đầu cho cuộc khủng hỏang, FAO đang chuyển tổng số 500 tấn gạo-đủ để mỗi nạn nhân dùng trong một tháng-tới những người Campuchia đã đựơc các giới chức chính phủ qủan lý thiên tai xác nhận là nạn nhân bị ảnh hửơng lụt nặng nhất. Cùng lúc, Cơ Quan này cũng đảm nhận việc điều tra về nhu cầu lương thực ở vùng bị lụt để có thể phát động một chiến dịch lớn hơn khi cần thiết.

"Chúng tôi cần phải chuẩn bị đối phó với tình trạng lũ lụt thường xảy ra vào thời gian này," Rebecca Hansen, Gíám đốc FAO tại Campuchia nói. Bà nói 500 tấn gạo đó đựơc trích ra từ một qũy dự trữ giúp cho FAO có thể phản ứng trong vòng 24 tiếng đồng hồ khi xẩy ra tai hoạ ảnh hưởng đến người dân. "Chúng tôi rất lo lắng bởi vì những người đang gặp hoạn nạn vừa mới hoàn tất việc xây dựng lại cộng đồng của họ sau trận lụt lớn trong vùng châu thổ sông Mekong hồi năm ngoái," bà Hansen cho biết thêm. "Đời sống của họ qúa bấp bênh để có thể chống đỡ lại với cú sốc mới này."

Hơn 300.000 người tại vùng đông và nam Campuchia đã đựơc di tản và đang bị thiếu hụt lương thực. Các viên chức chính phủ có trách nhiệm về phòng chống thiên tai ước tính có khoảng 1,2 triệu người bị ảnh hưởng lụt về phương diện này hay phương diện khác.

Năm ngoái, một trận lụt lớn trong vùng Châu Thổ sông Mekong đã phá hại hàng ngàn căn nhà và hơn 200.000 hecta ruộng lúa ở Campuchia. Trong trận thiên tai tệ hại nhất trong vùng từ 70 năm nay - 347 người đã bị thiệt mạng, 80 phần trăm là trẻ em.

Năm nay, Campuchia lại bị cả hạn hán lẫn lũ lụt tại nhiều vùng khác nhau, tàn phá nghiêm trọng an ninh lương thực của quốc gia này một trong những quốc gia nghèo nhất châu Á.

FAO sắp kết thúc một năm hoạt động cứu trợ khẩn cấp với trị giá 9 triệu USD tại Campuchia. Trong giai đoạn đầu của chiến dịch, thực phẩm cứu trợ đã đựơc gửi đến cho 500.000 người, trong giai đoạn thứ nhì, 250.000 người đựơc cấp thực phẩm cứu trợ để khắc phục thiệt hại lũ lụt ở cấp gia đình. Trong giai đoạn ba, dự tính sẽ kết thúc vào cuối tháng này, 115.000 người tiếp nhận thực phẩm vì đã tham gia chương trình sửa chữa hạ tầng cơ sở nông thôn dài hạn./.

Tôi cam đoan là rất nhiều phóng viên cứ cầm cái thông cáo báo chí này mà "bổ." Người thì nhấn mạnh đến nỗ lực của FAO, người thì nhắc đến tổng số người được viện trợ thật "hoành tráng" ngay trên lead. Có người sẽ làm tin vắn, có người làm tin dài hơn, nhưng các chi tiết trong tin thì cứ loanh quanh những gì được cung cấp trong cái thông cáo báo chí khá kỹ này.

Thực ra, phóng viên cần gọi điện cho văn phòng FAO để làm rõ thêm câu chuyện trước khi viết bài. Cần phải đặt ra các câu hỏi, chẳng hạn, liệu đã có ai trong tổng số 40.000 người nhận được gạo hay chưa? Nếu chưa, khi nào họ sẽ nhận được? Họ ở các tỉnh nào? Họ có phải phần đông là nông dân trồng lúa hay không? Thông cáo báo chí nói, hơn 300.000 người đã bỏ nhà đi và nay đang bị thiếu ăn. Như vậy, con số 40.000 người bị ảnh hưởng nặng là ảnh hưởng như thế nào? Trong câu cuối cùng, thông cáo muốn nói gì qua câu: "khắc phục hậu quả lũ lụt ở cấp gia đình?" và "đảm nhận việc sắp xếp, phục hồi dài hạn cho hạ tầng cơ sở vùng nông thôn?" Phóng viên cần phải biết để có thể giải thích cho độc giả.

Tìm thêm các chi tiết nữa sẽ làm cho bài viết được giá trị hơn. Khi nào thì trận lụt mới có thể xảy ra? Trời đã bắt đầu mưa hay chưa? Thông cáo báo chí chứa đựng những lời trích dẫn đầy sức thuyết phục của bà Hansen mà có thể dùng trong bài viết. Phóng viên có thể yêu cầu bà nói rõ thêm nữa và cho biết các chi tiết hấp dẫn độc giả. Chẳng hạn, bà đã đi thăm những nơi người dân vừa xây dựng xong nhà mới của họ hay chưa? Bà trông thấy những gì? Những người đó sẽ ra sao sau khi số lượng gạo cứu trợ đủ dùng cho một tháng của họ cạn hết? Có thể làm được gì để gíúp những người này phòng lụt trong tương lai? Hay là Liên Hiệp Quốc chỉ làm được mỗi một việc là cung cấp thực phẩm cứu trợ?

Phóng viên cũng có thể gọi điện cho các tổ chức phi chính phủ (NGO) hay các viên chức chính phủ (được nói đến trong bản thông cáo) đã từng cứu trợ các nạn nhân bị ảnh hưởng nặng nhất. Hỏi họ xem họ đã trông thấy những gì khi đi thăm nạn nhân? Họ nghĩ gì về giải pháp của FAO đối với cuộc khủng hoảng? Số viện trợ đó có đủ hay không? Có phải viện trợ đó là phù hợp không? Đáng lẽ có nên viện trợ sớm hơn không? Nên nhớ rằng bản thông cáo là một lời tuyên bố của FAO, một cơ quan cũng giống như mọi cơ quan khác, có quan điểm riêng và chỉ nói đến những điều hay về mình. Nhiệm vụ của phóng viên là phải cung cấp cho độc giả các quan điểm khác nữa.

Tất nhiên, bài viết sẽ còn hay hơn nữa nếu phóng viên nói chuyện được với vài người trong số 40.000 người đó và mô tả tâm trạng cũng như các điều kiện sống của họ. Họ sinh sống như thế nào? Họ nghĩ gì về khả năng xảy ra lụt nữa? Sau đó, có thể bắt đầu bài bằng cách mô tả về một nạn nhân lũ lụt thực sự, một người mà các độc giả của bạn có thể hiểu được và thông cảm. Viết như vậy mạnh mẽ hơn là mở đề với lời tuyên bố về một chiến dịch phân phối gạo cứu trợ.

Có thể bạn chưa đủ thì giờ để đi thăm những vùng bị ảnh hưởng. Hoặc bạn cảm thấy nên viết nhanh về chiến dịch cứu trợ của FAO vì các báo khác cũng sẽ viết. Trong trường hợp đó, nên nói chuyện với nguồn tin bằng điện thoại và viết về những gì bạn đã có sẵn trước. Sau đó, chuẩn bị đi thăm các vùng bị ảnh hưởng để viết phóng sự với những lời mô tả mạnh mẽ và những lời trích dẫn ngay tại chỗ.

Nếu phóng viên nào cũng làm theo cách này thì không riêng tôi mà các biên tập khác cũng đỡ bị... đau đầu vô lý


0 nhận xét:

Đăng nhận xét