RSS
Write some words about you and your blog here

Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2013

Làm sao để ghi lại cuộc sống đang chuyển động?




Máy ảnh và nghệ thuật nhiếp ảnh ra đời, giúp ghi lại chính xác, chân thực những khoảnh khắc quý giá trong cuộc sống tự nhiên và xã hội, đem lại cho nhân loại một góc nhìn hoàn toàn mới mẻ cũng như khả năng lưu trữ mới.
Nhưng cuộc sống luôn chuyển động. Và những bức ảnh tĩnh không làm hài lòng những người ưa thích chuyển động cũng như phân tích chuyển động.


Năm 1878, cựu thống đốc bang California yêu cầu nhà nhiếp ảnh Eadweard J. Muybridge tìm ra cách chụp hình ảnh một con ngựa đang chạy để nghiên cứu dáng chạy của chúng.
Eadweard đã nghĩ ra cách đặt một hàng 12 chiếc máy ảnh trên đường chạy của con ngựa. Mỗi máy sẽ chụp một cảnh trong khoảng 1,5 giây. Sau đó, ông dùng đèn chiếu để chiếu lên các hình ảnh chuyển động của con ngựa. Các hình ảnh này đã được ông sao chép khéo léo vào một đĩa tròn. Khi đã tròn quay, nhờ một chiếc đèn chiếu, mắt chúng ta sẽ nhận được ảo giác về chuyển động của con ngựa.
Cùng với bước đi của thời gian và những bước tiến vượt bậc của khoa học và công nghệ, con người đã biến hành động thu hình đơn giản thành nghệ thuật quay phim.

Nghệ thuật sáng tạo ấy được nhà quay phim người Italia nổi tiếng Vittorio Storaro, người từng ba lần đoạt Giải Oscar cho quay phim xuất sắc nhất miêu tả như sau:  “Nhà quay phim điện ảnh là nhà văn sử dụng ánh sáng, hình ảnh và màu sắc, lấy kinh nghiệm, sự mẫn cảm và cả trí tuệ, tình cảm để in dấu phong cách của mình lên tác phẩm điện ảnh”.

        Hoàng đế cuối cùng và “ngòi bút” ánh sáng của Vittorio Storaro
Bắt đầu học quay phim từ năm 11 tuổi, hơn nửa thế kỷ gắn bó với máy quay phim, Vittorio Storaro đã trở thành một tên tuổi góp phần vinh danh cho nghề “viết văn bằng ánh sáng” theo cách gọi của ông.
Bộ phim đầu tiên mang về giải Oscar cho Storaro là Apocalypse Now (1979) do Francis Ford Coppola làm đạo diễn. Coppola đã cho Storaro quyền tự do sáng tạo tối đa trong phim. Bộ phim đã được nhiều nhà phê bình đánh giá là một trong những phim có cảnh quay đẹp mắt, ngoạn mục nhất của mọi thời đại.
Storaro đã tạo nên những nguyên tắc, triết lý quay phim của riêng mình. Ông tập trung vào ánh sáng và màu sắc, vào những hiệu ứng tâm lý học của từng loại màu sắc và cách thức mà chúng ảnh hưởng lên cảm nhận của chúng ta trong những hoàn cảnh khác nhau.
Cùng với Reds, The last Emperor (Hoàng đế cuối cùng) nối tiếpApocalypse Now mang về tượng vàng Oscar cho Storaro.
Cách xử lí ánh sáng với hoàng đế Phổ Nghi (nhân vật chính của phim Hoàng đế cuối cùng) trở thành ví dụ nổi tiếng thường được nhắc tới trong các giờ học quay phim ở nhiều trường điện ảnh trên thế giới.
Khi Phổ Nghi ở trong Tử Cấm Thành, nhân vật thường không xuất hiện dưới ánh sáng trực tiếp nhiều khuôn hình một nửa tối đen. Bởi lẽ trong giai đoạn này, đức vua hoàn toàn bị cách biệt với thế giới bên ngoài.
Nhưng ở đoạn sau, ánh sáng chiếu lên người Phổ Nghi sáng dần lên, cùng với sự kiện Người được gia sư Pháp truyền dạy cho nhiều kiến thức. Cuối phim, toàn cơ thể vị hoàng đế cuối cùng của triều Thanh được bao bọc trong ánh sáng. Storio đã sử dụng nhuần nhuyễn ánh sáng - một trong những yếu tố tạo hình quan trọng của nhà quay phim - để diễn đạt ý nghĩa và bước phát triển của câu chuyện một cách đầy tinh tế.
“Anh hùng”  và “thuật tô màu” của Christopber Doyle
Trong giới điện ảnh, tên tuổi nhà quay phim tài ba Christopher Doyle thường được nhắc tới như một nghệ sĩ tranh trừu tượng và nhà quay phim cá tính thích vác máy trên vai. Ông gắn liền với những bộ phim nhưTâm trạng khi yêu, Chungking Express, Anh hùng, Những con sóng vô hình, Người Mỹ trầm lặng...
Chỉ nói riêng ở bộ phim Anh hùng – tác phẩm gây chấn động dư luận điện ảnh Trung Quốc và thế giới năm 2003 - 2004, Doyle đã khiến nhiều người phải ngưỡng mộ bởi khả năng “biết đẩy phim đến những giới hạn có khả năng trở thành siêu phẩm khác
thường” (theo lời đạo diễn của phim là Trương Nghệ Mưu).
Ấn tượng lớn nhất trong đặc điểm tạo hình của phim là màu sắc.
                                              
Cùng với đạo diễn Trương Nghệ Mưu, nhà quay phim Christopher Doyle đã chọn ra những màu sắc có tính mỹ thuật cao và trở thành một trong những điểm hấp dẫn nhất của bộ phim. Chính ông có lần đã bày tỏ:
“Vẻ đẹp của bộ phim chính là một câu chuyện được tô màu bởi những điểm nhìn khác nhau. Tôi nghĩ rằng đó là một quan điểm. Mỗi câu chuyện được vẽ lên bởi cảm nhận của một cá nhân”.

Anh hùng trở thành một bức tranh tuyệt diệu với những cảnh quay võ thuật đẹp ngoạn mục trên nền màu sắc đậm chất tượng trưng. Mỗi trường đoạn phim là một “tông màu”. Các tông màu khác biệt rõ rệt, thậm chí đối chọi nhau. Không chỉ vậy, trong mỗi trường đoạn màu sắc của các yếu tố tạo hình như bối cảnh, trang phục, đạo cụ đều nằm trong một tổng thể thống nhất.
Để có được những cảnh quay độc đáo nhất, Christopher Doyle và Trương Nghệ Mưu đã đi hàng trăm cây số để tìm bối cảnh lý tưởng cho mỗi cảnh phim. Đoàn phim gồm 300 người đã đi từ Đôn Hoàng ở phía Tây Bắc tỉnh Cam Túc tới phía Bắc Tứ Xuyên, chỉ cách thành phố cổ Hàng Châu ba giờ đồng hồ.
Đoàn thậm chí cũng phải tới một khu rừng sồi nhỏ thuộc Mông Cổ để quay cảnh quyết đấu giữa Phi Tuyết và a hoàn trung thành của Tàn Kiếm (do Trương Mạn Ngọc và Chương Tử Di thủ vai) trong màn lá rơi ấn tượng.

Trong cảnh này, Doyle đã hết sức kì công chọn góc độ máy quay, bố trí ánh sáng và tính toán màu sắc. Doyle kể: “Tôi phải bố trí một tay máy để ghi lại thời điểm những chiếc lá này chuyển từ màu xanh sang vàng. Chúng tôi đã dùng ba đến bốn máy quay cùng một lúc ở các góc quay khác nhau, thậm chí sử dụng cả một hệ thống phân loại lá”.
“Nhà làm phim chơi ánh sáng”, “gã phù thủy điệu nghệ”, “nghệ sĩ vẽ tranh trừu tượng”, “bàn tay vàng”... Người ta còn gán cho Christopher Doyle nhiều biệt danh nữa, chỉ để nói lên tài năng quay phim tuyệt vời của ông - tài năng thổi hồn cho vạn vật mà ông lướt ống kính qua.

Điện Biên Phủ và trái tim quả cảm của những nhà quay phim chiến trường
Thành công của nhà quay phim không thể thiếu lòng say mê, sự nhiệt thành khi cầm máy, thậm chí chấp nhận hiểm nguy và cả hy sinh.
Những thước phim tài liệu về chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử năm 1954 đã được hai tổ quay phim thực hiện giữa mưa bom lửa đạn. Những gì tổ làm phim chiến trường có trong tay là chiếc máy quay không chuyên 16 ly của Thụy Sĩ và 2000m phim. (Quay phim trong điện ảnh cần máy quay chuyên nghiệp cỡ 35 ly). Trước đó là nhiều ngày tháng trèo đèo lội suối hành quân tới chiến trường Điện Biên, lúc nào cũng đau đáu lo bảo vệ bằng được chiếc máy quay quý giá. Khởi hành từ Việt Bắc, hai tổ quay phim băng qua bến Âu Lâu (Yên Bái), vượt các đèo Lũng Lô và Pha Đin dài trên 30 cây số rồi nhập vào đại đoàn 308 lên Tuần Giáo, tiến sát cứ điểm Điện Biên Phủ.

Điều kiện kĩ thuật không đủ, lại phải đối mặt với súng đạn, khói lửa, nhưng nhóm làm phim đã bám sát chiến trường trong 56 ngày đêm, ghi lại những thước phim quý báu về chiến thắng vĩ đại “chấn động địa cầu” của dân tộc ta. Vừa phải cầm máy, vừa phải cầm súng, ở đâu chiến sự diễn ra ác liệt nhất là có nhà quay phim tới đó để kịp ghi lại những hình ảnh chân thực và tiêu biểu nhất.
Nghệ sĩ nhân dân Ngọc Quỳnh, một thành viên trong một tổ quay phim lúc đó kể lại: “Khi ngồi trong lô cốt chiếm được của địch để quay chiến trận, vì ống kính máy quay quá nhỏ, tôi với anh Quý Lục phải thay nhau ra khỏi lỗ châu mai dọn những cành cây khô làm vướng ống kính để anh Tiến Lợi quan sát và quay được dễ dàng hơn. Dù nguy hiểm luôn rình rập, nhưng đó là cách duy nhất để chúng tôi tiết kiệm phim”. Để kịp quay cảnh trao trả tù binh Pháp ở một bản làng người Thái, tổ quay phim thứ hai phải đi đường tắt và lạc vào một bãi mìn. Một thành viên trong tổ đã vĩnh viễn để lại một phần cơ thể ở đây.
Vượt qua bao gian khổ, hiểm nguy và hy sinh, những nhà quay phim quả cảm đã góp vào trang vàng lịch sử dân tộc những thước phim quý về chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại.
Người ghi lại hình ảnh
Khi chúng ta được thưởng thức một bộ phim, một chương trình biểu diễn nghệ thuật hoặc những trường đoạn hay, thậm chí chỉ là một cảnh quay đắc ý, cũng đồng nghĩa với việc trước đó đã có cả một êkíp làm phim hoạt động không ngừng nghỉ.
Người đạo diễn đóng vai trò như một người nhạc trưởng, sắp xếp, điều hành mọi hoạt động; bao quát và phối hợp tất cả các hoạt động ấy theo ý tưởng nghệ thuật của mình. Nhưng người thu lại toàn bộ vào ống kính máy quay chính là nhà quay phim.
Nói một cách giản dị, những gì mà chúng ta xem trên màn ảnh rộng tại rạp chiếu phim hay màn ảnh nhỏ trên chiếc TV ở nhà, thậm chí là trên mạng Internet đều là một phần của những gì đã được nhà quay phim đã thâu vào ống kính máy quay.
Như vậy, vai trò của người quay phim là ghi lại hình ảnh. Việc này không hề đơn giản, bởi ngoài những nguyên tắc kỹ thuật mà người làm nghề luôn phải nắm vững, người quay phim còn thường xuyên phải đối diện với những câu hỏi: Làm sao để có góc quay đẹp nhất? Làm sao theo kịp chuyển động, diễn biến tâm lý tinh vi của các nhân vật, những thay đổi trong các yếu tố bối cảnh? v.v... .
Việc thu lại hình ảnh không chỉ là đặt máy quay một chỗ, ghi lại những gì diễn ra trong một cỡ hình, trong một khoảng cách nhất định, mà nhà quay phim còn phải chuyển động máy quay. Chuyển động máy quay có thể là lia lên, lia xuống, lia trái, lia phải, đưa lại gần, hay kéo ra xa,... Sự chuyển động của máy quay thường được hỗ trợ của các phương tiện khác như: đường ray, xe đẩy, cẩu, trục,… Chuyển động máy quay bằng cách cầm tay là một phong cách độc đáo, tuy nhiên không thể sử dụng rộng rãi vì trọng lượng của máy quay thường rất lớn. Nhà quay phim có thể sử dụng linh hoạt các phương pháp chuyển động máy quay để tạo thành một phong cách sáng tạo cá nhân.
Nhà quay phim hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau: điện ảnh, ca múa nhạc, truyền hình, quảng cáo hay quay cảnh sinh hoạt như cưới hỏi, ma chay v.v... Mỗi lĩnh vực có những đặc điểm và yêu cầu riêng. Tuy nhiên, một nhà quay phim cũng có thể làm việc rất đa dạng, tham gia vào nhiều lĩnh vực. Cuốn cẩm nang nhỏ này chủ yếu đề cập tới một trong những lĩnh vực “hóc búa” nhất và đầy đủ nhất của nghề quay phim, cũng là lĩnh vực đòi hỏi nhiều phẩm chất nghệ sĩ và sáng tạo nhất: quay phim điện ảnh (phim truyện, phim tư liệu...).
Nhà quay phim trong bộ phim
Quy trình quay một bộ phim truyện có rất nhiều bước như: Chọn bối ảnh, sắp xếp đạo cụ, tổ chức ánh sáng, diễn viên đọc kịch bản và diễn xuất,... Người quay phim sẽ là người thu lại các cảnh diễn xuất trong một khuôn hình. Riêng với phim tài liệu, đối tượng quay của nhà quay phim là thiên nhiên hoặc đời sống xã hội với những cảnh thực, ít mang tính sắp đặt và diễn xuất hơn.
Từ toàn cảnh rộng, toàn cảnh hẹp đến cận cảnh, người quay phim phải làm sao đạt được độ chính xác cao nhất hay đúng với ý đồ nghệ thuật của đạo diễn nhất. Hiện thực cuộc sống được thu lại trong mỗi thước phim phải làm sao để khán giả có cảm giác con người và xã hội giống như thật.
Một cảnh quay tuyệt đẹp và ấn tượng, xúc động mà bạn xem trên màn ảnh có thể là kết quả của vô số những lần quay hỏng, là sự nỗ lực đến kiệt cùng của đoàn làm phim, của đạo diễn, diễn viên và tất nhiên, cả người quay phim.
Một trong những người sáng tạo bộ phim
Nhà quay phim không chỉ ghi chép bộ phim một cách thụ động, mà còn phải sáng tạo trong từng khuôn hình. Họ thực sự vừa là một người nghệ sĩ vừa là nhà kỹ thuật. Họ đồng sáng tạo với các đồng nghiệp dưới sự chỉ đạo chung của đạo diễn.
Khi bắt đầu quay các cảnh, nhà quay phim đóng vai trò sáng tạo cuối cùng trên trường quay. Công việc của họ hết sức quan trọng bởi nhờ lao động của nhà quay phim, công sức của cả đoàn làm phim được thể hiện trên khuôn hình một cách chân thật và rõ nét nhất.
Tuy nhiên, thường chính nhà quay phim lại là một trong những “nhân vật” đầu tiên mà các đạo diễn tìm tới để bàn bạc khi chuẩn bị quay một bộ phim. Họ phải cùng đạo diễn chọn bối cảnh, bàn bạc, thống nhất về phong cách, về các cảnh quay từ trước đó rất lâu. Cũng có khi đạo diễn “phó thác” cho nhà quay phim mặc sức sáng tạo trong các cảnh
quay (như trường hợp của nhà quay phim Vittorio Steraro với đạo diễn Coppola trong phim Apocalypse Now hay nhà quay phim Christopher Doyle với đạo diễn Trương Nghệ Mưu trong phim Anh hùng mà bạn đã biết đến qua Hàng ghế số 1). Một trong những điều quan trọng nhất làm nên thành công của bộ phim chính là sự phối hợp sáng tạo ăn ý giữa đạo diễn và nhà quay phim.
Như vậy, người quay phim phải kết hợp chặt chẽ với từng thành phần đoàn làm phim và buộc phải thống nhất với phong cách của đạo diễn. Một điều quan trọng khác là người quay phim phải có cái nhìn tổng thể về bộ phim mình đang làm. Anh ta luôn phải ý thức được: Nó có phong cách như thế nào? Từng cảnh quay nên xử lí ra sao để mang tính sáng tạo, linh hoạt mà vẫn không làm hỏng “không khí chung” của tác phẩm?...
Không phải là nhà nhiếp ảnh
Rõ ràng có rất nhiều điểm tương đồng giữa đặc điểm và phẩm chất nghề nghiệp của một nhà quay phim với một nhà nhiếp ảnh. Họ đều là những người ghi lại các khuôn hình và “vẽ bằng ánh sáng”. Họ đều phải chú ý đến bố cục khuôn hình, tổ chức ánh sáng, tổ chức bố cục,... sao cho tác phẩm ra đời đạt hiệu quả nghệ thuật cao nhất. Chính vì vậy, trước khi là một nhà quay phim, bạn phải học cách sử dụng máy ảnh.
Chính những bức ảnh với góc nhọn, khuôn hình độc đáo đã giúp đạo diễn Trương Nghệ Mưu được nhận vào học tại Khoa Quay phim, Học viện Điện ảnh Bắc Kinh dù đã quá sáu tuổi so với quy định. Con đường điện ảnh của đạo diễn Trung Quốc huyền thoại này đã bắt đầu từ nhiếp ảnh rồi tới quay phim và cuối cùng thành danh ở vai trò đạo diễn.
Nhưng nhà quay phim lại không phải nhà nhiếp ảnh.
Nhiếp ảnh ghi lại những hình ảnh tĩnh, những khoảnh khắc vàng. Nói cách khác, nhiếp ảnh làm ngưng đọng thời gian. Trong khi đó, quay phim chuyển động cùng thời gian.
Quay phim ghi lại một loạt các hình ảnh chuyển động. Sự phức tạp nằm ở chỗ hình ảnh thu được nhiều chiều và khuôn hình luôn luôn thay đổi. Vì vậy, nhà quay phim không thể tổ chức ánh sáng, bố cục cho khuôn hình tĩnh, mà phải tính toán cho những khuôn hình chuyển động và biến đổi.

Nếu bạn là một nhà quay phim tự do hoặc làm việc cho các cửa hàng chuyên quay các buổi sinh nhật, tiệc cưới, các buổi họp tổng kết của các cơ quan v.v..., công việc của bạn khá linh động với chiếc máy quay phim. Nhận được đề nghị từ phía khách hàng, bạn sẽ tới làm việc cụ thể với họ về mục đích quay, thời gian, nội dung chương trình, và các yêu cầu liên quan. Sau khi quay phim, bạn in những gì đã quay ra băng, đĩa và giao cho khách hàng. Hiện nay, nhiều nhà quay phim thường kèm theo cả dịch vụ biên tập băng đĩa tạo một số hiệu ứng theo yêu cầu đặc biệt của khách hàng.
Nếu bạn là nhà quay phim làm việc trong các đài truyền hình, lịch quay của bạn sẽ gắn chặt với phóng viên hoặc các chương trình ở trường quay. Thường các đài truyền hình luôn có đội ngũ quay phim rất mạnh và đông đảo, chuyên môn hóa trong từng mảng, lĩnh vực.

Quay phim quảng cáo, ca nhạc... cũng có những đặc thù riêng và có những nét giống quay phim trong điện ảnh. Hàng ghế số 3 sẽ tập trung giới thiệu với cáo bạn công việc của những nhà quay phim trong lĩnh vực phim ảnh.
Trước tiên, nhà quay phim là người chịu trách nhiệm về các yếu tố kĩ thuật của các hình ảnh như ánh sáng, lựa chọn ống kính, chọn phim... Không chỉ vậy, nhà quay phim còn phải cùng với đạo diễn để đảm bảo các yếu tố nghệ thuật, thẩm mĩ nhằm hỗ trợ cho ý tưởng của đạo diễn về mặt hình ảnh trong việc kể chuyện.
Là người đứng đầu tổ quay phim, bao gồm cả bộ phận ánh sáng và các kĩ thuật viên liên quan nên họ cũng thường được gọi là Giám đốc hình ảnh (đôi khi được viết tắt là DP = director of photography).
Cùng với đạo diễn, nhà quay phim là người đưa ra những quyết định nghệ thuật, sáng tạo, tác động đến cảm nhận tổng thể và ấn tượng thị giác của một bộ phim trong suốt quá trình làm phim.
Một phần trong số những quyết định này tương tự với những gì một nhà nhiếp ảnh phải làm khi chụp một bức ảnh: chọn phim (vì mỗi loại phim có độ nhạy sáng và bắt màu khác nhau), chọn ống kính, xác định tiêu cự...
Cùng với sự ra đời của máy quay video và nhất là sự phổ biến của máy quay kĩ thuật số trong những năm gần đây, với sự phát triển của khoa học công nghệ, nhà quay phim ngày càng có nhiều sự lựa chọn chất liệu trong công việc của mình.
Tuy nhiên, công việc của một nhà quay phim phức tạp hơn vì họ không chỉ hoạt động đơn lẻ như một nhà nhiếp ảnh chụp một bức ảnh tĩnh mà phải phối hợp với nhiều người khác để tạo nên những hình ảnh chuyển động. Do đó, công việc của một nhà quay phim còn bao gồm cả quản lý nhân sự và tổ chức hậu cần.
Nhà quay phim là một trong những thành phần sáng tác chính của bộ phim, anh ta phải có mặt từ những phút đầu và làm việc nghiêm túc.
Ngay khi kịch bản được thông qua, nhà quay phim đã bắt tay vào công việc chuẩn bị cẩn thận trước khi bấm máy. Cùng với đạo diễn, họ phải viết kịch bản phân cảnh. Kịch bản phân cảnh tức là dựa trên kịch bản ngôn ngữ, người đạo diễn và quay phim sẽ thống nhất dàn cảnh, chọn vị trí đặt máy quay, phối hợp các chuyển động của máy quay với di chuyển của diễn viên hoặc phương tiện chuyển động khác.
Kịch bản phân cảnh rất quan trọng, nó giúp người quay phim có được cái nhìn tổng thể của cả bộ phim, hiểu được ý đồ sáng tác của đạo diễn, từ đó chọn lựa những phương pháp tổ chức cho phù hợp. Có được kịch bản phân cảnh, công việc tại trường quay cũng khoa học và hiệu quả hơn.
Đồng thời, người quay phim cũng phải tham gia vào các hoạt động chuẩn bị khác như lựa chọn diễn viên, làm việc với bộ phận thiết kế mĩ thuật về việc thiết kế bối cảnh, chọn địa điểm để quay ngoại cảnh. Việc thống nhất với các bộ phận khác để lựa chọn phục trang, hoá trang, chọn đạo cụ cũng rất quan trọng.
Với nhà quay phim, viết bản kế hoạch quay phim rất quan trọng. Nhiều nhà quay phim chỉ dựa vào kịch bản phân cảnh để làm việc, nhưng đó là sự chuẩn bị thiếu cẩn thận, và do đó không tránh khỏi sai sót. Kế hoạch quay phim là hình dung cụ thể và chi tiết của nhà quay phim về những việc anh ta dự định làm trong suốt quá trình quay phim dựa trên một kịch bản cụ thể.
Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, nhà làm phim không hoàn toàn phụ thuộc vào bản kế hoạch này mà làm mất đi tính ngẫu hứng đầy sáng tạo. Đôi khi những lý tưởng độc đáo bất ngờ xuất hiện và mang lại những kết quả không ngờ.
Nhưng nhìn chung, kế hoạch định sẵn vẫn đóng vai trò chủ đạo. Và cuối cùng, nhiệm vụ trung tâm của nhà quay phim chính là quay phim - như tên gọi của nó. Với sự hỗ trợ của máy móc và các kĩ thuật viên, nhà quay phim điều khiển máy quay, ghi lại những hình ảnh chuyển động.
Trong khi quay, có bốn yếu tố các nhà làm phim phải đặc biệt chú ý: ánh sáng màu sắc, bố  cục của khuôn hình và chuyển động của máy quay. Và đây cũng chính là bốn yếu tố tạo hình quan trọng nhất của nhà quay phim.
Các yếu tố tạo hình của người quay phim
Khi đã có những hiểu biết cơ bản nhất về nhiệm vụ, hoạt động của người quay phim, bạn đã có thể hình dung, nếu mình là một nhà quay phim mình sẽ làm gì, làm như thế nào? Yếu tố nào giúp bạn đạt được thành công? Để làm tốt công việc của nhà làm phim, bạn phải hiểu rõ các yếu tố tạo hình, ánh sáng, màu sắc, bố cục, sự chuyển động máy quay.
Ánh sáng - yếu tố quan trọng trong tạo hình quay phim
Ánh sáng là một thủ pháp hết sức quan trọng trong tạo hình quay phim. Nếu không có ánh sáng thì không thể có màu sắc, mà chính màu sắc lại tạo nên bố cục và kết cấu khuôn hình. Chính vì vậy, ngay từ khi điện ảnh ra đời, các nhà quay phim đã phải chú trọng đến chiếu sáng.
Ban đầu, người ta sử dụng ánh sáng tự nhiên bằng cách quay ngoài trời hay dựng trường quay có cấu trúc đón sáng, thậm chí dựng cả một trường quay bằng kính. Tuy nhiên, với ánh sáng tự nhiên như vậy, các nhà quay phim và đạo diễn không thể điều chỉnh ánh sáng theo ý muốn của mình được.
Chính các nhà làm phim Hollywood là những người đầu tiên sử dụng ánh sáng nhân tạo bằng cách dùng các đèn chiếu công suất lớn tạo hình theo ý muốn. Ánh sáng của những nhà quay phim Mỹ được phân loại thành:
* Nguồn sáng chủ, còn gọi là ánh sáng tạo hình.
* Nguồn sáng phụ, còn được gọi là ánh sáng điều chỉnh.
* Nguồn sáng viền, còn được gọi là ánh sáng ngược. Ánh sáng ngược giúp tạo khối và tách biệt vật được quay ra khỏi bối cảnh.


Trong suốt một thời gian dài, việc tổ chức ánh sáng theo nguyên tắc ba điểm (như giới thiệu ở trên) được các nhà quay phim ưa chuộng bởi nó đã giúp tạo hình rất căn bản.
 Tuy nhiên, điểm hạn chế lớn nhất của nguyên tắc này là không mang lại cảm giác thực cho người xem. Sau đó, nhiều cách tổ chức ánh sáng khác nhau dựa trên nguyên tắc chung này đã ra đời với mục đích tạo ra cảm giác chân thực cho người xem.
Và kết quả là: ánh sáng được tổ chức ngày càng tinh tế hơn.
Vậy tác dụng của ánh sáng ra sao?
Ánh sáng tạo nên bầu không khí cho từng khuôn hình và toàn bộ bộ phim. Ánh sáng tối thường tạo nên khuôn hình u buồn, bi quan; có thể là huyền bí; thậm chí chứa chất nhiều nguy hiểm. Nhưng ngược lại, ánh sáng tươi vui có thể biểu thị cho sự an lành, vui vẻ. Tương tự như vậy, việc sử dụng ánh sáng của buổi hoàng hôn sẽ mang lại cảm giác khác với buổi bình minh; ánh sáng ấm khác với ánh sáng lạnh.
Mỗi khuôn hình sử dụng ánh sáng khác nhau sẽ tạo nên những cảm xúc khác nhau. Tính gợi cảm của khuôn hình phụ thuộc vào việc xử lí ánh sáng của nhà quay phim và đạo diễn. Vì vậy, người quay phim nhất thiết phải hiểu rõ bộ phim mình đang thực hiện cũng như phong cách người đạo diễn mình đang hợp tác.
Không những tạo nên bầu không khí chung cho bộ phim, ánh sáng giúp xây dựng nhân vật. Trước hết, nó góp phần tạo nên hình dáng của nhân vật. Việc chiếu sáng cho nhân vật hoàn toàn có thể làm cho nhân vật đẹp lên hay xấu đi, có thể nhấn mạnh vào một đặc điểm ngoại hình nào đó của nhân vật phục vụ cho sự phát triển của bộ phim.
Ngoại hình của nhân vật trước ánh sáng kì công đó có thể khác ngoại hình thực sự của diễn viên. Thậm chí việc chiếu sáng nhân vật còn làm cho người xem có cảm giác yêu ghét nhân vật bởi ánh sáng bộc lộ một phần tính cách và nội tâm của nhân vật.
Không thể nghĩ rằng nhân vật đang vui vẻ hạnh phúc, lạc quan khi họ đi liêu xiêu trong bóng chiếu đang tắt dần.
Cũng như nhiếp ảnh, việc chiếu sáng tác động rất lớn vào đối tượng được chiếu sáng. Hiện nay, để miêu tả tính cách và tâm trạng của nhân vật người quay phim có cách bố trí ánh sáng rất khác nhau, công phu và đầy sáng tạo; vượt qua những quy ước đơn giản nhưng vẫn mang lại cảm xúc cho người xem.
Ánh sáng còn miêu tả được sự thay đổi của thời gian, các mùa trong năm. Nhiều khi chỉ cần xem một khuôn hình, không cần đến lời, người xem có thể phân biệt được rõ ràng thời gian xảy ra sự kiện.
Rõ ràng nhất là sự khác biệt giữa ngày, đêm, các mùa. Những bộ phim quay trong trường quay đều có thể tạo dựng thời gian theo ý muốn. Sự trôi chảy của thời gian cũng có thể miêu tả được thông qua cường độ của ánh sáng. Bóng đổ là một phương thức tạo hình hữu hiệu biểu thị thời gian qua đi như thế nào. Bóng vật dài ngắn khác nhau biểu thị cho các thời điểm khác nhau, bóng người lớn dần biểu thị cho sự phát triển của nhân vật qua thời gian.
Ngay trong thiết kế bối cảnh, ánh sáng cũng đóng vai trò quan trọng. Nếu chỉ chiếu một nguồn sáng duy nhất, sẽ không thể tạo nên một không gian nhiều chiều. Người xem luôn có cảm giác đang đứng trước phông màn sân khấu chứ không phải một bối cảnh cụ thể như đời thường. Sự bố trí nguồn sáng sẽ tạo nên hình khối cho vật, giúp chúng tách biệt nhau và tồn tại như mắt thường nhìn thấy. Nhưng sự tách biệt này có đạt được độ chân thực hay không thì còn phụ thuộc vào tài năng của người quay phim.
Bên cạnh đó, ánh sáng còn được sử dụng như một phép ẩn dụ, chứa đựng tư tưởng của người nghệ sĩ. Trong trường hợp đó, tính chất của ánh sáng có thể được cường điệu hoá lên, nhằm chuyển tải một ẩn ý nào đó. Nhìn chung, người quay phim có thể tính toán độ mạnh yếu của ánh sáng, góc độ chiếu sáng, gam nóng, gam lạnh của ánh sáng để tạo nên phong cách của mình.
Phong cách này nhất thiết phải phù hợp với phong cách tổng thể của bộ phim, và thống nhất với phong cách của đạo diễn. Như vậy, việc sử dụng ánh sáng vừa là tài năng, vừa là trình độ thẩm mĩ của người quay phim.
·        Màu sắc
Trong suốt một thời gian dài, nhà quay phim chỉ quen với ba màu đen, trắng, xám trong các bộ phim của mình. Sau năm 1927, với sự kiện điện ảnh Mỹ cho ra đời những phim màu, nhà làm phim có một khối lượng lớn “bột màu” để sáng tạo.
Ngày nay, người ta vẫn sử dụng phim đen trắng trong một số cảnh nhất định nhằm phân biệt thời gian, không gian, tâm trạng nhân vật, suy tư của nhân vật,...
Bởi thực chất phim đen trắng cũng mang lại hiệu quả thẩm mĩ cao, từ ba màu cơ bản của phim đen trắng, người ta có thể tạo ra được vô số những màu sắc khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung, nhà quay phim vẫn tự do hơn trong sáng tạo khi làm việc với phim màu.
Trong điện ảnh nói riêng, nghệ thuật nói chung, người ta phân chia màu sắc thành hai nhóm cơ bản là màu nóng và màu lạnh. Màu nóng bao gồm các màu: đỏ, vàng, da cam, vàng xanh,...; màu lạnh gồm: xanh lá cây, xanh da trời, tím... Nhà quay phim sẽ sử dụng các màu này để biểu đạt không gian, thời gian, tâm lí nhân vật,... trong phim. Nhưng quan trọng hơn cả là sử dụng màu sắc để tạo hiệu quả thẩm mĩ. Màu sắc không chỉ để tả mà còn là thủ pháp sáng tạo, hàm chứa tư tưởng của người nghệ sĩ.
Nhà làm phim thiết kế màu sắc như thế nào?
Trước khi tiến hành quay, nhà quay phim sẽ phải nghiên cứu kịch bản để tìm hiểu câu chuyện và thông điệp của kịch bản cùng với việc tìm hiểu ý đồ sáng tạo của đạo diễn để quyết định phong cách chung cho bộ phim.
Nhà làm phim sẽ tính đến màu sắc tạo hình trong từng khuôn hình, và hơn hết phải tính đến màu sắc tổng thể của các tông đoạn, của cả bộ phim. Màu sắc tổng thể này được gọi là “tông màu”, có nghĩa là dùng một màu đơn nhất hoặc một số màu gần nhau để hợp thành màu chủ đạo khiến cả trường đoạn hay bộ phim biểu hiện một tông màu hài hoà.
Màu sắc riêng lẻ hay tông màu rất quan trọng trong bộ phim, góp phần lớn vào việc biểu hiện không khí của bộ phim.
Các tông màu khác nhau sẽ mang lại không khí khác nhau, như màu vàng cam ấm nóng của vùng nhiệt đới, màu xanh lạnh của sự hờ hững,...
Sự chuyển biến giữa màu sắc của các cảnh và màu sắc trong các trường đoạn cũng được tính toán cẩn thận, sao cho vẫn đạt được hiệu quả thẩm mĩ mà không phá vỡ tổng thể màu sắc của bộ phim. Sau đó nhà quay phim sẽ phải phối hợp với các bộ phận khác của đoàn làm phim như thiết kế mĩ thuật, thiết kế bối cảnh, thiết kế trang phục, đạo cụ để cùng tạo ra màu sắc khuôn hình như mong muốn.
Ngoài sự hợp tác này, nhà quay phim còn phải nghĩ đến các phương pháp khác như kết hợp với ánh sáng. Ánh sáng quyết định sắc thái của màu sắc, một màu đặt dưới ánh sáng khác nhau sẽ tạo nên các mức độ màu khác nhau. Chính vì vậy mà nhà quay phim không được tách rời ánh sáng và màu sắc.
Kĩ thuật in tráng và các kĩ thuật khác cũng tác động đến màu sắc. Người ta có thể góp phần tạo nên tông màu trong quá trình làm hậu kì cho phim. Các phương pháp kĩ xảo cũng có thể thay đổi màu sắc. Nhưng sự can thiệp này không nên quá “thô bạo”, sẽ tạo sự phản cảm, thiếu nghệ thuật.
Nhà quay phim có thể sáng tạo rất nhiều cách thức để tạo nên màu sắc độc đáo. Có những nhà quay phim sử dụng các tông màu biểu hiện nội dung, tư tưởng của bộ phim. Sự ẩn dụ ấy ít nhiều mang tính quy ước xã hội hay quy ước nghệ thuật. Nhưng không ít trường hợp, nhà quay phim lại sử dụng các tông màu đối chọi hoàn toàn với nội dung biểu hiện. Nhà quay phim giỏi phải thực sự làm chủ được màu sắc.
Nhà quay phim thiết kế màu sắc bằng nhiều cách thức khác nhau, nhưng luôn phải tôn trọng màu sắc thực, màu sắc của cuộc sống. Màu sắc tả thực không có nghĩa là màu sắc của phim tài liệu (thể loại mà nhà quay phim không tác động vào hiện thực khách quan), nhưng luôn có dấu ấn sáng tác của nhà quay phim. Có những bộ phim sử dụng màu sắc tượng trưng hay màu sắc khuếch trương, tạo thành một phong cách sáng tạo đặc biệt nhưng số lượng này không nhiều.
Thiết kế màu sắc là một sự sáng tạo công phu và kì diệu của nhà quay phim cùng các thành phần khác của đoàn làm phim. Bạn thích sự hài hoà hay sự đối chọi gay gắt của màu sắc trong mỗi bức tranh? Sao bạn không trở thành một nhà làm phim, được “chơi đùa” cùng màu sắc trong vô vàn những bức tranh liên tiếp?




·        Bố cục và kết cấu khuôn hình

Khán giả xem phim được nhìn cảnh vật và con người trong một giới hạn nhất định – các khuôn hình trên màn ảnh, khác rất nhiều khi nhìn bằng mắt thường. Trong giới hạn đó, nhà quay phim và đạo diễn có thể lựa chọn một mảng thực tế nào đó, bao gồm cả sự vật và con người, sắp xếp chúng hay tổ chức chất liệu ấy trong khuôn hình. Có rất nhiều cách cấu tạo khuôn hình, khiến chúng không chỉ là sự mô tả cuộc sống mà còn hàm chứa ý nghĩa do người sáng tạo gửi gắm.
Người xem qua mỗi khuôn hình có thể khám phá các tầng ý nghĩa này.
Trong hàng ghế tìm hiểu nhà quay phim là ai, bạn đã biết rằng, nhà quay phim không phải là nhà nhiếp ảnh. Nhà quay phim phải làm việc với những khuôn hình thường xuyên thay đổi, vì vậy họ phải tính toán bố cục của tất cả các khuôn hình sao cho hợp lí.
Vậy họ sẽ làm những gì? Họ sắp đặt người và cảnh vật theo một ý đồ nhất định, tính toán đến từng khoảng trống, từng đường nét, sao cho tạo thành một tổng thể hài hoà. Mục đích của việc bố cục khuôn hình là phải làm nổi bật đối tượng quay. Để phục vụ cho việc này, nhà quay phim sẽ phải lựa chọn chính xác vị trí của đối tượng quay, tính đến mối quan hệ giữa đối tượng quay và các đối tượng khác; mối quan hệ giữa đối tượng quay và cảnh vật xung quanh; sau đó họ phải lựa chọn góc quay và phạm vi khuôn hình sao cho hợp lí nhất. Để tạo một khuôn hình đẹp, cần bố cục nội dung khuôn hình sao cho đối tượng quay và các yếu tố tạo hình khác hoà hợp và thống nhất trong một tổng thể.
Sự hoà hợp và thống nhất ở đây không có nghĩa là bố cục khuôn hình phải cân đối. Việc tạo ra khuôn hình cân đối hay thiếu cân đối hoàn toàn là mục đích của người đạo diễn và nhà quay phim. Đó có thể là phong cách sáng tạo của họ, lại có khi là do kịch bản yêu cầu.
Thường những bố cục thiếu cân đối sẽ tạo nên không khí bất ổn cho bộ phim hay diễn tả tâm trạng chông chênh của nhân vật, nên bố cục cũng là một trong những yếu tố tạo hình diễn tả nội dung của bộ phim.
Một nhà quay phim có nhiều phong cách bố cục khuôn hình. Họ có thể tạo nên những khuôn hình như tranh vẽ hay những khuôn hình chân thực như chính cuộc sống ngoài đời, hoặc có thể là một bộ phim pha trộn nhiều phong cách; với mục đích truyền tải nội dung bộ phim, và cao hơn là tạo nên hiệu quả thẩm mĩ cho cả bộ phim. Điện ảnh là một môn nghệ thuật, nhà quay phim là một người nghệ sĩ, nên sự sáng tạo và cái đẹp trong từng khuôn hình luôn được quan tâm.
·        Sự chuyển động của máy quay
Thời kì đầu, điện ảnh chịu ảnh hưởng nhiều từ sân khấu, nhưng sau đó, người ta đã phát hiện ra việc di chuyển máy quay sẽ tạo nên vô vàn cách tạo hình khác nhau cho điện ảnh.
Vì vậy, việc di chuyển máy quay đóng vai trò rất quan trọng. Hiện nay, vẫn có rất nhiều đạo diễn và nhà quay phim có phong cách dùng máy quay tĩnh, nhất là các đạo diễn châu Á, nhưng sức mạnh tạo hình từ việc di chuyển máy quay là không thể không thừa nhận.
Có nhiều cách để di chuyển máy quay. Cách phổ biến nhất là nhà quay phim sử dụng các phương tiện hỗ trợ giúp cho máy quay chuyển động như: thay đổi ống kính máy quay, thanh ray trượt, xe đẩy hay cần trục. Đơn giản và đã từng được coi là một cuộc cách mạng của các nhà làm phim là nhà quay phim dùng tay trực tiếp cầm máy quay và tạo nên sự chuyển động.
Dùng máy cầm tay là một trong những thủ pháp biểu hiện những cảnh đặc biệt, tuy nhiên, nó không thể sử dụng rộng rãi vì trọng lượng của máy quay phim rất lớn, không thể thường xuyên cầm trên tay để quay; hơn nữa, sẽ tạo nên các khuôn hình rung, nếu liên tục xem các cảnh quay bằng máy cầm tay sẽ gây chóng mặt.
Để chuyển động máy quay một cách linh hoạt tạo nên hiệu ứng hình ảnh ưng ý, nhà quay phim nhất thiết phải hiểu rõ đặc tính của máy quay, các loại ống kính và vai trò của chúng, các phương tiện kĩ thuật hỗ trợ,... Tóm lại, nhà quay phim không chỉ là một người nghệ sĩ mà còn là một người kĩ sư am hiểu các thiết bị.
Chuyển động máy quay là một phương pháp tạo hình có nhiều ưu thế. Nó hỗ trợ rất nhiều trong việc kể chuyện thông qua các thủ pháp khác nhau: zoom, lia máy, montage... Các nhân vật, tâm trạng, địa vị và mối quan hệ của họ được khán giả biết mà không cần đến lời. Thậm chí còn góp phần biểu hiện tính cách, tâm lí của nhân vật. Những cú lia vội vã thường biểu thị tâm lí lo âu, đẩy ống kính chậm chậm lại gần có thể tạo nên cảm giác khiếp sợ, tuỳ thuộc vào tình huống cụ thể.
Chuyển động máy góp phần tạo nên tiết tấu của bộ phim. Sự chuyển động ống kính nhanh có thể tạo nên nhịp điệu nhanh, vội vã cho bộ phim, ngược lại sự chuyển động ống
kính chậm có thể tạo nên nhịp điệu chậm, khoan thai, thư thái. Để tạo ra các sự chuyển động của máy quay, nhà làm phim phải tiến hành những thao tác nào? Bạn có thể hình dung ra hoạt động của nhà quay phim theo những phác hoạ sơ lược nhất như sau:
* Trước hết phải chọn ống kính quang học thích hợp vì những ống kính quang học khác nhau có những chức năng tạo hình khác nhau.
* Lựa chọn hình thức chuyển động khác nhau của ống kính như: zoom ra, zoom vào, lia, dùng cần cẩu di chuyển máy quay trên không trung, hoặc tổng hợp các phương pháp.
* Lựa chọn những góc quay khác nhau như quay chính diện, quay nửa mặt, góc máy hất lên hoặc chúc xuống.
* Lựa chọn những cỡ hình khác nhau như toàn cảnh, trung cảnh, cận cảnh hoặc đặc tả...
Sự chuyển động của máy quay là một yếu tố tạo hình quan trọng khiến điện ảnh trở thành một bộ môn nghệ thuật độc lập với sân khấu. Càng ngày các nhà quay phim càng sáng tạo nhiều cách thức chuyển động máy quay khác nhau, đôi khi tạo nên những phong cách độc đáo, gây những hiệu quả thẩm mĩ đáng nể.

Hãy bước tiếp đến Hàng ghế số 4, nơi mà bạn sẽ biết nhiều hơn nữa về công việc quay phim. Bạn đang băn khoăn, nếu bạn là một nhà quay phim, bạn sẽ làm việc ở đâu? Hàng ghế số 4 sẽ trả lời câu hỏi của bạn.
Nhà quay phim có địa chỉ và điều kiện làm việc rất linh hoạt, tùy vào lĩnh vực quay phim mà bạn tham gia.
Bạn có thể trở thành một người quay phim chuyên nghiệp làm việc trong các đài truyền hình trong cả nước. Đây là nơi tác nghiệp của một bộ phận đông đảo các nhà quay phim. Hiện nước ta có Đài truyền hình Việt Nam và đài truyền hình của 64 tỉnh thành trong cả nước. Bên cạnh đó, sự ra đời và phát triển trong những năm gần đây của truyền hình cáp và truyền hình kỹ thuật số cũng tạo một nguồn việc làm không nhỏ cho người quay phim, đặc biệt là những bạn trẻ.
Bạn cũng có thể làm việc cho các công ty quảng cáo, các công ty truyền thông, các studio... Và bạn có thể làm việc cho chính mình, tức là trở thành một nhà quay phim tự do, đi quay theo các đơn đặt hàng.
Còn nếu bạn muốn đi theo con đường của một nhà quay phim điện ảnh, bạn sẽ làm việc tại:
·        Các xưởng phim Nhà nước lớn
Điện ảnh Việt Nam ra đời trong kháng chiến và phục vụ kháng chiến. Cho đến nay, Nhà nước vẫn duy trì việc đầu tư và chi phối nhiều hoạt động sản xuất phim.
Vì vậy, các xưởng phim Nhà nước lớn như:Hãng phim truyện 1, Hãng phim truyện Việt Nam, Hãng phim Giải phóng, Hãng phim tài liệu và khoa học Trung ương, Hãng phim hoạt hình,... là môi trường làm việc lí tưởng cho các nhà quay phim.
Mỗi hãng sản xuất đều có yêu cầu khác nhau với nhà quay phim. Bạn không thể quay một bộ phim truyện như quay một bộ phim tài liệu hay khoa học. Nhưng nhìn chung, bạn sẽ được trưởng thành trong một môi trường lớn, có nhiều nhà quay phim uy tín. Tại đây, nhà quay phim sẽ được tham gia làm các bộ phim có quy mô, độ dài cũng như kinh phí lớn, được tài trợ của Nhà nước. Bạn cũng sẽ được sử dụng những thiết bị quay đắt tiền, hiện đại do các hãng phim quản lí.

·        Các công ty điện ảnh tư nhân
Hiện nay, ở Việt Nam, ngày càng có nhiều công ty tư nhân tham gia phát triển truyền thông. Một trong các ngành thu hút được sự đầu tư lớn chính là sản xuất phim.
Những tên tuổi như: BHD, Thiên Ngân, Kỳ Đồng, Phước Sang,... không còn xa lạ với người yêu điện ảnh. Bạn có thể trở thành nhà quay phim cho một trong các hãng này. Họ có chính sách huy động vốn hiệu quả, nên nhiều bộ phim được đầu tư tài chính lớn, các nhà quay phim có nhiều điều kiện sáng tạo hơn.

Hơn nữa, với những người đứng đầu có trình độ quản lí và điều hành công việc cao, bạn sẽ được làm việc trong một môi trường rung động. Tuy nhiên, cũng phải lưu ý rằng, mỗi công ty đầu tư sản xuất phim đều có nhu cầu thu lợi, nên nếu bạn là nhà quay phim cho họ, bạn sẽ phải chịu áp lực quản lí lớn.
Như vậy, bạn sẽ phải thuyết phục nhà quản lí rằng sự sáng tạo nghệ thuật của bạn sẽ thu hút được khán giả và gây được tiếng vang tốt. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, bạn không thể áp dụng quá nhiều thử nghiệm nghệ thuật cá nhân.
·        Các trung tâm sản xuất phim truyền hình của các đài truyền hình
Bạn cũng có thể trở thành nhà quay phim truyền hình tại các trung tâm sản xuất truyền hình của các đài truyền hình trung ương và địa phương.
Do đặc tính kĩ thuật của phim truyền hình và phim nhựa khác nhau nên sự sáng tạo nghệ thuật của các nhà quay phim ở các lĩnh vực này cũng khác nhau.
Nhưng người quay phim vẫn phải nắm bắt được các đặc điểm cơ bản của nghề quay phim và sử dụng linh hoạt các phương pháp quay phim. Đó là chưa kể, để quay các thể loại khác như phóng sự, phỏng vấn, ca nhạc... có các yêu cầu kĩ thuật và sự sáng tạo khác nhau. Nhưng đa số các nhà quay phim, sau khi được đào tạo quay phim truyện thì đều có thể quay tốt các thể loại khác.
·        Làm việc cho chính mình
Nếu không muốn bị gò bó, bạn có thể là nhà quay phim điện ảnh tự do, làm việc theo đơn đặt hàng của các đạo diễn. Nếu bạn là nhà quay phim giỏi và tâm huyết, chắc chắc các đạo diễn sẽ không bỏ qua bạn.
BẠN CÓ BIẾT
·        Nhà quay phim và trường quay
Trước và sau khi quay phim, nhà quay phim sẽ phải làm việc với đạo diễn và các bộ phận khác tại văn phòng, phòng hậu kì (nơi thực hiện các công đoạn sau khi quay như dựng phim, in tráng, thu thanh,...) để thống nhất về kế hoạch và ý tưởng làm phim. Nhưng công việc chính của nhà quay phim là ở các trường quay, đằng sau ống kính. Đó là nơi họ mặc
sức sáng tạo.
Ở Việt Nam không có trường quay lớn, có chăng chỉ là những studio nhỏ và vừa. Nhà quay phim thay vì việc thiết kế bối cảnh tại trường quay như ở các nước tiên tiến sẽ tham gia chọn bối cảnh cho phim từ những cảnh thực trong đời sống.
Để quay các cảnh trong nhà, họ phải lựa chọn những không gian bên trong có sẵn tương đối phù hợp với ý đồ sáng tạo. Còn ngoại cảnh của bộ phim được lựa chọn từ những bối cảnh thiên nhiên có sẵn.
Bất cứ nơi nào bộ phim được quay đều được gọi là hiện trường quay phim. Đây là nơi nhà quay phim thực hiện các công việc của mình. Mặc dù có sự chuẩn bị cẩn thận từ trước khi bộ phim được bấm máy (viết kịch bản phân cảnh và kế hoạch quay phim), trong quá trình quay, nhà làm phim phải liên tục điều chỉnh, sáng tạo, đặc biệt trong các điều kiện thay đổi đột ngột, không giống như kế hoạch.

Thông thường, mỗi cảnh quay đều được thực hiện nhiều lần để tạo điều kiện cho nhà làm phim chọn được cảnh tốt nhất khi bộ phim hoàn thành. Phần lớn các bộ phim thường được quay liên tục trong một thời gian nhất định, nhưng cá biệt cũng có những bộ phim phải tiến hành quay trong nhiều năm. Đối với các nhà làm phim, điều khó nhất là giữ được sự liên tục về mặt ý tưởng và phong cách chủ đạo cho bộ phim đó.
Có những trường hợp công việc của nhà làm phim sẽ còn phải tiếp tục sau khi bộ phim đã đóng máy do trong quá trình làm hậu kì có cảnh bị lỗi hay hỏng; hoặc khán giả không hài lòng sau khi bộ phim được chiếu thử. Khi đó nhà làm phim sẽ phải tiến hành quay lại để đảm bảo sự thành công cho bộ phim. Tuy nhiên, việc quay lại đối với phim truyện nhựa là rất tốn kém nên các nhà làm phim hạn chế việc quay lại đến mức thấp nhất.

Nhà quay phim là một nghệ sĩ - một người sáng tạo cái đẹp trong nghệ thuật. Lao động nghệ thuật sáng tạo là một loại hình lao động đặc biệt được con người tôn vinh, có lịch sử từ thời kì cổ đại. Bạn được tự do sáng tạo với trí tưởng tượng cùng với sự hỗ trợ đồng nghiệp, của máy móc. Tài năng, sự bền bỉ sáng tạo, lao động cần mẫn sẽ mang đến cho người nghệ sĩ danh tiếng và một cuộc sống có ý nghĩa.
Không xuất hiện trong bộ phim bạn xem như các diễn viên, nhà quay phim lặng lẽ chia sẻ
với khán giả những khuôn hình đẹp nhiều cảm xúc bằng sự nhạy cảm, tinh tế và lao động
miệt mài. Trở thành nhà quay phim, bạn không chỉ góp phần khơi gợi những xúc cảm đẹp, nhân bản trong mỗi khán giả mà hơn nữa, đã trở thành người định hướng thẩm mĩ cho họ.
Để có được một bộ phim hoàn chỉnh, nhà làm phim phải cùng làm việc với các thành phần khác nhau của đoàn làm phim...
Đó là một cộng đồng nhỏ những nghệ sĩ và kĩ thuật viên, là môi trường lí tưởng cho bạn trao đổi, học hỏi về những ý tưởng nghề nghiệp của bạn. Những ý tưởng của bạn được chia sẻ, được góp ý và ngày càng trở nên hoàn thiện. Nó cũng là một cơ hội để bạn thiết lập những mối quan hệ nghề nghiệp vững chắc trong sự nghiệp của bạn, nơi bạn giúp đỡ người khác và nhận lại sự giúp đỡ, hợp tác từ họ.
Mặc dù được du nhập vào Việt Nam từ cuối thế kỉ XIX nhưng do những điều kiện lịch sử đặc biệt, điện ảnh nước ta chỉ mới bắt đầu giai đoạn hình thành một nền điện ảnh hiện đại. Có rất nhiều cơ hội được mở ra cho những người có tài năng, nhiệt huyết, làm việc chăm chỉ. Bạn đã thấy mình sẵn sàng để trở thành một nhà quay phim sáng tạo?

Có nhiều cơ hội nếu bạn muốn trở thành một nhà quay phim trong lĩnh vực truyền thông. Tuy nhiên, con đường trở thành nhà quay phim truyện nhựa chuyên nghiệp gian nan hơn nhiều do hàng năm số phim truyện nước ta sản xuất chưa nhiều. Vì thế, các nhà quay phim trẻ chưa thực sự có nhiều cơ hội làm nghề và phát triển nghề nghiệp trong lĩnh vực này. Sự hạn chế do các thiết bị kĩ thuật thiếu đồng bộ và chưa hiện đại cũng hạn chế rất nhiều sự sáng tạo của người nghệ sĩ.
Dù có những khó khăn, bạn hãy dũng cảm bước vào nghề, rèn luyện mình và đón nhận những cơ hội để thể hiện, bởi thực hiện một bộ phim truyện luôn là một công việc hấp dẫn, thử thách với mọi nhà quay phim.
Bạn vẫn còn băn khăn? Bạn không biết mình có tố chất để trở thành một nhà quay phim hay không? Bạn e ngại không biết mình có thể làm tốt công việc này không? Vậy bạn hãy đến với Hàng ghế số 6, nơi bạn có thể tìm hiểu về những phẩm chất cần có của nhà quay phim.
Nếu bạn thực sự yêu thích nghề quay phim, bạn đã có được hành trang đầu tiên bước vào nghề. Nhưng như mọi nghề nghiệp khác, sự ham thích vẫn chưa đủ. Bạn phải có một số tố chất nhất định.
1. Trước tiên là sự nhạy cảm của một người nghệ sĩ. Bạn phải có thói quen quan sát, ghi nhận những sự vật đẹp đẽ giữa đời thường; và cảm nhận được từng sự thay đổi tinh tế nhất của sự vật.

Nhà quay phim luôn duy trì thói quen quan sát ở mọi nơi: cảm nhận sự thay đổi thời tiết
màu sắc của thiên nhiên, những tia sáng ấm của mặt trời cũng như ánh sáng lạnh của trăng...

Không những thế, tâm hồn nhà quay phim luôn rộng mở, đồng cảm với số phận của mọi người xung quanh. Sự nhạy cảm với nghệ thuật không có gì khác hơn là sự nhạy cảm với từng chi tiết của cuộc sống thường nhật. Chỉ quan sát thôi chưa đủ. Bạn nên có một chiếc máy ảnh, dù chỉ là máy ảnh du lịch loại nhỏ, và luôn mang nó bên mình.

Hãy dùng nó ghi lại mọi thứ mà bạn cảm thấy thú vị. Sau đó, hãy phân tích tất cả những bức ảnh mà bạn có. Suy nghĩ một cách nghiêm túc bạn sẽ làm lại nó như thế nào, như thế đã là tốt nhất hay chưa. Tóm lại là không ngừng rènluyện khả năng tiếp xúc với những khoảnh khắc có ánh sáng, màu sắc, không gian hấp dẫn; truyền lại sự cảm nhận ấy cho mọi người.

Bạn có thể “rèn luyện” sự tinh tế của mình bằng cách học hỏi từ các bộ môn nghệ thuật khác như hội hoạ, sân khấu, văn học... Việc tiếp thu các ngành nghệ thuật đó sẽ làm cho tâm hồn nghệ sĩ của bạn luôn được nuôi dưỡng. Hơn nữa, trình độ thẩm mĩ cũng sẽ được nâng cao. Đây là một yếu tố rất quan trọng, vì bạn sẽ là tác giả của các tác phẩm nghệ thuật. Tác phẩm của bạn phải là sự chiêm ngưỡng của người khác.

2. Ngoài một bản năng, bạn còn phải có một ý chí học hỏi không ngừng. Nếu chỉ dựa vào năng khiếu và tự hài lòng với năng khiếu sẵn có thì bạn sẽ không bao giờ thành công. Bạn hãy học hỏi kiến thức từ mọi nguồn bạn có thể. Từ sách ư? Rất tốt! Từ báo chí và internet ư? Tuyệt vời! Từ bạn bè, thầy cô, người thân ư? Điều đó khá hiển nhiên... Và phải biết học hỏi từ chính mình. Có nghĩa là không ngừng phân tích những gì mình đang có, hiểu mình muốn gì và mình sẽ làm gì để đạt được mục đích đó.





Nhà quay phim không chỉ là một nghệ sĩ mà còn phải “làm việc” với các thiết bị máy móc từ tối tân đến “cũ kĩ”. Vậy nên bạn phải là người có hứng thú tìm tòi kĩ thuật, học tập cách sử dụng chúng và xử lí các lỗi thường gặp. Muốn vậy, bạn không thể là một người học quá kém các môn tự nhiên và khoa học. Hãy trang bị những kiến thức của môn học đó, nó rất hữu ích.

Năng khiếu và sự học tập nghiêm túc sẽ sớm đưa bạn đến thành công trong nghề quay phim. Nhưng bạn cũng lưu ý rằng, nếu bạn là nữ giới và nếu bạn không có đủ sức khoẻ, bạn sẽ gặp một số khó khăn vì làm phim là một công việc vất vả được duy trì với cường độ cao trong một thời gian liên tục.

Bạn phải có đủ sức khoẻ để chiến thắng sự mệt mỏi, không để cho chúng trói buộc tâm hồn sáng tạo của bạn.

Hơn nữa, với một số cảnh quay bằng máy cầm tay, bạn sẽ phải mang trọng lượng hàng chục cân trên vai. Điều đó quả là không dễ dàng. Cũng chính bởi thế, nghề quay phim không phù hợp với phụ nữ. Ở Việt Nam vẫn có những nhà quay phim nữ, nhưng số lượng đó không nhiều.

 Vì ngoài vấn đề sức khoẻ, một nhà quay phim nữ sẽ phải đối mặt với những khó khăn khác. Ví dụ như việc xa gia đình theo đoàn làm phim trong thời gian dài, như việc cộng tác và điều hành các bộ phận khác... Ngược lại, sự nhạy cảm của trái tim phụ nữ lại mang lại những khuôn hình rất tinh tế, dịu dàng, độc đáo. Dù sao, nếu là phái nữ, bạn cũng nên cân nhắc trước khi lựa chọn nghề quay phim.

Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội là một trường đào tạo điện ảnh lâu năm ở Việt Nam (Trường có chi nhánh đào tạo tại phía Nam). Sinh viên của tất cả các ngành đều làm quen với quay phim và có chuyên ngành đào tạo quay phim chuyên nghiệp. Khóa 1 - Khoa quay phim của Trường được mở ra năm 1981, đến nay đã có một bề dày lịch sử đáng kể. Nhiều nhà quay phim hàng đầu Việt Nam đã được đào tạo tại đây.

Ngoài ra, bạn còn có thể học nghề này tại:

Trường Cao đẳng kĩ thuật truyền hình - Thường Tín - Hà Tây




Trường Nghiệp vụ phát thanh truyền hình - Đài truyền hình Nam Định - Hạ Lộc, Nam Định.v.v...

Một số cơ quan có tổ chức những khoá học ngắn hạn đào tạo quay phim và làm phim, có sự liên kết với các tổ chức quốc tế, như: Hội Điện ảnh Việt Nam (51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội), Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (TPD) - Hội Điện ảnh Việt Nam (22A Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Trước đây, có rất nhiều nhà quay phim Việt Nam được đào tạo tại Liên Xô (cũ). Hay một số được đào tạo tại Bỉ, một nước có uy tín trong ngành.... Nhưng hiện nay, cơ hội học tập của bạn được mở rộng hơn rất nhiều. Có rất nhiều trường đào tạo điện ảnh có uy tín trên thế giới, các trường này đều đào tạo quay phim và thực hành quay phim tốt.

Chỉ cần gõ từ khoá “cinema school” vào trang web: www.google.com bạn sẽ nhận được rất nhiều địa chỉ đào tạo điện ảnh của các trường lớn, hãy tìm hiểu các trường này và tìm kiếm một cơ hội du học. Một số trang web bạn nên quan tâm:

Hàng ghế này dành cho những người quyết định gắn bó với toa tàu này, những nhà quay phim tài năng và đam mê nghề nghiệp trong tương lai.

Nhà quay phim lừng danh Vittorio Steraro bắt đầu học quay phim từ năm 11 tuổi. Còn bạn, bạn cũng có thể bắt đầu với nghề quay phim ngay từ bây giờ, dù bạn chưa có một chiếc máy quay để thực hành. Hãy tập quan sát cuộc sống bằng những góc nhìn của riêng bạn và hỏi mọi người xung quanh xem họ nhìn nhận sự vật, hiện tượng, khung cảnh ấy như thế nào. Bạn sẽ nhận thấy những điểm khác biệt rất thú vị. Hãy lập một cuốn sổ ghi chép lại điều này.

Đừng quên xem các bộ phim. Đó chính là nguồn tư liệu, bài giảng quý giá nhất cho bạn. Hãy quan sát thật kỹ lưỡng bối cảnh, các khuôn hình... và thử nghĩ xem nếu là bạn, bạn sẽ làm như thế nào? Bạn sẽ có những sáng tạo, khác biệt gì so với cách xử lý của nhà quay phim trong bộ phim?... Và nếu bạn có một chiếc máy quay nho nhỏ, còn gì tuyệt vời hơn.
Hãy bắt đầu ngay nhé!





·        Danh ngôn nghề quay phim

Ánh sáng là một cảnh trí sống và gần như một diễn viên. Nó sáng tạo ra địa điểm, thời điểm, không khí tâm lí và cảm xúc mỹ học.

Nhà phê bình điện ảnh Pháp Gerard Betton

Điều tạo ra hưng phấn của tôi chính là khả năng “chơi giỡn” trong cái chiều sâu không gian được tạo nên bởi bóng tối và ánh sáng.

Nhà quay phim người Bỉ Marc Koninckx

Tôi không thích bố cục khuôn hình. Bằng rung cảm bản thân trong mỗi khuôn hình, tôi muốn lái khán giả vào một điểm nhìn nào đó, giống như ngón tay khi chỉ chỗ này, khi chỉ chỗ khác.

Đạo diễn Đan Mạch Lars Von Trier

Tôi có cảm tưởng ngày nay người ta vận động camera là để “làm” phim. Cảm giác như
 2/3 những người vận động máy quay là bởi họ đã thấy nó vận động như thế ở đâu đó...

Người ta không biết vì sao họ đặt khung hình như thế, vì sao họ chuyển động máy như đã làm. Và đáng ngạc nhiên là họ không hề nao núng bởi điều đó.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét