RSS
Write some words about you and your blog here

Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2016

KHÁI QUÁT CÔNG TÁC PHÁT TRIỂN DU LỊCH GÓP PHẦN XÓA ĐÓI GIẢM NGHÈO VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ

                                                                                     Ksor Hét
    Chủ tịch UBND xã EaBar huyện Sông Hinh

I. Khái quát đặc điểm tự nhiên, đặc điểm lao động:
1. Đặc điểm tự nhiên:
Xã Eabar là xã miền núi, thuộc vùng lõm chương trình 134-135 giai đoạn II (còn buôn Thứ và buôn Quen nằm chương trình 134 – 135), nằm cách trung tâm huyện Sông Hinh khoảng 20km về hướng Tây, có giới cận vị trí như sau: Phía Bắc giáp: Xã EaLâm; Phía Đông giáp: Xã EaBá; Phía Nam giáp: Thị trấn Hai Riêng; Phía Tây giáp: EaLy.
- Diện tích tự nhiên trên toàn xã khoảng 10.059ha, trong đó: Đất nông nghiệp : 7.237,8 ha; Đất lâm nghiệp: 2.250,8 ha; Đất phi nông nghiệp : 2.051,52 ha.
- Dân số trên toàn xã hiện có: (theo số liệu tổng điều tra dân số và nhà ở ngày 01 tháng 4 năm 2009) 1.199 hộ, 4.809 khẩu, trong đó dân tộc thiểu số chiếm khoảng 52% với các thành phần dân tộc như Ê đê, Tày, Nùng, Mường, Dao, Sán diều, Thổ và Cao Lan.
- Địa hình xã Eabar Chủ yếu là đồi núi, chia cắt bởi nhiều sông, suối tuy nhiên độ dốc thấp thuận lợi cho giao thông đi lại giữa các vùng lân cận. Mang khí hậu vùng Đông Trường Sơn nóng ẩm, có hai mùa rõ rệt. Tuy nhiên cũng ảnh hưởng bởi khí hậu Tây Nguyên nên lượng mưa hàng năm tương đối cao.
2. Đặc điểm lao động:
Eabar là xã có số dân tập trung khá đông so với 11 xã thị trấn của huyện Sông Hinh  chính vì vậy đây là tiềm lực quan trọng góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương trong tương lai.
- Thuận Lợi:
+ Có lực lượng lao động trẻ, có năng lực được qua đào tạo hiện nay số lượng học sinh của xã học tại các trường Cao đẳng, Đại học là khá lớn ( tập trung ở 3 thôn thuộc nông trường Cà phê Eabá). Đây sẽ là lực lượng trí thức phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
+ Trừ các buôn đồng bào Ê đê , phần lớn  nhân dân tại xã đều xuất phát từ các địa phương khó khăn di cư vào đây nên tinh thần, trách nhiệm lao động rất cao đây cũng là một trong những yếu thúc đẩy nền kinh tế của địa phương phát triển trong tương lai gần.
+ Là xã có địa hình chia cắt bởi nhiều sông suối nên mang trong mình tiềm năng phát triển du lịch sinh thái.
- Khó khăn:
Chưa được quan tâm đầu tư đúng mức việc phát triển tiềm năng của địa phương như tiềm năng du lịch.
II. Tình hình phát triển kinh tế - Văn hóa – Xã hội ở địa phương:       
1. Về kinh tế:
Kinh tế năm sau tăng hơn năm trước. Ngành kinh tế phát triển nhất của địa phương là kinh tế nông nghiệp (cả cây nông nghiệp và công nghiệp). Phần lớn nông dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đã đạt năng suất cao góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Tổng diện tích gieo trồng  khoảng 3.106 ha.Trong đó, lúa nước khoảng 285 ha, năng suất bình quân 5 tấn/ha; Bắp lai khoảng 400 ha, năng suất 6 tấn/ha, Sắn mì khoảng 789 ha, năng suất bình quân 17 tấn/ha. Cây hoa màu các loại khoảng 818 ha. Trên địa bàn xã có khoảng 1.000ha cà phê ( công ty TNHH MTV cà phê Ea bá khoảng 500ha và của nông dân 500ha) và diện tích cao su tiểu điền khoảng 963,6ha, hiện đã đưa vào khai thác 100ha. Hầu hết các diện tích cây trồng đều cho năng suất, hiệu quả khá cao. Hình thành vùng chuyên canh cây công nghiệp với quy mô rộng là cà phê và cao su; trên 85% diện tích lúa, đậu, bắp, mía, mì có sử dụng giống mới; 85% các khâu công việc trong nông nghiệp đã được cơ giới hóa. Trên địa bàn ngày càng có nhiều mô hình trang trại hoạt động hiệu quả, cần được nhân rộng như mô hình trồng cây công nghiệp (cà phê, cao su) gắn với chăn nuôi bò, nuôi gà, nuôi cá.    
Trên địa bàn còn có các công ty như Công ty TNHH MTV cà phê Ea Bá, công ty TNHH đá Granic Sông Hinh và đang triển khai dự án Vườn thực nghiệm Cao su chất lượng cao trên địa bàn, bước đầu đang phát triển một số điểm tiểu thủ công nghiệp hoạt động có hiệu quả như cơ khí, gò hàn, sửa chữa máy, ... 
Hoạt động thương mại - dịch vụ ngày càng phát triển, toàn xã có 37 điểm buôn bán vừa và nhỏ.
Thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2009 là 7,1 triệu đồng/người/năm, đạt 101% so với chỉ tiêu cả nhiệm kỳ đề ra.
2. Văn hóa – Xã hội:         
2.1. Công tác giáo dục: Trường, lớp học đã cơ bản được kiên cố hóa; chất lượng dạy và học ngày một nâng lên; tỷ lệ học sinh ra lớp hàng năm tăng. Đã thực hiện rà soát chất lượng đội ngũ giáo viên, học sinh và có biện pháp để nâng cao chất lượng dạy và học (Giáo viên đạt chuẩn bậc Mầm non 86%, bậc tiểu học 93,5% , bậc  THCS và THPT 100%); Tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm học 2009 -  2010 trên 90% được xếp trong top 10 trường PTTH có tỷ lệ tót nghiệp cao nhất toàn tỉnh. Xã đã đạt chuẩn quốc gia về phổ cập THCS.
2.2. Công tác Y tế - KHHGĐ và chăm sóc trẻ em: Hoạt động của Trạm Y tế tạo được chuyển biến tích cực, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được trang bị cơ bản đầy đủ. Trạm đã có bác sĩ, đang phấn đấu để xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Các chương trình phòng, chống dịch bệnh, công tác bảo vệ bà mẹ, trẻ em và dân số kế hoạch hóa gia đình đạt được kết quả tốt, giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên xuống còn 1,2‰; giảm tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng từ 34,5% xuống còn 30,4%.
2.3. Hoạt động văn hóa thông tin – TDTT:
Xây dựng mới 05 nhà văn hóa cộng đồng; toàn xã hiện có 7/8 thôn buôn có nhà sinh hoạt cộng đồng. Phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đang phát triển và dần đi vào chiều sâu. Đã có 03 thôn buôn đạt danh hiệu thôn buôn tiên tiến 03 năm liền, 01 thôn đạt danh hiệu tiên tiến 02 năm liền, 01 thôn đạt danh hiệu tiên tiến năm thứ nhất và 450/1.199 gia đình văn hóa.
Hoạt động thể dục - thể thao có phát triển. Tổ chức thành công các kỳ đại hội TDTT cấp xã và nhiều hoạt động TDTT khác; tham gia đầy đủ các hoạt động do huyện tổ chức, tạo được phong trào rèn luyện thân thể khá thường xuyên và rộng khắp địa bàn.
3. Quốc phòng – an ninh:
3.1. Về quốc phòng: Hàng năm Đảng uỷ đều ban hành Nghị quyết lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự quốc phòng trên địa bàn. Công tác xây dựng và bổ sung lực lượng dân quân tự vệ luôn được chú trọng, chiếm 1,03% so với số dân. Công tác giao quân hàng năm đạt 100% chỉ tiêu.
3.2. Về an ninh trật tự: Chính trị được giữ vững, công tác đảm bảo trật tự an toàn xã hội được tăng cường, phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh tổ quốc được triển khai thực hiện thường xuyên. Cán bộ, đảng viên và nhân dân luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả các loại tội phạm, các hoạt động lợi dụng chính sách dân tộc, tôn giáo của thế lực thù địch; triển khai có hiệu quả các chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm trên địa bàn.
4. Công tác xây dựng chính quyền:
HĐND xã hoạt động cơ bản có hiệu quả, các đại biểu đã thể hiện được vai trò trách nhiệm của mình trước HĐND và cử tri, tăng cường công tác giám sát trên một số lĩnh vực và tham gia giải quyết các ý kiến kiến nghị của cử tri, phát huy vai trò là đại diện cho cử tri; thực hiện vai trò giám sát đối với việc thực thi pháp luật và quyền chất vấn của các đại biểu HĐND.
UBND xã và Ban nhân dân các thôn buôn được củng cố, kiện toàn. Công tác đào tạo cán bộ, công chức được chú trọng cả về số lượng và chất lượng. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý được trẻ hoá, chất lượng được nâng lên. Công tác cải cách hành chính có tiến bộ; lề lối làm việc hợp lý, khoa học hơn, giảm bớt phiền hà cho dân, cải thiện mối quan hệ của cán bộ, công chức với nhân dân, nhất là từ khi áp dụng thực hiện chỉ thị 07 của BTV Huyện ủy, chỉ thị 05 của Thủ tướng Chính Phủ, thực hiện cuộc vận động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
III. Tiềm năng phát triển:
Tuy nhiên, nhìn chung đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu sản xuất nông nghiệp nên thu nhập không ổn định ( do ảnh hưởng thời tiết, giá cả lên xuống thất thường,…). Tỷ lệ hộ nghèo trên toàn xã còn rất cao ( hơn 39%).
Kinh tế của địa phương phát triển nhưng cơ cấu kinh tế không đồng đều. Nông nghiệp chiếm tỷ trọng chủ yếu, công nghiệp và dịch vụ có nhưng không đáng kể. Và một vấn đề đáng lưu ý là du lịch không chưa nằm trong cơ cấu phát triển kinh tế ở xã Eabar trong thời gian qua. Nhưng trên thực tế Eabar có rất nhiều tiềm năng để phát triển loại hình kinh tế này.
EaBar là vùng đất mang khí hậu vùng Đông Trường Sơn nóng ẩm nhưng lại ảnh hưởng khí hậu Tây nguyên. Nhiệt độ thấp hơn nhiều so với toàn tỉnh, nhiệt độ: cao nhất từ 34 – 35oC; thấp nhất từ 15 – 17oC; nhiệt độ trung bình cả năm: 26,40oC nên khí hậu mát mẻ, trong lành phù hợp cho du lịch sinh thái.
Trên địa bàn xã có đường ĐT645 chạy qua nối liền với tỉnh Đắc lắc rất thuận lợi cho việc đi lại cho bà con. Phía Tây có thủy điện K rông Năng, phía Tây Bắc có thủy điện Sông Ba Hạ và còn có Viện cao su đang đầu tư vườn cao su tiểu điền trên địa bàn xã.
Với thực tế trên Eabar cần thiết được quy hoạch, đầu tư phát triển du lịch sinh thái để phát triển kinh tế góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Các địa điểm xét thấy đủ tiêu chuẩn để đầu tư quy hoạch phát triển du lịch sinh thái tại xã Eabar:
1. Suối Ea Enao Brui, địa chỉ buôn Chung – Eabar.
2. Suối Ea LZông, địa chỉ buôn Chung – Eabar.
Là địa phương có 9 thành phần dân tộc sinh sống cùng nhau nên bản sắc văn hóa rất phong phú, đặc sắc, nhất là bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc bản địa Ê đê. Phát triển du lịch còn tạo điều kiện để giới thiệu với du khách về vùng đất, phong tục, tập quán phong phú của đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương Eabar. Chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số, người làm nghề nông  nên con người Eabar rất thật thà, chân chất, thân thiện và mến khách.
Kinh tế - văn hóa – xã hội ở Eabar trong những năm qua có phát triển nhưng chưa ổn định, cơ cấu kinh tế không đồng đều. Tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao (hơn 39%), nên phát triển du lịch là điều cần thiết để góp phần xóa đói giảm nghèo và cân bằng cơ cấu kinh tế theo xu thế chung hiện nay. Khi du lịch phát triển, nhiều loại hình dịch vụ khác cũng sẽ phát triển theo như dịch vụ ẩm thực, giải trí, lực lượng lao động làm công tác du lịch, … sẽ tạo nguồn thu nhập cho người dân địa phương.
Để phát triển loại hình du lịch sinh thái nhất thiết phái có 3 nhân tố đó là tài nguyên du lịch, cơ sở vật chất và nhân lực.
Nhân tố thứ nhất: Tài nguyên du lịch là một trong những tiềm năng ở địa phương Eabar nhưng chưa được khai thác. Vì vậy muốn phát triển du lịch sinh thái thì chỉ cần khai thác những tiềm năng đã có sẵn. Nhưng cần lưu ý ở đây là phải khai thác có kế hoạch, khai thác phục vụ có hiệu quả cho việc phát triển du lịch sinh thái. Tránh trường hợp khai thác tràn lan làm cạn kiệt tài nguyên mà không đem lại hiệu quả gì.
Nhân tố thứ hai: Cơ sở vật chất: Eabar là một xã miền núi nằm trong chương trình 134 – 135 của chính phủ giai đoạn I nên được xây dựng về điện, đường, trường, trạm cơ bản đáp ứng được sinh hoạt của nhân dân. Nhưng để phát triển du lịch sinh thái thì cần đầu tư xây dựng nhiều hơn nữa.
Trước hết các điểm có khả năng phát triển du lịch của địa phương còn ở trạng thái hoang sơ, chưa được đầu tư tu tạo. Việc cần thiết nhất là phải đầu tư trực tiếp vào các điểm phát triển du lịch để phục vụ khách tham quan, làm đường giao thông từ điểm phát triển du lịch nối liền với khu dân cư, với đường ĐT645. Đây là một trong những điều kiện để thu hút khách du lịch đến tham quan tại địa phương. Đầu tư xây dựng các điểm ăn uống, giải trí,… để phục vụ khác tham quan.
Nhân tố cần được đầu tư cũng không kém phần quan trọng cho việc phát triển du lịch sinh thái, đó là đào tạo nhân sự. Muốn phát triển du lịch cần có đội ngũ nhân lực làm công tác du lịch chuyên nghiệp để phục vụ khách du lịch. Và nên lấy người địa phương để đào tạo, góp phần tạo công ăn việc làm cho dân bản địa, góp phần xóa đói giảm nghèo trên vùng đất Eabar.

Trên đây là báo cáo tham luận về công tác phát triển du lịch góp phần xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số xã Eabar.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét