RSS
Write some words about you and your blog here

Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Cầu an mừng sức khỏe, an lành cuộc sống.


Mở trống mời dân làng đến Hội

          Thôn Đức Hòa, xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên có truyền thống tổ chức lễ hội cầu an. Đây là chỗ dựa tâm linh giúp người dân Đức Hòa vượt qua mọi khó khăn, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no hạnh phúc, và trở thành khu dân cư tiên tiến nhiều năm liền.

          Lễ Hội cầu an là truyền thống lâu đời của người Huế. Năm 1979, một số hộ dân ở Huế vào đây khai hoang lập nghiệp, dựng lên thôn Đức Hòa ngày nay. Trên vùng đất còn hoang sơ, đầy khó khăn vất vả , nhiều người không chịu nổi phải bỏ đi nơi khác. Cũng chính vào thời điểm này, mọi người trong làng cùng lập lên một ngôi đình nhỏ trên mảnh đất trống đầu làng để làm nơi cúng tế tổ tiên, thần linh, cầu mong trời đất mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống của mọi người dân trong làng được bình an vô sự. Kể từ đó, lễ cầu an đã trở thành truyền thống của người dân thôn Đức Hòa, cứ vào rằm tháng bảy âm lịch, khi mọi việc đồng áng đã xong xuôi, mọi người không kể già trẻ, gần xa đều tụ hội về đây cúng tế tổ tiên, thần linh, cầu mong sự an lành cho mình và mọi người và vùng ăn bữa cơm thân mật thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó trong cộng động dân cư.
          Lễ cầu an ở thôn Đức Hòa chủ yếu là dùng nghi lễ hiến sinh để tế lễ tổ tiên và các vị thần linh vốn đã gắn bó chặt chẽ, lâu đời với cộng đồng dân cư đất Việt. Lễ vật chủ yếu là bò, heo, gà, trong đó lễ giết bò để tế lễ thần linh là quan trọng nhất. Lễ giết bò cũng đơn giản chứ không cầu kỳ, quan trọng như nghi lễ đâm trâu của người dân tộc ÊĐê. Trước buổi lễ chính thức, một người tiêu biểu được làng cử ra làm lễ vái thần linh, tổ tiên, thực hiện một số động tác đâm, chém vào cổ con bò (mang tính nghi lễ), sau đó dành chỗ cho các thanh niên khỏe mạnh giết thịt bò. Trên mâm cỗ cúng, được bày nguyên cả con và các bộ phận của con bò, đầu và các bộ phận của con heo, gà; Ngoài ra còn có rượu, hoa quả, xôi chè... Nghi lễ do một thày cúng chủ trì;  1 bái chính và 2 bái phụ được bầu ra để đại diện dân làng cúng tế. Trước khi làm lễ, bái chính và bái phụ làm phép rửa tay tượng trưng. Trong không khí linh thiêng, trang nghiêm, thày cúng trang trọng đọc bài cúng đã chuẩn bị trước mời tổ tiên và các vị thần linh về nhận lễ vật, dùng cỗ vui vẻ với con cháu trong làng.
          Lễ Hội cầu an thôn đức Hòa được duy trì từ hàng chục năm nay và thu hút đông đảo mọi người dân trong làng, không kể già trẻ, trai, gái, xa gần, dân tộc, cứ đến ngày lễ là mọi người vui vẻ tự giác tập trung về đình làng. Ngay cả với nguồn quĩ để tổ chức lễ hội cũng rất ít khi phải huy động đến sự đóng góp mà chủ yếu là lòng hảo tâm của mọi người. Hàng năm, sau khi ngày lễ kết thúc, số tiền quyên góp được dùng để mua 1 con bê nhỏ, cử 1 người chăn nuôi để cúng trong mùa lễ năm sau, số tiền quĩ dư dùng để giúp các gia đình khó khăn trong thôn vay phát triển kinh tế với lãi suất thấp hoặc không lãi. Việc tổ chức lễ hội cầu an cũng được phân công tổ chức nghiêm túc, bài bản. Có dược điều đó phải kể đến Hội người cao tuổi, Hội người cao tuổi thôn Đức Hòa không những thể hiện được vai trò quan trọng trong việc duy trì và tổ chức lễ hội mà còn có vai trò rất lớn trong công tác xây dựng dời sống văn hóa ở cơ sở.
          Lễ hội cầu an thôn Đức Hòa, xã Đức Bình Đông, là dịp để con cháu gần xa về đây tụ họp, gặp gỡ với tổ tiên, thần linh, gặp gỡ với nhau trong cả sinh hoạt vật chất lẫn hành động tâm linh, vừa bộc lộ niềm thành khính, ngưỡng mộ thánh thần, vừa thể hiện sức mạnh của con người và khát vọng vươn tới một cuộc sống bình an, ấm lo, hạnh phúc.
Thêm chú thích

Văn Thùy- Văn Linh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét