RSS
Write some words about you and your blog here

Thứ Ba, 27 tháng 9, 2016

Sông Hinh: Phát triển nông nghiệp bền vững gắn với Nông thôn mới

 
Chuyển giao kỹ thuật trồng giống sắn mới cho người dân
Sông Hinh có diện tích đất tự nhiên 886 km2, trong đó có hơn 21 nghìn hecta đất sản xuất hàng năm, dân số gần 46 nghìn người phần chính đời sống dựa vào nông nghiệp. Để giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất, huyện Sông Hinh đã thực hiện nhiều giải pháp dầu tư phát triển nông nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới và bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.
Khí hậu, đất đai thuận lợi, mía được xác định là cây trồng chính trong phát triển kinh tế của xã Ea Ly. Chủ tịch UBND xã Ea Ly Nguyễn Minh Gia Nho cho hay, ngoài việc chú trọng phổ biến các mô hình, tiếp cận giống mới, kỹ thuật mới sản xuất mía cho người dân, xã đặc biệt chú trọng đến việc khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân liên kết, ký hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Nhờ vậy năng suất mía bình quân của xã đã đạt 65 tấn/hecta, tại các vùng đất thuộc thôn 2/4, buôn Zô năng suất đạt từ 80 đến 120 tấn/hecta. Đến nay, toàn xã đã có 1.400 hecta mía, tăng gần 30% so với vụ trước, chiếm 38,8% diện tích mía toàn huyện, diện tích tăng trên được người dân chuyển đổi từ cây mì trồng lâu năm kém hiệu quả sang trồng mía. Mỗi năm cây mía mang lại lợi nhuận cho người dân trên dưới 20 tỷ đồng, đây là những tín hiệu khả quan để xã Ea Ly thực hiện thành công tiêu chí số 10 về thu nhập bình quân đầu người trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới. 
Nông dân Sông Hinh thu hoạch mía
Cũng như Ea Ly, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, xã Ea Trol chọn cây cao su phát triển trên những vùng đất phù hợp tập trung ở hai thôn Vĩnh Sơn và Chứ Sai. Hiện hơn 380 hecta cao su được người dân nơi đây duy trì và phát triển tốt, trong đó có 70% diện tích đang khai thác mủ. Trưởng thôn Vĩnh Sơn Lê Mai Thanh cho hay, với giá bán 8.500 đồng/kg mủ đông như hiện nay, mỗi lần cạo, một hecta cao su mang về cho người dân không dưới 500 nghìn đồng, một tháng thu nhập trên dưới 7 triệu đồng, thu hoạch trong 9 tháng với chi phí thấp, cao su vẫn là cây chủ lực mang lại hiệu quả cao hơn hẳn so với các cây trồng khác.
Mô hình cam sành cho thu nhập hàng trăm triệu đồng đang được người dân Sông Hinh nhân rộng
Bên cạnh đó, để thúc đẩy sản xuất nâng nghiệp phát triển, nhiều địa phương chú trọng đến đầu tư nâng cấp, sửa chữa, làm mới đường giao thông nội đồng, điển hình như xã Đức Bình Tây. Chủ tịch UBND xã Đức Bình Tây Trần Văn Ân cho biết, cùng với sự hỗ trợ của nhà nước, từ năm 2011 đến nay, xã đã huy động hàng trăm triệu đồng từ các doanh nghiệp, người dân để nâng cấp, cứng hóa 9,5km nội đồng, nâng tổng số km đường nội đồng đảm bảo xe cơ giới đi lại thuận tiện lên 26/34km, tiêu biểu như tuyến đường từ thôn Tuy Bình đến nhà máy sắn dài 5km, qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa nông sản, hàng trăm hecta đất được người dân mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất. Ông Trương Đàng, thôn Đồng Phú, Đức Bình Tây cho biết, có đường xá đi lại thuận tiện, nhiều hộ gia đình đã bỏ ra hàng chục triệu đồng đào hồ, mua máy bơm để tưới sắn, tưới mía, nhờ vậy dù đất đai không màu mỡ như các địa phương khác nhưng năng suất mía vẫn đạt trên 90 tấn một hecta, sắn có tưới trên 30 tấn/hecta, năng suất đạt cao đồng nghĩa với thu nhập ngày càng cao, bà con rất phấn khởi.
            Theo Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Đặng Đình Toại, nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh ở địa phương, từ năm 2011, huyện Sông Hinh đã thực hiện chủ trương đầu tư phát triển nông nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới và đã được các cấp, các ngành, các địa phương phối hợp triển khai thực hiện. Đến nay toàn huyện duy trì 1.650 hecta lúa nước, tăng 600 hecta so với năm 2010, đảm bảo an ninh lương thực tại địa phương; trên 10.000 hecta sắn, 4.500 hecta mía đảm bảo bảo vùng nguyên liệu ổn định cho các nhà máy hoạt động. Đối với cây công nghiệp dài ngày, ngoài duy trì 1.200 hecta cà phê, toàn huyện đã phát triển trên 3.600 hecta cây cao su, trong đó có trên 60% diện tích đã cho năng suất ổn định, gần 200 hecta cây tiêu, 40 hecta ca cao, 40 hecta mắc ca và nhiều diện tích cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như cam, bơ, mít. Trong chăn nuôi, đàn bò tiếp tục được duy trì mức 18.000 con, đáng mừng là người dân đã chú trọng đến việc lai tạo, cải tạo đàn bò, tỷ lệ bò lai ngày càng tăng cao. Bên cạnh đó, hạ tầng cơ sở phục vụ sản xuất nông nghiệp được quan tâm, bằng việc lồng ghép các nguồn vốn và huy động sức dân, điện nông thôn trên địa bàn đã đạt chuẩn theo qui định; hệ thống giao thông nông thôn, giao thông nội đồng ngày một cứng hóa; Kênh mương thủy lợi được đầu tư xây dựng với nhiều công trình thủy lợi lớn có công suất tưới trên 200 hecta đưa vào sử dụng như thủy lợi sau Thủy điện Sông Hinh, Hồ chứa nước buôn La Bách, hồ buôn Đức; Các công trình nước sạch, nước hợp vệ sinh được mở rộng, đã có 98% người dân nông thôn được dùng nước sạch, nước hợp vệ sinh, tăng 23% so với năm 2010, góp phần đảm sức khỏe cho người lao động. Đến cuối năm 2015, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 19 triệu đồng, tăng gần 2,3 lần so với 2010. Những nỗ lực đó góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương, ngoài hai xã Sơn Giang và Đức Bình Tây đã được công nhận, cán bộ và nhân dân xã Ea Ly cũng đang nỗ lực, quyết tâm thực hiện đạt nông thôn mới trong năm 2016 này.
             Tuy nhiên thực tế vẫn còn những tồn tại hạn chế như nông nghiệp vẫn là sản xuất nhỏ, giá trị sản xuất trên một đơn vị canh tác chưa cao; việc thu mua sản phẩm nông nghiệp vẫn còn bất cập; vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng, ô nhiễm môi trường còn xảy ra; đầu tư hạ tầng chưa tương xứng với nhu cầu phát triển nông nghiệp và sinh hoạt của người dân. “Nhằm tiếp tục phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, ngoài việc phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại hạn chế, huyện Sông Hinh kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư các cơ sở chế biến hàng hóa nông nghiệp gắn với vùng nguyên liệu tại địa phương; phát triển các ngành nghề truyền thống; tập trung tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với qui hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn đã phê duyệt; đầu tư phát tiển nông nghiệp bền vững phải đồng thời với đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới”- Chủ tịch Toại cho biết.

V. Thùy
    

0 nhận xét:

Đăng nhận xét