RSS
Write some words about you and your blog here

Thứ Năm, 22 tháng 11, 2012

Bỏ cà phê, trồng cao su


CÀ PHÊ ĐƯỢC MÙA GIÁ THẤP

Sông Hinh đang vào giữa vụ thu hoạch cà phê, năng suất năm nay ước đạt 10 tấn/hecta, cao gần gấp đôi so với năm trước. Mặc dù vậy do giá thu mua thấp, hiệu quả mang lại từ cây cà phê vẫn không hơn nhiều so với niên vụ trước.
Nông dân Sông Hinh thu hoạch cà phê

Được sự đầu tư của Nhà nước, đường liên xã Ea Trol- Ea Bá đi qua nông trường cà phê Ea Bá (nơi có diện tích cà phê nhiều nhất huyện) đã được bê tông hóa thông suốt. Cầu Ea Mkeng, cửa ngõ vào nông trường cũng đã được khánh thành, chấm rứt cảnh cà phê bỏ thối vì ách tắc giao thông trong mỗi mùa mưa lũ. Mặc dù vậy niềm vui của người dân nơi dây vẫn không được chọn vẹn khi đã vào chính vụ mà giá cà phê vẫn kém xa so với cùng thời điểm năm trước. Chị Trần thị Trúc Linh, Nông trường cà phê Ea Bá cho hay, với ba hecta cà phê nhận của nông trường, năm ngoái giá cà phê quả tươi thời điểm này gần 10.000 đồng/kg nên lợi nhuận thu về cũng khá. Có vốn, chị đã đầu tư chăm sóc tốt vườn cà với hơn 60 triệu đồng cho hai lần bón phân; gần 20 triệu đồng hai lần phun thuốc trừ nấm hồng, rệp sáp; hơn 15 triệu đồng tưới nước chống hạn, gần chục  triệu công cắt tỉa cành thừa… Nhờ vậy năng suất ước đạt hơn 12 tấn/hecta, cao hơn ba tấn so với vụ trước. Nhưng với giá cả trung bình 6.500 đồng từ đầu vụ đến nay, trừ hết chi lợi nhuận thu về cũng chỉ được trên dưới chục triệu đồng mỗi hecta.

Còn ông Nguyễn Ngọc Hanh, thị trấn Hai Riêng, có hơn một héc ta cà phê gần khu vực đất sản xuất xã Ea Bar cho hay, năm nay hạn kéo dài gần ba tháng, thiếu nước tưới, cà phê táp lá, quả héo khiến năng suất tụt giảm chỉ bằng 2/3 so với năm trước. ông Hanh chua sót nói: “Đến thời điểm này, tôi đã thu hoạch được bốn tấn cà tươi, khi cộng sổ tính toán thì tiền công hái đã chiếm một nửa, nếu chi li cả tiền đầu tư phân bón, công chăm sóc một năm trời thì coi như hòa vốn”. Theo ông Hanh, giá thu mua cà phê tươi năm nay không ổn định, thời điểm cao nhất là 7.200 đồng, thấp nhất 4.800 đồng một kilogam quả tươi, tính ra không hiệu quả bằng người làm công bởi người trồng cà một nắng hai sương, mong ngóng cả năm trời, hơn thế nữa, chi phí vận chuyển tăng cao vì xăng dầu liên tiếp tăng giá trong những ngày qua. “Hy vọng những ngày sắp tới giá cả tăng thêm chút đỉnh để còn có ít lời cải thiện đời sống gia đình và tái sản xuất cho vụ sau”- ông Hanh thổ lộ.

Những người trồng cà phê ở đây cho biết, giá thu mua tại địa phương chênh lệch khá nhiều so với giá bên các tỉnh như Đăk Lăk, Lâm Đồng. Còn người cà phê ở Sông Hinh đã hái là phải bán trong ngày chứ không có lựa chọn nào khác, vì muốn phơi thì không có nắng, còn sấy khô thì chi phí lại quá cao. Để có thêm thu nhập, trong những ngày đầu vụ quả chín lưa thưa nên các hộ tận dụng hết công nhàn rỗi trong gia đình. Cũng có nhiều hộ sở dữu diện tích cà phê lớn thì tìm giữ cho mình đội công “ruột”. Chị Nguyễn Thị Ly, xã Ea Bar cho biết, dù không có hợp đồng hay giấy tờ gì giằng buộc, nhưng đến hẹn lại lên, cứ vào mùa cà phê là đội công gần chục người ở dưới đồng lại đến làm trong suốt vụ thu hoạch. Theo chị Ly, để giữ chân nhân công trong cả vụ và vụ sau, chủ cà phê phải chuẩn bị tốt chỗ ăn, ở, sinh hoạt, nước non động viên kịp thời, hỗ trợ thêm tiền xăng xe đi lại… Đổi lại, những người làm công coi đây như việc của mình, hiệu quả công lao động đạt cao, ít hao hụt và quan trọng là bảo vệ cây cà phê, hạn chế gãy cành, rụng lá, đảm bảo năng suất cho vụ sau. 
Ông Lê Phước Huệ, Cán bộ Nông Nghiệp xã Ea Bar cho biết, xã Ea Bar là địa bàn có diện tích cao su cao nhất huyện với hơn 1.000 hecta, kinh nghiệm nhiều năm qua cho thấy, năng suất cây cà phê ở đây phụ thuộc nhiều vào thời tiết, lúc hoa nở rất dễ gặp mưa lạnh, dẫn đến thối hoa, rụng quả. Còn thời điểm thu hoạch lại vào đúng mùa mưa, nhiều khi mưa lớn thu hoạch không kịp, quả chín rụng xuống trôi theo nước lẫn vào đất cát. Người hái cà phải mặc hai ba lần áo mưa, trầm mình từ sáng đến tối để dành giật với trời. Chính vì vậy mà công lao động hái cà luôn cao hơn nhiều so với những công việc khác.
Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Sông Hinh cho biết, hiện toàn huyện có khoảng 1.700 hecta cà phê, trong đó chủ yếu là cà phê chè, diện tích tập trung nhiều nhất ở xã Ea Bar, Ea Trol, Ea Ly, Sông Hinh và TT Hai Riêng. Vụ thu hoạch năm nay, năng suất trung bình ước đạt 9,5 đến 10 tấn trên một hecta, tăng 3,2 tấn/hecta so với niên vụ trước. Vào thời điểm này năm ngoái, giá thu mua quả tươi đã ở mức cao, tám nghìn đồng một kilogam, sau đó tăng dần lên chín, mười ngàn một kilogam vào chính vụ, lợi nhuận thu về cũng khá. Còn năm nay, mọi chi phí từ xăng dầu, phân bón, công lao động đều lên, nếu giá thu mua không cải thiện thì người trồng cà phê chỉ hòa vốn, hộ nào chăm sóc tốt, năng suất đạt cao thì may ra có lãi chút đỉnh. Huyện Sông Hinh đã chỉ đạo cán bộ phụ trách nông nghiệp các địa phương bám sát cơ sở, theo dõi, vận động nhân dân tranh thủ thời tiết thuận lợi, thu hái kịp thời nhưng vẫn đảm bảo chất lượng quả hái chín đều, từng bước nâng cao thương hiệu cà phê Sông Hinh.
 

CẢNH BÁO THU HẸP DIỆN TÍCH CÀ PHÊ

Cây cao su đã khẳng định vị thế vững chắc trên vùng đất Sông Hinh, hiệu quả kinh tế mang lại vượt xa cây cà phê khiến đa số chủ rẫy cà chuyển hẳn sang trồng cao su hoặc áp dụng mô hình trồng xen cà phê, cao su…
Cao su Sông Hinh có chất lượng mủ tốt

Thực tế gần chục năm gần đây cho thấy lợi nhuận mang về từ cây cà phê không thực sự rõ nét, thậm chí thua cả cây sắn, cây mía nếu có đầu tư chăm sóc tốt. Năng suất năm nay được, năm sau mất, giá cả bấp bênh và luôn chịu ở mức thấp. Trong khi đó do đặc thù khí hậu vùng, cà phê chín đúng vào mùa mưa, không những vất vả, nhọc nhằn mà luôn bị động trong việc tiêu thụ vì không thể bảo quản bằng việc phơi khô như ở các địa phương khác. Bên cạnh đó, đất trồng cà phê thường là đất đỏ, phì nhiêu, màu mỡ.
Không để lãng phí tài nguyên đất đai, nhiều người đã tìm hướng đi mới bằng cách chuyển đổi cây trồng hợp lý, trong đó phần lớn được chọn là chuyển sang trồng cao su. Ông Phan Xuân Hồng, ở thị trấn Hai Riêng có hơn một hecta cà phê chè, qua nhiều năm thu hoạch, năm 2005 ông Hồng đã quyết định trồng xen cây cao su với cây cà phê. Với mục đích lúc đầu trồng để lấy bóng mát nên qui cách cũng có sự thay đổi, bình thường trồng cao su hàng cách hàng 6m, cây cách cây 3m, còn trong trường hợp này, ông Hồng trồng hàng cách hàng 8m, cây cách cây 3m. Đến nay một hecta cao su với khoảng 400 cây mỗi lần cạo cũng cho năng suất khoảng 40 kg mủ đông, với giá bán 16.000đ/kg, lợi nhuận thu về trung bình được tám triệu đồng/ tháng. Song song với đó, cây cà phê vẫn kinh doanh bình thường dù năng suất có giảm đôi chút. Theo ông Hồng, nếu thực hiện đúng qui trình, trồng thưa, chăm sóc đều tay, cây cao su sẽ có tác dụng hỗ trợ cho cây cà phê khi gặp nắng hạn; bên cạnh đó thời điểm cây cao su rụng lá nghỉ đông cũng là lúc cây cà phê có nhu cầu cao về quang hợp. Hạn chế của mô hình xen ghép này là thời gian thu hoạch cà phê kéo dài hơn do quả chín không đều; việc bón phân cũng như phòng trừ nấm hồng, rệp sáp yêu cầu khắt khe hơn. 
Sông Hinh chăm sóc cao su sau mùa thu mủ

Việc đưa cây cao su vào vườn cà phê diễn ra phổ biến ở hầy hết các địa phương có diện tích cà phê lớn như Ea Trol, Ea Ly, Ea Bar, mạnh nhất là trong khoảng thời gian 3, 4 năm trở lại đây khi mà thực tế cây cao su đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Phan Công Quyền, trưởng thôn Chứ Sai, xã Ea Trol cho biết, trong 300 hecta cà phê của thôn thì đã có gần 90% diện tích đã được trồng xen cao su. Đến nay một số diện tích gần đến tuổi khai thác mủ. Điều đáng nói phần lớn những diện tích này được trồng nhằm để chuyển đổi hẳn từ cà phê sang cao su, mật độ trồng dày, từ 500 đến 550 cây trên một héc ta. Như vậy sản lượng cây cà phê sẽ giảm dần theo độ che phủ của tán cây cao su. Sau khoảng bảy năm khi cây cao su cho mủ cũng là lúc cây cà phê hết tác dụng vì không đủ ánh sáng để quang hợp. Ngay cả vùng trọng điểm cây cà phê là nông trường cà phê Ea Bá, việc trồng xen cao su với cà phê cũng được khuyến khích. Ông Vũ Đức Phong, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Cà phê Ea Bá cho biết, hiện đơn vị đang quản lý một nghìn hecta đất, trong đó có hơn 500 hecta trồng cao su và khoảng 450 hecta cà phê kinh doanh, trong đó hơn một nửa diện tích cà phê đã được trồng cao su, những diện tích cà phê này cũng gần hết tuổi, khi cây cao su cho mủ cũng là lúc kết thúc chu kỳ khai thác. Vì vậy, công ty khuyến khích người trồng cà phê chuyển mạnh sang đầu tư cho cây cao su.    
Nhưng cũng có nhiều người có suy nghĩ khác. Ông Lê Văn Minh, thôn Ea Mkeng, xã Ea Bar nói, qua các phương tiện thông tin, cây cao su đang được trồng tràn lan từ Bắc tới Nam, sang cả các nước bạn như Lào, Cam Phu Chia. Với diện tích rộng lớn như vậy, không biết việc thiêu thụ sản phẩm sau này sẽ ra sao? “Hiện giờ tôi cố gắng chăm sóc tốt hai hecta cà phê của nhà, xem xét, tính toàn kỹ lưỡng rồi mới tìm bước đi tiếp theo”- Ông Minh nói. Còn ông Nguyễn Ngọc Hạnh, khu phố 5 thị trấn Hai Riêng cho biết, với hơn một hecta cà phê năm năm tuổi của mình, ông cũng trồng xen cao su nhưng với mật độ thưa, hàng cách hàng 12m, cây cách cây 3m. Theo ông Hạnh, trồng như vậy lượng mủ mỗi cây cao su cho nhiều hơn, trong khi đó vẫn đảm bảo năng suất cà phê. Quan trọng hơn là sẽ hạn chế được rủi ro sau này.
Dự báo trong thời gian vài năm đến, diện tích cây cà phê sẽ giảm mạnh, thay vào đó là cây cao su. Trưởng phòng nông nghiệp huyện Sông Hinh Nguyễn Khắc Sự cho biết, chủ trương của huyện Sông Hinh là đa dạng hóa vật nuôi cây trồng, chú trọng đầu tư phát triển các cây công nghiệp ngắn và dài ngày có hiệu quả kinh tế cao. Ngoài cây cà phê, cao su, các cây công nghiệp khác được khuyến khích mở rộng như hồ tiêu, mắc ca, ca cao… trên những diện tích đất phù hợp. Với những vườn cà phê già cỗi, hoặc không có sự đầu tư bài bản từ lúc trồng, không chủ động được nguồn nước, năng xuất thấp… cũng nên chuyển đổi sang cây trồng khác phù hợp và hiệu quả hơn.

V Thùy


1 nhận xét:

ben nói...

Giao dịch cà phê, cao su trên Phần mềm chuẩn Ngân hàng Techcombank tại Gia Lai
1. Minh bạch, rõ ràng, chuẩn Ngân hàng Techcombank.
2. Lợi nhuận ổn định, chiến lược được cung cấp theo ngày.
3. Mức đầu tư thấp, phù hợp với các mức thu nhập khác nhau.
Liên hệ: Ben (0971566646) hoặc Mail: buysellhyip@gmail.com

Đăng nhận xét