RSS
Write some words about you and your blog here

Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2012

Lừa người đi lao động


Chuyện kể của người bị lừa đi lao động ở Lâm Đồng
                                                                                                                                Văn Thùy

Tun Chách (xã Ea Bia) là một buôn đồng bào dân tộc thiểu số nằm hẻo lánh sau đập xả lũ Thủy điện Sông Hinh, cách xa trung tâm xã. Mấy ngày qua, sự yên bình nơi đây bị khuấy động bởi chuyện nhiều người bị lừa đi làm công hái cà phê ở tỉnh Lâm Đồng. Không chỉ lương thấp, ép làm việc quá sức, mà còn bị đánh đập hù dọa, họ đã cầu cứu gia đình mang tiền đi chuộc về. Cho đến nay, có người đã về được nhà, nhưng vẫn còn một số mắc kẹt vì gia đình không có tiền chuộc, cũng có người hiện biệt tăm tích không biết đang ở đâu.

50 NGHÌN ĐỒNG MỘT GÓI MÌ TÔM
Đã về được mấy ngày, mà đến nay anh Đỗ Tiến Cường, buôn Tun Chách, xã Ea Bia, vẫn chưa hoàn hồn về những ngày cực nhọc bên đất khách quê người. Theo lời kể của anh Cường và một số người cùng đi, đang trong lúc nhàn rỗi thì bà Đỗ Thị Xuân T. người cùng buôn, đến giới thiệu có ong cậu ruột bên Lâm Đồng cần công hái cà phê, mức lương 3,6 triệu đồng một tháng. Quá hấp dẫn, lại là chỗ tin tưởng người cùng buôn giới thiệu, anh Cường còn đưa cả con trai, con gái lớn của mình cùng đi để kiếm ít tiền trang trải cuộc sống gia đình tranh thủ lúc nông nhàn. Sáng 28/9/2012, một chiếc xe 12 chỗ ngồi đăng ký biển kiểm soát ở tỉnh Phú Yên về tận buôn đón 15 người cả trai, lẫn gái lên xe, ngoài 12 người trong buôn, số còn lại là bà con họ hàng ở bên Suối Trai, huyện Sơn Hòa. Đi đến Phú Lâm thì chuyển sang xe khách chạy hướng Đà Lạt, Lâm Đồng. Đến cửa rừng, mọi người xuống và được đưa vào một ngôi nhà khá khang trang nằm ngay ven đường ở đó có gần chục người chủ yếu là thanh niên mặt mày bặm trặn đã đợi sẵn. Lời thông báo chắc nịch của bà chủ cai công (theo cách gọi của anh Công) mức lương lao động chỉ có 2,1 đến 2,4 triệu đồng tháng cùng những lời lẽ thô tục hù dọa không ngớt của đám tay chân trong nhà, khiến mọi người tá hỏa là đã bị lừa. Đặng Thị Phi, con gái anh Công lấy điện thoại để gọi về cho bà T. hỏi cho rõ liền nhận được những cái tát trời giáng; một thanh niên trong đám lẻn vào nhà vệ sinh để gọi điện thoại cũng bị lôi ra đấm, đá  túi bụi vào chân tường cùng những lời hù dọa ghê rợn. Quá hoảng sợ, mọi người ngoan ngoãn theo vào nhà kho ở ngay liền kề. Cửa khóa trái, mọi sinh hoạt đều ở trong phòng kín chật chội. Ăn mì tôm sống, uống nước lã. Mọi liên lạc với bên ngoài đều bị khống chế, muốn mua thuốc lá, nước uống thêm cũng phải năn nỉ, đưa tiền qua khe cửa nhờ mua giùm. Ngoài các camera được gắn trong và ngoài nhà, buổi tối đám đệ tử ngồi đánh cờ, gác thâu đêm, suốt sáng bên ngoài cửa, còn bên trong là tiếng khóc rưng rức của đám con gái. Anh Cường khéo léo nói lý do gia đình xin về nhà liền bị chửi mắng như tát nước: “muốn về ư, trả tiền tàu xe, tiền ăn, tiền ở 100.000đ một đêm, tiền mì tôm 50.000đ một gói…tổng cộng là 2,1 triệu đồng” 

Anh Đặng Tiến Cường mới được chuộc về nhà.



VẮT KIỆT SỨC LAO ĐỘNG
Sau gần hai ngày trong phòng giam, những lao động trên được phân phối về các chủ vườn cà phê hoặc các cơ sở sản xuất, kinh doanh để làm việc. Anh Cường cho biết, tất cả giấy tờ tùy thân đều bị bà chủ cai công thu giữ, ai đi làm việc ở đâu thì được cấp một mảnh giấy nhỏ ghi vài thông tin cá nhân. Riêng anh Cường được điều sang làm việc ở xưởng sơ chế cà phê ngay bên cạnh. Công việc của anh là cho quả cà phê tươi vào sấy, đảo cà cho khô rồi cho vào máy xay ra nhân. Bụi bặm, nóng nực anh có thể chịu được, nhưng làm việc cả ngày lẫn đêm khiến sức khỏe lực lưỡng như anh cũng đổ. “Nhiều lúc tranh thủ đứng ngủ cũng bị quát nạt liền, mỗi đêm tính ra chỉ ngủ được một tiếng đồng hồ”- anh Cường cay đắng nói. Chua sót hơn, LMô Y Thứ, sinh năm 1997, được đưa về lao động tại một cơ sở sản xuất nấm khô. Mới 15 tuổi, nhỏ con, nhưng Y Thứ phải vác những khúc gỗ to hơn hình nhiều lần, làm việc quần quật từ sáng sớm đến 9 giờ đêm mới được nghỉ. Còn với LMo Y Thối, dù không ép buộc nhiều thời gian như Y Thứ, nhưng công việc hái cà phê luôn phải làm dù trời nắng hay trời mưa. Có người may mắn hơn thì gặp được những chủ vườn tốt bụng cho ăn uống đầy đủ, chỗ ngủ kín đáo.
Làm việc vất vả, lương thấp và luôn bất an vì bị bán qua, bán lại, họ đã cầu cứu về gia đình. Y Lam, anh ruột của Y Thứ cho hay, sau sau nhận được tin, Y lam cùng vài anh em sang đón thì chủ cai công đòi tiền chuộc với mức 2,1 triệu đồng một người. Riêng Y Thứ thì bị phạt nộp gấp đôi vì đi lao động không đủ sức khỏe. Anh Cường và hai người con cũng phải mất hơn năm triệu tiền chuộc mới được về nhà. Phó buôn Ma Dút cho hay, bà con trong buôn tin tưởng chị T. tranh thủ kiếm tiền lo cho mùa mưa, nào ngờ lại mất thêm tiền. Trong tổng số 12 người trong buôn, đến nay vẫn còn 5 người chưa về được vì gia đình nghèo không có tiền. Lo ngại nhất là trường hợp của Mí Chi, Mí Chi hiện một mình nuôi ba con nhỏ, đứa lớn nhất 10 tuổi, đứa nhỏ mới 4 tuổi. Đến nay những người đi làm cùng và gia đình không hề biết tung tích Mí Chi đang làm ở đâu. “Là người không biết chữ, không có điện thoại, vốn tiếng kinh ít, có thả ra ngoài thì Mí Chi cũng khó tìm được đường về nhà”- Ma Dút cho nói.   
Y Thối, Y Thứ, Y Lam vẫn chưa hoàn hồn khi kể lại  chuyện làm công bên Lâm Đồng
Phó Chủ tịch UBND xã Ea Bia Ksor Y Diêu cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh của bà con, UBND xã đã chỉ đạo công an xuống địa bàn nắm tình hình. Qua rà soát, toàn xã Ea Bia có 22 người bị lừa đi lao động ở Lâm Đồng, tập trung nhiều ở buôn Tun Chách, buôn Ma Sung và buôn Hai Klốc. Ngoài ra còn có 5 người nữa là họ hàng trong trong xã trú ở Suối Trai, Sơn Hòa và buôn Thung Đức Bình Đông. Trong tổng số đó có bốn người là nữ, ít tuổi nhất là sinh năm 1997 (3 người) nhiều tuổi nhất là sinh năm 1960. Đến nay đã có khoảng 7 người đã được chuộc về, còn lại là gia đình không có khả năng chuộc. “Chính quyền xã Ea Bia đã thông báo tuyên truyền rộng rãi để bà con nhân dân nâng cao cảnh giác, đồng thời phối hợp cùng công an huyện Sông Hinh điều tra tìm hướng giúp những người bị lừa về với gia đình”- Y Diêu nói.
Người dân xã Ea Bia vẫn chưa hết bàng hoàng khi bị lừa bán đi lao động

0 nhận xét:

Đăng nhận xét