Phú Yên: | ||
Đột nhập sào huyệt vàng tặc | ||
Thứ sáu, 12/10/2012 09:04 | ||
Ma lực từ cơn sốt vàng ngày một leo thang khiến
nhiều kẻ bất chấp “lưỡi hái tử thần” có thể bổ xuống bất cứ lúc nào, lao
vào như con thiêu thân để đào, hút, cuốc, xới... những mong tìm được
“lộc” trời. Vàng tặc ngày càng hoành hành làm cho núi rừng, sông suối
tan hoang, môi trường bị hủy hoại nghiêm trọng...
BĂM NÁT HÒN CỒ Qua UBND xã Ea Trol hơn cây số, chúng tôi đã nghe tiếng máy từ các điểm khai thác vàng ở suối Trol Nen và chân núi Hòn Cồ phát ra ầm ầm. Trên đoạn dài hơn cây số, vàng tặc “chặt” con suối thành nhiều khúc để cày xới, đào, hút; đất đá, cát sỏi chất thành đống, nước suối đục ngầu, đen sì, bốc mùi khó chịu. Băng qua những hốc đá lổm nhổm bên hông suối, chúng tôi đến lãnh địa vàng tặc khi trước mặt chúng tôi là “đại bản doanh” với chiếc lán nhỏ được che bằng tấm bạt sơ sài nằm ẩn mình bên lũy tre. Thấy người lạ, đám phu vàng nhìn chúng tôi bằng ánh mắt dè chừng. Năm người đàn ông tiếp tục chuyển máy, người còn lại tên là Ma Đam trạc 40 tuổi hất hàm hỏi: “Đi đâu?”. “Tụi em vào xin làm vàng”, chúng tôi trả lời. Anh ta đảo mắt nhìn chúng tôi đáp gọn lỏn: “Đủ người rồi. Qua chỗ thằng Quân mà làm”. Có lẽ đang thiếu người nên khi chúng tôi đến nơi, Quân, quê Thái Bình, nhanh chóng gật đầu. Tại khu vực khai thác, Quân đặt hai chiếc máy đào đãi vàng. Do không có người, hai chiếc còn lại ngừng hoạt động. Trên diện tích hơn 1 hécta, Quân cho đám phu vàng mở cả chục miệng hố sâu hoắm rồi dùng vòi rồng khoét sâu vào lòng đất. Vòi phun đến đâu, đất đá, cây cối đổ ào ào đến đó. Trong vòng hơn ba tiếng đồng hồ, đám phu vàng đã “liếm” sạch cả trăm khối đất đá. Núi đồi tan hoang vì vàng tặc Sau nhiều lượt băng qua những hố bom, ụ đất, vào các lán trại phía trong Hòn Cồ gãi đầu gãi tai “nói khó” để xin việc nhưng đều bị từ chối, cuối cùng chúng tôi được một bưởng vàng trạc 40 tuổi, mặt rỗ, cụt một tay thương tình chỉ đường đến chỗ “thằng em đang cần người”. Theo mô tả, chúng tôi đoán có lẽ đó là lán vàng của Quân. Linh tính mách bảo có chuyện chẳng lành, chúng tôi tìm cách chuồn gấp. Vừa lên xe, chúng tôi gặp hai tên từ chỗ bưởng Quân bước tới hỏi: “Mấy “sếp” đi đâu đây? Hôm trước “làm luật” rồi, nay lại vào nữa hả?”. Máng lọc vàng thải ra nhiều chất độc hại Thoát qua cửa ải chào lán, chúng tôi được Hà dẫn đi quan sát một vòng. Tại quả đồi phía sau, vàng “tặc” đào nhiều đường giao thông hào rộng khoảng hai mét, sâu hơn một mét chạy đến hàng chục miệng hố sâu hoắm. Gần chục hécta rừng trọc lóc, cây cối bị chặt không thương tiếc, đốt thành tro. Giữa sườn đồi, chúng mở một địa đạo sâu hơn chục mét, trên “thả” một cái giếng khoảng 30 mét thọc sâu vào lòng núi lấy sái vàng. Đầu miệng địa đạo, chúng đặt cối xay, đầu bơm, ống hút. Một phu vàng tên Chín “cô đơn” trạc 45 tuổi và người đàn ông khoảng 65 tuổi tên Chính “già” đang thực hiện việc xay, lọc vàng. Chúng thải ra rừng hàng đống chất thải làm dòng suối đục ngầu. Đỏ mắt tìm vàng Tại Hòn Cồ, ngoài bưởng Hà còn có nhiều ông trùm vàng tặc như: Ý Anh, Quang Vy, Chung Còi... ngày đêm ra sức “oanh tạc”. Vàng tặc xuống nước thì giết “hà bá”, đầu độc sông suối; lên rừng thì bạt núi, băm cây, uy hiếp thú rừng. Được biết để lọc được vàng, chúng sử dụng rất nhiều hóa chất độc hại - đây là thủ phạm nguy hiểm hủy hoại môi trường. ĐẦU ĐỘC MÔI TRƯỜNG Cách trung tâm huyện Sông Hinh hơn chục cây số, Hòn Cồ được người dân ví là “hòn vàng”. Tuy nhiên, quanh năm, nơi này phải oằn mình chịu sự cày xới ác liệt của vàng tặc. Con đường dẫn vào Hòn Cồ nằm sát bên UBND xã Ea Trol, mỗi ngày có hàng chục phu vàng lũ lượt đi qua. Không còn vàng mười trong đất, dưới lòng sông, Hòn Cồ chỉ còn là hòn đất bởi các hoạt động xẻ núi, sục sông, băm suối “săn” vàng. Sau khi quan sát màu đất đá, mạch nước ngầm, thấy khả quan, bưởng cho triển khai máy móc, đào giao thông hào và thả khoảng 15 cái giếng để thăm dò, mỗi giếng cách nhau từ năm đến bảy mét. Giếng nào có “nẹp” vàng thì khoan sâu vào lòng đất. Từ sườn đồi, bưởng cho đào thêm một số địa đạo nối với giếng theo dạng hai cạnh góc vuông của tam giác. Vét sạch vàng “nẹp” theo phương thẳng đứng, phu vàng sẽ “đánh” địa đạo sang ngang tỏa đi các ngả tạo thành hệ thống địa đạo chạy ngầm dưới lòng đất như xương cá. Nếu gặp đất đá cứng, chúng cho nổ mìn thông hầm. Đây là giai đoạn rất nguy hiểm, bởi không chỉ thiếu ôxy mà còn có thể sập hầm mất mạng bất cứ lúc nào. Cách đây không lâu đã có hai phu vàng tử vong khi “đánh” địa ở Hòn Cồ. Vì không muốn cơ quan chức năng biết chuyện, những người trong nhóm đã âm thầm đưa tử thi về quê an táng. Gồng mình đào đất khoét núi tìm sái vàng CƠ QUAN CHỨC NĂNG THỜ Ơ? Nghỉ làm phu vàng ở bưởng Hà, sáng 18-9-2012, chúng tôi tiếp tục trèo đèo quay vào Hòn Cồ tìm hiểu thêm hoạt động của vàng tặc. Lúc qua trạm kiểm lâm, xe bất ngờ hỏng máy, dắt vào trạm mượn đồ nghề sửa, chúng tôi bị một người đàn ông trạc 55 tuổi to cao, bụng bự đứng chống nạnh hỏi như quát: “Tụi bây ở đâu vào đây? Không thấy đường bị chặn hả?”. Chúng tôi nhìn ra thấy cái gác chắn có tấm biển ghi dòng chữ nguệch ngoạc “Không phận sự, cấm vào” nằm xếp xó bên lề. Vả lại, lần trước chúng tôi theo bưởng Hà và ông Lượng chạy qua trạm này có ai hỏi gì đâu! “Tụi cháu đi xin làm phu vàng” - chúng tôi nhỏ nhẹ trả lời. Nhưng người đàn ông này lại quắc mắt: “Vàng bạc gì? Có ai làm đâu mà xin!”. “Tụi cháu nghe bà con nói có ông Hà, vợ chồng ông Ý Anh, ông Quang... đang làm trong này” - chúng tôi nói. “Tào lao, ai cho đào mà làm? Không có vàng bạc gì hết, ra đi” - ông này xua tay như đuổi tà. Khoảng 15 phút sau, một người đàn ông khác trạc 50 tuổi, thấp đậm, mặc áo quần kiểm lâm, đeo kiếng đen chạy xe vào trạm. “Mấy anh này đi đâu mà vào đây?” - người này hỏi. Sau khi nghe trình bày, ông ta nhìn chúng tôi hồi lâu mới vào lấy đồ nghề sửa xe cho mượn. Giống như người đàn ông lúc nãy, người này cũng khẳng định chắc như đinh đóng cột: “Ở đây cấm khai thác vàng nên không có ai đào cả, sửa xong xe thì ra đi”. Ra khỏi trạm vài trăm mét, gặp ông Ma Bôn, 60tuổi người Ê Đê, chúng tôi hỏi: “Trong này có ai đào vàng không chú?”. “Nhiều lắm! Phải có cả chục chỗ”, Ma Bôn nói. “Sao chúng cháu nghe mấy ông bên trạm kiểm lâm nói không có?”. Ma Bôn nhíu mày, giọng chua chát: “Mỗi ngày có hàng chục chiếc xe máy của bọn đào vàng chạy qua cái trạm này chứ có ai làm lén lút đâu mà các ông ấy giấu? Không tin, mấy chú cứ vào xem”. Dứt lời, ông chỉ tay về phía con suối đang sạt lở, nước chảy đục ngầu, lổm nhổm từng đụn đất đá. “Tao sống ở đây hơn hai chục năm nay nhưng chưa khi nào thấy nạn đào vàng hoành hành như lúc này. Ngày trước, sông suối ở đây nước trong vắt, bà con sử dụng để nấu ăn, tắm giặt, cá tôm thì nhiều vô kể, có con vài chục ký. Từ lúc vàng tặc vào làm, chúng bỏ cái chất gì xuống mà tôm, cá chết phơi trắng bụng. Nguồn nước thì bị ô nhiễm, ngứa ngáy không ai dám uống, cây trong vườn nhà tao cũng héo queo, chết trụi. Mỗi khi có mưa xuống là đất đá sạt lở đổ ầm ầm, cây cối cũng bị vàng tặc chặt bỏ không thương tiếc khiến con chim, con hoẵng không còn chỗ trú. Nhiều lần tao báo với kiểm lâm và chính quyền địa phương nhưng chẳng hiểu sao họ vẫn để vàng tặc làm?”, ông bức xúc. Giải thích việc vì sao ngày càng có nhiều vàng tặc hoành hành, Hùng - một bưởng vàng có thâm niên 30 năm trong nghề - thổ lộ: “Một thằng ăn trộm không cẩn thận là bị tóm như chơi, nói gì đến hàng trăm con người, máy móc lỉnh kỉnh như vậy mà cơ quan chức năng không biết, chẳng qua là họ lơ thôi! Nhưng muốn vậy thì mình phải “biết điều”. Mỗi khi có đoàn kiểm tra về, họ “xi nhan” trước để mình thu dọn máy móc, trừ trường hợp bị cơ quan chức năng đột kích bất ngờ. Ai không “làm luật”, tôi đố đào vàng được đấy. Nhưng cái nghiệp vàng tặc này bạc bẽo lắm. Nói đâu xa, ở mấy xã quanh đây thôi, không ít người có tiền rồi sinh tật, không đàn đúm, trai gái, cờ bạc thì cũng ốm đau bệnh tật, con cái hút chích, vợ chồng ly tán. Đó là chưa kể những lúc đào không có vàng, bưởng phải vay tiền “nóng” nuôi quân, nợ nần chồng chất”. Theo chúng tôi để tình trạng khai thác vàng trái phép không tái diễn, ngoài ý thức người dân, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra truy quét và cương quyết hơn nữa trong quá trình xử lý vi phạm, làm rõ trách nhiệm các cán bộ địa phương để vàng tặc lộng hành suốt thời gian dài mà không có biện pháp ngăn chặn... |
||
HẢI VĂN - ĐOÀN TUẤN(Báo Công An) |
Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2012
http://congan.com.vn/?mod=detnews&catid=702&p=&id=481263
0 nhận xét:
Đăng nhận xét