RSS
Write some words about you and your blog here

Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2013

Sông Hinh: Thu nhập lớn từ giống sắn mới


Đến thời điểm này, huyện Sông Hinh đã có hơn 1000 hecta sắn được thu hoạch, trong tổng số 8000 hecta được trồng niên vụ 2013-2014, năng suất bình quân ước đạt 18 tấn hecta. Với giá thu mua hiện nay là 2.120 đồng/kg củ tươi, mỗi hecta, trừ hết chi phí, người trồng sắn có lãi từ 15 đến 20 triệu đồng. Đáng chú ý trong số đó có khá nhiều diện tích trồng giống sắn mới cho năng xuất gấp đôi, gấp ba, đem lại lợi nhuận lớn cho người nông dân.
Vụ sắn năm nay, ông Nguyễn Tân đã thu hoạch 2,5 sào sắn trồng ở khu vực Soi Nga, gần Sông Ba, thuộc địa phận thôn Chí Thán xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh và là năm thứ hai ông trồng giống sắn mới mà bà con thường quen gọi là giống Tây Ninh. Để tránh lũ, ông đã nhổ sớm dù chưa tới 07 tháng tuổi. Ông Tân cho biết, mặc dù ở thời điểm đầu vụ, sắn bị nhện đỏ gây vàng, rụng lá, nhổ sớm nhưng năng suất năm nay vẫn đạt rất cao. Những năm trước, dù chăm sóc hết cỡ cũng chỉ đạt 2 đến 2,5 tấn/sào. Nhưng từ khi trồng giống mới, năng suất tăng lên 5 đến 6 tấn/sào. Với giá thu mua hiện nay, trừ hết chi phí vụ này cũng kiếm được không dưới 20 triệu đồng. Hơn những thế, tiền bán lại cây giống cũng dư dả chi phí xe cộ vận chuyển, bồi dưỡng ăn uống cho nhân công nhổ sắn.

 

Đất đai không màu mỡ như của hộ ông Nguyễn Tân, nhưng 03 hecta sắn đã đem lại niềm vui lớn cho gia đình ông Nguyễn Viên, thôn Đức Hòa, xã Đức Bình Đông. Thấy giống sắn mới cho năng xuất cao, nên đầu vụ sắn năm nay ông đã bỏ ra gần chục triệu đồng để mua giống về trồng thay thế giống KM 94 truyền thống. Giống sắn mới này có đặc điểm khác biệt so với các giống khác là mắt lá dày, thân thấp và đặc biệt là cây phát triển nhanh, rút ngắn thời gian thu hoạch. Ông Viên cho biết: “Bà con năm nay trồng giống sắn lai này rất phấn khởi, năng xuất gấp đôi, gấp ba so với giống sắn cũ KM94; Trồng cũng dễ, phân bón cũng giống KM94, nhưng nó hơn là phát triển nhanh, khỏe. Những năm tới bà con trồng hết giống lai đây vì năng suất nó quá cao”. Ông Viên chia sẻ kinh nghiệm, giống sắn mới có hai loại, về cơ bản hình thức cây giống nhau, nhưng có loại cuống củ dài, nếu trồng nơi đất cứng, khi nhổ thường bị đứt, phải tốn công đào bới; loại còn lại củ liền với gốc, dễ nhổ hơn. Về năng suất đảm bảo như nhau, bà con khi mua giống cần lựa chọn cho phù hợp với đất trồng.

 

Sắn cao sản nói trên là giống KM 140, KM 149 được huyện Sông Hinh trồng thử nghiệm và nhân rộng từ năm 2011, đến nay đã có khoảng 1000 hecta, năng suất bình quân đạt trên 40 tấn/hecta, cao hơn 22 tấn/hecta so với năng suất bình quân chung của toàn huyện. Năng suất cao, giá thu mua ổn định, những năm qua, sắn cao sản đã trở thành cây trồng chủ lực xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu của hàng ngàn hộ dân trong huyện. Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Sông Hinh cho biết: “Giống KM94 đưa về huyện Sông Hinh gần 20 năm qua, trong quá trình canh tác đã bị thoái hóa. Để giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, hàng năm huyện phối hợp với nhà máy sắn đưa về trồng thử nghiệm từ 30 đến 50 hecta giống sắn mới, từ đó chọn giống phù hợp để nhân rộng. Từ năm 2011, huyện đã thử nghiệm giống sắn mới KM 140, KM 149, năng suất đại trà đạt từ 40 đến 50 tấn/hecta. Hiện nay tốc độ nhân giống rất nhanh, một vài năm tới diện tích nhân giống có thể đạt 7.000 đến 10 hecta”.

Ma Uyên, một nông dân buôn Hai K’Rông, xã Ea Bia cho hay: “Đã nhiều lần nghe nói có giống sắn mới cho năng xuất cao, nhưng để tận mắt chứng kiến, cuối tuần qua, tôi đã lặn lội xuống tận xã Đức Bình Đông, gặp trực tiếp xem rẫy sắn giống mới đang thu hoạch, vừa để kiểm tra thực tế, vừa để học hỏi kinh nghiệm. Thấy củ nhiều quá, tôi đặt liền ba triệu đồng mua hai trăm bó cây để trồng thay thế giống cũ ở hơn hecta rẫy của nhà trong vụ sắn tới”.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sông Hinh Phạm Xuân Lai cho biết, những giống sắn mới đã mang lại hiệu quả rõ nét, tuy nhiên nó mới phát triển mạnh ở các xã người Kinh như Đức Bình Đông, Đức Bình Tây, Sơn Giang và thị trấn Hai Riêng; còn các địa phương có đông đồng bào dân tộc vẫn chưa được chú trọng, một mặt vì giống sắn mới chưa trồng đại trà, nên muốn có cây giống phải đi tìm mua lại, mặt khác đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn e dè với những giống mới. “Ngay từ đầu vụ sắn này, Hội đã chỉ đạo các cơ sở, đặc biệt là các xã đồng bào dân tộc thiểu số, tích cực tuyên truyền, giới thiệu những mô hình trồng sắn giống mới năng suất cao để bà con học tập nhân rộng”, ông Phạm Xuân Lai, nói.

 

Muốn có năng suất, sắn cao sản giống mới đòi hỏi phải có chế độ thâm canh, chuẩn bị tốt từ khâu cày đất, bón phân lót, bón thúc, làm cỏ, vun gốc, phòng trừ sâu bệnh; đặc biệt là không sử dụng giống ở những diện tích đã bị nhiễm bệnh chổi rồng, nhện đỏ… Tuy nhiên, đối nghịch với năng suất cao là tốc độ nhanh bạc màu của đất. Để đảm bảo hiệu quả lâu dài và bền vững, khuyến cáo của huyện Sông Hinh là cần chú ý việc trồng luân canh, xen canh các cây trồng khác để cải tạo đất. Ông Trần Thanh Định, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh nói: “Năng suất sắn cao sản giống mới đạt cao, huyện rất mừng. Nhưng về lâu dài là phải vận động nhân dân thâm canh, tức là phải đầu tư khoa học kỹ thuật, bón phân và trồng luân canh cây họ đậu và một vài cây khác. Năng suất 40 tấn đến 50 tấn/hecta thì hàm lượng dinh dưỡng trong đất phải mất gấp đến 4- 5 lần. Nếu không thâm canh thì không loại đất nào chịu đựng được. Song song với đó, huyện chỉ đạo các địa phương, các ban ngành, đoàn thể tích cực tuyên truyền giới thiệu đưa giống mới và kỹ thuật đến với đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, đảm bảo trong một vài vụ tới sẽ thay thế hết toàn bộ giống cũ đã thoái hóa trên diện tích sắn toàn huyện”.

 

Văn Thùy- Ngọc Cường

Ảnh: Hai vụ qua, rẫy sắn hộ ông Nguyễn Tân (Chí Thán, Đức Bình Đông) đạt năng suất bình quân 55 tấn/hecta

0 nhận xét:

Đăng nhận xét