Tốt nghiệp lớp 10 mới 16 tuổi, năm 1962 người thanh niên
trẻ Đinh Xuân Mai xung phong lên đường nhập ngũ. Được cử đi học lớp thông tin
dành cho chiến trường miền Nam ông luôn cố gắng phấn đấu học tập và trở thành
chuyên viên thông tin giỏi được biên chế về Bộ Tư lệnh Quân khu 5.
Sau khi tham gia đoàn chuyên gia chính trị tại Cam Phu
Chia (từ năm 1984 đến năm 1988), ông Đinh Xuân Mai về nước và được điều động
làm trưởng trạm bưu điện huyện Sông Hinh. Vào thời điểm này, cả nước ta nói
chung đang có sự chuyển đổi mạnh mẽ từ nền kinh tế bao cấp, sang kinh tế thị
trường, vì vậy công tác thông tin, liên lạc đòi hỏi phải nhanh nhạy, kịp thời
đáp ứng với sự phát triển của huyện nhà nói riêng. Bên cạnh đó, ở một huyện mới
thành lập, cơ sở hạ tầng hầu như chưa có, đất rộng, dân cư sống rải rác, địa
hình phức tạp, đường xá đi lại khó khăn, thường xuyên chia cắt về mùa mưa, đây
cũng là một thách thức không nhỏ đói với ngành bưu điện.
Tiếp quản bưu điện huyện Sông Hinh với 12 biên chế, cơ sở
hạ tầng là ngôi nhà cấp 4, hệ thống máy móc thông tin cũ kỹ, chủ yếu là tận
dụng các các loại máy của Nga, Trung Quốc từ thời chiến tranh để lại. Để thực
hiện tốt nhiệm vụ thông tin liên lạc công ích, việc đầu tiên ông làm là truyền
lửa cho đội ngũ cán bộ CNVC trong đơn vị về truyền thống anh hùng của ngành
thông tin liên lạc “Trung thành - Dũng cảm - Tận
tụy - Sáng tạo - Nghĩa tình”, đồng thời ông thường xuyên gần gũi, tìm hiểu tâm
tư, nguyện vọng, kịp thời động viên anh em trong đơn vị khắc phục phó khăn hoàn
thành nhiệm vụ. Để nâng cao thu nhập, ông giữ nguyên biên chế, bố trí hợp lý để
nhân viên có điều kiện làm thêm giờ, thực hiện khoán công tác; Nhằm giảm chi
phí nhưng vẫn đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ, ông hợp đồng với một số người địa
phương làm công tác chuyển bưu phẩm, báo chí. Nhờ sắp xếp lợp lý nên thu nhập của
cán bộ, công nhân viên ngày càng tăng cao, đời sống ngày một ổn định, an tâm
công tác.
Ông Đinh Xuân Mai nhớ lại, vào thời
điểm đó, công tác chuyển bưu phẩm, báo chí đến các xã xa như Sông Hinh, Ea Lâm
gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa, một chuyến đi thường kéo dài từ 2
đến 3 ngày, nhiều khi anh em mới chuyển báo vào, quay ra lại có công văn khẩn,
không kịp nghỉ ngơi người bưu chính lại quay ngược lại để thực hiện nhiệm vụ.
Việc ngủ lại giữa đường là chuyện bình thường đối với họ.
Với hệ thống thông tin liên lạc chủ
yếu là dây trần, vì vậy sau mỗi cơn mưa dông, bão, ông lại cùng anh em trong
đơn vị không kể sớm trưa, trèo đèo, lội suối, đấu nối những đầu dây bị đứt,
dựng lại những trụ bị đổ, vì vậy công tác thông tin luôn được thông suốt. Khi nhu cầu sử dụng máy điện thoại của các cơ
quan đơn vị cũng như của nhân dân tăng lên, trong khi đó tổng đài của bưu điện
chỉ có chưa đầy 50 số, ông cùng anh em kỹ thuật mày mò nghiên cứu, cải tiến các
máy cũ, nắp rắp nâng đầu số sử dụng được lên hơn 70 máy.
Đến những năm 92-93, thực hiện chủ trương đi tắt, đón
đầu, Bưu điện huyện Sông Hinh đã có sự phát triển mạnh mẽ, nhiều thiết bị máy
móc, công nghệ mới được áp dụng, cơ sở hạ tầng được xây dựng khang trang, cùng
với đó là sự phát triển mạnh của đời sống, kinh tế, xã hội huyện nhà, ngành bưu
điện đã phần nào giảm bớt được khó khăn trước đó.
Ngày nay, ngoài việc hoàn thành tốt nhiệm vụ thông tin
liên lạc công ích, Bưu điện huyện Sông Hinh luôn giữ vững mức tăng trưởng đều
hàng năm. Có được kết quả đó là nhờ sức mạnh đoàn kết của một tập thể được chèo
lái bởi lòng nhiệt huyết của một đảng viên, một chiến sỹ bộ đội đã từng góp sức
trẻ của mình trong công cuộc giải phóng đất nước. Anh Hà Trọng Vui, nhân viên
bưu điện huyện Sông Hinh nói: "Đồng chí Đinh Xuân Mai là một lãnh đạo
nghiêm khắc, nhưng rất tâm huyết với ngành bưu điện, trong những năm đầu thành
lập huyện gặp vô vàn khó khăn, nhiều người lên đây lắc đầu ngao ngán tìm đường
chuyển công tác, nhưng ông vẫn kiên trì bám trụ cống hiến sức lực, trí tuệ xây
dựng bưu điện huyện phát triển như ngày nay".
Giờ đây khi đã nghỉ hưu nhưng ông Đinh Xuân Mai vẫn quan
tâm nhiều đến ngành bưu điện. Anh Lê Dũng, nhân viên tại quầy bưu điện huyện
Sông Hinh cho biết: "Chú Mai vẫn thường ra bưu điện đọc báo, thăm hỏi,
động viên nhắc nhở mọi người. Ông là một tấm gương sáng mà thế hệ trẻ như chúng
tôi cần phải học tập và noi theo".
Văn
Thùy
0 nhận xét:
Đăng nhận xét