RSS
Write some words about you and your blog here

Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2013

Qui định về đạo đức người làm báo.

Qui định về đạo đức người làm báo.

1. Tuyệt đối trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
2. Luôn gắn bó với nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân.
3. Hành nghề trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật.
4. Sống lành mạnh, trong sáng, không được lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi và làm trái pháp luật.
5. Gương mẫu chấp hành pháp luật, làm tròn nghĩa vụ công dân, làm tốt trách nhiệm xã hội.

6. Bảo vệ bí mật quốc gia, nguồn tin và giữ bí mật cho người cung cấp thông tin.
7. Tôn trọng, đoàn kết, hợp tác giúp đỡ đồng nghiệp trong hoạt động nghề nghiệp.
8. Thường xuyên học tập, nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, nghiệp vụ, khiêm tốn cầu tiến bộ.
9. Giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc đồng thời tiếp thu có chọn lọc các nền văn hóa khác./.

Quy trình sản xuất chương trình truyền hình

(Hanoi Media) - Do đặc điểm của sản phẩm truyền hình là các chương trình phong phú, đa dạng và có tính chất đặc thù riêng (về văn hóa, kinh tế nghệ thuật, giáo dục, tuyên truyền, thông tin…) nên công nghệ sản xuất cũng không nhất thiết phải theo khuôn mẫu cố định mà nó cho phép sử dụng khả năng sáng tạo. Công nghệ bao gồm một lĩnh vực hoạt động sản xuất có điều tiết theo chương trình, gia công và phát sóng tất cả các thể loại chương trình với sự tham gia của các phương tiện kỹ thuật.

A. Sơ đồ khối quy trình công nghệ sản xuất chương trình truyền hình:
B. Nhiệm vụ và chức năng của các khối sản xuất chương trình truyền hình:

1. Biên tập, đạo diễn:
Biên tập, đạo diễn là những người xây dựng ra các chương trình truyền hình, là những người sáng tác hoặc dựa theo một kịch bản có sẵn để chuyển thể thành một kịch bản truyền hình.
Kịch bản là một văn bản thể hiện một chương trình bằng từ ngữ, có hai dạng kịch bản là: kịch bản quay và kịch bản dựng.
- Kịch bản quay là một văn bản thể hiện một chương trình bằng từ ngữ giúp người quay có thể hiểu và thể hiện được ý tưởng của đạo diễn.
- Kịch bản dựng là một văn bản thể hiện một chương trình bằng từ ngữ giúp người dựng khi xem kịch bản biết được nội dung từng cảnh, thời lượng của mỗi cảnh.
2. Duyệt kịch bản:
Khâu duyệt kịch bản nhằm kiểm tra nội dung chương trình có phù hợp hay không thì mới cho sản xuất để tránh lãng phí.

3. Điều độ sản xuất:
Sau khi kịch bản được duyệt cho phép sản xuất thì từ việc bố trí các phương tiện sản xuất cho đến nhân lực sản xuất đều do khối này quy định. Ngoài ra, còn bố trí địa điểm thực hiện chương trình, thời gian thực hiện (tiền kỳ, hậu kỳ, phát sóng).

4. Sản xuất tiền kỳ:
Sau khi phóng viên biên tập có kịch bản hoàn chỉnh, chương trình được tiến hành quay, ghi hình bằng thiết bị gọn nhẹ trên xe truyền hình lưu động, hay tại studio truyền hình theo ý tưởng và nội dung do biên tập viên hoặc đạo diễn chỉ đạo.

Kỹ thuật của chương trình (hình ảnh, âm thanh, ánh sáng…) do các kỹ thuật viên chịu trách nhiệm.

Cũng có thể ghi các chương trình truyền hình khai thác qua đường truyền vệ tinh, cáp quang...

Sản phẩm của khâu tiền kỳ là băng hình gốc để sản xuất hậu kỳ, kèm theo băng là phiếu sản xuất tiền kỳ.

Trong trường hợp các chương trình truyền hình trực tiếp, tín hiệu được truyền tới phòng tổng khống chế để phát sóng.

5. Sản xuất hậu kỳ:
Từ các băng đã ghi ở khâu tiền kỳ được đưa tới phòng dựng, tiến hành dựng hình theo kịch bản của biên tập viên chương trình.

Khi đã hoàn chỉnh phần hình, băng được đưa sang phòng tiếng để thực hiện các công việc sau:
- Lời thuyết minh, bình luận và lời thoại được ghi vào kênh CH1 ở mức chuẩn.
- Nhạc và tiếng động nền được đưa vào kênh CH2 để ghi ở mức nền.

Sau đó băng được sang hòa âm. Đi kèm theo băng thành phẩm là phiếu sản xuất hậu kỳ. Phiếu này là chứng chỉ chất lượng kỹ thuật của băng chương trình, là cơ sở để băng không phải OTK kỹ thuật.

6. Duyệt, kiểm tra nội dung:
Trước khi đưa vào phát sóng, chương trình phải được duyệt nội dung. Hội đồng nghiệm thu của Đài sẽ duyệt và cho phép phát sóng hay không phát sóng vào phiếu nghiệm thu phát sóng của băng chương trình. Nếu cần phải sửa chữa, băng được quay về bắt đầu từ khâu hậu kỳ video.

Các băng khai thác hoặc những băng phát lại (thời gian hơn 1 tháng) đều được thực hiện trước tiên qua khâu duyệt nội dung, sau đó OTK kỹ thuật và chuyển đến phòng phát sóng.

7. Phát sóng:
Thực hiện phát sóng các băng chương trình đã đầy đủ thủ tục quyết định và thực hiện phát sóng trực tiếp các chương trình studio từ các địa điểm tiếp theo thông qua các đường truyền vệ tinh, cáp quang…

Để nâng cao chất lượng kỹ thuật và nghệ thuật âm thanh của chương trình, trung tâm kỹ thuật thực hiện hòa âm. Một số chương trình tiến tới sẽ thực hiện hòa âm tất cả các chương trình trước khi phát sóng.
Phim tài liệu truyền hình
1, Khái niệm

Cho tới nay, trên thế giới có rất nhiều quan niệm về phim tài liệu. Tuỳ theo góc độ nghiên cứu khác nhau của các tác giả sẽ có những quan niệm riêng về thể loại này. Tuy còn tồn tại nhiều quan niệm khác nhau, nhưng phần lớn vẫn tập trung vào hai khuynh hướng.

Khuynh hướng thứ nhất, đề cao tính chân thực của phim tài liệu truyền hình, coi tính chân thực là đặc tính chi phối toàn bộ tác phẩm phim tài liệu truyền hình. Hầu như báo chí phương Tây chủ yếu theo khuynh hướng này.

Khuynh hướng thứ hai, đề cao tính nghệ thuật của phim tài liệu truyền trình lẫn tính báo chí của nó. Phim tài liệu là một thể loại của điện ảnh, không những thế mà còn là thể loại đầu tiên xuất hiện khi điện ảnh ra đời. Nó mang trong mình những đặc điểm nghệ thuật của điện ảnh. Khi được sử dụng trên truyền hình, phim tài liệu truyền hình làm nhiệm vụ của một thể loại báo chí được biến đổi để phù hợp với đặc trưng của loại hình truyền thông đại chúng. Phim tài liệu truyền hình chuyển tải những sự kiện, hiện tượng nóng bỏng của cuộc sống thông qua những thủ pháp nghệ thuật. Vì vậy, phim tài liệu truyền hình thể hiện rõ nét tính chính luận và tính thời sự của báo chí.

Từ điển bách khoa toàn thư Encarta (ở mục từ docmumentaries) của Mỹ cho rằng: Phim tài liệu truyền hình là những tác phẩm truyền hình có cấu trúc chặt chẽ nhằm mục đích khám phá sự kiện, hiện tượng, con người trong đời sống hiện thực một cách chi tiết. Phim tài liệu theo quan điểm này liên quan chặt chẽ với mọi mặt của đời sống xã hội, từ lịch sử, văn hoá, chính trị cho tới thế giới tự nhiên. Phim tài liệu truyền hình tạo điều kiện tốt chưa từng có giúp con người giải phóng tầm mắt, đi khắp ngóc ngách mọi châu lục, dưới đáy đại dương, chiêm ngưỡng cả thế giới vi mô, đóng góp lớn trong sự nghiệp nâng cao dân trí và đấu tranh xã hội.
Như vậy, Từ điển bách khoa toàn thư Encarta đề cao tính chi tiết của tác phẩm, coi chi tiết như tiêu chí duy nhất của một phim tài liệu truyền hình. Đó đơn thuần là một tác phẩm truyền hình có cấu trúc được xây dựng kỹ lưỡng và chi tiết. Với quan điểm này, Encarta coi phim tài liệu chính luận báo chí mà quên đi tính nghệ thuật của thể loại này.

Trong cuốn sách mang tên “Nghệ thuật điện ảnh: một giới thiệu đại cương”, hai tác giả David Bordwell và Kristin Thompson, thuộc Trường đại học Wisconsin, địnhnghĩa: Phim tài liệu là một tác phẩm chứa đựng trong nội dung của nó những thông tin chân thực về thế giới bên ngoài. Định nghĩa này của Bordwell và Thompson cũng nhấn mạnh vào tính chân thực của phim tài liệu truyền hình như Từ điển bách khoa toàn thư Encarta. Tính chân thực được hai tác giả coi như đặc tính quan trọng nhất, quy định những đặc tính khác của phim tài liệu. Tất cả những sự kiện, hiện tượng, quá trình con người trong hiện thực đều là đối tượng phản ánh của phim tài liệu truyền hình .

Nó dùng sự chân thực để thuyết phục người xem thừa nhận sự tồn tại của những sự vật đó.

Phim tài liệu có thể đưa ra một cách nhìn, một chính kiến và cách giải quyết vấn đề của người làm phim. Tuy nhiên, phim tài liệu của Bordwell và Thompson không tránh khỏi bị rơi vào tự nhiên chủ nghĩa. Nhà làm phim tài liệu đưa ra hệ thống luận chứng, luận cứ để chứng minh cho luận điểm mà họ nêu lên trong tác phẩm của mình. Và chính hệ thống luận chứng đó sẽ thuyết phục người xem về tính chân thực của tác phẩm tài liệu truyền hình,

Hai tác giả cuốn “Nghệ thuật điện ảnh: một giới thiệu đại cương”, chia thể loại phim tài liệu một số dạng như sau:

-Phim tài liệu dựng lại trên cơ sở những nguồn tư liệu lưu trữ (compilation documentary). Đó là những phim gồm toàn hình ảnh tư liệu được ghép nối lại với nhau nhằm chuyển tải ý đồ của tác giả. Phim dạng này thường là những phim về đề tài lịch sử .

-Phim tài liệu phỏng vấn (interview documentary). Trong dạng phim này, các nhà làm phim ghi nhận một cách trung thực về sự kiện, hiện tượng, về những biến động xã hội chủ yếu qua lời kể của các nhân chứng.

-Phim tài liệu của sự thực (cinema- verite documentary) là dạng phim tài liệu trong đó các nhà làm phim ghi lại sự kiện như nó diễn ra trên thực tế, không mang dấu ấn chủ quan của tác giả. Dạng phim này bắt đầu xuất hiện từ khoảng những năm 50,60 của thế kỷ 20 khi các loại camera gọn nhẹ ra đời, cho phép người quay phim cơ động nhanh, theo kịp diễn biến của sự kiện.

Trong cuốn sách nghiên cứu điện ảnh đại cương, Andrew Britton cho rằng: “Trước hết, một bộ phim tài liệu có giá trị phải phản ánh được những góc cạnh khác nhau của sự thực, một sự thực không đơn giản như chúng ta nhìn thấy mà là một sự thực được đặt trong bối cảnh lịch sử, xã hội đã tạo ra chúng”. Quan niệm này của Andrew Britton đã thoát khỏi được tính tự nhiên chủ nghĩa mà nhiều nhà làm phim tài liệu phương Tây mắc phải. Sự thực trong phim tài liệu phải được đặt trong bối cảnh đã sinh ra nó, nằm trong mối quan hệ biện chứng với những sự kiện, hiện tượng khác.

Bản thân sự kiện chỉ là nguyên liệu cho một bộ phim tài liệu chứ sự kiện không bao hàm trong nó một phim tài liệu. Bằng những thủ pháp làm phim đạo diễn tìm kiếm, lựa chọn những chi tiết đắt giá nhất, phục vụ tốt nhất tư tưởng chủ đề của mình để xây dựng tác phẩm tài liệu.

Phát triển quan điểm của Britton, nhiều nhà làm phim cho rằng phim tài liệu là một thể loại của truyền thống điện ảnh, trong đó giải quyết sự kiện một cách sáng tạo trên cơ sở sự việc, sự kiện, con người có thật. Quan điểm này chia phim tài liệu thành các dạng sau:

-Phim thời sự tài liệu
-Phim tài liệu địa chí
-Phim tài liệu giáo khoa
-Phim tài liệu phân tích

Trên đây là một số quan điểm khác nhau về phim tài liệu thuộc khuynh hướng thứ nhất, coi tính chân thực là đặc tính quan trọng nhất,chi phối những đặc tính khác của thể loại này. Tuy nhiên cho dù tính chân thực là điểm chủ chốt, là đặc tính quan trọng nhất nhưng phim tài liệu không đơn thuần phản ánh sự kiện như nó diễn ra một cách tự nhiên. Phim tài liệu thông qua những sự kiện, hiện tượng, con người có thực để nói lên tư tưởng chủ đề.

Những sự kiện, hiện tượng, con người đó là nguyên liệu cho nhà làm phim xây dựng hình tượng trong tác phẩm của mình.

Việc xây dựng hình tượng là thao tác không thể thiếu của một tác phẩm nghệ thuật. Phim tài liệu truyền hình trước hết là một thể loại của nghệ thuật điện ảnh. Nó mang trong mình đầy đủ những đặc tính của nghệ thuật thứ bảy. Cả phim truyện và phim tài liệu đều phản ánh thế giới hiện thực thông qua việc xây dựng hình tượng nghệ thuật. Phim truyện dùng diễn xuất của diễn viên trong những bối cảnh được dàn dựng theo chủ quan của đạo diễn để nói lên tư tưởng của tác phẩm. Còn trong phim tài liệu không có diễn xuất của diễn viên mà nó nói lên chủ đề tư tưởng thông qua những sự kiện, hiện tượng, những quá trình, những con người có thật trong đời sống. Nói cách khác, phim truyện là nghệ thuật chủ quan còn phim tài liệu là nghệ thuật khách quan.

Với những lợi thế vượt trội của mình, không lâu sau khi ra đời, truyền hình đã được xem là phương tiện chiếm ưu thế tuyệt đối và ngày càng tiến dần tới vai trò quan trọng trong hệ thống các phương tiện truyền thông đại chúng. Với những ưu thế về loại hình và những điều kiện hết sức thuận lợi trong thời đại khoa học- công nghệ hiện nay, truyền hình đã phát huy được thế mạnh của mình trong quá trình trao đổi thông tin. Một trong những ưu điểm vượt trội của truyền hình là ngoài khả năng thông tin nhanh chóng, kịp thời như các loại hình báo chí khác, loại hình truyền thông này tác động tới tư tưởng và tình cảm của công chúng một cách mạnh mẽ nhờ sự kết hợp giữa hình ảnh và âm thanh mà chưa một loại hình truyền thông nào sánh kịp.

Trong quá trình phát triển với tư cách là một loại hình báo chí, truyền hình liên tục làm giàu hệ thống thể loại của mình bằng cách tiếp nhận nhiều thể loại của các loại hình khác. Trong số đó có phim tài liệu. Nhưng sự xuất hiện của phim tài liệu truyền hình là sự hợp tác hai chiều. Truyền hình tìm thấy những khả năng to lớn của phim tài liệu trong việc định hướng dư luận xã hội. Đồng thời, những nhà làm phim tài liệu tìm thấy ở truyền hình những điều kiện đảm bảo cho phim tài liệu phát huy được hết khả năng của mình.

Phim tài liệu truyền hình khác với người anh em của nó, phim tài liệu điện ảnh, ở chỗ nó là một thể loại trong hệ thống thể loại báo chí truyền hình. Có nghĩa là nó chịu sự chi phối của những đặc tính của báo chí. Trong đó, đặc tính quan trọng nhất là tính thời sự. Tính thời sự trong phim tài liệu truyền hình là một yêu cầu không thể thiếu.

Từ những phân tích trên có thể đưa ra khái niệm về phim tài liệu truyền hình: phim tài liệu truyền hình là một thể loại báo chí truyền hình nằm trong nhóm thể loại chính luận nghệ thuật. Nó nói lên tư tưởng chủ đề, tức là tính chính luận của báo chí, thông qua việc xây dựng hình tượng từ những sự kiện, hiện tượng, con người cụ thể có thật trong đời sống xã hội. Nói cách khác, phim tài liệu truyền hình dùng sự thật để xây dựng hình tượng nghệ thuật, qua đó làm nhiệm vụ giáo dục thẩm mỹ và định hướng cách nhận thức sự thật đó cho công chúng.

2, Sự ra đời và phát triển của phim tài liệu

Từ những phát minh sáng chế của Êđixơn, Tagiê, anh em nhà Luymier, Anbertini, Đrancôp… đến những mét phim đầu tiên và phim “hiện thực”- sự mở đầu của nhóm thể loại phim thời sự – tài liệu, đồng thời cũng là sự mở đầu cho sự xuất hiện nền điện ảnh nhân loại.

Những thước phim tài liệu đầu tiên là của anh em nhà Luymier (Pháp) xây dựng và trình chiếu ở nơi công cộng với Tầu vào gavà Giờ tan tầm ở nhà máy. Tiếp theo đến bộ phim tài liệu của Fláecti (Mỹ) về những người dân Exkimô; Mêliex và bộ phim Vụ án Đrâyphuyx ….
Nước Nga Xô Viết và những mét phim tài liệu đầu tiên của Đrancôp và Dziga Vertốp,…

Đây là nhóm thể loại phim ra đời sớm nhất của điện ảnh, với đặc điểm ghi lại hình ảnh người thật việc thật đã hoặc đang tồn tại trong cuộc sống.

Hiện nay, hầu hết các nước đều có xưởng phim làm phim tài liệu tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị, trong đó những phim về hai cuộc chiến tranh thế giới, các cuộc đấu tranh cách mạng và giải phóng dân tộc, đã làm nhiệm vụ thông tin kịp thời, động viên hàng trăm triệu người đấu tranh cho hoà bình, tiến bộ xã hội, dân chủ, tự do, độc lập dân tộc. Phim tài liệu tạo điều kiện tốt chưa từng thấy giúp con người giải phóng tầm mắt, đi khắp mọi ngóc ngách trên các châu lục, xuống đáy đại dương hay vào vũ trụ, chiêm ngưỡng đến cả thế giới vi mô, đóng góp lớn trong nâng cao dân trí và đấu tranh vì sự tiến bộ xã hội.

Ở Việt Nam, những phim thời sự – tài liệu ra đời trước Cách mạng tháng Tám đều do người nước ngoài quay. Những thước phim tài liệu đầu tiên về Cách mạng hiện nay còn giữ được là những hình ảnh về ngày độc lập 2/9/1945, về cuộc mittinh khổng lồ tại vườn hoa Ba Đình, những đoạn phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, những đoạn phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Phạm Văn Đồng sang Pháp dự hội nghị Fôngtenơblô (Fontainebleau; 1946). Từ những ngày đầu Kháng chiến chống thực dân Pháp, các nhà quay phim tài liệu đã lăn lộn trên các chiến trường ghi lại hình ảnh chiến đấu của quân và dân ta tại nhiều nơi (chiến khu 7, 8, 9 Nam Bộ; chiến khu Việt Bắc). “Trận Mộc Hoá”, “Chiến dịch Cao Bắc Lạng” (1948), “Chiến dịch La Ban- Cầu kè” (1950), “Trận Đông Khê” (1950), “Chiến thắng Tây Bắc” (1952), “Giữ làng giữ nước” và đặc biệt là phim “Chiến thắng Điện Biên Phủ” (cùng làm năm 1954). Từ sau ngày 19/3/1953 (ngày Hồ Chủ Tịch ký Sắc lệnh thành lập ngành Điện ảnh Việt Nam), phim tài liệu Việt Nam có nhiều chuyển biến, đặc biệt trong thời kỳ chống Mỹ đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Có nhiều phim tiêu biểu: “Nước về Bắc Hưng Hải”(1959), “Đầu sóng ngọn gió” (1967), “Lũy thép Vĩnh Linh” (1970), “Tiếng trống trường” (phim tài liệu vô tuyến truyền hình, 1973), “Mở đường Trường Sơn” (1973 –1974), “ Thành phố lúc rạng đông” (1975), “Đường dây lên sông Đà”. Những thước phim tài liệu phản ánh trực tiếp cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân dân miền Nam như: “Du kích Củ Chi” (1967), “Đường ra phía trước” (1969), “Những người dân quê tôi” (1970), “Những người săn thú trên núi Đắksao” (1970), “Làng nhỏ ven sông Trà” (1971).

Những thước phim tài liệu ghi được về cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, về sinh hoạt của Bác Hồ ở Việt Bắc, “Hình ảnh về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch” (1960), “Tiếng gọi mùa xuân’ (1968), “Bác Hồ của chúng em” (1969), “Bác Hồ sống mãi” (1970), “Mùa sen nhớ Bác” (1969), “Chúng em còn nhớ Bác” (1970), “Con đường mang tên Bác”, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh” (1975),…

Trong thời ký chiến tranh, một số nghệ sĩ điện ảnh nước ngoài như Xương Hạc Linh (Chang Heling), Kacmen (R.L.Karmen) đã sang Việt Nam cùng chúng ta chịu đựng cảnh bom đạn, gian khổ, vất vả để làm nên các phim: “Việt Nam kháng chiến” (Trung Quốc, 1951- 1952), “Việt Nam trên đường thắng lợi” (Liên Xô, 1954-1955) hoặc phản ánh những ngày đầu thắng Pháp, Việt Nam đang xây dựng, phục hồi kinh tế: “Cây tre Việt Nam” (Ba Lan, 1955), “Rừng già Việt Nam” (1975), “Trên những dòng sông Việt Nam” và “Chợ miền xuôi” (1959) của điện ảnh Tiệp Khắc, “Việt Nam Tổ quốc tôi” (Liên Xô, 1960), “Bông sen nở tự do” (Bungari, 1960),…

Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ phim tài liệu Việt Nam đã phát triển mạnh cả hai miền Nam – Bắc, phản ánh được thực tế chiến đấu, sản xuất ở chiến trường lớn và hậu phương lớn góp phần vào thắng lợi vẻ vang ngày 30/4/1975. Sau khi đất nước thống nhất, phim tài liệu chuyển dần sang chương trình phim tài liệu của đài truyền hình, đi vào những phóng sự, tường thuật dài hơn phản ảnh những sự việc, sự kiện xảy ra hàng ngày trong nước và thế giới. Tính từ 1954 đến 1983 phim tài liệu Việt Nam nói chung đã dành được 46 giải Bông sen vàng, 71 Bông sen bạc trong các liên hoan phim quốc gia, 15 Huy chương vàng, 7 Huy chương bạc trong các liên hoan phim quốc tế. Những phim tài liệu truyền hình có giá trị tư liệu và lịch sử quý báu, góp phần vào xây dựng hàng trăm phim tài liệu có giá trị của điện ảnh Việt Nam. Trong giai đoạn hiện nay, cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, phim tài liệu truyền hình trở thành món ăn tinh thần hàng ngày không thể thiếu được của đại chúng, đóng góp đắc lực vào sự nghiệp nâng cao dân trí và đấu tranh tư tưởng.

3, Chức năng của phim tài liệu truyền hình.
3.1. Chức năng thông tấn và báo chí.
Chức năng quan trọng nhất, chi phối toàn bộ quá trình sáng tạo phim tài liệu truyền hình,dẫn tới quan niệm phim tài liệu truyền hình là một thể loại tác phẩm báo chí truyền hình.

Tính thời sự trong phim tài liệu truyền hình thể hiện qua việc phản ánh sự kiện, vấn đề, nhân vật… hằng ngày với những thông tin nóng hổi, kịp thời, xác thực. Yếu tố chính trị, phục vụ kịp thời mục đích tuyên truyền (các sự kiện chính trị nổi bật, những ngày lễ lớn , các dịp kỷ niệm..)

3.2, Chức năng giáo dục và nhận thức
Nâng cao nhận thức và tư duy của người xem, thông qua những hình ảnh có thật về con người, đất nước, thiên nhiên, sự kiện, sự việc, với tất cả sự phong phú đa dạng của nó.

Phát hiện bản chất có ý nghĩa triết học của hiện tượng và sự kiện, nâng sự kiện lên tầm khái quát hoá bằng hình tượng tiêu biểu, qua việc sử dụng một cách có hiệu quả các thủ pháp nghệ thuật ( điều mà các thể loại tác phảm báo chí truyền hình khác khó có thể thực hiện được do đặc điểm thể loại,độ dài thời gian (thời lượng) và mục đích thông tin).

Nhấn mạnh ý nghĩa xã hội của hiện tượng và sự kiện qua việc sử dụng các chi tiết điển hình, kết hợp với âm nhạc, tiếng động, lời bình, các thủ pháp dựng phim..

3.3. Chức năng thẩm mỹ và giá trị tư liệu lịch sử
Hiện tượng thẩm mỹ và chất thơ; yếu tố ẩn dụ, tượng trưng… trong các loại phim tài liệu nghệ thuật, phong cảnh, du lịch…

Giá trị tư liệu lịch sử của phim tài liệu truyền hình nói riêng cũng như phim tài liệu nói chung, đặc biệt đối với các sự kiện, sự việc chỉ xảy ra một lần hoặc những sự kiện, sự việc, con người… thuộc về lịch sử, với những hình ảnh không gì hay tái tạo được.

4, Điểm khác nhau giữa phim tài liệu truyền hình và phim tài liệu điện ảnh

Như phần trên chúng tôi đã phân tích, phim tài liệu truyền hình được thừa hưởng rất nhiều đặc điểm của phim tài liệu điện ảnh. Nó chính là một thứ phim tài liệu điện ảnh được cải biến đi cho phù hợp với những đặc tính kỹ thuật và đặc điểm tiếp nhận của truyền hình để sử dụng trên loại hình báo chí này. Những thay đổi đó tạo nên sự khác biệt căn bản giữa phim tài liệu của hai loại hình truyền thông – điện ảnh và truyền hình.

4.1 Về công chúng
Trạng thái tiếp nhận của điện ảnh và truyền hình rất khác nhau. Công chúng tiếp nhận tác phẩm điện ảnh ở một điều kiện lý tưởng cho việc tiếp thu nội dung tác phẩm. Còn truyền hình phải đối mặt với rất nhiều trở ngại của cuộc sống hàng ngày, cả nguyên nhân khách quan lẫn nguyên nhân chủ quan, đến quá trình tiếp nhận của người xem.

Công chúng tiếp nhận tác phẩm điện ảnh trong không gian rạp chiếu. Đó là một khoảng không gian riêng biệt người xem ngồi trong bóng tối gần như hoàn toàn, trong những hàng ghế đối diện với một màn ảnh lớn. Trên đó chiếu những hình ảnh ngoại cỡ, không thể thấy trong cuộc sống thường nhật. Cùng với nó là những chuỗi âm thanh với âm lượng lớn.

Người xem của điện ảnh là một thành viên trong một lượng công chúng nhỏ, chỉ khoảng vài trăm người. Đó là một môi trường lý tưởng cho tiếp nhận một tác phẩm nghệ thuật. Hình tượng nghệ thuật điện ảnh đi thẳng vào trực giác người xem, dễ đem lại những cảm xúc mạnh mẽ, kể cả tiếng khóc tiếng cười đột khởi. Chính vì khả năng gây cảm xúc mạnh mẽ của điện ảnh cùng với môi trường tiếp nhận nhỏ hẹp, chỉ khoảng vài trăm người, nên những hình ảnh trên phim gây được “phản ứng dây chuyền” trong cảm xúc của khán giả. Những cảm xúc do điện ảnh gây ra lan nhanh trong không gian rạp chiếu, tạo nên sự cộng hưởng về mặt tình cảm. Vì vậy, người xem càng bị tác động mạnh bởi hình ảnh, lời thoại tiếng động âm nhạc của bộ phim hơn, khả năng tiếp nhận của khán giả trở nên cao hơn. Và tác phẩm điện ảnh do đó được tiếp nhận đầy đủ hơn.

Hơn nữa, khi xem một tác phẩm điện ảnh, người xem bị tách rời ra khỏi bối cảnh sống hàng ngày, không bị chi phối bởi bất cứ tác động nào của ngoài cảnh,hoàn toàn chú ý tiếp thu tác phẩm. Nội dung tác phẩm điện ảnh được người xem tiếp thu khá trọn vẹn. Xuất phát từ đặc điểm tiếp nhận này nên tác phẩm điện ảnh có thể được dồn nén đến cao độ các chi tiết mà không sợ người xem khó hiểu. Tuy nhiên,khả năng tập trung cao độ của người xem không thể duy trì lâu. Đồng thời, khi đang xem dở một buổi chiếu,khán giả không thể ngừng xem nếu muốn tiếp thu trọn vẹn tác phẩm. Vì hai lý do nêu trên, mỗi tác phẩm điện ảnh không nên kéo dài hơn 90 phút, tối đa là 100 phút để khán giả có thể hiểu được toàn bộ tác phẩm. Với những tác phẩm đồ sộ, đòi hỏi thời lượng lớn thì nên tách ra thành nhiều phần, mỗi phần khoảng 90 đến 100 phút. Mỗi đêm chiếu một phần cho tới khi hết bộ phim.

Một đặc điểm nữa có tác động khá lớn đến quá trình tiếp nhận tác phẩm điện ảnh là việc người xem được phép lựa chọn tác phẩm mình thích. Công chúng thưởng thức điện ảnh là công chúng có chọn lọc. Chọn lọc ở đây có nghĩa là họ chỉ xem những tác phẩm mình thích,không ai có thể ép buộc người khác xem một tác phẩm điện ảnh mà họ không thích và không mong muốn được thưởng thức. Điều này khiến cho người xem có một tâm lý tiếp nhận rất ổn định trước và trong suốt quá trình xem phim.

Khác với điện ảnh, truyền hình, với tư cách là một phương tiện truyền thông đại chúng, đến với mọi nhà, sục vào mọi ngõ ngách, mọi vùng xa xôi hẻo lánh trên trái đất. Truyền hình trở thành cửa ngõ để mỗi người, không cần phải ra khỏi nhà mình mà vẫn biết tất cả những sự kiện xảy ra trên thế giới, từ những sự kiện địa phương, sự kiện trong nước, cho tới những sự kiện xảy ra ở nơi cách xa hàn vạn km. Không chỉ mang đến cho người xem tin tức, truyền hình còn là phương tiện chuyển tải nhiều loại hình nghệ thuật, nhiều chương trình giải trí. Do đó, truyền hình trở thành một nhà hát tổng hợp, một phương tiện giải trí toàn năng.

Người xem truyền hình ngồi tại nhà mình, trong không gian quen thuộc. Với chiếc điều khiển từ xa trong tay, họ có thể tự do lựa chọn chương trình hấp dẫn nhất, phù hợp nhất với mình. Điều này khiến cho các tác phẩm truyền hình phải luôn tìm cách thể hiện sinh động nhất, có khả năng hấp dẫn nhất để giữ khá giả bên máy thu hình. Do đó, truyền hình phải không ngừng hoàn thiện cách thức xây dựng chương trình của mình để thu hút được người xem .

Đồng thời các tác phẩm truyền hình còn phải đối phó với tất cả những tác động của ngoại cảnh đến tâm lý tiếp nhận của người xem. Họ luôn bị quấy nhiễu bởi những tác động của cuộc sống hàng ngày, tạo ra những chuỗi đứt đoạn trong quá trình tiếp thu thông tin. Chính vì vậy mà tác phẩm truyền hình đòi hỏi phải rất dễ hiểu, và cụ thể trong từng khuôn hình, đồng thời phải có một độ dư thông tin nhất định để người xem có thể hiểu được những đoạn họ không tập trung nhờ logic phát triển của sự kiện. Sự dễ hiểu của tác phẩm truyền hình còn do việc truyền hình có khả năng phủ sóng một khoảng không gian lớn, cùng một lúc phục vụ hàng triệu khán giả với nhiều trình độ văn hoá khác nhau, thuộc nhiều tầng lớp khác nhau, nhiều dân tộc khác nhau. Có nghĩa là công chúng của truyền hình là quảng đại quần chúng. Để thu được hiệu quả truyền thông lớn nhất, tác phẩm truyền hình, một tác phẩm truyền thông đại chúng phải được xây dựng cho công chúng dù trình độ văn hoá như thế nào cũng tiếp nhận được thông điệp của tác phẩm.

Như vậy, trạng thái tiếp nhận một tác phẩm điện ảnh rất khác trạng thái tiếp nhận một tác phẩm truyền hình. Công chúng tiếp nhận tác phẩm điện ảnh trong rạp chiếu, với lượng công chúng nhỏ. Họ luôn sẵn sàng và tập trung cao độ cho việc tiếp thu nội dung tác phẩm và không hề bị chi phối bởi bất cứ tác động nào của môi trường bên ngoài. Trong khi đó tác phẩm truyền hình đến với công chúng trong môi trường quen thuộc của họ, luôn phải đối phó những tác động bên ngoài đến công chúng,cản trở quá trình tiếp nhận tác phẩm. Đồng thời một tác phẩm truyền hình cụ thể luôn bị đặc trong tình trạng phải cạnh tranh với các tác phẩm khác, các chương trình truyền hình khác để giữa khán giả lại với mình. Những khác biệt về trạng thái tiếp nhận của công chúng là nguyên nhân dẫn đến một số điểm khác biệt giữa tác phẩm điện ảnh và tác phẩm truyền hình.

4.2, Về thiết bị thể hiện
Thiết bị thể hiện của điện ảnh và truyền hình rất khác nhau. Các tác phẩm điện ảnh được chiếu trên những màn hình lớn với diện tích hàng chục mét vuông, có tỷ lệ giữa chiều ngang với chiều cao là 7:4 (1:0,57) còn màn hình máy thu truyền hình truyền thống có kích thước rất nhỏ (diện tích một màn hình 21inch chỉ vào khoảng 0,137m2 mà thôi), và có tỷ lệ 4:3 (1:0,75), Như vậy khuôn hình của điện ảnh sẽ bao quát được một không gian chiều ngang rộng hơn nhiều so với hình ảnh truyền hình. Do đó, lượng thông tin trong một khuôn hình điện ảnh cũng lớn hơn nhiều so với một khuôn hình truyền hình.

Toàn bộ hình ảnh trên phim được thể hiện hết trên màn ảnh. Thông tin được thể hiện đầy đủ, bố cục khuôn hình không bị phá vỡ. Nhưng với màn hình của máy thu hình thì việc thể hiện đầy đủ khuôn hình là một khó khăn. Đây là điều kiện khách quan mà người làm truyền hình không thể khắc phục. Một máy thu hình còn mới khả dĩ thể hiện hết hình ảnh gốc của tín hiệu truyền hình nhưng với một máy thu cũ chẳng hạn, hình ảnh gốc trong tác phẩm truyền hình sẽ không được thể hiện đầy đủ. Hình ảnh bị thiếu hụt sẽ làm giảm lượng thông tin tới người xem, đồng thời phá vỡ bố cục của khuôn hình. Bố cục bị phá vỡ rất có thể làm sai lệch nội dung thông điệp mà tác giả muốn chuyển đến người xem. Một người làm truyền hình có kinh nghiệm phải lường trước được tình trạng này để có cách thể hiện hình ảnh phục vụ tốt nhất cho ý đồ của tác phẩm.

4.3, Về đặc trưng phương tiện truyền tải
Hình ảnh và âm thanh của tác phẩm truyền hình được đưa đến với người xem thông qua sóng điện từ. Trước hết,tín hiệu hình ảnh và âm thanh được mã hoá thành dạng tín hiệu điện từ, sau đó được đưa vào máy phát, gửi lên không trung bằng làn sóng vô tuyến điện. Trong điện ảnh, tín hiệu hình ảnh và âm thanh được ghi đồng bộ trên phim. Sau đó được tái tạo lại bằng máy chiếu, màn ảnh và hệ thống hoá.

Hình ảnh video sử dụng trong truyền hình được ghi lại bằng những tín hiệu điện từ trên băng từ tính. Máy ghi hình video (Máy VHS, Umatic, Betacam hayDigital) thu tín hiệu ánh sáng qua hệ thống ống kính quang học của mình. Sau đó tín hiệu ánh sáng này được biến đổi thành tín hiệu điện từ và được ghi lại trên băng từ tính. Như vậy, chỉ trong khâu ghi hình, tín hiệu ánh sáng đến từ vật thể đã phải chịu hai lần mã hoá. Một lần để biến đổi tín hiệu ánh sáng thành tín hiệu điện tử, và lần thứ hai là khi ghi tín hiệu điện từ đó lên bằng từ. Cho dù máy có hiện đại đến đâu thì tín hiệu hình ảnh cũng bị suy giảm chất lượng ít nhiều. Khi đến máy thu, hình ảnh được tái tạo bằng cách tín hiệu video được ống phóng ra tia âm cực biến thành những chùm điện tử, rồi phóng những chùm điện tử tới bắn phá các nguyên tử phosphor trên bề mặt của đèn hình. Điều này một lần nữa làm suy giảm chất lượng hình ảnh thu được trên máy thu. Trong khi đó, hình ảnh của phim nhựa thu được bằng cách cho ánh sáng tác động trực tiếp lên các phân tử nhạy sáng trên phim ảnh. sau đó, những hình ảnh trên phim được chiếu lên màn ảnh bằng hai chùm sáng từ nguồn sáng của máy chiếu. Như vậy hình ảnh của điện ảnh không bị mã hoá lần nào nên chất lượng hình ảnh không bị suy giảm, hình ảnh thu được sẽ trung thực hơn so với hình ảnh video.

Khác biệt đáng kể thứ hai giữa phim nhựa và video là độ tương phản. Nếu như độ tương phản giữa khu vực sáng nhất và tối nhất của phim nhựa có thể đạt tỷ lệ100:1 thì trên hình ảnh video, tỷ lệ đó chỉ đạt 20:1 ở những điều kiện lý tưởng, thông thường chỉ đạt khoảng 15:1. Như vậy phim nhựa có khả năng chuyển tải một dải sắc độ lớn hơn rất nhiều so với hình ảnh video. Độ tương phản cao của hình ảnh cho phép phim nhựa tạo ra những khuôn hình có chiều sâu bối cảnh lớn. Do đó, phim nhựa có được những cảnh toàn và viễn vô cùng hoành tráng mà hình ảnh video không thể tạo ra. Sự vượt trội về khả năng tạo cảm giác không gian của điện ảnh là hơn tuyệt đối so với truyền hình.

Ngoài những hạn chế trên, hình ảnh video còn tối, mờ, không sắc nét, khó xác định ranh giới giữa sắc độ đỏ và da cam. không những thế mà nó còn phải đối phó với tình trạng “đuôi sao chổi” là những vệt sáng xuất hiện khi thể chuyển động trên màn ảnh. Tình trạng này càng trở nên tồi tệ khi vật thể chuyển động càng nhanh.

Không chỉ gặp phải những hạn chế và độ phân giải, độ tương phản của thiết bị thu – phát mà truyền hình còn phải đối phó với nhiều rào cản kỹ thuật khác. Việc sử dụng sóng điện từ để chuyền tài tín hiệu tạo ra cho truyền hình khả năng đến với lượng công chúng lớn, trên một không gian rộng, không phân biệt biên giới hành chính nhưng nó cũng tạo ra nhiều khó khăn. Sóng điện từ có thể bị nhiễu bởi nhiều nguyên nhân như: các nguồn phát sóng điện từ khác,tia lửa điện, điều kiện địa hình, điều kiện thời tiết… làm cho hình ảnh thu được ở máy thu không đẹp và ổn định,làm giảm chất lượng tác phẩm truyền hình. Điều kiện địa hình và thời tiết là một trở ngại khó vượt qua của truyền hình. Trong không gian, sóng điện từ truyền thẳng. Do bề mặt cong của trái đất,chúng ta chỉ thu được tín hiệu truyền hình trong một bán kính nhất định kể từ chân cột phát sóng. Ngoài khoảng cách giới hạn đó không thể thu được sóng truyền hình cho dù có tăng công suất máy phát lên đến bao nhiêu đi chăng nữa. Mặt khác sóng điện từ không vượt qua được các chướng ngại vật hoặc một phần tín hiệu bị trễ pha khi gặp phải vật cản, tạo ra những hình ảnh không sắc nét, hình ảnh có bóng trên màn hình máy thu. Do đó, điều kiện lý tưởng của ăngten thu là ở vị trí “nhìn thấy” cột ăngten của đài phát. Địa hình không bằng phẳng, đặc biệt là địa hình đồi núi là hạn chế rất khó vượt qua của truyền hình vô tuyến. Những vùng bị các dãy núi ngăn cách với cột ăngten phát sóng sẽ không thể thu được tín hiệu truyền hình,tạo nên các vũng lóm,vùng tối.

Như vậy, hình ảnh video của truyền hình kém hơn hình ảnh của điện ảnh về độ phân giải, độ tương phản. Ngoài ra, truyền thông truyền hình còn vấp phải rất nhiều rào cản do các yếu tố kỹ thuật, cơ học, xã hội, tự nhiên,… gây nên. Điều này khiến cho truyền hình không thể thừa hưởng nguyên vẹn ngôn ngữ hình ảnh của điện ảnh mà nó chỉ có thể trên cơ sở kế thừa hệ thống ngôn ngữ đó để xây dựng cho mình một hệ thống ngôn ngữ hình ảnh phù hợp với những đặc trưng kỹ thuật của mình.

5, Những điểm phim tài liệu truyền hình được kế thừa từ phim tài liệu điện ảnh

Truyền hình là phương tiện truyền thông đại chúng dùng hình ảnh động và âm thanh dể chuyển tải thông điệp tới người xem. Chính vì vậy mà ngay từ khi ra đời, truyền hình đã kế thừa được hệ thống ngôn ngữ của điện ảnh. Vì điện ảnh sử dụng hình ảnh động kết hợp với âm thanh. Những yếu tố này được kết cấu theo một phương pháp ghép nối gọi là montage. Truyền hình đã được thừa hưởng những vũ khí lợi hại nhất tạo nên sức mạnh của loại hình truyền thông đại chúng này từ điển ảnh yếu tố ngôn ngữ chính của điện ảnh và truyền hình là hình ảnh động. Đây cũng là yếu tố ngôn ngữ mà truyền hình được thừa hưởng nhiều nhất từ những thành quả của nghệ thuật điện ảnh. Trước hết là hệ thống cỡ cảnh. hệ thống cỡ cảnh trong truyền hình gồm:

-Viễn cảnh (extreme long shot – ELS)
-Toàn cảnh rộng (very long shot-VLS)
-Toàn cảnh (long shot – lịch sử)
-Trung toàn cảnh (medium long shot – MLS)
-Trung cảnh (medium shot – MS)
-Trung cận cảnh (medium close up – MCU)
-Cận cảnh (close up – **)
-Đại cận cảnh (big close up – BCU)
-Đặc tả (extrenme close up – ECU)
-Cảnh đôi (Two shot- TS)
-Qua vai (over shoulder shot-OSS)

Các cỡ cảnh quay chân dung:

Sau hệ thống cỡ cảnh là góc quay. Nếu như cảnh quyết định cho ta xem cái gì góc quay sẽ cho ta xem như thế nào. Những góc quay căn bản của truyền hình cũng được kế thừa từ điện ảnh. Đó là quay bình điện, quay nghiêng, quay chúc, quay hất… Cùng với góc quay là hệ thống động tác máyvới lia, zoom, zoom giật, travelling…

Không chỉ học được ở điện ảnh những biện pháp bố cục khuôn hình, truyền hình còn tiếp thu được nghệ thuật sử dụng ánh sáng của điện ảnh. Tuy nhiên, hiệu quả ánh sáng trên chất liệu bằng từ không tốt bằng phim nhựa, đồng thời yêu cầu về nghệ thuật của tác phẩm truyền hình không cao nên nhiều khi ánh sáng không được chú trọng lắm trong truyền hình.

Yếu tố ngôn ngữ thứ hai của truyền hình là âm thanh. Âm thanh trong truyền hình gồm lời nói, tiếng động và nhạc nền. Một lần nữa, truyền hình được thừa hưởng ở điện ảnh kỹ thuật xử lý âm thanh,đặc biệt là kỹ thuật xử lý và nghệ thuật sử dụng tiếng động và nhạc nền. Đây là hai yếu tố âm thanh đóng vai trò khá quan trọng trong tác phẩm tài liệu truyền hình. Tiếng động được dùng để phản ánh thiên hiên, cuộc sống góp phần làm tăng tính chân thực của sự kiện, hiện tượng trong phim. Nhạc là một phần không thể thiếu trong phim tài liệu truyền hình. Nhạc được sử dụng như một phương tiện biểu cảm, tạo không khí cho phim.

Chỉ có ngôn ngữ thôi thì chưa đủ, truyền hình tiếp tục vay mượn điện ảnh cả hệ thống ngữ pháp hình ảnh- thủ pháp montage. Montage có nhiệm vụ bố cục tác phẩm truyền hình thành những câu hình ảnh (những xen hình) và những trường đoạn. Montage tạo nên chỉnh thể cho tác phẩm truyền hình.

Như vậy, truyền hình khi ra đời đã được thừa hưởng hầu như toàn bộ những hệ thống ngôn ngữ hình ảnh và âm thanh từ điện ảnh. Truyền hình chỉ phải làm cái việc chọn lọc và cải biến hệ thống ngôn ngữ đó cho phù hợp với những đặc điểm loại hình của mình.

6, Các thể loại phim tài liệu truyền hình

Phim tài liệu truyền hình là một trong bốn loại hình của nghệ thuật điện ảnh mà nguyên tắc hàng đầu là loại bỏ sự hư cấu, chất liệu của nó là những hình ảnh quay người thực việc thực. Phim tài liệu truyền hình có thể chia làm ba nhóm: chân dung, phóng sự, chính luận và nhằm vào ba đối tượng là: con người, sự kiện, vấn đề. Cả ba nhóm thể loại này thường có sự giao thoa, hoà nhập và hỗ trợ lẫn nhau.

6.1, Phim tài liệu chân dung
Là thể loại phim trong các loại hình phim tài liệu khoa hoc, phim truyện. Đối tượng thể hiện chính là nhân vật có thực với đầy đủ số phận, tính cách trong cuộc đấu tranh giữa con người với thiên nhiên, với con người, với bản thân mình. Trong phim tài liệu chân dung, tác giả phải tôn trọng các sự kiện trong thời gian, không gian lịch sử, nhưng có quyền giới thiệu những nhân vật có thực ấy theo cách nhìn và cách hiểu của riêng mình; việc hư cấu các chi tiết hoặc sự kiện của nhân vật, đôi khi có sự khác biệt thậm chí ngược hẳn lại với quan niệm đương thời. Ở Việt Nam các hãng phim tài liệu và truyền hình đã làm nhiều phim chân dung về những nhân vật điển hình trong chiến đấu và sản xuất, đó là các phim tài liệu về những nhân vật thực như: Kim Đồng, Lý Tự Trọng, Lê Mã Lương, Thiếu tướng tình báo Vũ Ngọc Nhạ (Ông cố vấn),…. Các tác giả cố gắng qua chân dung một con người đã làm nổi lên những sự kiện lịch sử của các phong trào các thời đại.

6.2, Phim phóng sự tài liệu
Là thể loại phim thuộc loại phim thời sự – tài liệu dựa trên những hình ảnh ghi về người thực việc thực theo một đề tài xác định. Phim phóng sự tài liệu có thể hướng ống kính vào những đối tượng khác nhau và bố cục theo những cách thức khác nhau để làm nổi bật con người, sự kiện hay một vấn đề xã hội mang tính thời sự nhất. Qua lời bình, tác giả dẫn giải, phân tích, đánh giá, bình luận theo quan điểm, cảm nghĩ của riêng mình. Mặc dù có thể có khác biệt trong quan điểm tác giả, phim phóng sự tài liệu phải đảm bảo yếu tố chân thực, nhờ đó phim phóng sự có giá trị như một tư liệu lich sử. Như phim “Người lính lái xe tăng 390 ngày ấy”, “Đường về”,…

6.3, Phim thời sự
Là nhóm thể loại thuộc loại hình phim thời sự – tài liệu trong nghệ thuật điện ảnh, sử dụng chất liệu là người thực, việc thực (do đó có giá trị tư liệu lịch sử) được phát trên phương tiện truyền thông điện ảnh hay truyền thông truyền hình, thông tin cho đại chúng biết những sự việc xảy ra hàng ngày trong nước và thế giới. Phim thời sự thường xuất hiện ở dạng một chuỗi những mẩu tin ngắn tập hợp lại thành từng cuốn phim có độ dài trung bình 200m, phim cỡ 35mm hoặc cỡ khác có thời gian chiếu tương đương (phát hành theo định kỳ) hoặc những phim phóng sự có độ dài lớn hơn, phát hành định kỳ hay đột xuất. Ví dụ như: mittinh ngày 2/9/1945 tại vườn hoa Ba Đình, hoạt động của Hồ Chủ Tịch và phái đoàn ta tại Fôngtenơblô – Pháp, Bác Hồ từ Pháp về nước, các hoạt động của các đoàn đại biểu Đảng và Nhà nước ở nước ngoài: Pháp, Mỹ, Nga, các nước ASEAN,…

7, Các phương pháp khai thác chất liệu

7.1, Phương pháp trực tiếp
Đây là phương pháp ra đời sớm nhất, được sử dụng nhiều nhất trong tất cả các thể loại và các loại phim nói chung, kể cả phim tài liệu truyền hình, đảm bảo tính chân thực cao nhờ việc ghi lại những hình ảnh người thật, việc thật đang diễn ra trong cuộc sống.

Phương pháp để thực hiện nhất và có hiệu quả nhất, nhưng lại khó sử dụng trong các loại phim về đề tài lịch sử hoặc tái hiện quá khứ.

7.2, Phương pháp gián tiếp
Thông qua tĩnh vật (thư từ, nhật ký, ảnh chụp, hiện vật…) thường hay được sử dụng kết hợp với phương pháp trực tiếp; đặc biệt khi cần thể hiện những sự kiện hoặc vấn đề đã qua; quá khứ của nhân vật hoặc những người đã quá cố.

Các chi tiết, hiện vật, tĩnh vật… phải được cân nhắc, lựa chọn và sử dụng một cách hạn chế, tránh cảm giác thiếu chân thực hay lạm dụng, dẫn đến việc giảm bớt tính thuyết phục người xem.

7.3, Dựng các tư liệu cũ
Sử dụng tư liệu cũ từ nhiều nguồn khác nhau )gồm phim thời sự, tư liệu, ảnh chụp..) theo quan điểm riêng của tác giả, kết hợp với lời bình được viết lại, tạo nên một ý nghĩa hoàn toàn mới, ngược lại ý nghĩa ban đầu của tư liệu.

Càng khó hơn so với hai phương pháp trên và yêu cầu rất cao về thái độ chính trị, ý thức và lập trường tác giả. Đặc biệt tỏ ra thích hợp với thể tài liệu chính luận nói chung.

8, Các yếu tố trong kịch bản phim tài liệu truyền hình

8.1, Lời bình
Nhân tố quan trọng thứ hai trong phim tài liệu, chỉ đứng sau hình ảnh và có lúc còn vượt lên trên hình ảnh. Tuy nhiên, trong kịch bản, thì lời bình mới chỉ mang tính chất dự kiến, làm rõ những ý mà hình ảnh không nói được hết. Thường được hoà tan nhưng lại vô cùng cần thiết, nhất là trong việc đưa ra các chi tiết, số liệu xác thực cần phải có.

Diễn giải,làm sáng tỏ những vấn đề cần thiết, nhấn mạnh ý nghĩa của nó,và tránh sự hiểu lầm không đáng có, đặc biệt với những đề tài được coi là nhạy cảm, dễ bị suy diễn hay xuyên tạc.

Lời bình chỉ được biết sau khi phim đã dựng xong,và nhiều khi cũng lại do người khác viết, chứ không phải tác giả kịch bản hay đạo diễn, nhưng ngay trong kịch bản cũng phải tính đến điều này. Lời bình có thể được viết ở các dạng vô nhân xưng (mang tính tự sự), nhân danh tác giả, hoặc lời bình của chính nhân vật trong phim.

8.2. Đối thoại
Lời của các nhân vật (phát biểu, trả lời phỏng vấn, trao đổi với nhau…) và câu hỏi của tác giả trong những trường hợp cần thiết, nhưng lại có ý nghĩa quan trọng, không gì thay thế được vì tính xác thực, trực tiếp của nó, không thông qua trung gian là tác giả. Nhờ vậy, tiểu sử, tính cách, đặc điểm… nhân vật cũng rõ nét hơn và thường chỉ được dự kiến trong kịch bản, chứ không cụ thể hoá trong kịch bản phim truyện. Vì tại thời điểm viết kịch bản, tác giả không thể ghi được (hay thu được) lời nhân vật. Nên hạn chế sử dụng nhân vật nếu không sẽ dễ bị lẫn với các thể loại khác hoặc gây cảm giác nhàm chán cho người xem (phim nói).

8.3, Lời nói sau khuôn hình
Lời bình, lời của tác giả hoặc nhân vật không xuất hiện trên phim, với mục đích giới thiệu bối cảnh, không gian, thời gian, sự kiện con người… trong trường hợp các thủ pháp khác không đạt được hiệu quả như mong muốn. Ngoài ra, còn có tác dụng nhấn mạnh ý nghĩa của vấn đề hoặc sự mỉa mai, cay đắng… và độc thoại nội tâm nhân vật.
Cũng chỉ được viết và đưa vào sau khi phim đã dựng xong, nhưng vẫn cần được dự kiến một cách tương đối cụ thể trong kịch bản.

8.4, Phần phụ đề
Giới thiệu nhân vật, bối cảnh, không gian , thời gian, nguồn gốc, xuất xứ… của tư liệu trong các trường hợp cần thiết, nhằm đảm bảo tính chân thực, tránh sự hiểu lầm, suy diễn… Thường được sử dụng trong những phim có nhiều nhân vật và bối cảnh.
Tạo bước chuyển hoặc kết thúc và thay thế lời nhân vật, hoặc lời bình trong một số trường hợp nhất định. Thường là những dòng chữ ngắn gọn, đi cùng hình ảnh và chỉ được đưa vào sau khi phim đã hoàn thành.

8.5, Phần lời bạt (hoặc vĩ thanh)
Dùng để kết thúc trọn vẹn một vấn đề, thể hiện thái độ của tác giả tạo ra sự liên tưởng, làm rõ thêm những ý mà các biện pháp khác không thể hiện hết được.
Được biểu hiện qua hình thức màn chữ, lời nhân vật, lời tác giả hoặc lời bình.

9, Kết cấu và bố cục kịch bản phim tài liệu truyền hình

Định nghĩa: Kết cấu là sự hình thành và bố cục cho cân đối các nhân tố trong kịch bản và phim. Nó phản ánh nhận thức của người làm phim về các quy luật hiện thực khách quan được trình bày trong diễn biến của một tác phẩm cụ thể.

9.1. Quá trình kết cấu và bố cục
9.1.1. Mục đích
Làm rõ tư tưởng chủ đề tác phẩm, tạo nên tiết tấu và nhịp điệu của kịch bản và phim; phát huy tác dụng của việc lặp lại những chi tiết tương đồng hay đối lập, nêu bật ý nghĩa của vấn đề.
Cho thấy đặc điểm, tâm lý, tính cách của nhân vật, bản chất của sự việc, sự kiện hoặc vấn đề…
Tạo nên sự cân đối, hài hòa trong tác phẩm.

9.1.2, Yêu cầu
Vận dụng, kết hợp các yếu tố kỹ năng nghề nghiệp để tạo nên tác phẩm hoàn chỉnh; sử dụng một cách hợp lý số lượng và quan hệ giữa các nhân vật và sự kiện; quan hệ giữa các chi tiết, sự kiện bên trong và bên ngoài phần nội dung được trình bày trong kịch bản và phim.

Đảm bảo sự cân đối hợp lý giữa độ dài thời gian diễn biến câu chuyện, dung lượng và thời lượng của phim.

9.2, Các nhân tố trong kết cấu
9.2.1, Phần mở đầu
Còn gọi là phần giao đãi hay giới thiệu phải trả lời các câu hỏi: Ai? (nhân vật ấy là ai,lứa tuổi, giới tính, tiểu sử, nghề nghiệp..) Cái gì? (Sự kiện, sự việc chủ yếu trong kịch bản và phim) Ở đâu? (vị trí, địa điểm, vùng miền, quốc gia…) Bao giờ? (thời gian, thời điểm, thời kỳ lịch sử ..) Như thế nào? (nguyên nhân, diễn biến phát triển của câu chuyện, sự việc, sự kiện…)

Thường hết sức gắn gọn, tránh dài dòng, tai nạn, dẫn đến những việc khó thu hút sự chú ý của người xem.

9.2.2, Phần thắt nút
Có nhiệm vụ rất quan trọng, là tạo ra cái cớ, hay lý do cho hành động của các nhân vật. Ở phần này, trạng thái “tĩnh” giữa các nhân vật, sự kiện và sự việc bị phá vỡ; chuyển sang thế “động”. Nhân vật sẽ buộc phải hành động theo hướng mà cái thắt nút thắt lại, và nút thắt theo hướng nào, thì hành động của nhân vật đi theo hướng đấy.

Phần thắt nút không nên ( và cũng không thể kéo dài, vì nếu như vậy, nhân vật sẽ chưa thể hành động được ngày, gây cảm giác “giậm chân tại chỗ” khiến cho câu chuyện không thể phát triển được.

9.2.3, Phần phát triển và mở rộng
Mọi va chạm, mâu thuẫn xung đột… đều được lần lượt triển khai thông qua hành động và mối quan hệ giữa các nhân vật với các sự kiện, sự kiện và tình huống cụ thể, trong đó phương thức hành động đóng vai trò quyết định trong việc thể hiện tâm lý, tính cách, mục đích hành vi của nhân vật. Qua từng bước phát triển, sự va chạm, đụng độ giữa các nhân vật dẫn đến những quan hệ và xung đột mới, cốt chuyện nhờ vậy cũng được mở ra theo chiều rộng và bề sâu.

Đối với một số thể phim tài liệu, không nhất thiết phải có xung đột mâu thuẫn cũng như cốt truyện, nhưng dù sao vấn đề này cũng rất quan trọng và qua đó, cho thấy tài năng sáng tạo của người nghệ sỹ, trình độ tay nghề và bản lĩnh của anh ta. Thông thường, đây là trường đoạn dài nhất và quan trọng nhất trong kịch bản nhiệm vụ và phim tài liệu.

9.2.4, Phần đỉnh điểm (cao trào)
Ở phần này mọi mâu thuẫn và xung đột đều được đẩy lên mức độ rất cao, dẫn đến tình trạng “tức nước vỡ bờ”, đòi hỏi tác giả nhanh chóng tìm cách mở nút, kết thúc vấn đề.

Lưu ý phân biệt phần đỉnh điểm này với những “cao trào” trong từng trường đoạn, sau đó được giải quyết ngay để lại bước sang một mâu thuẫn mới. Đây cũng là phần chứa đựng được mâu thuẫn chính, chiếm vị trí trung tâm trong tác phẩm.

9.2.5, Phần mở nút (kết thúc vấn đề)
Có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tạo nên sự thành công của tác phẩm. Cho thấy một cách trọn vẹn tư tưởng chủ đề, những ý nghĩa, bài học rút ra từ tác phẩm,thái độ của tác giả.

Có thể kết thúc một cách bất ngờ, trọn vẹn hay kết “lửng”; sử dụng lời bạt hay vĩ thanh… nhưng không được kéo dài, tránh gây sự nhàm chán hay cảm giác giáo huấn vụng về đối với người xem.

9.3, Bố cục
9.3.1, Cảnh quay (cadre)
Đơn vị cơ bản, quan trọng nhất trong kịch bản và phim, là một cú bấm máy liên tục tại một bối cảnh hay ngoại nhưng máy quay không thay đổi vị trí. Phân biệt với cảnh (Plan) – để nói về cỡ cảnh và khuôn hình.
Cảnh quay có thể bao hàm một nội dung trọn vẹn hoặc không, tạo nên đoạn và trường đoạn.

9.3.2, Đoạn (sèene)
Gồm một hay nhiều cảnh quan hợp thành, chứa đựng một nội dung nhất định và bộ phận của câu chuyện, sự kiện hay vấn đề.
Có thể diễn ra tại một bối cảnh nội hay ngoại, hoặc nội kết hợp ngoại, có sự chuyển dịch, thay đổi vị trí máy quay với những góc độ và động tác khác nhau, và tuân theo ý đồ sáng tạo nhất định.

9.3.3, Trường đoạn (épisode)
Gồm một hay nhiều đoạn liên kết với nhau bởi đề tài, vấn đề và tư tưởng chủ đề chung của kịch bản và phim.

Là một phần trọn vẹn, có ý nghĩa hoàn cảnh chỉnh và độc lập trong kịch bản và phim, có chức năng phát triển đề tài chung và tư tưởng chủ đạo, bao trùm của tác phẩm.
So với kịch bản phim truyện, thì cảnh quay, đoạn và trường đoạn trong kịch bản và phim tài liệu thường ngắn hơn do đặc thù của thể loại, nhưng số lượng cảnh quay lại rất nhiều, trong khi số đoạn và trường đoạn thường hạn chế do dung lượng và thời gian của phim có hạn.

9.4, Hình thức kết cấu.

9.4.1, Kết cấu theo dòng chảy thời gian và sự kiện
Hình thức phổ biến, quen thuộc nhất, hay được sử dụng nhất trong tất cả các loại phim tài liệu nói chung, vì dễ thực hiện và dễ đi sâu vào việc miêu tả, phân tích các sự việc, sự kiện và bản chất của vấn đề.

Vai trò tác giả không lộ rõ, nhờ vậy tính khách quan được đảm bảo cao hơn và người xem cũng dễ theo dõi tác phẩm hơn.

9.4.2, Câu chuyện được kể lại bằng hình ảnh (hồi tưởng).
Thường được sử dụng trong các loại phim tài liệu chân dung,sự kiện hoặc vấn đề, trong đó nguyên cớ dẫn đến nội dung cần thể hiện đóng vai trò quan trọng.

Phá vỡ dòng chảy thời gian và sự kiện, nhờ vậy tính kịch được tăng thêm và ý nghĩa vấn đề có thể trở lên sâu sắc hơn,nhưng nếu không cẩn thận sẽ dễ làm cho câu chuyện bị rối, trở lên khó hiểu,nhất là trong những phim có nhiều nhân vật, với những hồi ức khác nhau.

9.4.3, Dùng người kể chuyện hoặc dẫn chuyện.
Ít được sử dụng so với hai hình thức trên, nhưng nếu sử dụng tốt thì sẽ tạo nên được hiệu quả rất mạnh và sâu. Người dẫn chuyện có thể là nhân vật trong phim hoặc chính bản thân tác giả, đóng vai trò dẫn dắt, xuyên suốt toàn bộ nội dung tác phẩm, nhưng khác hẳn phim tài liệu chân dung, người dẫn chuyện không phải là nhân vật chính, với những nét độc đáo, tiêu biểu, điển hình mà chỉ tập hợp, tổ chức xâu chuỗi các sự kiện với nhau, theo quan điểm sáng tạo của tác giả.

9.4.4, Dựng lại tư liệu cũ theo luận đề mới.
Càng ít được sử dụng hơn so với các hình thức kết cấu trên. Bộc lộ rõ bản lĩnh, tư tưởng, lập trường tác gỉa, tài năng và tay nghề.

Đặc biệt thích hợp với các thể phim tài liệu chính luận (chủ nghĩa phát xít thông thường, phản bội, cuộc chiến tranh Việt Nam – những hình ảnh chưa được công bố)

9.5, Các biện pháp gây cao trào hoặc nhấn mạnh.
-Dùng điệp khúc (Sự lặp lại) để nhấn mạnh nét chủ đạo và ý nghĩa của vấn đề.
-Dùng trường đoạn trước gây cao trào cho trường đoạn sau.
-Thay đổi tiết tấu, nhịp điệu trong phạm vi trường đoạn.
-Sử dụng hành động song song trong trường đoạn.

Lưu ý
Cũng giống như trong bất kỳ một tác phẩm văn chương hay phim truyện nào, kịch bản và phim tài liệu truyền hình cũng phải có đầy đủ yếu tố, gồm giới thiệu, thắt nút, phát triển, cao trào và mở nút Nhưng việc sắp xếp, bố cục kịch bản và phim lại không nhất thiết phải tuân theo trình tự này mà phụ thuộc hoàn toàn vào ý đồ sáng tạo của tác giả.

Do nhiệm vụ của từng trường đoạn khác nhau, nên độ dài ngắn cũng khác nhau, và do đặc thù của phim tài liệu khác với phim truyện nêu trên thực tế mỗi kịch bản hay bộ phim tài liệu không nhất thiết phải hộ đủ 5 trường đoạn mà vẫn có thể ít hơn hoặc nhiều hơn, nhưng trong phạm vi từng trường đoạn, lại hải có đủ 5 yếu tố trong kết cấu.

10, Lời bình

10.1, Vị trí, vai trò của lời bình
10.1.1, Nhân tố quan trọng, không thể thiếu

Đối với phim tài liệu, lời bình có vị trí vô cùng quan trọng, chỉ đứng sau phần hình ảnh. Trong một số trường hợp cụ thể còn thay thế hoặc vượt lên trên hình ảnh, làm rõ tư tưởng chủ đề của bộ phim hoặc những ý mà hình ảnh không nêu được hết. Đưa ra các số liệu, dữ liêu, sự việc…

Góp phần phát hiện bản chất có ý nghĩa triết học của hiện tượng và sự kiện; nhấn mạnh ý nghĩa xã hội của vấn đề… qua việc kết hợp với các thủ pháp văn học như điệp từ, so sánh, đối chiếu, hô ứng… làm bật ra những ý nghĩa cần nêu.

Là sự kết hợp hài hoà giữa hình thức và nội dung, phong cách và thể loại ngôn ngữ văn chương và báo chí, tạo nên hiệu quả nghệ thuật cho phim, đồng thời khắc phục,sửa chữa những sai sót khiếm khuyết (nếu có) từ các khâu khác.

Có giá trị tương đối độc lập so với kịch bản và phim. Dùng để chuyển cảnh xâu chuỗi, gắn kết các nhân vật, sự việc, sự kiện.. tạo ra mạch chuyện và câu chuyện; Thể hiện thái độ lập trường tác giả.

10.1.2, Khuynh hướng
- Sử dụng lời bình một cách hạn chế, có chừng mực nhờ việc khai thác tối đa hiệu quả của hình ảnh; nâng thêm một nấc mới. Thích hợp với những bộ phim giàu chất liệu tạo hình và tư liệu.

- Sử dụng lời bình như một phương tiện biểu hiện chủ yếu của phim, nhất là trong những trường hợp phim bị thiếu hụt hình ảnh hoặc tư liệu vì một lý do nào đó (nói về người quá cố; vì lý do tế nhị hoặc khó khăn’ không ghi được hình.. Dễ biến thành “phim nói”do ít chất “xi nê ma”.
- Hoàn toàn không sử dụng lời bình chỉ dùng rất ít, kết hợp với đối thoại hoặc độc thoại của nhân vật: xu hướng làm phim hiện đại, đòi hỏi thiết bị đồng bộ; tuy nhiên, dễ gây ra sự mù mờ khó hiểu hay ngược lại nhàm chán cho khán giả.

10.2, Quá trình viết lời bình.

10.2.1, Tiếp cận tìm hiểu bộ phim

- Bước mở đầu rất quan trọng, đặc biệt trong trường hợp biên kịch và đạo diễn không tự viết lời bình. Sự trao đổi, thống nhất về mặt nội dung và hình thức của lời bình. Điều chỉnh, sửa chữa chi tiết và hình ảnh, nếu cần tìm hiểu số liệu, sự kiện sự việc.. liên quan đến nội dung của lời bình và phim..

- Xem băng dựng, tính toán thời lượng, nội dung từng đoạn và trường đoạn, lên phương án và nội dung lời bình tương ứng. Xác định số liệu,dữ kiện sẽ đưa vào lời bình, phong cách, giọng điệu, biện pháp tu từ học….

10.2.2, Thực hiện
- Viết, trên cơ sở những nội dung và vấn đề đã được xác định,sử dụng các thủ pháp, phương pháp phù hợp. Huy động đến mức tối đa tài năng, vốn sống và kiến thức nói chung; bổ sung những gì còn thiếu hụt.

- So sánh, đối chiếu, đọc thử, sửa chữa, gọt giũa cho phù hợp với nội dung phim, thêm vào hoặc cắt bớt.

Kiểm tra soát lại nhằm tránh nhầm lẫn, thừa thiếu, hoặc những câu chữ dễ gây hiểu lầm; thay thế những từ ngữ quá đặc thù bằng những từ ngữ phù hợp, tránh gây khó khăn cho người đọc lời bình.

10.3, Hình thức lời bình

10.3.1, Nhân danh tác giả, nói thẳng với người xem
Hình thức hay được sử dụng, gần gũi với ngôn ngữ báo chí, dễ tác động mạnh tới nhận thức của người xem.

10.3.2, Hình thức “vô nhân xưng”
Ít nhiều mang tính “tự sự” tạo nên cảm giác khách quan, chân thực. Được sử dụng trong tất cả các thể và các loại phim tài liệu nói chung.

10.3.3, Lời nhân vật
Nhân danh nhân vật, trình bày suy nghĩ, tình cảm, nhận thức của tác giả đối với sự việc, sự kiện. Khó viết hơn,nhưng nếu khéo sử dụng, sẽ đạt hiệu quả rất sâu.

11, Phong cách

11.1, Phim tài liệu chân dung
Xác định rõ đối tượng, nhân thân với những tính cách điển hình để từ đó có lời lẽ, giọng điệu cho phù hợp; chú ý sự khác biệt của từng loại nhân vật trong các bộ phim khác nhau

11.2, Phim tài liệu chính luận
Lời lẽ thường rút gọn, đanh thép và chính xác. Tránh những câu chữ sáo mòn, hoa mỹ nhưng trống rỗng; những từ ngữ dễ gây hiểu lầm, nước đôi…
Chú trọng khai thác chất thơ, sử dụng nhiều ẩn dụ, tượng trưng, ước lệ. Tác động tới người xem thông qua nhận thức thẩm mỹ của họ.

KẾT LUẬN

Phim tài liệu là thể loại ra đời sớm nhất trong hệ thống thể loại của cả điện ảnh và truyền hình. Phim tài liệu ra đời do nhu cầu ghi nhận hiện thực cuộc sống xung quanh mình bằng những hình ảnh về con người, sự việc, sự kiện có thực trong quá trình phát triển, phim tài liệu ngày càng chứng tỏ được sức mạnh của nó và trở thành một thể loại không thể thiếu trong đời sống điện ảnh và truyền hình hiện đại. Nhận thấy những khả năng to lớn của phim tài liệu trong việc định hướng dư luận xã hội, truyền hình đã tiếp nhận thể loại này vào hệ thống thể loại của mình.

Sự xuất hiện của phim tài liệu truyền hình là sự hợp tác hai chiều. Nếu như truyền hình tìm thấy khả năng to lớn của phim tài liệu trong việc định hướng dư luận xã hội; thì những nhà làm phim tài liệu tìm thấy ở truyền hình những điều kiện đảm bảo cho phim tài liệu phát huy được khả năng của mình. Phim tài liệu sử dụng trên truyền hình đã phát huy cao độ khả năng giáo dục thẩm mỹ, khả năng định hướng các giá trị thẩm mỹ và những giá trị nhân văn cho công chúng.

Vì ra đời sau nên phim tài liệu truyền hình được thừa hưởng rất nhiều từ thể loại phim tài liệu của điện ảnh. Nó thừa hưởng gần như toàn bộ hệ thống ngôn ngữ hình ảnh và âm thanh cùng với thủ pháp Montage của điện ảnh. Tuy nhiên, do những đặc trưng loại hình khác nhau mà hệ thống ngôn ngữ đó ở phim tài liệu truyền hình có điểm khác so với phim tài liệu điện ảnh. Những điểm khác đó là cỡ cảnh thích hợp với từng loại hình, kết cấu, độ dư thông tin, tính thời sự của đề tài. Do vậy, những người làm phim khi xây dựng tác phẩm tài liệu truyền hình cần chú ý tới những điểm khác biệt này để có thể cho ra đời những bộ phim truyền hình có giá trị.






















Những lưu ý khi viết tin, bài về chuyên đề, chuyên mục

Trong mỗi cơ quan báo chí, phóng viên chuyên mục cần am hiểu sâu về ngành, lĩnh vực mà anh ta theo dõi. Phóng viên này cần biết rõ các thông tin cơ bản của ngành, lĩnh vực đó, có thể tiếp cận với những nhân vật quan trọng trong lĩnh vực mà mình phụ trách, viết được những bài báo hay, súc tích, chính xác và có thể cạnh tranh với những phóng viên khác. Tuy nhiên để có những tin, bài về chuyên đề chuyên mục cần lưu ý một số điểm sau:
Quá trình chuẩn bị

Khi đưa tin, bài về một chuyên mục cũng đòi hỏi sự chuẩn bị giống như khi phỏng vấn hay đến một cuộc họp báo, vì thế cần đọc tất cả những tư liệu liên quan đến lĩnh vực đó, bao gồm tư liệu của chính bạn và những bài báo của những phóng viên lâu năm trong tờ báo của bạn. Hãy đọc cả những bài báo của những tờ báo cạnh tranh với báo của bạn, hay các tạp chí và sách về lĩnh vực đó.

Liên hệ với các nguồn

Hãy tìm ra những nhân vật quan trọng – không chỉ các vị bộ trưởng và giám đốc công ty mà cả những nhân viên và các thư ký nữa.

Hãy gặp và liên lạc với họ thường xuyên, một số người nên gặp đều đặc hàng tuần. Phần lớn các phóng viên tìm ra những nguồn tin tốt nhất cho các bài báo của họ là từ những người làm trong lĩnh vực mà họ theo dõi.

Trước tiên, hãy cố gắng có được một cuộc gặp gỡ để làm quen với những nhân vật quan trọng trong lĩnh vực bạn theo dõi, lý tưởng nhất là có những cuộc gặp này trong vòng 2 hay 3 tuần đầu tiên. Cần phải hiểu rằng những cuộc gặp như vậy có lợi cho cả họ và bạn - Bạn đang cố gắng tìm hiểu các nguồn tin của bạn, nhưng hãy nhớ rằng họ cũng cần phải biết rõ về bạn nữa. Một khi đã có các nguồn tin, hãy nhớ dành thời gian để gọi điện hay gặp mỗi tuần 4 hay 5 người quan trọng nhất trong dạnh sách các nguồn quan trọng trong lĩnh vực mà bạn theo dõi.

Tìm và nghiên cứu tài liệu

Phải coi việc theo dõi tất cả các báo cáo, ngân quỹ, kế hoạch làm việc và các thông cáo báo chí được đưa ra trong lĩnh vực mà bạn phụ trách như là trách nhiệm của bạn. Phải chắc chắc rằng bạn có thể tiếp cận những tài liệu đó, hãy đọc chúng thật kỹ để tìm kiếm các ý tưởng viết bài.

Hãy luôn tự đặt những câu hỏi sau đây về những bài báo thuộc chuyên mục của bạn: - Ai sẽ có lợi và ai sẽ bị hại?
         - Điều đó quan trọng như thế nào?
         - Ai sẽ ủng hộ tin, bài đó? Và ai sẽ phản đối?
         - Điều đó có giá trị như thế nào?

Hãy theo dõi lịch làm việc và hình thành các hồ sơ lưu

Hãy theo dõi lịch và kế hoạch làm việc của các cơ quan, đơn vị thuộc chuyên mục của bạn bằng cách dùng 1 cuốn lịch treo tường, trên đó ghi chi tiết tất cả các cuộc họp của họ. Hãy thường xuyên xem lịch để đảm bảo rằng bạn không bỏ lỡ bất cứ hoạt động nào. Hãy tìm cách để có được một danh sách cập nhật tất cả các tên, địa chỉ, điện thoại nơi làm việc, điện thoại nhà riêng của tất cả những người quan trọng, tất cả các thành viên của các cấp uỷ ban, cơ quan chính phủ. Hãy tìm cách để đưa tên mình vào danh sách những người sẽ nhận được các bản tin, báo cáo và giấy mời họp.

Những tài liệu tốt là phương tiện trợ giúp tốt nhất mà mỗi phóng viên chuyên mục có thể có được. Hãy sắp xếp các tài liệu đó theo các chủ đề và luôn ghi giữ những tài liệu quan trọng để có thể dùng thường xuyên.

Hãy đọc những bài báo của các tờ báo cạnh tranh

Khi đọc chúng có thế sẽ tìm thấy một câu chuyện hay trong đó. Hãy xem xét các bài báo của họ và so sánh chúng với những bài báo của bạn. Hãy tự hỏi liệu mình có thể làm tốt hơn không?

Viết cho độc giả chứ không viết cho các nguồn

Hãy đặt mình vào trường hợp của độc giả để đưa ra những câu hỏi khi đọc bất cứ bài báo nào:
- Tại sao?
- Tôi phải trả bao nhiêu tiền?
- Tôi sẽ được thông tin gì từ tin, bài đó?

Hãy luôn nhớ

Trách nhiệm của bạn là theo dõi tất cả những gì diễn ra trong lĩnh vực mà bạn theo dõi. Đừng để lỡ bất kỳ sự kiện nào./.

Kỹ thuật viết sapô

Sapô phải "đội mũ cho bài báo mà không che khuất nó". Nếu một vài dòng của sapô đã đủ cho độc giả không có nhiều thời gian thì mục đích của nó không phải là nói với người đó rằng các phần còn lại của bài báo không có gì đáng quan tâm cả. Trái lại, nó phải làm người ta muốn đọc và muốn biết thêm chi tiết.

1. Chức năng của sapô

Hoàn thiện tít, bằng cách nói rõ chủ đề bài báo và góc độ mà bạn lựa chọn xử lý. Giúp độc giả hình dung bài báo sẽ nói gì.

Tóm tắt thông tin, bằng cách đưa ra thông tin chủ yếu nếu cần phải dừng lại ở đó.
Giải thích bài báo, bằng cách chỉ ra tại sao tác giả chọn viết về sự kiện hay hiện tượng này. Ở đây cần vận dụng Luật xa gần để giúp độc giả hiểu rằng bài báo có thể liên quan đến họ và họ sẽ được lợi khi đọc nó.

Nêu rõ hoàn cảnh, đặc biệt với thể loại phỏng vấn, điều tra dài kỳ, bài viết về sự việc thời sự đã qua. Đối với một bài viết nhiều kỳ, sapô gợi lại những kỳ trước. Với phỏng vấn, nó giới thiệu vắn tắt người đựoc phỏng vấn và gợi vấn đề mà người đó đề cập đến.

Thông báo bố cục. Đây là một cách phát triển thông điệp cốt lõi của bài báo mà trong tít đã nhắc đến. Rất cần thiết với những độc giả đọc nhanh, bởi cách này rõ ràng.

Mời đọc: việc lựa chọn từ ngữ và cấu trúc câu rất quan trọng trong sapô. Nếu khô khan quá sẽ khiến độc giả nản lòng.

Sapô là một yếu tố đập vào mắt độc giả, nằm giữa tít và bài báo, quan trọng trong việc trình bày trang. Dùng cỡ chữ khác và to hơn chữ trong bài báo, để cân bằng phần chữ, phần trắng và phần minh hoạ một trang báo.

2. Phân loại sapô

Sapô có tính thông tin hay khơi gợi hoặc chứa đựng ít nhiều cả hai yêu tố, giống như tít. Có 2 loại sapô:

(1) Sapô có tính thông tin trả lời một cách đầy đủ nhất có thể cho các câu hỏi tham khảo, nhắc lại góc độ của bài báo bằng cách làm rõ nó. Đó là sapô vua đối với các nhật báo, báo ra định kỳ, báo của các cơ quan thể chế hoặc doanh nghiệp. Đây là loại sapô giản dị, trung lập và nghiêm túc.

(2) Với Sapô có tính khơi gợi, các sự việc đôi khi được coi là đã được biết đến. Sapô ở đây đưa ra ý tưởng chung của bài báo, góc độ và giọng điệu của bài báo. Thích hợp với thể loại phóng sự, chân dung, một số thể loại phỏng vấn và bài tổng hợp viết cho các tạp chí.

3. Lúc nào cần viết sapô và độ dài thế nào?

Nhất thiết phải viết sapô khi bài báo đủ dài (hai trang hoặc thậm chí ngắn hơn). Độ dài của sapô phụ thuộc độ dài của bài báo. Một số phóng viên có thói quen viết sapô trước khi viết bài, điều này giúp họ xác định rõ góc độ xử lý hoặc đặt mình trong cùng một tông giọng với bài viết. Một số khác viết sapô sau, nhất là khi phụ thuộc vào vị trí của bài trên makét. Đôi khi sapô do một người khác viết. Cẩn thận với những sapô giả (không được viết) mà thật ra là phần đầu của bài báo được trình bày khác đi với kỹ thuật đồ hoạ.
Tin hội nghị hay, dở là ở mình

Nhiều nguyên nhân được đưa ra để lý giải. Nào là có quá nhiều hội nghị mà hội nghị nào cũng chỉ có nói suông, trong khi thực tiễn cuộc sống thì có quá nhiều điều cần nói; hội nghị chủ yếu chỉ để phục vụ lãnh đạo, giới thiệu tên tuổi, chức danh; đưa hình ảnh lãnh đạo để nâng tầm quan trọng của hội nghị, trong khi nội dung thông tin mà công chúng cần thì lại mờ nhạt, thậm chí có người còn cho rằng chẳng có thông tin gì.
Tin hội nghị hay, dở là ở mình

Tin hội nghị hay, dở là ở mình

Hình ảnh (truyền hình) thì đơn điệu chỉ toàn là “ngồi” hết ông này tới hình bà nọ… Những lý giải đó là một thực tế và thực tế đó đã diễn ra từ nhiều năm nay, đối với hầu hết báo chí địa phương trong đó có truyền hình. Tuy nhiên cũng cần phải mạnh dạn nhìn nhận rằng những hạn chế đó phần lớn là do chủ quan của người đưa tin, chứ không phải là do khách quan của sự kiện.

Cần phải xác định rằng hội nghị là một sự kiện trong hàng ngàn những sự kiện xảy ra trong cuộc sống thường nhật, mà đã là sự kiện thì bao giờ cũng chứa đựng trong nó những chi tiết. Lỗi chủ quan mà lâu nay các nhà báo chúng ta thường mắc phải đó là sự thiếu quan tâm đến chi tiết của hội nghị. Vì thiếu quan tâm mà hầu như các nhà báo thường không theo dõi toàn bộ diễn biến, không phát hiện những chi tiết đắt nảy sinh trong quá trình diễn ra hội nghị, từ đó nội dung thông tin hội nghị truyền tải đến công chúng thường đơn điệu, nghèo nàn, hình thức thể hiện rập khuôn cùng một kiểu; mở đầu là thời gian, địa điểm diễn ra hội nghị, giới thiệu lãnh đạo, đại biếu tới dự, tiếp theo là phần liệt kê một số nội dung chính của hội nghị rồi kết thúc tin. Cách thể hiện tin như vậy là không sai nhưng rõ ràng là không hay, không hấp dẫn vì mục đích thông tin chỉ mới dừng lại ở dạng thông báo và cấp độ thông tin của nó cũng chỉ để biết mà thôi.

Để tin hội nghị thực sự bổ ích, hấp dẫn, được công chúng đón nhận, điều này không khó và thành công của nó hoàn toàn phụ thuộc vào sự khắt khe của chính chúng ta. Xin được mạn đàm cùng bạn đồng nghiệp một số điều sau đây:

Những yêu cầu bắt buộc

      Một là: Bạn phải hiểu được nội dung, mục đích của hội nghị; xác định bước đầu tầm quan trọng của hội nghị; định hình trước những công việc mà bạn sẽ phải làm.
      Hai là: Đọc kỹ báo cáo; và bằng tư duy báo chí bạn hãy phát hiện những nội dung quan trọng hoặc những chi tiết đắt được thể hiện trong báo cáo.
       Ba là: Phải chịu khó theo dõi toàn bộ diễn biến của hội nghị. Nghe toàn bộ những ý kiến của hội nghị để từ đó bạn chọn lọc những thông tin có giá trị phục vụ cho việc đưa tin của bạn.
       Bốn là: Mở rộng thông tin để làm sáng tỏ chi tiết đắt mà bạn đã lựa chọn. Những thông tin mở rộng đó có thể là nguồn tư liệu mà bạn đã tích luỹ từ lao động quá khứ, có thể là bằng những ý kiến của các tuyến nhân vật liên quan với sự kiện; hoặc có thể kết hợp cả hai tuỳ theo cấp độ thông tin mà bạn thực hiện.
      Năm là: Thông tin mở rộng mà bạn chọn cần phải hướng đến đại chúng hoặc chí ít cũng phải là một bộ phận lớn công chúng. Nên nhớ rằng thông tin trên báo chí không phải là thông tin phục vụ cho cá nhân lãnh đạo hay chỉ phục vụ cho một nhóm người nào;
       Sáu là: Bạn phải luôn luôn sáng tạo trong hình thức thể hiện và tuỳ theo mức độ quan trọng của hội nghị mà bạn xác định cụ thể cấp độ thông tin bạn phải thực hiện.

Sáu điều trên đây theo tôi điều nào cũng quan trọng, trong đó hình thức thể hiện là yếu tố quyết định để làm nên sự hấp dẫn đối với công chúng.

Chi tiết đắt (Chi tiết có vấn đề)

Chi tiết đắt trong sự kiện chính là những chi tiết có vấn đề mà bạn cần phải mở rộng làm rõ. Thực tế, ít có sự kiện nào mà trong nó không chứa đựng những chi tiết đắt. Đây chính là yếu tố quyết định để nâng tính hấp dẫn của tin. Vấn đề ở chỗ bạn có phát hiện được nó hay không và khi phát hiện ra thì nghệ thuật xử lý của bạn như thế nào.

Ví dụ: Tin hội nghị sơ kết Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nếu bạn viết:
       Sáng nay, 15/10., tại Hội trường …, Tỉnh uỷ đã tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đến dự có các đồng chí …., Uỷ viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, đồng chí …. – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí … – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, đ/c… và lãnh đạo các huyện, thị, thành cùng các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh. Báo cáo tại hội nghị nêu rõ sau 3 năm thực hiện Cuộc vận động, hầu hết các địa phương và các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị đã xây dựng chương trình hành động của đơn vị. Đặc biệt, ý thức tiết kiệm, chống lãng phí và tinh thần trách nhiệm thông qua Cuộc vận động đã được nâng cao. Nhiều địa phương đã biết gắn Cuộc vận động với việc cải cách thủ tục hành chính, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo. Một số phong trào cũng đã được xây dựng trên cơ sở lấy đạo đức Hồ Chí Minh làm gốc… ngoài những kết quả đạt được, nhiều ý kiến tại hội nghị cũng đã chỉ ra những vấn đề còn hạn chế, trong đó điều mà các đại biếu quan tâm là một số nơi thực hiện Cuộc vận động còn mang nặng tính hình thức, nói nhưng chưa làm, chưa xây dựng được chương trình cụ thể, phù hợp với tính chất và đặc thù hoạt động; có nơi thì xây dựng chương trình còn chung chung, thiếu tính thực tiễn.

Trên cơ sở những kết quả đạt được cũng như những vấn đề còn tồn tại, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ …. đã định hướng nhiều biện pháp tích cực, chỉ đạo các địa phương, các cơ quan, đơn vị sớm triển khai giai đoạn hai của Cuộc vận động là làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và khẳng định đây sẽ là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng hoạt động cũng như phong trào thi đua của từng địa phương, từng cơ quan, đơn vị trong thời gian tới.

Trước hết xin nói ngay rằng viết như thế thì bạn đã thông tin không đúng tầm của sự kiện, thiếu rõ ràng trong việc xác định đối tượng tiếp nhận thông tin. Theo tôi, với tính chất quan trọng của hội nghị này bạn nên viết theo dạng tin sâu, chú ý khai thác mở rộng ba chi tiết đắt đó là: vấn đề tiết kiệm, chống lãng phí; vấn đề về cải cách thủ tục hành chính, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo; và vấn đề về bệnh hình thức. Dựa theo tính đại chúng của báo chí mà bạn xác định mức độ quan trọng của các chi tiết để trên cơ sở đó bạn có cách xử lý và thể hiện phù hợp. Có thể khẳng định rằng, đối với sự kiện này, chi tiết quan trọng đầu tiên chính là vấn đề cải cách thủ tục hành chính, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo; chi tiết quan trọng thứ hai là vấn đề tiết kiệm,chống lãng phí và chi tiết quan trọng thứ ba là bệnh hình thức. Tuỳ theo thời gian thực hiện, tuỳ theo nguồn tư liệu hiện có mà bạn mở rộng thông tin, hoặc bạn chỉ mở rộng chi tiết quan trọng nhất mà thôi.

Không một hội nghị nào mà không bắt nguồn từ thực tiễn và cũng không có hội nghị nào mà không để giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra, vì vậy việc thể hiện tin hội nghị có thực sự hay,có thực sự hấp dẫn hay không chính là ở năng lực, sự tôn trọng nghề nghiệp và lòng tâm huyết, cầu tiến của bạn chứ không phải là do hội nghị khô khan, thiếu hấp dẫn như các bạn thường nói.

Nguồn tin: http://thoisuttv.wordpress.com

Làm thế nào để có một bài viết tốt ?

Như chúng tôi đã giới thiệu ở bài viết trước, trong bài viết này chúng tôi sẽ giới thiệu với bạn đọc những thủ thuật để có một bài viết hiệu quả.

A. Chọn chủ đề:

- Có nhiều bạn băn khoăn về việc chọn chủ đề để viết: Mình viết cái này có được không? Có ảnh hưởng tới ai không? Chủ đề này có đơn giản quá không? Có trùng hợp với người khác không? v.v..
- Ngồi ở nhà suy nghĩ về những việc ấy là một điều rất không cần thiết:
+ Bạn có thể viết về những sự việc, hiện tượng, con người... nổi bật, “không bình thường”, đáng quan tâm, có ý nghĩa ngay xung quanh bạn, trong những sự việc bình thường hàng ngày. Bạn sẽ nhận ra chúng nếu bạn để ý những quá trình diễn biến bình thường.
+ Đừng lo trùng lặp. Cho dù các bạn đang đứng ở cùng một thời điểm, chứng kiến một sự kiện nhưng mỗi người có một chỗ đứng khác nhau, cách nhìn, tư tưởng khác nhau.
- Chủ đề phải mang tính thời sự thì mới được đón nhận. Thời sự không chỉ là yếu tố về thời gian (Có những chuyện cũ nhưng mang nhiều ý nghĩa thời sự, ý nghĩa giáo dục, bạn cũng có thể viết).

B. Thu thập thông tin:

I.Đọc:
Đọc có mục đích, có chọn lọc là cách để bạn bổ sung kiến thức nhiều mặt, sách báo cũng là một nguồn gợi ý đề tài rất phong phú.

II. Dự các sự kiện:
1. Hỏi chuyện:
a. Đối tượng:
- Người có kiến thức, nguồn thông tin có độ tin cậy;
- Người có vai trò thẩm quyền;
- Người có ý kiến công bằng.
b. Các loại câu hỏi:
- Tập trung vào cốt lõi;
- Dẫn dắt vào vấn đề (khi cốt lõi là cái bản chất không dễ dàng trả lời);
- Câu hỏi phụ (bộ phận của câu hỏi chính) giúp bạn tiếp cận vấn đề một cách đầy đủ và trọn vẹn;
c. Một số lời khuyên:
- Thái độ lịch sự, kiên nhẫn, lắng nghe và hướng đối tượng vào câu chuyện;
- Nhanh chóng làm quen;
- Câu chuyện phù hợp trình độ và hoàn cảnh người được hỏi;
- Ngoại cảnh thuận lợi;
- Tìm hiểu trước trình độ và tâm lý người được hỏi.
2. Quan sát:
- Quan sát không phải là xem hay nhìn. Xem hay nhìn có khi không thấy được. Quan sát là xem và nhìn tới một mức độ cao hơn.
- Quá trình:
+ Nhìn được quá trình diễn biến bình thường và phát hiện những cái không bình thường;
+ Bắt đầu từ cái riêng lẻ: để ý, góp nhặt những cái nhỏ ở nhiều sự việc riêng lẻ, nhiều lần sẽ nhận ra vấn đề mới.
+ Nên quan sát nhiều trở thành thói quen.
3. Ghi chép (để viết):
- Một phát biểu:
Ghi chép trung thành, chọn ý chính để ghi, chú ý ngôn ngữ đặc trưng của người nói.
- Từ sách báo:
Đọc lướt nắm bắt nội dung chính, ghi chép chỗ quan trọng, cần thiết, chỗ cần trích dẫn.

C. Tính chất của một bài viết tốt:

I.Tính chân thật:
- Sự thật là nguyên liệu, là cái có trước. Người viết phải tôn trọng sự thật, thực hiện nhiệm vụ truyền thông tin tới người đọc.
- Phải nói rõ khuyết điểm, khó khăn, thất bại; cũng như ưu điểm, thuận lợi, thành quả.
- Phải lựa chọn: giữ lại chi tiết nào, bỏ đi chi tiết nào (do đặc điểm ngắn gọn, súc tích của bài báo).

II. Tính chiến đấu:
- Bình luận sự kiện phải tỏ rõ thái độ của mình, tỏ rõ ý kiến đánh giá: khen - chê, ủng hộ - phản đối (mỗi người có một cách thể hiện trực tiếp hay gián tiếp)
- Thái độ lấp lửng, không rõ ràng do sợ bị va chạm v.v.. không thể đem lại một bài báo tốt.
- Trong khi nhìn nhận, phản ánh và phân tích các sự kiện phải có quan điểm và lập trường nhất định, phải đánh giá đúng sự thật, phải bảo vệ cái đúng - lên án cái sai.
- Viết làm sao để dấy lên nơi người đọc những suy nghĩ về vấn đề được nêu, và nảy sinh những vấn đề mới có liên quan.
- Những bài viết cẩu thả, thiếu cân nhắc, kết luận vội vàng là rất nguy hiểm, dễ làm sai lạc vấn đề.
* Tóm lại: Bài viết tốt đòi hỏi ở người viết tính trung thực, ngay thẳng và dũng cảm.

III. Ngôn ngữ:
- Không hô hào, ra lệnh mà đối thoại và thuyết phục;
- Ngắn gọn, tập trung, đầy đủ tư tưởng;
- Bài viết cần có tầm khái quát nhưng không thể hiện bằng những khái niệm trừu tượng.

Thủ thuật viết bài cho website

Càng ngắn càng tốt: Độc giả sẽ cảm ơn những người viết không làm họ mất thời giờ. Ngôn ngữ đơn giản, trực tiếp sẽ chuyển tải suy nghĩ của người viết hiệu quả hơn là những câu nhằm khoe khoang trình độ văn học bởi nó sẽ khiến độc giả ngủ gật vì tưởng đang đi... học thêm ngoài giờ.

Thì chủ động: Dù là viết bằng ngôn ngữ gì - tiếng Anh hay tiếng Việt - thì đều nên viết "làm việc đó" chứ không phải là "việc đó được làm." Để dành thì bị động cho những tình huống mà ta không biết rõ về chủ ngữ, ví dụ như các báo cáo về tội phạm hoặc cáo trạng của tòa. Nhưng ngay cả trong những trường hợp đó thì cũng nên cố gắng dùng nhiều câu ở thì chủ động.

Động từ mạnh: Nhưng động từ đắt là sự mô tả hay nhất. Đừng nghĩ rằng nhiều động từ yếu đứng cạnh nhau sẽ làm cho câu văn rõ hơn và mạnh hơn. Hãy học cách dùng ít tính từ và phó từ.

Nêu rõ nguồn tin: Nếu không cho độc giả biết bạn lấy những thông tin ở đâu thì nhiều người sẽ cho rằng bạn bịa. Nguồn tin khiến độc giả tin tưởng ở bạn, vì họ biết rằng bạn chẳng có gì phải giấu diếm và nếu họ kiểm tra thì bạn hoàn toàn đúng.
Kết nối: Nên tạo cơ hội để độc giả có thể kết nối sang các nội dung hỗ trợ chi tiết bên ngoài trang của bạn nếu họ có nhu cầu. Nói chung các bài báo đều dẫn nguồn, nhưng lợi điểm trên website là người viết thậm chí có thể đưa độc giả đến thẳng với các nguồn tin hỗ trợ. Nên ghi lại đường dẫn của các nguồn tin khi đi thu thập thông tin để tạo hyperlink trong bài.

Nên tạo link với các tên riêng, từ khóa hoặc một cụm từ, chứ không nên viết cả đoạn đường dẫn dài hoặc tệ hơn là kiểu yêu cầu "Hãy click vào đây."

Trình bày phù hợp: Hãy phá những khối chữ đặc kịt, xám xịt và buồn tẻ bằng cách sử dụng:
- các danh mục (list)
- tít xen đậm
- làm nổi bật bằng những câu gây chú ý (blockquotes)
và nhiều thủ thuật trình bày dễ dàng khác bằng cách lệnh HTML hoặc công cụ editor.

Soát lỗi chính tả: Hãy đọc kỹ để sửa hết lỗi chính tả vì chẳng ai chấp nhận sự khó chịu này.

Kỹ năng biểu đạt ngôn ngữ trong phỏng vấn

Phỏng vấn là một bước quan trọng trong quá trình đưa tin, trong khi đó, biểu đạt ngôn ngữ là một mắt xích quan trọng trong phỏng vấn. Nếu phóng viên, biên tập viên hay người dẫn  chương trình không thể diễn đạt ý nghĩ của mình một cách rõ ràng, rành mạch, thì hiệu quả có được từ cuộc phỏng vấn chắc chắn sẽ không cao. Chúng ta hãy cùng xem xét hai khía cạnh sau trong phỏng vấn:

ĐẶC ĐIỂM CỦA VIỆC BIỂU ĐẠT NGÔN NGỮ TRONG PHỎNG VẤN

Nhìn chung, ngôn ngữ được biểu đạt trong phỏng vấn phải đạt được những tiêu chuẩn sau: quy  phạm, chuẩn xác, có tính biểu cảm, chân thực, rõ ràng, nhanh gọn, có hiệu quả và đầy tính ngẫu  hứng.

Cùng với tốc độ phát triển nhanh chóng của ngành phát thanh, truyền hình, việc biểu đạt ngôn ngữ một cách quy phạm, chuẩn xác đã trở thành một trong những tố chất cần thiết của mỗi phóng viên, phát thanh viên truyền hình. Hiện nay, việc dựng băng phóng sự tại chỗ và phát sóng trực tiếp đã trở nên tương đối phổ biến, vì vậy, mỗi phóng viên truyền hình càng cần phải rèn luyện kỹ năng biểu đạt ngôn ngữ một cách quy phạm và chuẩn xác khi tiến hành phỏng vấn.

Bên cạnh đó, tính biểu cảm trong ngôn ngữ khi tiến hành phỏng vấn cũng giúp người phỏng vấn tạo được niềm tin với người được phỏng vấn và nâng cao hiệu quả phỏng vấn. Từ chỗ có được niềm tin, người được phỏng vấn sẽ chuyển từ trạng thái "bị phỏng vấn" sang nhu cầu "muốn nói" và "được nói".

Khi tiến hành phỏng vấn, các câu hỏi cần được bắt nguồn từ thực tế (tính chân thực), phải nêu được quan điểm của người phỏng vấn (tính rõ ràng) để người được phỏng vấn có hứng thú nói rõ quan điểm của mình. Cùng một vấn đề xã hội, nhưng những người biết phản ánh hiện thực dưới góc nhìn đặc biệt một cách rõ ràng nhất mới là mục tiêu cuối cùng mà những phóng viên giỏi hướng tới.
Những cuộc phỏng vấn, đặc biệt là những cuộc phỏng vấn tin tức thường chỉ diễn ra trong một thời gian  ngắn. Vì vậy, yếu tố nhanh gọn, có hiệu quả phải được đặt lên hàng đầu. Đặc biệt là trong những chương trình được phát sóng trực tiếp, người phỏng vấn phải làm sao để diễn đạt được những điều cần hỏi một cách nhanh gọn, biết nhấn mạnh những điểm trọng tâm sao cho câu trả lời của người được phỏng vấn đi đúng hướng và tạo được hiệu quả cho buổi phỏng vấn.

Trước mỗi cuộc phỏng vấn, các phóng viên, biên tập viên hay phát thanh viên thường đã chuẩn bị rất kỹ các câu hỏi và tình huống xảy ra. Tuy nhiên, trên thực tế đôi khi vẫn có những tình huống bất ngờ, có thể làm đảo lộn kịch bản, thứ tự câu hỏi hoặc trình tự phỏng vấn…Trong những tình huống như vậy, đòi hỏi người phỏng vấn phải có phản ứng nhanh nhẹn, linh hoạt trong việc sắp xếp, tổ chức lại câu hỏi và trình tự phỏng vấn. Chính vì vậy, tính ngẫu hứng sáng tạo cũng là một trong những yêu cầu cần thiết trong việc rèn luyện kỹ năng biểu đạt ngôn ngữ trong phỏng vấn.

ỨNG DỤNG CỦA KỸ NĂNG BIỂU ĐẠT NGÔN NGỮ TRONG PHỎNG VẤN

Để đạt được những tiêu chuẩn như: quy phạm, chuẩn xác, có tính biểu cảm, chân thực, rõ ràng,  nhanh gọn, có hiệu quả và đầy tính ngẫu hứng, người phỏng vấn phải ứng dụng những kỹ năng biểu đạt ngôn ngữ như thế nào, hãy cùng xem một số gợi ý sau:

Phát âm chuẩn. Tiếng Việt là thứ ngôn ngữ đơn âm tiết, việc phát âm chuẩn các âm tiết là điều kiện  cần thiết khi tiến hành phỏng vấn.

Vận dụng linh hoạt các kỹ năng như: ngắt nghỉ, trọng âm, ngữ khí và tiết tấu.

Ngoài ra, phóng viên, biên tập viên hay phát thanh viên khi tiến hành phỏng vấn cũng  không thể thiếu được yếu tố phi ngôn ngữ, đó có thể là ánh mắt, nụ cười, các thế tay, hay thậm chí là  cả cách ăn mặc, phục trang. Những thói quen như huơ huơ tay khi nói chuyện hoặc giữ mãi một  thế tay, một nét mặt khi phỏng vấn …đôi khi cũng khiến khán giả nhàm chán hoặc không gây ấn  tượng với người được phỏng vấn. Tuy nhiên, một ánh mắt thích hợp, một nụ cười đúng chỗ hay một động tác phù hợp lại tạo được hiệu quả rất tốt cho cuộc phỏng vấn. Cuối cùng, trang phục phù hợp cho từng cuộc phỏng vấn cũng góp  phần thu hẹp khoảng cách giữa đôi bên, tạo được lòng tin và nâng cao chất lượng phỏng vấn.

Tác giả bài viết: Sưu tầm

Phẩm chất của phóng viên giỏi

Không ít đồng nghiệp của tôi cũng luôn tự huyễn hoặc rằng cái nghề báo cho phép họ "thét ra lửa." Một người bạn còn tâm sự rất chân thành rằng tôi nên học theo một số "hình mẫu" là "biết đánh ai và nương ai" để... tăng uy tín cho tòa soạn và nâng cao đời sống cho phóng viên, biên tập viên của tôi (?!).

Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng nhà báo cũng là một nghề như bao nghề trong xã hội. Việc lợi dụng nghề nghiệp của mình để ra oai hoặc tìm kiếm lợi ích kinh tế thì đương nhiên là không nên, nhưng điều đầu tiên cần thiết là hãy nhìn nhận nó một cách hết sức bình thường nhưng phải ý thức được cái trách nhiệm xã hội hơi đặc biệt của nghề này.

Vai trò của phóng viên

Phóng viên là những người giữ một trong những công việc quan trọng nhất trong bất cứ một xã hội nào. Hoàn cảnh làm việc của các phóng viên khác nhau tùy từng quốc gia. Tại một vài nước, chính phủ hay các chính đảng kiểm soát ngành truyền thông. Tại một số nước khác, các cá nhân hay công ty làm chủ. Tại nhiều nước, ngành truyền thông gồm cả hai loại.

Nhưng theo hai tác giả Peter Eng và Jeff Hodson trong cuốn "Cẩm nang viết tin" (Quỹ Tưởng niệm Báo chí Đông Dương phát hành) cho dù hoàn cảnh ra sao đi nữa, thì tất cả các nhà báo giỏi đều có cùng chung một mục đích cơ bản. Họ cung cấp cho người đọc những tin tức cần thiết để hiểu về thế giới chung quanh và để đi đến các quyết định trong đời. Người đọc dựa vào các phóng viên để biết tin tức về cộng đồng của họ, về chính phủ, hoạt động kinh doanh, thể thao, sức khỏe v,v... Với các tin tức đó, người đọc quyết định nên xem những gì trên truyền hình, ăn uống những gì, mua xe gắn máy loại gì, cho con cái đi học ở đâu, bỏ phiếu cho ai trong cuộc tuyển cử sắp tới, và hơn thế nữa.

Thỉnh thoảng, những tin này mang tính chất sống còn. Một chính trị gia Thái Lan cho rằng cơ quan dự báo thời tiết đã không kịp thời thông báo cho dân làng ở một tỉnh miền Bắc biết rằng sắp có bão, khiến cho 30 người bỏ mạng vì lụt. Theo ông, cơ quan dự báo thời tiết cần đến các phương tiện truyền thông để loan đi những tin tức của họ một cách nhanh chóng và hữu hiệu cho mọi người cùng biết. Vì nhiều người thường đọc hay nghe các tin của họ cho nên các phóng viên cần phải tỏ ra có trách nhiệm. Trách nhiệm đầu tiên của một phóng viên giỏi là trách nhiêm đối với người đọc.

Trong một cuộc hội thảo về tin tức, khi được hỏi: ‘vai trò của phóng viên là gì?’, các phóng viên Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Lào và Myanmar đã nêu những điểm chính sau:
- Tường thuật sự thật.
- Bắc cầu giữa chính phủ và người dân
- Thông báo cho người dân biết về các vấn đề mới
- Giáo dục, giải trí, giải thích
- Bảo vệ quyền lợi của người dân

Các phóng viên này đồng ý rằng công việc của họ là cho người dân biết tin tức chính xác và kịp thời. Họ cũng nói họ viết tin cho người đọc. 


Tầm quan trọng của độc giả

Rất nhiều phóng viên quên mất độc giả. Thay vào đó, họ viết bài để làm vừa lòng chủ biên hay nguồn cung cấp tin của họ, những người họ dựa vào để lấy tin viết bài, kể cả các viên chức chính phủ.

Nhiều phóng viên có hành động như vậy vì họ gặp chủ biên và những người cung cấp tin cho họ hàng ngày. Họ muốn làm vừa lòng những người này. Nhưng khi các phóng viên viết bài cho chủ biên và những người cung cấp tin, họ hay có thói quen đưa những chi tiết mà chỉ những giới này quan tâm đến. Nhiều độc giả không hiểu nổi bài của họ. Hoặc các bài viết của các phóng viên đó không có nghĩa lý gì đối với đời sống của bạn đọc.

Các phóng viên giỏi không bao giờ quên rằng họ viết cho ai. Một nhật báo có số phát hành lớn – chẳng hạn như báo Thai Rath tại Thái Lan – có nhiều loại độc giả, đó là các viên chức hàng đầu trong chính phủ, các thương gia giầu có, tài xế taxi, người bán hàng rong. Báo Thai Rath tường thuật về nhiều vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội khác nhau. Các phóng viên của báo này cố gắng viết một cách rõ ràng và đơn giản để tất cả độc giả đều hiểu câu chuyện.

Mặt khác, các phóng viên của những tạp chí văn hóa phổ thông và giải trí – chẳng hạn như tờ Tuosanavadei Pracheaprey tại Campuchia – biết rằng nhiều độc giả của họ còn trẻ và để ý nhiều đến thời trang, âm nhạc và các ngôi sao màn ảnh. Vì thế họ chú trọng đến các đề tài này, và viết về các đề tài đó một cách dí dỏm. Họ không chú trọng đến chính trị hay chính phủ.

Các phóng viên giỏi biết rằng họ phải biết kể chuyện khéo. Nếu họ không trình bày các tin tức của họ một cách khéo léo thì người đọc sẽ không đọc bài của họ và có thể sẽ mua báo khác.


Phẩm chất của phóng viên giỏi

Theo các ý kiến tại cuộc hội thảo kể trên, một phóng viên giỏi cần có những phẩm chất sau:
- Đặt nhiều câu hỏi
- Biết cân đối và công bằng
- Đáng tin cậy và có trách nhiệm với độc giả
- Lấy tin từ nhiều nguồn tin và kiểm chứng các tin của họ
- Chân thật và không đánh cắp tin của các phương tiện truyền thông khác

Tất cả các ý kiến này đều đúng.

Các phóng viên giỏi cũng đều có tính tò mò. Họ luôn luôn muốn biết sự việc xoay vần ra sao, và lúc nào cũng theo dõi tin tức. Họ để ý quan sát. Họ nhận ra những điểm khác thường trên đường phố mà những người khác không để ý. Họ biết lắng nghe, nhưng nghe một cách thận trọng. Họ không chấp nhận một điều gì đó là đúng chỉ vì giới chức chính quyền nói là đúng. Họ độc lập. Họ không để cho những người khác lợi dụng họ vào lợi ích riêng. Họ tìm biết cả hai mặt của vấn đề và kiểm tra lại xem tin của họ có thực sự chính xác hay không.

Các phóng viên giỏi rất có kỷ luật: Họ không để cho mình bị mất tập trung để có thể viết xong bài kịp với kỳ hạn. Khi gặp khó khăn, họ không bỏ cuộc mà tìm cách khác để biết sự thật. Họ chỉ viết về sự thật vì đó là điều độc giả của họ muốn biết và cần biết; họ không đưa ý kiến riêng vào trong bài.

Nhiều phóng viên giỏi cũng rất có lòng thương người. Họ khó chịu khi thấy người này áp bức người kia. Họ cảm nhận những thống khổ của những người khác và hiểu những vấn đề của người khác. Họ muốn viết về những vấn đề đó để thế giới biết đến và có biện pháp giải quyết.
Tác giả bài viết: sưu tầm

Những vấn đề đặc biệt trong phỏng vấn

vimgKHÓ HẸN ĐƯỢC PHỎNG VẤN
Bạn muốn phỏng vấn một "ông cốp" hay một cô nàng nổi tiếng, trước hết hãy nhìn vào uy tín của mình. Bạn có được biết đến như một phóng viên thật thà, chăm chỉ, cởi mở, tác nghiệp vì lợi ích cộng đồng hay không?

Uy tín của bạn, cũng giống như uy tín của cơ quan truyền thông nơi bạn làm việc thường đi trước bạn. Vì vậy, hãy xây dựng cho một mình uy tín nghề nghiệp.

Khi đã vượt qua điều khúc mắc về uy tín và danh tiếng này, bước tiếp theo là:

- Thể hiện lòng nhiệt tình về bài viết của mình.

- Kiên trì. “Nếu cửa trước bị khóa, thử cửa sau xem sao. Nếu cửa sau cũng bị khóa, hãy thử cửa sổ!” Đối với những nhân vật nổi tiếng trong giới giải trí, cửa trước chính là những đại diện công chúng (PR) của họ. Cửa sau là các hiệp hội mà họ tham gia hay các ông bầu. Cửa sổ chính là bạn bè, đối tác làm ăn, họ hàng của họ. Nhiều phóng viên thích gọi điện cho mẹ của các nhân vật nổi tiếng, vì các bà mẹ thường muốn nói về con mình. Đôi khi, các nhân vật nổi tiếng đồng ý trả lời phỏng vấn chỉ để biết xem mẹ mình đã nói về mình như thế nào.

- Lạc quan. Chưa thử đề nghị phỏng vấn mà bạn đã nghĩ là mình có thể thất bại là một suy nghĩ rất tiêu cực.

- Viết thư cho nguồn tin nói về nội dung bạn muốn phỏng vấn. Có thể gửi bằng email, hoặc cách nào đó tùy bạn sáng tạo, miễn là đến được tay nguồn tin.

- Gửi cho họ vài câu khen ngợi, đưa ra những câu hỏi cho họ thỏa sức thể hiện cái tôi.

- Gọi cho nguồn tin mà bạn định phỏng vấn để kiểm tra lại thông tin bạn có từ các nguồn khác. Khi phóng viên Lisa McCormack ở Washington gọi cho ngôi sao Marshal Coyne để kiểm tra lại một câu mà anh đã từng nói với người khác, Marshal Coyne hét lên trong điện thoại: “Cô là người phóng viên quỷ tha ma bắt đầu tiên gọi cho tôi để kiểm tra độ chính xác câu tôi đã từng nói. Tôi thích cô rồi đấy!” Đây là bước đầy hứa hẹn để bạn có thể có được phỏng vấn.

- Hãy tìm cách tiếp cận nguồn tin của bạn một cách không chính thức. Đó có thể sau buổi nói chuyện với công chúng, ở cuộc họp báo, trong một buổi gặp gỡ tiệc tùng xã giao, trên đường chạy dạo bộ. Một cuộc nói chuyện vu vơ có thể khiến họ cởi mở hơn với bạn.

- Hãy tập trung vào chủ đề mà bạn biết nguồn tin sẽ thích nói và thích chia sẻ.

- Nói lời khen nịnh xã giao: “Biết là anh/chị bận. Người bận thường là những người thú vị nhất và quan trọng nhất… Nếu không tôi làm phiền với anh/chị làm gì…”

HỎI NHỮNG CÂU NHẠY CẢM:

Những câu hỏi này có thể khiến cho nguồn tin xấu hổ, hoặc thể hiện sự chỉ trích liên quan tới công việc hay hoạt động chung của họ, hoặc câu hỏi riêng tư liên quan đến một sự kiện đáng buồn/đáng xấu hổ trong cuộc đời của họ.

Thường thì các phóng viên điều tra không viết bài dựa trên những gì một chính trị gia hoặc thương nhân trả lời trong cuộc phỏng vấn của họ. Họ sẽ phải làm “bài tập” ở nhà: nghiên cứu tài liệu và phỏng vấn những người khác, có bằng chứng để “vặn vẹo” khi nguồn tin muốn khẳng định, từ chối, giải thích, và nếu có thể, đưa ra thông tin mới.

Những phóng viên kinh nghiệm tránh tranh cãi, hay buộc tội trong cơn tức giận, hay tỏ ra không thiện cảm.

Với những câu hỏi riêng tư: Chỉ nên hỏi những câu hỏi này nếu chúng phục vụ cho một phần bài viết. Nên có lý do phù hợp cho câu hỏi. Hãy giải thích vì sao bạn hỏi vậy: vì lợi ích của cộng đồng, để giáo dục…chứ không phải để khai thác và chỉ trích vấn đề khó khăn khúc mắc của nguồn tin. Ai cũng có những khó khăn khúc mắc của riêng mình. Nếu bạn đủ sức thuyết phục, họ sẽ kể cho bạn nhiều hơn bạn tưởng.

Tránh ép buộc. Hãy để nguồn tin tự do chọn lựa những chi tiết họ muốn kể. Hãy tiếp cận các lĩnh vực nhạy cảm một cách gián tiếp. Nếu bạn muốn hỏi về kinh nghiệm của một người dùng ma tuý, hay nói về những gì bạn biết xảy ra với những người khác.

Hãy lắng nghe những tín hiệu gợi mở từ phía nguồn tin. Đôi khi, họ muốn kể chuyện về bản thân họ, nhưng họ không chắc là bạn có quan tâm hay không. Còn bạn, lúc đó lại ngại hỏi. Tốt nhất, bạn nên chủ động hỏi, vì họ biết đâu sẽ nói chi tiết thú vị cho bài viết mà bạn bỏ qua vì không nghe hoặc không để ý.



HÃY CHÍNH XÁC:

Những phóng viên mới phỏng vấn thường rất lo lắng về nhiều chuyện: thiết lập quan hệ thế nào, tránh câu hỏi ngốc nghếch thế nào, nên đôi khi đãng trí quên những chi tiết nhỏ. Do đó kết quả là thiếu chính xác: tên sai, hiểu nhầm, thông số kỹ thuật sai, câu mà nguồn tin nói đôi khi bị dẫn sai.

- Để giải quyết, bạn hãy kiểm tra lại tên, địa chỉ, tuổi, chức danh của nguồn tin. “Tôi muốn kiểm tra lại…” Bạn cũng cần kiểm tra lại những điểm chính. Hãy nhắc lại những thông tin quan trọng mà bạn có được trong cuộc phỏng vấn để chắc chắn rằng bạn hiểu đúng.

- Những câu nói. Trừ phi bạn chắc chắn về độ chính xác, còn nếu không tốt nhất hãy đọc lại để nguồn tin xác nhận là bạn đã ghi nhận đúng.

- Hãy đưa ra bối cảnh. Những bình luận của nguồn tin có thể bị hiểu sai vì phóng viên không hiểu bối cảnh (thậm chí tồi tệ hơn nữa là bỏ qua). Bạn dẫn lời nói của một siêu sao nói rằng: Tôi ghét mẹ tôi. Thực tế, cô ấy nói rằng: “Mẹ và tôi có mối quan hệ yêu – ghét bình thường như tất cả các bà mẹ và con cái khác. Có lúc mẹ tôi cố chỉ huy tôi hoặc uốn nắn những sai sót trong tính cách của tôi, những lúc này tôi ghét mẹ tôi. Nhưng cũng có lúc tôi yêu mẹ tôi. Đó là khi mẹ làm bánh và gửi cho tôi với lời nhắn: Mẹ yêu con vì con đặc biệt.

- Hãy kiểm tra chéo. Đôi khi, bạn đưa tin sai vì nguồn tin nói sai. Hãy kiểm tra lại với một nguồn tin khác nếu bạn thấy nghi ngờ.

- Bạn có ý nghĩ rằng ý nghĩ của mình là đúng. Bạn kết luận trước khi bạn đặt câu hỏi và nghe họ giải thích. Khi núi lửa St. Helen ở Washington phun trào năm 1980, rất đông phóng viên tường thuật ngọn núi ở bang Oregon. Một biên tập viên ở New York đã giải thích rằng: “Đây là một trong những điều mà mọi người đều biết, nên phóng viên chả buồn kiểm tra lại.” Thực tế cho tháy, những suy nghĩ của họ không phải lúc nào cũng đúng và sai sót là điều không tránh khỏi.

Tác giả bài viết: sưu tầm

Những nguyên tắc cơ bản của phỏng vấn

Diễn đàn Báo chí Việt Nam xin giới thiệu những vấn đề cơ bản của phỏng vấn, do giảng viên Fabienne Gérault của Đại học Báo chí Lille, Pháp, tổng kết:
 
Các thể loại phỏng vấn

- Phân tích: một chuyên gia giải thích một sự việc, giúp cho độc giả hiểu được sự việc đó.
- Nhân chứng: một người chứng kiến hoặc tham gia một sự kiện thuật lại sự kiện.
- Thông tin: một người công tác trong một lĩnh vực tiết lộ các dự án, quyết sách trong lĩnh vực của mình.
- Ý kiến: người được hỏi đưa ra ý kiến của bản thân, bình luận một sự kiện thời sự.
- Phản ứng hay phỏng vấn nhanh: phản ứng ngắn và tức thì của một người trước một sự kiện. Nếu phỏng vấn nhiều người thì được gọi là micrô vỉa hè.
- Chân dung: người được phỏng vấn biểu lộ bản thân.
 
Chuẩn bị

- Chọn đúng người để phỏng vấn và chọn đúng chủ đề.
- Liên hệ với người được phỏng vấn, trình bày với người đó chủ đề sẽ phỏng vấn để người đó chuẩn bị.
- Tìm hiểu về người mà mình phỏng vấn: thu thập tài liệu, tìm gặp các nhân vật liên quan.
- Đào sâu chủ đề: biết rõ những sự việc quan trọng, số liệu, các vấn đề đặt ra, từ đó xác định góc độ bài viết viết sẽ đề cập.
- Làm danh sách các câu hỏi, sắp xếp chúng theo thứ tự.
 
Làm chủ cuộc phỏng vấn

- Tập trung vào chủ đề, nhưng cũng đồng thời cởi mở và quan tâm, hứng thú với cuộc trò chuyện.
- Tự giới thiệu, nhắc lại mục đích phỏng vấn, giải thích điều mình trông đợi.
- Ngồi ở tư thế thoải mái đẻ ghi chép được dễ dàng.
- Tránh dùng máy ghi âm, trừ trường hợp cần thiết.
- Ghi chép.
- Nên chụp ảnh sau khi đã phỏng vấn.
 
Dẫn dắt câu chuyện như thế nào?

- Câu hỏi đầu tiên mang tính chung chung.
- Không bắt đầu bằng câu hỏi quan trọng nhất hay khó nhất, tạo niềm tin ở người đối thoại.
- Đẩy cuộc phỏng vấn đến chi tiết cụ thể nhất có thể được.
- Đặt câu hỏi mở.
- Quay trở lại chủ đề, nếu người được phỏng vấn đi quá xa hoặc quá ba hoa.
- Đặt lại một câu hỏi khác, nếu người được phỏng vấn trả lời quá chung chung.
- Đặt câu hỏi mở, nếu người được phỏng vấn kiệm lời, sau đó quay lại chủ đề.
- Đừng ngại ngắt lời người được phỏng vấn, hay yêu cầu người đó nói lại cho rõ.
- Biết cách ra khỏi câu hỏi ban đầu, nếu có một phát biểu ra khỏi chủ đề nhưng thú vị, có thể phục vụ cho phỏng vấn.
- Ghi chép chính xác các công thức, giai thoại.
- Không tranh luận, không đưa ra ý kiến của riêng mình.
- Trước khi chia tay, chắc chắn có thể liên lạc lại được với người được phỏng vấn.
 Bốn dạng phỏng vấn
- Phỏng vấn dạng hỏi-đáp: là hình thức phổ biến nhất, dễ đọc.
- Phỏng vấn được trích dẫn: bài báo được viết dưới dạng bài tổng hợp hoặc tường thuật, trong đó nội dung chủ yếu dành cho những trích dẫn. Điều quan trọng là biết miêu tả nhân vật hoặc bối cảnh một cách sinh động. Cũng có thể đưa vào những chi tiết thuộc về bối cảnh hay những lời giải thích.
- Phỏng vấn dạng trò chuyện: phóng viên và người được phỏng vấn cùng có mặt. Bối cảnh, không khí cuộc trò chuyện đóng vai trò quan trọng. Bài báo gồm có đối thoại như trong tiểu thuyết. Hình thức mang tính văn học, thích hợp với các tạp chí hoặc chuyên mục văn hóa.
- Phỏng vấn độc thoại: chỉ có một hoặc hoàn toàn không có câu hỏi, và một trích dẫn dài lời người được phỏng vấn. Dạng này ít được dùng và không hay. Được coi như một lời tuyên bố. Nhất thiết phải chia phỏng vấn thành nhiều đoạn bằng các tít xen, chú ý chuyển đoạn.

Một vài lời khuyên trong việc biên tập phỏng vấn dạng hỏi-đáp
- Chọn câu hỏi: bằng cách đọc đi đọc lại toàn bộ nội dung ghi chép. Cần loại bỏ những chi tiết phụ. Đánh dấu những câu hỏi hay nhất, những nội dung thu hút sự chú ý.
- Thông điệp cốt lõi và dàn ý: xác định góc độ, ý chính của người mình phỏng vấn, ý chính này sẽ nằm trong tít, sau đó xây dựng bố cục, tức thứ tự câu hỏi và câu trả lời. Không nhất thiết phải theo đúng trình tự cuộc phỏng vấn. Cần xây dựng lại cuộc phỏng vấn, sao cho bài viết được chặt chẽ và lôgic hơn.
- Chuyển từ ngôn ngữ nói sang ngôn ngữ viết: đây là công việc chính khi biên tập. Phải bỏ đi những câu nói sai, những chỗ ngập ngừng, đồng thời giữ lại cách diễn đạt và câu chữ của người được phỏng vấn. Vì vậy đôi khi phải viết lại câu hỏi và câu trả lời, sao cho chúng đơn giản, ngắn gọn hơn.
- Sử dụng chữ đậm, chữ nghiêng,v.v... để phân biệt rõ câu hỏi và câu trả lời.
- Mở đầu và kết thúc: câu hỏi đầu tiên chính là mở đầu. Vì vậy phải đi thẳng vào vấn đề. Với câu trả lời cuối cùng-kết thúc, phải trở lại thông điệp chính hoặc mở ra góc độ xử lý.
- Độ dài: tùy thuộc. Hình thức "ba câu hỏi cho..." là thích hợp, nhất là với những vấn đề thời sự.
- Sapô và box: sapô giới thiệu người được phỏng vấn và chủ đề cuộc phỏng vấn. Trong box, cần giới thiệu lý lịch trích ngang để giới thiệu đầy đủ hơn người được phỏng vấn. Box cũng có thể lấy một câu trả lời nằm ngoài chủ đề cuộc phỏng vấn hoặc những thông tin bổ sung.
- Tít: "trò chuyện với..." không phải là một tít. Hãy sử dụng thông điệp cốt lõi. Dễ nhất là dùng trích dẫn một câu nói ấn tượng tóm tắt được ý chính.
- Nếu phỏng vấn dài, phải chia đoạn ra bằng các tít nhỏ, bằng ảnh, chú thích ảnh bằng các trích dẫn.

Phỏng vấn nhiều người
- Micrô vỉa hè: phỏng vấn nhiều người dạng phản ứng, trả lời một câu hỏi duy nhất. Câu trả lời tương đối ngắn (một tin sâu), được minh họa bằng một ảnh và một giới thiệu ngắn gọn về người được phỏng vấn (tên, tuổi, nghề nghiệp, chỗ ở). Hình thức này rất sống động, rất con người, tạo điều kiện cho những người vô danh được phát biểu.
- Phỏng vấn so sánh: một câu hỏi được đặt ra cho nhiều người. Hình thức thường dùng để phân tích hoặc lấy các quan điểm khác nhau. Cần trình bày sao cho dễ đọc.
- Bàn tròn: dài và khó đọc hơn phỏng vấn so sánh. Dùng trong các tạp chí chuyên ngành, cho đối tượng độc giả có thói quen đọc và suy ngẫm.
- Đối thoại trực tiếp: thích hợp trong chính trị. Phóng viên cần dẫn dắt cuộc trò chuyện một cách khéo léo./.

Tác giả bài viết: sưu tầm

Phỏng vấn: Những vấn đề không dễ nhìn ra
Không dám đặt câu hỏi vì sợ bị cho là dốt. Không biết thì mới hỏi. Không biết thì phải hỏi. Đơn giản vậy thôi nhưng với rất nhiều người, đặt câu hỏi là điều khó khăn.

Tiếng Anh có câu thành ngữ: "He who asks is a fool for five minutes. He who does not ask is a fool forever." - Ai hỏi thì chỉ ngu năm phút. Ai không hỏi thì ngu cả đời.

Không biết rõ mình sẽ viết gì và không thể làm cho đối tượng hiểu rõ mục đích phỏng vấn. Bạn cần biết rõ góc độ mình sẽ viết gì trong bài khi bắt đầu phỏng vấn để giả sử đối tượng nói lan man liên miên thì mình cũng đưa họ về điểm mình cần hỏi dễ dàng.

Thiếu sự nhiệt tình và không có bản tính tò mò về con người và thế giới nói chung. Hầu hết đối tượng phỏng vấn đều nhìn nhận ra nhanh ai là người thực sự quan tâm đến vấn đề họ đang tìm hiểu. Khi họ thấy phóng viên chả thể hiện sự quan tâm gì thì họ cũng khó nhiệt tình trả lời những câu hay ho được. “Tò mò” là một yếu tố quyết định sự thành công trong phỏng vấn. Người dẫn chương trình Barbara Walters, một trong 10 người phỏng vấn thành công nhất nước Mỹ, nói rằng, 3 yếu tố quan trọng cho một cuộc phỏng vấn thành công là: sự tò mò, lắng nghe, và tìm hiểu thông tin trước phỏng vấn.

Không lắng nghe: Không có sự giao tiếp mắt – mắt, không có dáng vẻ điệu bộ tỏ ra quan tâm, ghi chép quá nhiều, tranh cãi quá nhiều, không biết hỏi câu hỏi tiếp theo câu trả lời. Nếu bạn nghe, và nghĩ khi phỏng vấn, bạn sẽ biết cách đặt câu hỏi tiếp theo dựa trên suy nghĩ ở thời điểm đấy.

Không chuẩn bị: Bạn chỉ có thể trách bạn khi bạn cảm thấy lo lắng và sợ hãi trong một cuộc phỏng vấn vì bạn không chuẩn bị trước đó. Làm sao bạn biết mình nên hỏi gì? Chuẩn bị bao gồm:đọc trước tài liệu về đối tượng mà bạn sẽ phỏng vấn, phỏng vấn sơ qua những người biết đối tượng trước đó. Bạn cũng sẽ quyết định tìm hiểu thông tin gì và các câu hỏi cần hỏi để có thông tin đó.

Các phóng viên có kinh nghiệm nói rằng câu hỏi hay nhất là câu mà người được hỏi không nghĩ rằng họ sẽ bị hỏi. Càng chuẩn bị kỹ, bạn càng dễ tìm ra những câu hỏi như vậy.

Xuất hiện một cách cẩu thả: Quần jeans thủng lỗ chỗ, áo thun ba lỗ mát mẻ hay áo bằng vải sun sun? Mốt và trẻ trung đấy, nhưng có lẽ đi học thích hợp hơn. Bề ngoài không mốt quá, nhưng không lạc hậu quá là sự lựa chọn phù hợp.

Có định kiến trước khi gặp mặt: Một số phóng viên có xu hướng có suy nghĩ, quan điểm, cách nhìn nhận trước khi gặp mặt đối tượng phỏng vấn. Một doanh nghiệp Mỹ nói rằng: Có hai loại phóng viên. Một là họ luôn có sẵn câu hỏi trước khi họ hỏi bạn và họ chỉ cần bạn gật đầu công nhận các câu hỏi này. Loại kia là những người thực sự biết lắng nghe. Những người này lượn lờ quanh vấn đề, tìm hiểu nó và muốn biết họ nên nói chuyện với ai nữa để hiểu hơn về vấn đề này.

Lười biếng. Một số phóng viên – có thể là những người phàn nàn về các nguồn tin buồn tẻ – hy vọng nhận được những câu trả lời thông minh, hấp dẫn đối với những câu hỏi “chán như con gián” của họ. Thật là không công bằng với những người được phỏng vấn.

Tham khảo 9 cách viết mào đầu hấp dẫn

vimgMào đầu tiếp cận thực tế
Một mào đầu mà trong đó, thực tế cuộc sống được đưa ra chân thực như thể tác giả đã bứng một góc cuộc sống để đặt vào, đến nỗi khiến người đọc có cảm giác nhân vật ấy, vấn đề ấy tồn tại đâu đây bên cạnh mình, đó là một mào đầu tiếp cận thực tế.

Để viết được mào đầu này, xin đừng quên một quy tắc cổ điển, đơn giản và khó có thể thay thế được trong báo chí, đó là tạo một mào đầu bằng 5 yếu tố: Ai, cái gì, ở đâu, khi nào và tại sao. Quy tắc này giúp phóng viên có thể đưa ra rất nhiều thông tin hấp dẫn ngay từ mào đầu. Dưới đây là một mào đầu trong bài phóng sự bàn về vấn đề giáo dục từ xa cho trẻ em tiểu học:

“Jesse, một cậu bé 10 tuổi khá sáng dạ sống tại làng Winter, phía Nam thành phố London (Anh), mỗi tuần đọc 5 cuốn sách. Jesse rất thích đọc sách giáo khoa, say mê các cuốn tiếu thuyết khoa học viễn tưởng nhưng lại ghét đi trời mưa. Cậu thích bơi, thăm các viện bảo tàng, rất yêu cô em gái hai tuổi nhưng rất ghét dọn dẹp phòng riêng.

Trước đây, Jesse theo học tại một trường tiểu học tư thục. Tuy nhiên, từ lớp hai đến lớp bốn, cậu trở thành học sinh học tại nhà. Và mặc dù không hoàn toàn đồng ý với phương pháp giáo dục mới này nhưng hiện tại, mẹ của Jesse là giáo viên duy nhất của cậu”.
 

Thay vì đi thẳng vào sự thật, tác giả kể một câu chuyện gần gũi, đời thường có nhân vật cụ thể với tên, tuổi, cuộc sống, không gian, sở thích. Điều này kích thích trí tò mò của độc giả vì họ cảm thấy nhân vật ít nhiều có những điều gần giống với cuộc sống của chính mình.

Mào đầu dẫn dắt
Hãy tránh xa cách vào đề theo kiểu sách giáo khoa và hãy thử một mào đầu có tính chất giai thoại, với lối dẫn dắt có đôi chút hư cấu. Loại này ứng dụng rất tuyệt vời với những chủ đề vốn khô khan hoặc các vấn đề khoa học có tính lý thuyết cao. Đây là đoạn mở đầu bài báo nói về những tiến bộ trong ngành khám chữa bệnh thính giác.

“Một vài năm trước đây, một người bạn ngoài 40 tuổi kể với tôi rằng chị bị điếc từ năm lên sáu. Sau một ca phẫu thuật, thính giác của chị trở lại hoạt động bình thường. Xúc động nhất, chị kể, là khi tỉnh thuốc mê, thấy cô y tá mở vòi nước trong phòng tắm, chị có thể nghe được tiếng nước đang chảy. 'Đó là một giai điệu tuyệt vời,' chị nói”.

Nếu tác giả dùng mào đầu bài viết để kể về lịch sử của ngành y tế khám chữa bệnh thính giác hoặc tập hợp những thống kê, số liệu khoa học về việc hiện có bao nhiêu người đang bị các bệnh về thính giác… phóng viên có thể sẽ đánh mất độc giả của mình ngay lập tức.

Mào đầu bằng một nhân vật
Chuẩn bị viết một bài báo mà trong tay không có số liệu hoặc chưa đủ các tư liệu cần thiết, bạn hãy liều mình mào đầu bằng một nhân vật có liên quan đến chủ đề. Thực ra, bản thân nhân vật, khi được coi là điển hình, cũng đã là một dạng tư liệu hấp dẫn và đầy sức sống. Sau đây là mào đầu trong một bài viết về trào lưu sống thử trong thanh niên, sinh viên xa nhà hiện nay:

“D, sinh viên trường Nông lâm và Q, sinh viên Ngoại ngữ mới quen được một tuần, đến ngày thứ 8 đã kéo nhau về sống thử như vợ chồng. Từ ăn mặc, chợ búa, mua sắm đến cả việc học hành lẫn “XX” đều không thể không chung”.
 

Tương tự như thế, sau hai đoạn tiếp theo, tác giả lại tiếp tục vẽ ra một bức tranh khác với nhân vật là cặp “vợ chồng sống thử” làm công nhân tại một khu công nghiệp. Cuối cùng, trong đoạn kết, tác giả đưa ra quan điểm của những người ngoài cuộc về vấn đề này. Bài viết hoàn toàn không cung cấp số liệu, chỉ minh chứng bằng nhân vật và đưa ra một số ý kiến do tác giả thu thập được song vẫn khiến người đọc thấy hấp dẫn và tin cậy.

Mào đầu dựng cảnh
Một nhà báo kể lại: Sau khi tiếp xúc với hai người phụ nữ chuyên làm nhiệm vụ giúp việc chăm sóc người cao tuổi, tôi đã quyết định viết về họ. Tôi đã cố gắng thử đi thử lại tới năm, sáu lần viết mào đầu nhưng không thành. Nhân vật, công việc và sự tất bật của họ cứ hiện lên trước mắt mà tôi không biết túm vào đâu để bắt đầu bài viết. Một ý tưởng chợt lóe lên, tôi “bê” nguyên sự bận rộn và nhiệt tình của họ vào mào đầu để chính nó tự nói lên tất cả. Đó là lý do tôi chọn một mào đầu dựng cảnh để có thể diễn đạt được ý tưởng của mình:

“Chuông điện thoại réo vang: Mẹ tôi đang cần đi chụp X-quang. Việc này phải mất tới vài ngày mà tôi đang bận đi công tác, không thể đưa bà đi được. Chị có thể giúp tôi được không?”

“Chuông điện thoại tiếp tục réo: Ông nội tôi…”

Sau đó, tác giả liệt kê tiếp hai cuộc gọi nữa, cũng vẫn giữ nguyên hình thức thể hiện và tiếp đó ông viết:

“Mỗi lẫn nhấc điện thoại là một lần họ nói câu đồng ý. Họ luôn vui vẻ và sẵn sàng giúp đỡ. Họ chính là những người giúp việc gia đình tại Thung lũng Lehigh, ở Guthsville, PA”.

Mào đầu gây sốc
Chẳng có gì hấp dẫn độc giả bằng một mào đầu gây sốc. Bạn có thể bắt đầu bài báo bằng một lời phát biểu, một hình ảnh sốc. Mào đầu này đặc biệt hiệu quả với những bài viết mang tính cảnh báo:

“Scott chết khi em mới được năm tuổi rưỡi. Em sinh ngày 29 tháng 12 năm 1969. Lúc mới sinh, Scott trông rất kháu khỉnh với mái tóc xoăn vàng nhạt và đôi mắt xanh to. Đặc biệt, em khỏe mạnh, háu ăn và hiếu động.

Nhưng rồi, Scott đã bị nhiễm bệnh Tay-sachs…”.

Đây là mào đầu trong bài viết cảnh báo về nguy cơ mắc bệnh Tay-sachs, một loại bệnh di truyền lặn với nhiễm sắc thể thân gây ngu đần và mù ở trẻ em. Căn bệnh này đang gia tăng trong khi nhiều cặp vợ chồng còn thờ ơ và thiếu hiểu biết về nó.

Đôi khi, muốn gây sốc cho độc giả, bạn có thể sử dụng đại từ nhân xưng để trực tiếp gọi và trò chuyện với độc giả ngay trong mào đầu.

“Những người cao tuổi nên thận trọng với những lời đường mật của một số tên dược sĩ dởm khi chúng nói rằng đang gửi đến cho các ông bà những thiết bị y tế được tài trợ bởi Chương trình của chính phủ Mỹ về chăm sóc người già trên 65 tuổi”.

Đưa ra câu hỏi
Bằng việc đưa ra một câu hỏi, bạn sẽ dẫn độc giả vào sự suy nghĩ và tham gia tìm câu trả lời. Câu hỏi có thể đến ngay trong câu đầu tiên của bài báo hoặc đi sau một vài câu bình luận. Đây là một mào đầu đưa ra câu hỏi trong một bài viết về nạn văng tục, chửi bậy đang trở nên phổ biến trong giao tiếp. Câu hỏi như một cách đặt vấn đề khiến độc giả phải suy nghĩ.

“Bạn đã bao giờ văng tục hoặc khi nghe người khác văng tục, bạn có cảm thấy ngượng ngùng vì phải nghe điều đó chưa?”

Dùng câu trích dẫn
Một cách viết mào đầu khá quen thuộc là sử dụng câu trích dẫn của một nhân vật có thế lực kèm theo giới thiệu tên, xuất xứ, chuyên môn của người đó hoặc bối cảnh phát ngôn.
“Ngày 2/10, phát biểu trên truyền hình, Cảnh sát trưởng Ian Blair của thành phố London (Anh) đã xin từ chức với lý do “vì đặt lợi ích của người dân và Sở cảnh sát London lên trên hết”.

Dùng đoạn hội thoại
Hội thoại là một trong những nguyên liệu quan trọng mà phóng viên có thể sử dụng để viết mào đầu. Đối với một bài báo mà chủ đề có vẻ mang chút kịch tính thì một mào đầu hội thoại rất hiệu quả. Đây là đoạn mở đầu trong một bài viết về tôn giáo:

“Mẹ, thế là mẹ đồng ý rồi phải không. Con phải từ bỏ mọi thứ con yêu vì Đức cha Moon và niềm tin của người”, Athur, cậu con trai 22 tuổi của tôi đang nói qua điện thoại. “Âm nhạc của con, chiếc trống của con, căn hộ và cả bạn gái con nữa”.

Trong đoạn mở đầu hiện lên hình ảnh hai mẹ con và những tâm tư của họ. Câu mở đầu tạo kịch tính và những cảm xúc khác nhau cho người đọc.

Mào đầu thể hiện quan điểm
Cuối cùng, nếu bạn không thể sử dụng được một mào đầu nào trong số trên, bạn hãy nghĩ đến việc bắt đầu bài báo bằng việc đưa ra một lời tuyên bố, thể hiện một quan điểm. Mào đầu này đọc có vẻ hơi “thật thà” nhưng bù lại dễ tạo niềm tin với độc giả. Chú ý dùng những câu giản dị, rõ ràng và thẳng thắn. Đây là mào đầu của bài viết “Liệu luật pháp có đối xử sai với phụ nữ”:

“Công việc của tôi là bào chữa cho những người phụ nữ mang tội giết chết những người đàn ông đã lạm dụng tình dục họ. Tôi gặp khách hàng của mình trong nhà tù”.

Mào đầu trên không chỉ là một minh chứng cho tính xác thực của bài báo, bộc lộ quan điểm của tác giả mà còn là một lời mời độc giả bước vào… nhà tù cùng tác giả.

Lưu ý khi viết mào đầu:

 - Dù bài viết của bạn đề cập đến vấn đề gì đi nữa thì điều bạn muốn nói phải được nhận ra ngay trong đoạn mào đầu, thậm chí, nếu có thể, nằm ngay trên tít.
 - Khi bạn đang viết về một tộc người nào đó, cần phải chắc chắn độc giả của bạn có thể biết tộc người đó là ai ngay từ những câu đầu tiên.
 - Hãy viết một mào đầu hấp dẫn nhưng không được phép gây chú ý quá mức so với toàn bộ bài báo vì sẽ khiến độc giả hiểu lầm, đánh giá bài viết là “đầu voi đuôi chuột”, mào đầu hay những càng đọc càng chán.
 - Không sử dụng đoạn mô tả dài dòng ngay trong phần mào đầu.
 - Hãy dùng những câu ngắn và những đoạn văn ngắn.

(Nội san Nghiệp vụ Thông tấn, 11/2008)

Các cách mở đề cho bài viết

Có hai loại mở đề: mở đề trực tiếp và mở đề gián tiếp. Mở đề trực tiếp cho độc giả thấy ngay ý chính của câu chuyện-ngay trong câu đầu tiên. Mở đề gián tiếp thường bắt đầu với một đoạn kể lại một giai thoại nào đó, hay thí dụ về một người trong một tình huống đặc thù, hay mô tả về quang cảnh. Tất cả đều làm đậm nét thêm chủ đề chính của câu chuyện hoặc xác định xem câu chuyện sẽ diễn biến trong một bầu không khí như thế nào. Sau đó, người viết cho độc giả biết ý chính là gì.

Phóng viên dùng loại mở đề nào tùy theo việc họ định viết tin thời sự hay phóng sự.

Mở đề trực tiếp

Mở đề trực tiếp dùng cho tin thời sự là hay nhất. Thông thường, loại mở đề này chứa đựng dữ kiện quan trọng nhất về những gì xẩy ra, chẳng hạn như điểm quan trọng nhất trong 5 chữ W và chữ H. Mở đề hay nhất là lối dùng Chủ ngữ-động từ-tân ngữ. Trong tiếng Anh, một đoạn mở đề cho tin thời sự không nên dài quá 25 chữ. Câu này cần phải trong sáng và gọn gàng.
Hãy xem đoạn mở đề này trên tờ Vientiane Times (Thời báo Vien Chăn) tại Lào: "Chính phủ Nhật Bản đã đồng ý tài trợ cho dự án xây dựng đường nông thôn thuộc tỉnh Houaphan nằm trong chương trình thanh toán cây thuốc phiện."

Đoạn mở đề cho thấy Who (ai) (chính phủ Nhật Bản), What (việc gì) (đồng ý tài trợ cho việc xây dựng đường nông thôn), Where (ở đâu) (tỉnh Houaphan), Why (tại sao) (để thanh toán cây thuốc phiện)

Đoạn mở đề sau đây trên tờ Bangkok Post (Bưu điện Bangkok): "Sở Bưu chính và Viễn thông hôm qua đã từ chối cấp giấy phép cho công ty World Star TV phát hình trên 36 kênh sử dụng kỹ thuật số."

Đoạn mở đề cho thấy Who (Sở Bưu chính và Viễn thông và công ty World Star TV), What (Từ chối cấp giấy phép cho phát hình) và When (hôm qua).

Mở đề gián tiếp

Mở đề gián tiếp dùng cho phóng sự rất hay. Người viết thường bắt đầu với một thí dụ hấp dẫn hay một giai thoại về một người hay diễn biến để minh họa cho phần chính câu chuyện. Làm như vậy sẽ lôi cuốn người đọc vào câu chuyện.

Nhưng nếu dùng mở đề gián tiếp, phóng viên cần phải đi tới ý chính của câu chuyện trong vài đoạn đầu, nếu không, độc giả sẽ cảm thấy hoang mang không hiểu phóng viên muốn nói gì và tại sao họ lại phải đọc bài viết đó.

Tất nhiên, có thể mở đầu bài phóng sự một cách trực tiếp với ý chính thay vì đưa ra thí dụ, giai thoại hay tả cảnh. Nhưng thường cách này không hữu hiệu vì không rõ ràng và không giúp cho người đọc dễ dàng tự đặt mình vào câu chuyện.

Về chuyện một phụ nữ nói vừa tìm được đứa con thất lạc, nhật báo The Nation (Dân tộc) của Thái Lan chọn lối mở đề gián tiếp:
 
"Huad Suaeng, 31 tuổi, đã không nhận ra bé gái gầy gò bẩn thỉu mà bà thấy đang ăn xin trên phố Phuket hồi tuần trước. Nhưng có một cái gì đó thôi thúc bà cho em đồng xu 10 baht.

Đứa trẻ nhìn bà chăm chăm mà không để ý gì đến tiền. ‘Mẹ?’ em bé gái hỏi khẽ, nước mắt lăn dài trên khuôn mặt lấm lem.

Chỉ một từ đó thôi - và chỉ một trong cả triệu lần gặp gỡ tình cờ - đã chấm dứt ba năm li biệt bi thảm từng làm tan nát hai cuộc đời.

‘Khi chúng tôi tới nơi, hai mẹ con vẫn còn ôm nhau khóc nức nở’ viên cảnh sát được bà Huad gọi tới đã kể lại.

Bé Kesorn Manpook, năm nay lên bảy, đã bị một băng đảng Campuchia bắt cóc tại nhà một người thân ở Khon Kaen. Bà Huad đau khổ đi tìm con khắp nơi nhưng rồi đã phải bỏ cuộc và không còn hy vọng gặp lại con gái nữa."


Người viết đã bắt đầu bằng một cuộc gặp bất ngờ ngoài đường, tiếp đấy đi vào đề - cuộc tìm kiếm đằng đẵng của người mẹ.

Nếu bạn viết câu chuyện bằng cách mở đề trực tiếp thì có thể câu chuyện sẽ bắt đầu như thế này: "Một phụ nữ suốt ba năm ròng đi tìm đứa con gái thất lạc đã tìm thấy con bà hồi tuần trước khi em đang ăn xin bên lề đường Phuket." Nhưng phần hấp dẫn của câu chuyện sẽ giảm hẳn đi.


Điều quan trọng là cần phải biết những gì thuộc về đoạn mở đầu. Điều cũng quan trọng không kém là phải biết những gì không thuộc về đoạn mở đầu.
Một cách thông thường để bắt đầu một bài về một khuynh hướng xã hội, tai họa hay điều gì đó gây ảnh hưởng đến nhiều người là mô tả một đoạn ngắn về một trong những người đó.

Tờ Phnom Penh Post đăng tải một bài báo về các gia dình nghèo lưu lạc đến tỉnh Ratakiri của Campuchia để làm việc trong những mỏ đá quý đầy nguy hiểm. Bài viết bắt đầu bằng cách mô tả về một người đi tìm đá quý: "Ở độ sâu 15 mét dưới lòng đất trong khe hầm nhỏ hẹp, điều Puy sợ nhất là ánh lửa leo lắt của cây nến anh cầm trong tay sẽ bị tắt đi, và anh sẽ bị nhấn chìm trong bóng tối dầy đặc."

Một cách thông thường khác để bắt đầu một bài phóng sự là tả cảnh.

"CHIANGMAI, Thái Lan -- Tại năm cửa ô của khu thành cổ ở Chiang Mai, người dân tụ tập để dự một buổi lễ cổ truyền gọi là Inthakhin. Các vị sư Phật Giáo trong những chiếc áo cà sa vàng nghệ cất cao lời cầu nguyện trong khi dân chúng dâng hương hoa và đèn nến để cầu mưa và xin một mùa bội thu.
Tuy nhiên, tiếng còi xe inh ỏi và tiếng máy xe đang bị tắc đường quanh các cửa ô này đã át hẳn tiếng cầu kinh và khói xe từ các ống xả xe hơi, xe gắn máy làm chẳng còn ai ngửi thấy mùi hương hoa thơm ngát nữa."

Có các loại mở đề theo kiểu nói chuyện làm cho độc giả phải suy nghĩ và thu hút được sự chú ý của họ. Thí dụ, đoạn mở đầu của một bài báo nữa trên tờ The Nation:
 
"Hãy tưởng tượng đến một Bangkok mà không có cột điện và các đường dây điện thoại chằng chịt. Nếu không có ai đệ đơn chống đối, sự tưởng tượng trên có thể biến thành sự thật nhờ sáng kiến của Cơ quan hành chính thành phố Bangkok (BMA).

BMA có thể đã cấp giấy phép cho công ty xây dựng Mỹ Pro-Dive để xây các đường ngầm chôn những đường dây điện và dây điện thoại xấu xí xuống dưới đất. Kế hoạch này là một phần của BMA nhằm giữ cho chân trời thành phố được thoáng, sạch, tăng thêm vẻ đẹp cho thành phố."

Đừng ‘chôn vùi’ đoạn mở đề

Khi viết tin thời sự, nhiều phóng viên quên đặt điểm chính hay khía cạnh chính của câu chuyện lên phần đầu. Chẳng hạn, họ có thể bắt đầu tin về một cuộc họp với tên tuổi những người tham dự thay vì về những gì diễn ra trong cuộc họp. Nói một cách khác. Họ ‘chôn’ điểm chính vào sâu trong bài.

Hãy xem tin này của một tờ báo tiếng Anh tại Lào:

"Người đứng đầu văn phòng nông nghiệp và trồng rừng tỉnh Borikhamsay, Buonkham Phommachuk, cho biết nông dân trong tỉnh đã bắt đầu gặt lúa vụ mùa mưa vào tháng Mười.

Tính đến nay, việc gặt hái đã hoàn tất trên 19.530 ha (80 phần trăm) của tổng diện tích 24.792 ha."
Có thể viết lại như thế này:

"Một viên chức chính phủ cho biết nông dân trong tỉnh Borikhamsay đã gặt xong gần 80% vụ lúa mùa mưa.

Theo ông Buonkham Phommachuk, Giám đốc Sở nông nghiệp và trồng rừng tỉnh Borikhamsay, khoảng 19.530 ha trong tổng số 24.792 ha đã được gặt xong."

Đoạn sau khiến cho phần mở đề câu chuyện dễ đọc hơn vì không dùng tên và chức vụ dài dòng của viên chức chính phủ. Đoạn này chú trọng hơn đến tin chính - mùa gặt - thay vào viên chức, nguồn tin của câu chuyện. Đoạn này cũng chú trọng đến những điễm cụ thể (80% đã được gặt xong) thay vào vấn đề chung chung (việc gặt hái đã bắt đầu).

Hãy xem cách mở đầu tin sau đây đăng trên một tờ báo tiếng Campuchia. Từ ‘dây thắt ngang lưng’ chỉ một sợi dây nhiều người Campuchia thường quấn ngang lưng để phòng thân.

"'Ôi, Battambang người yêu tôi hỡi!' Đây là bài hát đã nổi tiếng lẫy lừng trong các thập niên 1960-70 nhờ tiếng hát của ông Sin Sisamuth. Từ thời đại Sangkum Reastr Niyum đến hiện tại, ai mà không muốn trở thành tỉnh trưởng tỉnh Battambang? Có cảnh sát viên, nhân viên quân cảnh hay hải quan nào mà lại không muốn kiếm một chỗ làm ở Battambang? Bởi vì Battambang là tỉnh có cửa gõ kinh tế lớn nhất sau Phnompenh và thành phố Kompong Cham, cũng như tỉnh Kompong Som.

Trong số những người có ước muốn đó, đa số không được toại nguyện, và những ai toại nguyện cần phải có dây thắt ngang lưng, nói chung, họ cần phải có đôla để đút lót cho các ‘đàn anh’ mới có được cơ hội đó. Nhưng giờ đây, cuộc sống ở Battambang không phải dễ như trước đây bởi Battambang cũng đang đầy rẫy những sự bất ổn như Phnompenh, nơi hàng ngày xảy ra những vụ mất cắp, cướp bóc và bắn nhau, nhất là những loại tội phạm khó trấn áp, đó là các băng đảng ‘anh chị’ con ông cháu cha thuộc các viên chức bộ và tỉnh.

Tin của phóng viên báo tại Battambang ghi nhận, trong đêm 31/7, khoảng 10 giờ đêm, vũ trường Bopha Tip đã bị ném một qủa lựu đạn. Lựu đạn lăn từ trên nóc nhà xuống và phát nổ làm một cảnh sát viên bị thiệt mạng, năm cảnh sát viên khác bị thương và năm người gần đó cũng bị thương."

Tin ở đây là vụ nổ và người bị thương vong. Nhưng bài viết đã đi lòng vòng mãi mới tới chi tiết này sau một đoạn dài mô tả về thành phố. Viết như sau đây hay hơn: "Một cảnh sát viên đã bị thiệt mạng và 10 người khác bị thương trong một vụ ném lựu đạn vào một hộp đêm ở tỉnh Battambang đêm 31/7."

Sau đây là một thí dụ nữa về tin chính bị chôn vùi trong bài, đăng trên một tờ báo tiếng Anh tại Myanmar:

"YANGON- Lễ quyên góp lần thứ tư để gây quỹ xây chùa Thabyinnyu đã được tổ chức tại Dhammaythaka Sarthintaik thuộc phường 5 trong khu Mayangon sáng nay, có Bí thư thứ nhất của Hội đồng Quốc gia Hòa bình và Phát triển, Trung tướng Khin Nuynt tham dự.

Phu nhân của Bí thư thứ nhất-Trung tướng Khin Nuynt, nữ tiến sĩ Khin Win Shwe cũng tham dự buổi lễ, ngoài ra còn có Bộ trưởng công nghiệp 1 U Aung Thaung, Bộ trưởng hầm mỏ Chuẩn Tướng Ohn Myint, Bộ Trưởng Thông Tin Thiếu Tướng Kyi Aung, Bộ Trưởng Tiến bộ tại Vùng Biên giới và Các vấn dề Phát Triển dân tộc Đại Tá Thein Nuynt, Bộ Trưởng Vận tải, Thiếu Tướng Hla Myint Swe, Bộ Trưởng Xã hội, Cứu trợ và Định cư, Chuẩn Tướng Pyi Sone, Bộ Trưởng Điện lực Thiếu Tướng Tin Htut, Bộ Trưởng Thể thao Chuẩn Tướng Sein Win, Bộ Trưởng Y tế Thiếu Tướng Ket Sein, Bộ Trưởng Tôn giáo Thiếu Tướng Sein Htwa, Chủ tịch ủy Ban Phát Triển thành phố Yangon, Thị Trưởng U Ko Lay, Các viên chức thuộc Văn phòng Hội đồng Quốc gia Hòa bình và Phát triển, Các Hội đồng Hoà bình và Phát triển quận huyện và những người đến chúc mừng.

Bí Thư ủy Ban hành động Thứ trưởng Nông nghiệp và Thủy lợi Chuẩn Tướng Khin Maung báo cáo cho Bí thư thứ nhất Trung Tướng Khin Nuynt về tiến độ của công trình xây dựng chùa; và Chủ tịch Tiểu ban Tài chính, Thứ Trưởng Bộ Vận tải đường sắt Thura U Thaung Lwin báo cáo về các khoản tiền quyên góp và chi phí xây dựng chùa."

Sau trên 200 từ và danh sách 17 tên và chức vụ dài dòng chúng ta đến được tin chính:

"Bí thư thứ nhất Trung Tướng Khin Nuynt và các bộ trưởng đã nhận được các khoản quyên góp lên đến 17.5 triệu Kyat"

Một câu mở đầu hay hơn sẽ viết như sau: "Vị tướng hàng đầu Khin Nuynt và các viên chức đã nhận được 17.5 triệu Kyat tiền quyên góp để xây một ngôi chùa mới tại khu Mayagon vào hôm qua."

Có thể bạn cảm thấy phải liệt kê đủ tên các viên chức cao cấp tham dự. Nếu đúng như vậy, bạn nên liệt kê sau khi đã tường thuật tin.

Đừng nhồi nhét quá nhiều vào đoạn mở đầu

Điều quan trọng là cần phải biết những gì thuộc về đoạn mở đầu. Điều cũng quan trọng không kém là phải biết những gì không thuộc về đoạn mở đầu. Đừng nhồi nhét quá nhiều ý hoặc các chi tiết không quan trọng lắm vào đoạn mở đầu, có thể nói đến sau đó trong bài.

Phóng viên không cần phải đưa tất cả 5 chữ W và chữ H vào đoạn mở đầu; một vài trong số những chữ này có thể để xuống đoạn thứ nhì hay thứ ba.

Hãy xem đoạn mở đầu sau trên một tờ báo tiếng Anh của Thái Lan về vấn đề ngoại hối. Đây là một thỏa thuận mượn ngoại tệ của nước ngoài để ổn định đồng tiền trong nước.

"Thái Lan và Nhật Bản sẽ ký kết một thỏa thuận sơ bộ về một tài khoản trị giá 3 tỷ USD (135 triệu Baht) trong khuôn khổ hiệp định trao đổi tiền tệ khi hai bộ trưởng tài chính gập gỡ tại Honolulu bên lề cuộc họp của Ngân hàng Phát triển châu Á vào tuần tới."

Việc thỏa thuận sẽ được các bộ trưởng ký kết tại Honolulu trong cuộc họp của Ngân hàng có quan trọng lắm không? Tin chính có phải là riêng về thoả thuận hay không? Mục đích của thoả thuận là gì? Thông tấn xã AP đưa tin này một cách rõ ràng và  vắn tắt:

"Thái Lan và Nhật Bản đã đạt được thoả thuận tổng quát về một tài khoản trao đổi tiền tệ trị giá 3 tỷ USD để ổn định đồng Baht."

Có gì khác ở đây?

Một đoạn mở đề hay không những có thông tin mà còn hấp dẫn nữa. Mở đề không những chỉ chứa đựng tin quan trọng nhất, mà còn, nếu được, cho độc giả thấy tại sao diễn biến này không giống với các diễn biến khác.

Có phải tất cả mọi tai nạn đâm xe đều giống nhau? Không. Hãy suy nghĩ đến điểm: tai nạn bạn sắp viết khác với các tai nạn khác như thế nào? Đưa điểm đó vào đoạn mở đầu.
Thay vì viết: "Một chiếc xe buýt chở hành khách đã bị lật ngay bên ngoài Rangoon trong một trận mưa lớn hôm qua, khiến cho ba người bị thiệt mạng." Hãy nghĩ xem có nên viết: "Một chiếc xe buýt chở hành khách đã bị lật ngay bên ngoài Rangoon trong một trận mưa lớn hôm qua, khiến cho ba phụ nữ có tuổi bị thiệt mạng. Ba người này lúc đó đang trên đường về nhà sau khi dự đám tang một người thân."

Viết đoạn mở đề không dễ như thể theo sát từng bước một công thức. Ai (Who) không nhất thiết phải luôn luôn đi theo sát “vấn đề gì” (What). Điều này tùy thuộc vào diễn biến xẩy ra.

Nếu đó là một tai nạn xe hơi và bốn người đã bị thương, đoạn mở đề có thể là: "Bốn người đã bị thiệt mạng hôm qua khi một chiếc xe hơi bị trôi tuột khỏi một đoạn đường ngập nước trong thành phố Hồ Chí Minh."

Nếu tai nạn xẩy ra vì lụt lội, đoạn mở đề có thể là: "Mưa lớn và lũ đã cuốn trôi một chiếc xe hơi khỏi một con đường trong thành phố Hồ Chí Minh hôm qua, khiến cho bốn người bị thiệt mạng."

Nếu có một viên chức hàng đầu trong xe, đoạn mở đề sẽ chú trọng đến chữ Who (ai): "Thứ trưởng tài chính, ông XXX, đã bị thiệt mạng trong một tai nạn xe hơi tại thành phố Hồ Chí Minh hôm qua."

Nếu địa điểm xẩy ra tai nạn khác thường, bạn nên chú trọng đến Where (ở đâu): "Một chiếc xe hơi đâm vào một ngôi chùa nổi tiếng tại thành phố Hồ Chí Minh hôm qua sau khi người lái xe bị lạc tay lái."

Bạn phải tự nghĩ xem khía cạnh nào của diễn biến là quan trọng nhất.
 
Chọn ‘góc cạnh’


Đôi khi không có cách duy nhất nào được coi là đúng để bắt đầu một câu chuyện. Có thể có nhiều điểm cùng đáng lưu ý, hay nhiều ‘góc cạnh’ có thể chọn cho câu chuyện.

Thí dụ, bạn tham dự một cuộc họp báo của bộ trưởng tài chính. Nếu ông đọc một bài diễn văn loan báo một chính sách quan trọng nào đó, tất nhiên bạn bắt đầu câu chuyện ở điểm đó. Nhưng lần này, ông không nói điều gì đặc biệt nổi bật hay mới mẻ. Bạn có thể chọn viết về nhiều khiá cạnh khác nhau mà ông đã nói tới. Bạn có thể bắt đầu với sự lạc quan của ông về đà tăng trưởng GDP cho năm tới, hoặc các nhận xét của ông về kiểm soát lạm phát, hoặc về giao thương với Trung Quốc. Bất cứ góc cạnh nào vừa kể cũng có thể làm cho câu chuyện hay.

Hoặc nếu viết về dịch sốt rét bùng phát tại biên giới Thái Lan-Myanmar, bạn có thể viết từ quan điểm của nạn nhân bệnh sốt rét, hay của các bác sĩ và nhân viên cứu trợ đang tìm cách chặn đứng đà lây lan của dịch bệnh, hoặc của các nhà khoa học đang nghiên cứu về căn bệnh để tìm một phương thuốc chữa trị sốt rét hữu hiệu hơn.

Khi bạn đang tìm cách quyết định nên mở đầu với góc cạnh nào, một trong các câu hỏi bạn phải tự hỏi là: Ai thực sự là độc giả của báo mình? Họ có phải là các độc giả thuộc loại đại chúng? Các độc giả học thức? Chuyên gia? Người nước ngoài? Hãy chọn góc cạnh đáng lưu ý nhất và đáng nói nhất cho những độc giả đặc biệt của bạn.

("Cẩm nang viết tin" của Peter Eng và Jeff Hodson)

Những nguyên tắc của công việc biên tập

Trích đoạn sau đây dịch từ "Cẩm nang của các BTV và các tác giả" (Gyurcsák János, Nhà xuất bản Osiris, Budapest 1996 - Trang 258-259), một cuốn sách gối đầu giường của nhiều thế hệ BTV và tác giả Hungari, cho thấy một quan điểm khoa học và hợp lý về những nguyên tắc biên tập.

Biên tập bản thảo là hoạt động phức hợp nhất, và cũng có lẽ là hoạt động đòi hỏi trách nhiệm cao nhất của quá trình xuất bản!

Một trong những nghịch lý của công việc biên tập là vấn đề trách nhiệm. Về mặt luật pháp, biên tập viên (BTV) không chịu trách nhiệm về nội dung của sản phẩm in. Trách nhiệm ở đây, trước hết thuộc về tác giả, và ở một mức độ nhỏ hơn, nhiều khi chỉ mang tính gián tiếp, thuộc về nhà xuất bản. Tuy nhiên, chính sự khác biệt giữa một BTV trung bình và một BTV giỏi là ở chỗ BTV giỏi nhất định cần phải có sự can thiệp về nội dung bản thảo và như thế, vẫn có trách nhiệm ở một dạng nào đó khi tác phẩm được in.

Cố nhiên, BTV không bao giờ được thực hiện những thay đổi, những bổ sung về nội dung và những chỉnh sửa nếu không được sự biết đến của tác giả. Nhưng, một BTV, nếu muốn quan tâm đến những vấn đề nội dung, đòi hỏi phải có sự hiểu biết trong lĩnh vực mà tác giả đả động tới, cho dù có thể không ở mức như tác giả. Có điều, một BTV giỏi không chỉ suy nghĩ được trong bản thảo, mà còn phải suy nghĩ được trong tác phẩm in, nghĩa là sau khi đọc bản thảo, trái với đa số các tác giả, BTV phải có được hình dung về tác phẩm in hoàn chỉnh.

Thông thường, các tác giả cũng nhận thức được điều này nên họ luôn gắn bó với một vài BTV có tên tuổi. Cố nhiên, uy tín của BTV - ở mọi nơi trên thế giới - kém xa uy tín của tác giả. Và, cũng không thể trả lời được câu hỏi tại sao một BTV xuất sắc lại "cam phận" BTV, mà không trở thành tác giả...

BTV có vai trò môi giới giữa tác giả và độc giả, bởi lẽ đồng thời họ phải suy nghĩ được bằng cái đầu của tác giả và độc giả, nghĩa là, họ cần phải hiểu tác giả thực chất muốn nói gì, mặt khác, cần giúp đỡ người đọc hiểu được điều mà tác giả muốn nói. Trên tư cách người đầu tiên đọc bản thảo, BTV truyền tải cho tác giả những nguyện vọng của các độc giả trong tương lai, vì thế, quan hệ mật thiết giữa tác giả và BTV trong quá trình xuất bản là không thể thiếu được.

Công việc biên tập khó ở chỗ BTV như kẻ khiêu vũ mà bị trói tay: chỉ có thể xuất phát từ dụng ý của tác giả, sự chỉnh sửa và thay đổi không thể vượt quá một giới hạn nhất định. BTV cần phải để ý tới chủ tâm của tác giả khi triển khai kết cấu của tác phẩm in, các đơn vị cấu trúc phải phục vụ điều này. Những giới hạn có thể đến đâu? - không có lời giải đáp xác quyết cho câu hỏi này.

Trên cơ sở những điều đã nói ở trên, BTV phải để ý đến những yếu tố sau:

1. Cấu trúc, trật tự sáng sủa của bản thảo;

2. Ngôn từ cô đọng và phong cách thích hợp của tác phẩm (thuật ngữ, các chữ viết tắt, chính tả, thư mục...);

3. Thống nhất các đơn vị cấu trúc (hệ tựa đề, mục lục...) và loại trừ sự trùng lặp;

4. Gạt bỏ những lỗi logic còn sót lại trong cách diễn đạt;

5. Gạt bỏ những bất hợp lý và lỗi về ngôn từ và phong cách (đặc biệt, trong các tác phẩm nhiều người viết);

6. Sự chính xác và đúng đắn của những dẫn chứng, ghi chép;

7. Kiểm tra các tên tuổi và tựa đề trong tác phẩm và trong thư mục;

8. Kiểm tra sự hiện diện chính xác của các minh họa và những phần phụ (phụ lục, chú giải các tên họ, danh sách các thuật ngữ chuyên môn, bảng chỉ dẫn các đề mục và tên họ...)

BTV không thể bắt ép tác giả phải theo quan điểm của mình. Bởi lẽ, vẫn có thể là tác giả có lý. Và rốt cục, tác phẩm vẫn là của tác giả, lời cuối cùng luôn phải thuộc về tác giả!

Trần Lê dịch
(Theo Nhịp Cầu Thế giới)

Cách đưa tin về các cuộc họp, hội nghị
Đưa tin về cuộc họp

Nếu chính phủ hoặc cơ quan hoạch định chính sách tổ chức cuộc họp thì phóng viên cần tập trung xem trong cuộc họp có hành động gì và tác động của nó với độc giả thế nào. Có bầu bán gì không? Có phải ủy ban gợi ý tăng lương cho giáo viên không? Hay tăng thuế đối với các cửa hàng? Hay là thông qua ngân sách mới? Nếu không có hành động gì thì phải tìm hiểu lý do tại sao hoặc tập trung vào tranh luận đã diễn ra tại cuộc họp đó.

Theo cuối "Cẩm nang viết tin" của Peter Eng và Jeff Hodson, do Quỹ Tưởng niệm Báo chí Đông Dương phát hành, bài viết về cuộc họp nên có các yếu tố như sau:
- Ai chủ trì cuộc họp?
- Mục đích của cuộc họp?
- Có hành động gì?
- Vì sao có hành động?
- Bình luận của những người tham gia/quan sát?
- Ai sẽ bị ảnh hưởng bởi hành động đó, và bình luận của họ?
- Nếu chưa có hành động gì thì hãy xem có sự nhất trí rằng cần phải có hành động hay không?
- Nếu không có hành động thì có ai nói điều gì quan trọng hay đáng chú ý không?
- Hoàn cảnh của vấn đề mà họ thảo luận?

Phần mào đầu dưới đây lấy từ một tờ báo tiếng Lào, cho chúng ta biết ai ở hội nghị và chủ đề chung mà họ thảo luận là gì. Nhưng lại không nói họ thảo luận như thế nào về chủ đề đó. Đây là một lỗi thường gặp ở các nhà báo Đông Nam Á.

Đại tá Buuasieng Champaphanh, chủ nhiệm tiểu ban của Lào và thư ký tiểu ban của Thái Lan, thiếu tướng Serirath Thinrath cùng nới với báo chí Lào và Thái Lan về tình hình ở Vang Tao, xảy ra hôm 3/7 trong một Hội nghị của Ủy ban Gìn giữ An ninh Biên giới Lào-Thái Lan.

Sau đó trong tin, chúng ta biết thêm về tình hình: "Bọn thảo khấu có vũ trang đã tấn công một đồn biên phòng và bắt các quan chức hải quan làm con tin." Vị đại tá Lào cho biết quân đội hai nước đang hợp tác để gìn giữ hòa bình ở biên giới. Nhưng thông tin đó lẽ ra phải đưa lên mào đầu mới phải.

Dưới đây là toàn văn một tin khác, lấy từ một tờ báo tiếng Anh của Lào:
 
Các em gái hút thuốc nhiều hơn

Tại cuộc họp một ngày để hoạch định chính sách quốc gia về kiểm soát thuốc lá ở Lào, diễn ra tại Khách sạn Lào Plaza hôm 24/7, Tiến sĩ Somchai Pholsena, giám đốc Trung tâm Giáo dục Thông tin Sức khỏe, cho biết số thanh niên mới lớn hút thuốc - đặc biệt là các em gái, đã tăng lên.

Cuộc họp được Cơ quan Cứu trợ Phát triển Adventist tài trợ và có sự tham gia của 40 đại biểu từ Bộ Y tế và ngành liên quan. Một số đại diện của các cơ quan quốc tế cũng có mặt và cuộc họp do Thứ trưởng Y tế chủ trì.

Chương trình nghị sự gồm có thảo luận và báo cáo về tình hình và việc kiểm soát hút thuốc lá trên thế giới nói chung và ở Lào nói riêng, tác động xấu của thuốc lá tới sức khỏe, thông tin về nhập khẩu và thuế thuốc lá, các chiến lược tương lai và chính sách kiểm soát thuốc lá.

Ở vùng đô thị, 25% đàn ông và 1,5% phụ nữ Lào hút thuốc. Ở vùng nông thôn, 60% đàn ông và 30% phụ nữ hút thuốc. 70-90% những người hút thuốc ở Lào là người dân tộc thiểu số.

Lào có hai nhà máy thuốc lá sản xuất ra sản phẩm mang nhãn hiệu Adeng và Dokmeydeng. Hai đơn vị này nhập khẩu thuốc lá nhãn hiệu 555 và Marlboro./.
 

Phần mào đầu nói rằng mục đích của cuộc họp là lập ra chính sách kiểm soát việc hút thuốc lá. Nhưng đọc từ đầu đến cuối tin chẳng có chỗ nào chỉ ra được là cuộc họp đã đạt được cái gì. Cuộc họp có đưa ra chính sách nào không? Bất kỳ chính sách mới nào cũng tác động tới nhiều người. Nếu cuộc họp không đưa ra được một chính sách nào thì vì sao nó thất bại?

Phần mào đầu có một số ý tốt: Đã kể ra được một câu nói hay tại cuộc họp. Nhưng thông tin đó không hề được giải thích trong phần còn lại của tin. Vì sao lại có nhiều trẻ em gái hút thuốc hơn? Số trẻ em gái hút thuốc tăng bao nhiêu? Có biện pháp kiểm soát nào được bàn luận tại cuộc họp không?

Tin này nói cho độc giả biết chương trình nghị sự của cuộc họp nhưng không nói những ý kiến chính thức được đưa ra là gì. Các thành viên của cuộc họp có đồng ý với các ý kiến đưa ra hay không?

Tin này cũng cho chúng ta biết một vài thực tế về tỷ lệ người hút thuốc và nhãn hiệu thuốc. Nhưng hoàn cảnh chính lại thiếu: Chính sách kiểm soát thuốc lá hiện nay là gì? Bối cảnh là gì? Vì sao chính phủ lại quan tâm giải quyết vấn đề này?

Hãy theo dõi một bài viết (sẽ cập nhật) về một cuộc họp ngoại giao lớn, xem cái nào khó đưa tin hơn và khó viết hơn.

Đưa tin về hội nghị

Hội nghị khó đưa tin. Hội nghị thường được các học giả, các tổ chức phi chính phủ, các nhóm chuyên viên và chính phủ tổ chức nhằm trao đổi ý kiến và thường có ít hoặc không có hành động nào được đưa ra.

Nếu hội nghị có một người phát biểu chính thì lời bình của người đó có thể lấy làm chủ đề tập trung cho bài viết. Nếu nhiều đại biểu đưa ra các giải pháp cho một vấn đề thì những giải pháp đó là chủ đề của bài viết. Phóng viên cần tìm cách nói chuyện với các đại biểu trong giờ giải lao, đề nghị họ nói rõ ý kiến của mình đối với một vấn đề nào đó.

Hội nghị không phải lúc nào cũng cho ra được những tin, bài hay, nhưng đó là nơi phù hợp để gặp các chuyên gia và nói chuyện về ý tưởng viết tin, bài.

Cũng giống như khi đưa tin về cuộc họp, cần tránh kiểu chỉ liệt kê trong phần mào đầu về ai, ở đâu và khi nào. Kiểu như tin dưới đây lấy từ một tờ báo tiếng Việt:

Hội nghị kiểm điểm hai năm (1999-2000) chiến dịch chống ma túy và các tệ nạn của các công đoàn viên do Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức, đã kết thúc vào ngày 20/3 ở Quảng Trị.

Sau đó, tin này trích dẫn một quan chức hàng đầu nói rằng mà túy và "tệ nạn xã hội" không giảm vì các công đoàn viên không cảm thấy bức xúc về nó. Ông đề nghị cần phải có các biện pháp chỉnh đốn. Những ý kiến này lẽ ra phải đưa lên phần mào đầu mới phải./.

Tìm nguồn tin và ý tưởng để viết bài

Phóng viên có thể tìm ý tưởng bằng cách thường xuyên liên lạc với các cơ quan thông tin của chính phủ hay các bộ ngành. Một số cơ quan công bố lịch trình hoạt động trong ngày. Thông cáo báo chí có thể là điểm khởi đầu để viết các tin hay. Mốt số tin do các tổ chức phi chính phủ hay các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc đưa ra, những thông cáo khác do các doanh nghiệp, trường học, v.v. cung cấp. Các chính phủ và tổ chức khác cũng thường xuyên gửi thông cáo, tài liệu và các bản báo cáo.

Các phóng viên giỏi biết tính trước. Nên tìm hiểu thật kỹ càng để hiểu biết về các đề tài hay cơ cấu tổ chức mà bạn viết bài. Cần phải tìm cách để biết sự kiện nào sẽ xảy ra tiếp theo. Hãy chuẩn bị sẵn sàng các thông tin dữ liệu trước khi khi quốc hội thông qua một đạo luật mới về đầu tư, hay khi ngân hàng trung ương loan báo cắt giảm lãi suất một lần nữa.

Phóng viên cũng có thể lấy ý tưởng bằng cách đọc các báo khác, nghe radio và xem truyền hình. Hãy để ý đến các câu hỏi mà các phương tiện truyền thông khác chưa giải đáp. Hãy tìm một khía cạnh mới cho câu chuyện.

Một số phóng viên đọc các tạp chí định kỳ về kỹ thuật để tìm hiểu về các tiến triển trong lĩnh vực họ quan tâm để viết tin. Một phóng viên viết về môi trường có thể đọc tờ Watershed, một tập san chuyên về các vấn đề môi trường tại Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Hãy tự trau dồi kiến thức càng nhiều càng tốt về các vấn đề mà phóng viên đó phụ trách. Khi học đựơc điều gì mới, phóng viên cũng có thể chia sẻ với độc giả.

Tại Campuchia, nhiều phóng viên đọc bản tin hằng tháng của Quốc Vương Norodom Sihanouk. Trong bản tin, Quốc Vương cho biết ý kiến của ngài về nhiều vấn đề, chẳng hạn như các phiên tòa xử Khmer đỏ hay các vấn đề của nông dân nghèo. Các ý kiến này đôi khi là tài liệu tốt để viết bài.

Phóng viên cũng có thể tìm đựơc ý viết bài bằng cách nói chuyện với người khác - tại nhà, ngoài chợ hay trong các buổi tiệc tùng. Người ta nói chuyện về những gì? Các ý kiến và những mối quan tâm của họ có thể là nền tảng để viết bài. Bên cạnh đó, cũng có thể tìm ra câu chuyện thông qua sự quan sát. Trên đường đi làm, phóng viên nên để ý xem có tòa nhà nào mới, trông có vẻ hay hay, đang bắt đầu được xây. Hãy gọi điện thọai cho cơ quan cấp giấy phép xây dựng của thành phố để hỏi thêm. Có thể chúng ta sẽ biết được đó là một viện bảo tàng hay một rạp chiếu phim mới. Đó là chuyện mà nhiều người trong thành phố muốn đọc.

Có nhiều nguồn tin, nhưng phải là nguồn tin tốt

Qua những người khác, phóng viên có thể tìm ý để viết bài. Nhưng điều quan trọng là các nguồn tin đó phải tốt. Phải chắc chắn là chúng ta có các nguồn tin chính xác và khách quan hoặc các tin trung lập. Liệu những tin họ cung cấp cho bạn trước đây có đúng hay không? Những người khác có tin tưởng vào các nguồn tin đó không? Liệu họ có ở vào địa vị để biết về những điều họ nói đến không? Họ có lý do gì để nói dối bạn không?

Phóng viên cũng cần phải có các nguồn tin chuyên môn về một số vấn đề nào đó, kể cả các chuyên gia kinh tế. Nếu viết về một tin kinh tế mà không hiểu các từ chuyên môn, phóng viên có thể điện thoại hỏi họ.

Để gây dựng các nguồn tin tốt, cần phải nói chuyện với mọi người thường xuyên, bằng cách gặp trực tiếp hay qua điện thọai. Khi họ đã biết bạn rồi, họ sẽ tin bạn. Và bạn cũng sẽ biết có tin được họ hay không.

Một số phóng viên thường làm quen và giao thiệp với các viên chức cấp trung tại các cơ quan họ quan tâm để viết bài. Đây là những người thường nắm được những gì đang xảy ra. Các thư ký cũng có thể là những nguồn tin tốt vì họ biết các viên chức làm gì. Họ cũng có thể dàn xếp để bạn phỏng vấn các viên chức đó.

Phóng viên giỏi viết bài dựa vào tin tức do nhiều nguồn tin cung cấp. Khi một nguồn tin cho biết một thông tin nào đó, hãy kiểm tra lại với những nguồn tin khác để chắc chắn rằng tin đó đúng. Hoặc phóng viên nên yêu cầu những nguồn tin khác nhận xét hay bình luận để có thể viết bài một cách hoàn hảo hơn. Không nên chỉ trích riêng lời các viên chức chính phủ. Hãy nói chuyện với các chuyên gia, chẳng hạn như với các nhân viên thuộc các tổ chức phi chính phủ hay các giáo sư đại học. Hãy nói chuyện với những người dân thường mà các sự kiện đó ảnh hưởng tới họ. Ngoài ra, cần thường xuyên liên lạc với các nguồn tin riêng để biết những gì đang xảy ra.

Giữ một danh sách nguồn tin

Lưu giữ một danh sách các nguồn tin được sắp xếp gọn gàng nơi bàn giấy của bạn ở phòng tin là điều hết sức quan trọng. Luôn luôn xin danh thiếp của người cung cấp tin cho bạn. Xếp danh thiếp này vào một chiếc hộp trên bàn của bạn. Cùng lúc, bạn nên giữ sẵn một cuốn niên giám điện thoại và các sổ ghi số điện thọai của chính phủ, các doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ. Thường thường bạn phải gọi điện ngay lập tức cho một người nào đó. Bạn không có đủ thì giờ để đi tìm tên người đó ở những chỗ khác.

("Cẩm nang viết tin" - Peter Eng và Jeff Hodson)


Những điều cần thiết để có tin hay

Thực ra những nguyên tắc cơ bản này luôn là những điều đầu tiên được nhắc nhở đối với bất kỳ nhà báo nào, vậy tại sao tình trạng đăng tin không kiểm chứng, đăng tin đồn, tin với quan điểm thiên vị, thậm chí tin sai, lại nhiều như vậy?

Sau khi đảm bảo nắm vững cấu trúc cơ bản của tin, hãy để ý đến một số yếu tố cần thiết để bài viết
được hay. Những yếu tố này gồm có: tin tức chính xác, xác định nguồn gốc của tin, công bằng, cân bằng, không thiên vị và thấu đáo. Diễn đàn Báo chí Việt Nam xin giới thiệu quan điểm của Peter Eng và Jeff Hodson, nêu trong cuốn "Cẩm nang viết tin."

Chính xác

Điều quan trọng hơn cả là phóng viên cần phải đưa tin thật chính xác, nếu không, độc giả sẽ không tín nhiệm vào báo của bạn và mua báo khác. Các sai sót có thể làm hại đến các nguồn tin và độc giả.
Không bao giờ nên cho rằng một điều gì đó là đúng. Luôn luôn đặt câu hỏi. Luôn luôn kiểm chứng. Chính xác có nghĩa là luôn luôn lưu ý đến mọi chi tiết. Bắt đầu từ việc đơn giản nhất như: cách đánh vần tên, chức danh và địa điểm. Tiếp đến là việc xác nhận các thông tin chứa đựng trong các thông cáo báo chí, và trích lời một người nào đó thật đúng, hoặc mô tả đúng quan điểm của họ.

Có thể bạn nghĩ rằng viết tên sai ‘không quan trọng lắm’ nhưng nếu bạn mắc lỗi này, một độc giả biết cách đánh vần đúng sẽ nghĩ rằng, ‘nếu phóng viên viết tên cũng sai thì không hiểu còn sai thêm những gì nữa trong bài.’ Các nguồn cung cấp tin có thể bực mình nếu bạn viết sai tên của họ. Họ có thể không tin cậy bạn nữa. Hãy hỏi nguồn tin này cách đánh vần, xin họ danh thiếp. Xem trong niên giám điện thoại. Viết là Chuan Leepai hay Chuan Leekpai? Jacky Chan hay Jackie Chan?

Một tờ báo có thể gây ra nhiều vấn đề nếu phạm sai lầm. Một tờ báo Campuchia làm cho người dân lo ngại khi đưa tin rằng một loại bao cao su tránh thai có thể đã bị nhiễm vi khuẩn HIV gây ra bệnh AIDS. Chính phủ đã phải mở một cuộc họp báo để bác bỏ tin này. Tờ báo đăng tải lời xin lỗi: ‘Chúng tôi sai lầm trong tư cách phóng viên chuyên nghiệp.’

Sai sót là quá tệ khi chúng ta phải vội vã và để kịp hạn ra báo. Nhưng mẵc lỗi lầm chỉ vì bất cẩn hay lười biếng không kiểm lại tin là điều không thể tha thứ được.

Kiểm chứng

Không bao giờ nên đăng tải những tin dễ gây tranh cãi mà không kiểm chứng. Nếu được, hãy kiểm chứng bằng cách đến tận nơi. Nếu không thể đến được thì yêu cầu những ai chứng kiến tận mắt xác nhận sự việc. Đồng thời, cũng nên xem những tài liệu chứng tỏ sự việc có thật.

Trong cuộc chiến tại Campuchia năm 1997, một viên chức tỉnh Siem Reap đã nói với một phóng viên là không hề có vấn đề gì tại nơi đó, ông cho biết chỉ ở Phnom Penh mới có giao tranh. Tuy nhiên, người phóng viên này nghe thấy tiếng súng từ xa vọng lại. Anh đã không tin lời viên chức đó. Anh đến xem tình hình tại nhà thương. Tại đấy, anh gập các bác sĩ đang chữa trị cho một bé trai bị thương vì đạn.
Thân nhân của em cho biết, hai nông dân lớn tuổi đã thiệt mạng. Nhưng người phóng viên này không thấy có binh lính nào bị thương. Anh đến bệnh viện quân đội bên ngoài thành phố để xem xét. Tại đó anh thấy có nhiều binh lính bị thương, họ cho anh biết có những người khác bị thiệt mạng nữa. Anh phóng viên liền đến một ngôi chùa để xem, chùa là nơi xác những người chết được hỏa táng.

Kiểm chứng cả giấy tờ nữa. Nếu bạn không kiểm chứng, bạn có thể trở thành nạn nhân bị lừa.

Một đêm, tờ báo Căm Bốt, Campuchia, nhận được một tờ fax của ai đó nói rằng ông ta là tân chủ tịch của đảng đang cầm quyền. Tờ fax nói các đảng viên đã bỏ phiếu bầu tân chủ tịch đảng trong một buổi họp đặc biệt tại một nơi hẻo lánh trong nước. Tờ báo không kiểm chứng được tin này nhưng vẫn đăng. Đó là một sai sót lớn. Ngày hôm sau, các viên chức trong đảng nói không hề có một buổi họp như vậy.

Xử trí như thế nào với các tin đồn là một trong các thử thách khó nhất của người ký giả đang phải gấp rút viết bài cho kịp kỳ hạn. Các chính trị gia và những người khác muốn đề cao quyền lợi riêng của họ thường lợi dụng các phóng viên để nói xấu đối thủ. Không bao giờ nên đăng tải tin đồn. Hỏi thẳng nguồn gốc của tin đó, đòi phải có chứng cớ. Hỏi người bị đồn về thực hư. Nếu không thể kiểm chứng được tin đồn đó là thực, đừng đăng.

Các sai sót gây bối rối cho tờ báo và làm hại đến uy tín của báo. Nhưng không phải chỉ có thế. Có thể còn làm cho báo bị tổn hao nữa. Một tờ báo Hồng Kông đăng một bài ngầm ý cho rằng một trong các hoàng tử của quốc vương Norodom Sihanouk không phải là con chính thức của ngài. Quốc vương Sihanouk nói tin này sai và làm hại đến uy tín của ngài. Ngài dọa sẽ kiện tờ báo, đòi bồi thường hàng triệu USD. Nếu một tờ báo nhỏ phải bồi thường một số tiền như vậy, báo sẽ phải đóng cửa.

Khách quan

Các phóng viên luôn luôn nên tìm cách tường thuật sự thật một cách trung lập và giữ không để ý kiến cũng như tình cảm của mình len lỏi vào bài.

Nếu phóng viên pha trộn giữa sự thật và ý kiến riêng, độc giả sẽ không thể coi bài báo là tin chính xác được. Phóng viên nên dành cho độc giả của mình quyền tự có ý kiến, dựa trên sự thật mà phóng viên tường thuật trong tin.

Điều này không có nghĩa là báo của bạn không được có quan điểm về các vấn đề. Báo có quyền làm như vậy, và nên làm. Nhưng, tờ báo phải xác định rõ các ý kiến đó là bình luận, hoặc xã luận, đăng trên một trang riêng, khác với các trang tin tức. Làm như vậy sẽ gia tăng uy tín của tờ báo.

Một bài gần đây đăng trên tờ báo tiếng Campuchia đã gọi một viên chức hàng đầu trong chính phủ là: ‘chỉ biết có tiền... cha đẻ của tham nhũng chẳng khác gì một con cá sấu già cỗi, một nhà độc tài với các tư tưởng quan liêu.’ Bài báo này nói, đây là ‘lời của các viên chức Bộ Phát triển Nông thôn’ nhưng không nêu danh những viên chức đó cũng như không đưa ra bằng cớ nào để chứng minh cho những lời cáo giác của họ.
Nhưng không phải chỉ riêng các tin chính trị gặp phải lỗi lầm này. Không may là nhiều phóng viên thường hay thêm ý của họ vào đủ mọi loại tin, kể cả tin xã hội, thể thao, tội phạm, hay ngay cả về tai nạn nữa.

Không thể nào tỏ ra vô tư 100% được. Tất cả mọi chúng ta đều có tình cảm và ý kiến gây ảnh hưởng đến cách chúng ta đưa tin và viết bài. Song phóng viên giỏi biết sử dụng tình cảm của mình. Một phóng viên nổi giận khi thấy các vấn đề của nông dân nghèo khổ có thể quyết định viết bài để chia sẻ tình cảm với những người khác và buộc chính phủ phải có hành động. Nhưng cho dù phóng viên có cảm nhận sâu sắc về một câu chuyện nào đi nữa, phóng viên đó cũng vẫn phải viết bài một cách chính xác và công bằng.

Cách đây vài năm, nhiều tờ báo Campuchia chỉ đăng tải ý kiến. Nhưng nay, họ đăng thêm nhiều tin tức. Không những chỉ các báo độc lập, mà cả các báo thân chính phủ và chống chính phủ nữa. Đó là vì người dân bây giờ muốn đọc ‘không những chỉ ý kiến, mà còn về những gì xẩy ra ở đâu đó,’ ông Pen Samitthy, chủ biên của nhật báo bán chạy nhất Rasmei Kampuchia (ánh sáng Campuchia), nói vậy.

Xác định xuất xứ

Nếu bạn có mặt tại một sự kiện có tính chất thời sự nào đó, bạn chỉ cần viết lại những gì mắt thấy tai nghe tại đó. Nhưng trong nhiều trường hợp, tin của bạn do người khác cung cấp hay từ nơi khác đến. Đó cũng có thể là một lời tuyên bố, một cuộc phỏng vấn, một văn kiện. Vậy phải xem ai đã nói.

Cho độc giả biết tin của bạn từ đâu đến gọi là xác định nguồn tin. Nếu độc giả biết tin đó từ đâu đến, họ có thể nhận định xem có nên tin hay không, hoặc tin đó quan trọng như thế nào. Bạn phải ghi rõ xuất xứ những lời trích dẫn, cũng như những lời mô tả hay giải thích về sự kiện mà chính bạn không chứng kiến. Nếu bạn không xác định rõ ràng xuất xứ nguồn tin, người đọc sẽ cho rằng chính phóng viên hay tờ báo là nơi xuất phát ra những tin đó. Xác định nguồn tin thường được đặt ở đầu hay cuối câu. Chỗ đặt tùy theo cách viết và ý trong sáng của bài. Sau đây là vài thí dụ:

- Bộ Trưởng Ngoại giao Thái Lan nói quốc gia ông sẽ tiếp tục hợp tác lâu dài với ASEAN
- Con số du khách nước ngoài đến thăm Malaysia đã tăng gấp đôi trong năm ngoái, theo lời văn phòng du lịch chính phủ.

Xác định xuất xứ nguồn tin không làm cho tin đó xác thực nhưng chỉ cho độc giả biết đó là lời của một người khác. Bạn không nên đăng tải bất cứ lời ai nói chỉ vì bạn có thể nêu xuất xứ của lời nói. Bạn không nên trích bất cứ lời nói nào của bất cứ một người nào đó. Trước tiên, nguồn tin phải có thẩm quyền về vấn đề mà họ nói tới. Tiếp đấy, bạn có trách nhiệm kiểm tra lại xem lời nói đó có đúng sự thật hay không. Nếu điều đó không đúng nhưng bạn vẫn trích dùng vì đó là lời của một viên chức cao cấp hay của một nhân vật có tiếng nào đó, bạn phải thêm vào trong bài một câu cho độc giả biết sự thực là như thế nào. Điều này có thể trở thành một vấn đề trong một tình huống dễ gây va chạm, vì người này nói ngược lại với người kia. Bạn nên trình bầy lời của cả hai phía và cho độc giả biết rõ ràng lời nào là của ai.

Phóng viên nên ghi xuất xứ các nguồn tin của họ bằng cách dùng tên, chức vụ nghề nghiệp và các chi tiết khác, nếu có. Độc giả càng biết nhiều về nguồn tin, họ càng dễ quyết định xem tin đó có đúng hay không, hoặc họ nên phản ứng như thế nào trước tin đó. Lấy thí dụ, có người nói: ‘nền kinh tế đang bắt đầu cải thiện’.

Người đọc sẽ phản ứng khác đi nếu đó là lời của giám đốc ngân hàng trung ương thay vì của một người chủ tiệm bán hàng. Nhưng bạn không cần phải đề tên hay toàn bộ chức vụ của nguồn tin ngay trên đầu. Nếu tên này không được nhiều người biết đến, hay chức vụ của họ dài dòng, đoạn mở đầu sẽ trở nên khó đọc. Bạn có thể để các chi tiết đó trong đoạn văn thứ nhì. Hãy tránh loại mở đề như sau, đó là tin của một cơ quan thông tin Lào:

Người đứng đầu cơ quan nông nghiệp và trồng rừng tỉnh Borikhamsay Bounckham Phommachuk tuyên bố các nông dân trong tỉnh đã bắt đầu gặt lúa vụ mùa mưa vào tháng 10.

Đoạn mở đề sau đây của cựu học viên IMMF Parista Yuthamanop cho thấy cách đưa các chi tiết đó vào đoạn văn thứ nhì của bài viết:

Ngân hàng Thế giới ngợi khen chính phủ Thái Lan đã đạt được tiến bộ trong việc giảm nghèo và giải quyết các vấn đề trong ngành ngân hàng.

Ông Jemal-ud-din Kassum, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới tại Đông Á và Thái Bình Dương, nói, ông thấy phấn khởi vì chính sách của chính phủ Thái Lan chú trọng đến người nghèo và đến phương pháp quản lý trong thương nghiệp.

Không cần phải nêu xuất xứ của tất cả mọi thứ. Đừng ghi xuất xứ của những lời nói đã rõ ràng quá rồi, dễ kiểm chứng và không gây tranh cãi:

- Hàng đống rác chất đầy trên con đường chính tại Pattaya. (rõ ràng quá, do chính mắt phóng viên trông thấy)
- Chỉ có năm công ty liệt kê trên danh sách thị trường chứng khoán non trẻ của Việt Nam (dễ kiểm chứng)
- Nhiều người tại Đông Nam Á bị thiệt hại vì cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu vào năm 1997. (không gây tranh cãi)

Có được trích đăng lời nguồn tin hay không

Đôi khi nguồn tin giới hạn việc cách thức bạn sử dụng tin của họ cung cấp. Một nguồn tin có thể cho phép bạn dùng tất cả mọi thông tin họ cung cấp và dùng tên của họ trong bài viết. Trong trường hợp đó, cuộc phỏng vấn của bạn được gọi theo tiếng Anh là ‘on the record,’ nghĩa là được trích đăng. Nói chung, một khi bạn đã tự giới thiệu là phóng viên, bạn có thể cho rằng mọi cuộc phỏng vấn đều được trích đăng. Không bao giờ đề nghị để nguồn tin nói ‘off the record,’ nghĩa là không được dùng trong bài.

Đôi khi một nguồn tin có thể nói bạn không được dùng bất cứ điều gì họ nói trong bài viết của bạn. Trong trường hợp đó, cuộc phỏng vấn của bạn bị gọi là ‘off-the record,’ nghĩa là ‘không được đăng’.

Nguồn tin có thể có các dữ kiện giúp bạn hiểu một tình huống nào đó, nhưng có thể quá nhạy cảm, không loan báo cho công chúng được. Hoặc điều đó có thể làm cho nguồn tin bị mất mặt hoặc làm hại đến họ nếu bạn đem dùng vào bài viết. Nếu bạn đã đồng ý không dùng các dữ kiện đó trong bài viết, bạn phải giữ lời.

Lúc nào cũng phải chắc chắn rằng bạn và nguồn tin của bạn hiểu rõ các điều kiện của cuộc phỏng vấn.

Các nguồn tin vô danh

Đôi khi một nguồn tin sẵn sàng cho bạn thông tin nhưng với điều kiện bạn không nêu tên họ là xuất xứ của tin đó trong bài. Có thể bạn phải viết như thế này: ‘theo lời một viên chức chính phủ yêu cầu không nêu danh’. Một nguồn tin như vậy được gọi là tin vô danh.

Bạn luôn luôn nên tìm các tin có thể đăng rõ xuất xứ, nhưng có thể bạn cần phải dùng đến các nguồn tin vô danh khi tin đó quan trọng cho bài viết của bạn.

Bạn và nguồn tin của bạn nên thoả thuận trước về cách giới thiệu hay xác định nguồn gốc xuất phát tin của họ. Càng nói rõ càng hay mà không cần phải nêu tên tuổi của nguồn tin. Chẳng hạn, ‘một viên chức cao cấp trong Bộ Tài chính’ hay hơn là ‘một viên chức chính phủ’. Càng nói rõ về nguồn tin, tin đó càng có giá trị.

Đừng dùng quá nhiều nguồn tin vô danh. Nếu không nêu tên nguồn tin thì người đó có thể tỏ ra không có trách nhiệm về lời nói của mình. Họ có thể chỉ trích dẫn hoặc đưa ra những nhận xét không đúng về người khác hay về các biến cố nếu họ biết rằng họ sẽ không phải chịu trách nhiệm. Họ có thể muốn nói gì thì nói để giúp ích cho chính đảng hay chủ trương nào đó họ muốn ủng hộ. Bạn càng dùng nhiều nguồn tin vô danh trong bài, giá trị của bài càng giảm đi.

Hãng tin Associated Press cho biết họ dùng các nguồn tin vô danh khi các nguồn tin này nói về các dữ kiện có thật, không phải về ý kiến riêng. AP nói họ chỉ dùng tin vô danh trong những tình huống nếu (1) AP biết rõ nguồn tin; (2) nguồn tin ở vào địa vị được biết về tin đó; (3) tin đó tối cần cho bài viết; và (4) không thể nào tìm được ai khác cho biết về tin đó mà ‘cho phép được đăng’

Cân đối và công bằng

Phóng viên biết rằng trong mỗi câu chuyện đều có nhiều mặt khác nhau. Vì thế họ phỏng vấn nhiều nguồn tin cho bài của họ. Quan trọng nhất là khi họ viết về các vấn đề chính trị hay xã hội, các cuộc vận động bầu cử, hay các diễn biến khác liên quan đến nhiều người có các ý kiến khác nhau.

Bài viết của bạn sẽ cân đối nếu bạn cho thấy quan điểm của cả hai phía trong một vấn đề. Bài viết của bạn là công bằng khi không thiên vị bất cứ bên nào.

Điều này không có nghĩa là bạn phải dành chỗ ngang nhau cho mỗi quan điễm. Nhưng bạn phải bao gồm trong bài một điều gì đó cho thấy các quan điểm khác nhau. Một bài về vận động bầu cử không thể nào được coi là công bằng nếu không bao gồm quan điểm của tất cả các chính đảng lớn.

Khi có lời tố cáo nào đó nhắm vào một người, bạn phải để cho người đó có phản ứng. Bạn phải cho họ có cơ hội tự biện minh.

Các cơ quan thông tin do chính phủ hay chính đảng kiểm soát cũng phải nên tìm cách cân đối bài viết và tỏ ra công bằng. Nếu không, độc giả sẽ nghĩ rằng bài đó chỉ là để tuyên truyền. Bài viết sẽ uy tín hơn nếu bao gồm một lời đề cập nào đó đến các quan điểm khác cho dù ở cuối bài đi nữa.

Trong sáng

Nên viết bài cho thật trong sáng để độc giả có thể dễ hiểu. Muốn viết rõ, bạn phải biết suy nghĩ rõ ràng. Bạn phải hiểu về sự kiện đó trước khi viết về các sự kiện đó. Để thực hiện điều này, nên hỏi những câu hỏi khéo và đặt nhiều câu hỏi khéo để tìm được các tin cần thiết. Tiếp đấy, ngẫm nghĩ về các thông tin bạn thu lượm được trước khi viết. Một khi bạn hiểu rõ vấn đề bạn có thể chọn được khía cạnh chính cho đoạn mở đề. Tiếp đấy, bạn có thể sắp xếp các chi tiết cho mạch lạc.

Trong sáng nghĩa là dùng các từ đơn giản để người thường cũng hiểu được. Tránh dùng thuật ngữ, hay những chữ lóng của các chuyên gia. Trong sáng cũng có nghĩa là gọn gàng. Không dùng nhiều chữ hơn cần thiết. Viết rõ rệt, và tránh nói chung chung.

Đoạn mở đề sau đây của một hãng tin châu Á viết bằng tiếng Anh xem ra có vẻ như do các viên chức Bộ Thương mại viết:

Malaysia và Myanmar sắp sửa hoàn tất thoả thuận để làm cho công cuộc buôn bán đổi chác giữa hai nước được dễ dàng hơn, Bộ Trưởng Công nghiệp và Thương mại Quốc tế Malaysia Rafidah Aziz tuyên bố hôm thứ năm.

Những từ đó có nghĩa gì? Hãy viết lại gọn gàng hơn: Malaysia va Myanmar sắp sửa hoàn tất một thoả thuận để thúc đẩy buôn bán, trao đổi hàng hoá, Bộ trưởng Thương mại Malaysia tuyên bố hôm thứ năm.

Trong sáng có nghĩa là giải thích rõ các từ. Nếu bạn dùng từ ‘deflation’ ‘thiểu phát’ trong một bài viết về thương mại, hãy thêm câu giải thích này cho độc giả :’ thiểu phát nghĩa là ngược lại với lạm phát, nghĩa là giá hàng hóa và dịch vụ bị tụt mạnh’.

Trong sáng có nghĩa là dùng chữ ngắn và viết câu ngắn. Trong nhiều ngôn ngữ, cấu trúc Chủ ngữ động từ-tân ngữ là cách viết rõ ràng nhất cho một câu.

Thí dụ: Cảnh sát bắt ba người đàn ông hôm thứ năm

Chủ ngữ: Cảnh sát
Động từ: Bắt
Tân ngữ: Ba người đàn ông
Thí dụ: Thủ tướng sẽ đi thăm Trung Quốc
Chủ ngữ: Thủ tướng
Động từ: Sẽ đi thăm
Tân ngữ: Trung Quốc

Hoàn thiện

Bài viết của bạn không nên để thiếu bất cứ một yếu tố quan trọng nào. Không những bạn phải trả lời năm chữ W và một chữ H, bạn còn cần phải nói chuyện với các nguồn tin chính, xem xét các văn kiện chính yếu, đi thăm những nơi then chốt.

Những yếu tố then chốt đó là gì tùy ở chỗ bài của bạn nói về gì. Thí dụ bạn viết một bài phóng sự về sự lây lan của bệnh AIDS tại Hà Nội. Nếu có một bác sĩ hàng đầu chuyên về đề tài này, bạn nên hỏi chuyện bác sĩ đó. Nếu có ai từng viết một bản nghiên cứu lớn về đề tài này, bạn nên đọc bản nghiên cứu đó. Nếu có một bệnh viện điều trị cho phần đông các bệnh nhân bệnh AIDS trong thành phố, bạn nên đến thăm bệnh viện./.

NÂNG CAO TÍNH CHÍNH LUẬN TRÊN SÓNG PHÁT THANH TRUYỀN HÌNH

Xử lý tin tức, phóng sự như thế nào để tăng cường được tính chính luận mà vẫn bảo đảm sự khách quan cần thiết?

Trên thực tế, tính chính luận và tính khách quan trong các tác phẩm báo chí, đặc biệt là trong các thể loại tin, phóng sự phát thanh, truyền hình vốn rất dể tạo ra nhiều mâu thuẩn trong quá trình chuyển tải thông tin.

Trước tiên ta nên đặt lại câu hỏi: thế nào là tính chính luận trong báo chí, Đặc biệt là đối với PT-TH
Đối với khán thính giả nghe và xem, yêu cầu về thông tin ngày càng đa dạng, nhiều chiều thế nhưng, cơ bản các thông tin phát sóng PT-TH vẫn phải đảm bảo tính khách quan, kịp thời, nhanh chóng và thiết thực. Đặc biệt là phải thể hiện sâu sắc thái độ của người viết cũng như quan điểm của cơ quan thông tin đại chúng về sự kiện hay vấn đề đang xảy ra.

Quả thật, cũng một sự kiện, một vấn đề; cũng từng ấy thông tin, chi tiết, nhưng mỗi nhà báo khi tiếp cận, xử lý thông tin đều không ai giống ai. Việc xử lý, chuyển tải thông tin – theo đó mà tạo nên nét riêng biệt của từng người làm báo, từng cơ quan báo chí. Hiểu nôm na đó là phong cách, là đẳng cấp của người làm báo. Và vì thế tính chính luận trong tác phẩm báo chí chính là thể hiện yêu cầu này, cũng là để đáp ứng những yêu cầu này.

Một tác phẩm báo chí có tính chính luận cao, rõ ràng phải thể hiện rất sâu chính kiến, thái độ của người cầm bút – Quan điểm của cơ quan báo chí. Từ đây, trách nhiệm xã hội của người cầm bút, tính chiến đấu, tính định hướng, vai trò phản biện của cơ quan báo chí được bộc lộ và phát huy cao độ.
Như vậy, 1 câu hỏi được đặt ra: “Tăng cường tính chính luận cho thông tin có thể hạn chế, hay triệt tiêu tính khách quan với nguồn tin hay không ?

Theo tôi, điều này có thể xảy ra nếu bản thân người cầm bút không đủ bản lĩnh và kiến thức.
Đối với một sự kiện xảy ra, với người mới vào nghề, còn non nớt, chỉ đơn thuần mô tả, ghi nhận lại và nói theo cách ví von nghể nghiệp “thấy cây mà không thấy rừng”. Thông tin ấy dù hoàn toàn được “bê nguyên si từ thực tế” – nhưng hiệu quả tuyên truyền rất thấp.

Ví dụ: Thông tin về việc bãi nghêu cửa lấp tại một địa phương nọ bị cắm cọc, khoanh vùng chiếm dụng trái phép chẳng hạn, có phóng viên chỉ đơn thuần coi đây là vụ việc mất trật tự an ninh trong quá trình khai thác bãi nghêu tự nhiên. Và đề xuất chính quyền sở tại nhanh chóng vào cuộc giải quyết nhằm lập lại an ninh nơi đây. Nhưng đối với những phóng viên có kinh nghiệm, anh ta nhìn sự việc này ở những góc độ khác: Đó là sự tranh chấp quyết liệt vì lợi ích cá nhân đã cho thấy hoạt động khai thác nghêu tràn lan có thể tận diệt cả nguồn nghêu thiên nhiên, hủy hoại môi trường, làm mất cân bằng sinh thái, và hướng đề ra giải pháp xử lý không chỉ dừng ở mức độ lập lại an ninh trật tự …

Ở góc độ khác, vì kiến thức, sự trãi nghiệm chưa nhiều, người cầm bút có thể dựa vào sự kiện rồi đưa ra nhận định chủ quan. Cái tôi được đẩy vào quá nhiều làm cho bản tin, phóng sự – mặc dù rất bay bổng, nhưng bản chất sự việc không còn nguyên vẹn, thậm, chí có thể bị bị bóp méo. Ở đây, xét cho cùng, khán thính giả hay độc giả nhận biết thông tin qua lăng kính của người xử lý thông tin, cách chọn góc nhìn, chi tiết minh họa cho vấn đề không đúng với bản chất mà chỉ mang tinh hiện tượng, có thể vô hình chung lại khiến dư luận hiểu sai bản chất sự việc.

Vấn đề đặt ra, tăng cường tính chính luận cho thông tin, nhưng vẫn đảm bảo sự khách quan – rõ ràng đòi hỏi người càm bút, người biên tập xử lý thông tin phải có kiến thức, vốn sống, sự trãi nghiệm sâu rộng; phải nắm bắt nguồn tin ở góc nhìn đa chiều, toàn diện chứ không chỉ khu biệt duy nhất sự kiện đó. Mặc khác, báo chí Cách Mạng nước ta đòi hỏi những người làm báo phải xác định rõ quan điểm, lập trường, có lý luận chính trị và thực tiễn, thông tin phải mang tính định hướng dư luận.

Yếu tố thứ hai là cần phải cân nhắc về liều lượng, về thời điểm chuyển tải thông tin. Thực tế cho thấy, không phải cứ bê nguyên sy sự kiện vào bản tin, phóng sự là đảm bảo tính khách quan, trung thực. Có thể như thế lại tạo ra tác dụng ngược. Khán thính giả, độc giả khi đón nhận thông tin không chỉ để nghe lại câu chuyện, sự việc, sự kiện vừa xãy ra, đang xãy ra. Họ nhìn sự việc ấy qua lăng kính người cầm bút, cầm máy – tức chờ đợi chính kiến của phóng viên và sự phân tích, bình luận của phóng viên đó mới là điểm nhấn để công chúng ghi nhớ sự kiện ấy và như thế, ảnh hưởng bởi sự kiện cũng xuất phát từ đây.

Có thể dẫn chứng: Một tội ác được miêu tả “từ đầu tới cuối như thật” với thời lượng dày đặc trên phương tiện thông tin sẽ không còn tác dụng ngăn ngừa, đấu tranh phòng chống mà có thể sẽ có những tác động ngược lại: hoặc là khuyến khích, hoặc đẩy dư luận vào tâm trạng bế tắc, chán nản. Câu chuyện của nhà báo Hoàng Hùng bị sát hại mới đây là một minh chứng. Theo tôi, thông tin quá nhiều, quá chi tiết về vụ án đã tạo ra tác dụng ngược. Nó khiến cho cảm nhận về tội ác trở nên “bình thường”, và dường như không chỉ có nhà báo Hoàng hùng bị sát hại. Người thân, đặc biệt là hai cô con gái của nhà báo cũng bị dồn đến chân tường vì suy sụp, vì mặc cảm ….

Trong cuốn “Tác phẩm báo chí”, tác giả Tạ Ngọc Tấn đã đưa ra cách phân chia thể loại: Trong đó, “Loại tác phẩm chính luận bao gồm các thể loại: bình luận, xã luận, chuyên luận”.

Tất nhiên đối với truyền hình, việc thể hiện rõ nét yếu tố chính luận là không đễ dàng do có sự chi phối của hình ảnh. Chính vì vậy, ngoài việc thể hiện tính chính luận lồng trong các tin, phóng sự, nhiều đài, ngay cả VTV, các tác phẩm chính luận thường được thể hiện trên nền hình ảnh tổng hợp hoặc qua lời dẫn của các BTV.

Điều cuối có thể khẳng định rằng : chính luận là yếu tố rất quan trọng để làm nên bản sắc của tác phẩm báo chí PT-TH, lẫn phong cách của người làm báo và của 1 cơ quan báo chí,
Mỗi toà soạn, mỗi cơ quan báo – đài nếu không bồi dưỡng đào tạo được vài ba cây viết chính luận vững vàng thì rất khó có thể thể hiện bản sắc riêng. Ở góc độ khác, cơ quan báo đài nào không có những cây viết chính luận đi sâu phản ánh trung thực và kịp thời các mũi nhọn của cuộc sống đương đại thì tên tuổi của cơ quan báo đài đó sẽ mờ nhạt dần trong công chúng.

Kiến thức căn bản về camera

Vậy thì, khái niệm đầu tiên: Camera là gì?

Theo một định nghĩa đơn giản nhất thì Camera là một thiết bị ghi hình. Với một chiếc Camera, bạn có thể ghi lại được những hình ảnh trong một khoảng thời gian nào đó, lưu trữ và sau đó bạn xem lại bất cứ khi nào bạn muốn.

Với chức năng cơ bản là ghi hình, Camera được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực giám sát. Một hệ thống các Camera đặt tại những vị trí thích hợp sẽ cho phép bạn quan sát, theo dõi toàn bộ ngôi nhà, nhà máy, xí nghiệp hay những nơi bạn muốn quan sát, ngay cả khi bạn không có mặt trực tiếp tại đó.
Bạn đang công tác ở Mĩ, và bỗng dưng thấy nhớ căn nhà và những đứa con thân yêu của bạn, bạn muốn thấy cảnh chúng đang chơi đùa, chạy nhảy, rất đơn giản, bạn chỉ cần vào mạng Internet, với vài cái click chuột, thế là toàn cảnh ngôi nhà hiện lên, thoả mãn nỗi nhớ nhung của bạn. Điều đó thật đơn giản.

Bạn cần những gì để thực hiện mong muốn đó?

Một vài chiếc Camera, một bộ ghi hình kĩ thuật số, và mạng Internet. Và có thể còn đơn giản hơn nếu bạn dùng loại Camera mạng (Camera IP), khi đó thì bạn chỉ cần có 2 thứ là Camera và mạng.
Chúng tôi gọi đó là một hệ thống giám sát.


I. PHÂN LOẠI CAMERA

Bạn cần Camera vào mục đích gi ? Chúng tôi sẽ tư vấn giúp bạn chọn loại Camera cho phù hợp với mục đích của bạn. Xin hay theo dõi phần dưới đây để xác định đâu là Camera bạn muốn.
Đặc điểm:
Mỗi Camera thường có 3 dây:
• Tín hiệu hình.
• RS485.
• Dây cấp nguồn.
Có 3 cách phân loại Camera:
• Phân loại theo kĩ thuật hình ảnh.
• Phân loại theo đường truyền.
• Phân loại theo tính năng sử dụng.


1. Phân loại theo kĩ thuật hình ảnh:
Camera Analog:

Ghi hình băng từ xử lý tín hiệu analog, xử lý tín hiệu màu vector màu, loại Camera này hiện nay ít dùng.

Camera CCD (Charge Couple Device) (100% số):
Camera CCD sử dụng kĩ thuật CCD để nhận biết hình ảnh. CCD là tập hợp những ô tích điện có thể cảm nhận ánh sáng sau đó chuyển tín hiệu ánh sáng sang tín hiệu số để đưa vào các bộ xử lý.

Nguyên tắc hoạt động của CCD có thể mô tả dưới đây:
CCD thu nhận những hình ảnh thông qua các hệ thống thấu kính của Camera. CCD có hàng ngàn những điểm ảnh sẽ chuyển đổi ánh sáng thành những hạt điện tích và được số hoá. Đây là một qúa trình chuyển đổi tương tự số.

Các thông số kĩ thuật của Camera CCD là đường chéo màn hình cảm biến (tính bằng inch ). Kích thước màn hình cảm biến càng lớn thì chất lượng càng tốt. (màn hình 1/3 inch Sony CCD sẽ có chất lượng tốt hơn 1/4 inch CCD, vì 1/3 > 1/4). Hiện nay chỉ có 2 hãng sản xuất màn hình cảm biến là Sony và Sharp. Chất lượng của Sharp kém hơn chất lượng của Sony.

Camera CMOS (complementary metal oxide semiconductor).
CMOS có nghĩa là chất bán dẫn có bổ sung oxit kim loại. Các loại Camera số sử dụng công nghệ CMOS. Các Camera số thương mại sử dụng công nghệ CMOS thì chưa đủ khả năng cung cấp trong thời điểm này khi so sánh chất lượng hình ảnh với Camera CCD. Các Camera thương mại dùng công nghệ CMOS có giá thành khoảng 500 USD đến 50000 USD.

Các Camera số sử dụng công nghệ CMOS và CCD có ưu điểm rất rõ rệt so với Camera analog về độ rõ nét và chất lượng hình ảnh.

Hiện nay sản phẩm chủ yếu của VIETSENS là loại Camera CCD.

2. Phân loại theo kĩ thuật đường truyền:
(Có 3 loại:Camera có dây, Camera không dây, IP Camera (Camera mạng)

Camera có dây.
Camera có dây có ưu điểm đó là khả năng an toàn cao, tính bảo mật tốt được sử dụng, truyền tín hiệu trên dây cáp đồng trục khoảng 75ohm -1Vpp, dây C5. Đây là giải pháp được đánh giá là an toàn, chúng tôi cũng khuyến khích các bạn nên dùng loại Camera có dây, ngoại trừ những trường hợp đặc biệt khác.Chú ý rằng khi truyền với khoảng cách xa 300m thì cần có bộ khuếch đại để tránh việc tín hiệu đường truyền suy hao, dẫn đến chất lượng hình ảnh không tốt.

Camera không dây.
Giống như tên gọi, các Camera này đều không có dây. Nhưng rất tiếc là cũng không hoàn toàn như vậy.Các Camera này vẫn cần thiết phải có dây nguồn. Các loại Camera không dây có ưu điểm đó là dễ thi công lắp đặt do không cần đi dây, tuy nhiên Camera có hệ số an toàn không cao Có 1 số vấn đề cần quan tâm đối với thiết bị không dây. Đó là tần số bạn sử dụng.Camera không dây sử dụng sóng vô tuyến RF để truyền tín hiệu thường tần số dao động từ 1,2 đến 2,4MHZ. Camera không dây được sử dụng khi lắp đặt tại các khu vực địa hình phức tạp khó đi dây từ Camera đến các thiết bị quan sát, ví dụ như các ngôi nhà có nhiều tường chắn.

Đối với khoảng cách xa hàng ngàn mét chúng ta cần phải sử dụng những thiết bị đặc biệt hoạt động ở tần số cao và giá thành khá đắt.

Việc sử dụng Camera không dây được đánh giá là không an toàn dễ bị bắt sóng hoặc bị ảnh hưởng nhiễu trước các nguồn sóng khác như điện thoại di động.

IP Camera (Camera mạng)
Như đã đề cập ở trên, IP Camera được kết nối trực tiếp vào mạng, tín hiệu hình ảnh và điều khiển được truyền qua mạng.Với Camera IP người dùng có thể điều khiển và giám sát ở bất cứ đâu thông qua mạng internet.


3. Phân loại theo tính năng sử dụng

Dome Camera (Camera áp trần).
Camera có nhiều hình dạng và kích thước khác nhau. Đây là loại Camera thường được đặt trong nhà, kiểu dáng rất trang nhã. Camera này có tính năng bảo mật cao do được bọc trong hộp kín.
Camera ẩn.

Giống như tên gọi, Camera này không thể nhận biết được. Nó có nhiều hình dạng và kích thước khác nhau, có thể ngụy trang và tránh bị phát hiện.

Tuy nhiên khi sử dụng loại Camera này bạn cần phải đảm bảo tính hợp pháp khi sử dụng. Ở một số nơi như New York việc sử dụng Camera ẩn được coi là bất hợp pháp.Các Camera này có thể hoạt động giống như một thiết bị phát hiện khói. Một số các công ty hiện nay cũng đã bắt đầu xây dựng những hệ thống Camera trở thành các thiết bị phát hiện khói.

Box Camera.
Đây là loại Camera truyền thống thường được dùng trong các văn phòng siêu thị. Đây là loại Camera giá thành rẻ tuy nhiên thời điểm này ít dùng. Camera được bảo vệ trong hộp để bảo vệ trước tác động phá hoại hay điều kiện môi trường.

Camera PTZ
Pan:quét ngang
Tilt:quét dọc
Z:Zoom (Phóng to)

Pan/Tilt/Zoom hay những họ tương tự được biết đến với cái tên thương mại là PTZ Camera.Camera hỗ trợ khả năng quét dọc, quét ngang,phóng to thu nhỏ Camera này còn cho phép bạn kết nối vóí hệ thống sensor và cảnh báo để phát hiện đối tượng di chuyển trong vùng hoạt động của nó. Hơn nữa Camera có thể được lập trình để hoạt động, nên nó có thể làm tất cả các công việc cho bạn.
IR Camera và Exview (Camera có khả năng quan sát đêm)

Khoảng cách quan sát của Camera phụ thuộc vào công suất của đèn hồng ngoại. Khoảng cách quan sát của Camera dao động khoảng 10m đến 300m.

Camera IR có thể quan sát được trong điều kiện tối 100%

Camera Exview: Màn hình tự động khuếch đại ánh sáng làm rõ hình ảnh khi ánh sáng tối, tuy nhiên tối 100% sẽ không quay được.

THÔNG SỐ CẦN QUAN TÂM.

1. Camera Indoor, Outdoor.
Indoor: Camera đặt trong nhà.
Outdoor: Camera đặt ngoài trời.
Chú ý rằng, nếu Camera của bạn dự định đặt ngoài trời thì nên chọn Camera Outdoor để đảm bảo chịu đựng được các tác động bên ngoài như độ ẩm, thời tiết, nước, bụi, hay các tác nhân phá hoại khác.

2. IR Camera: Camera hồng ngoại.Tia hồng ngoại - Infrared rays
Với Camera hồng ngoại, bạn có thể ghi hình vào ban đêm, điều mà các Camera thông thường không thực hiện được. Với những ứng dụng quan sát 24/24, bạn cần chọn Camera có chức năng hồng ngoại. Cũng nên nhớ rằng, trong điều kiện đủ ánh sáng Camera, Camera này hoạt động không khác những Camera bình thường, chỉ khi đêm tối, đèn hồng ngoại được tự động bật, và Camera bắt đầu hoạt động với tính năng hồng ngoại. Có một số khách hàng thắc mắc tại sao Camera khi quay đêm hình ảnh lại chuyển sang đen trắng. Thực ra tất cả các Camera hồng ngoại dù có hiện đại đến đâu thì khi quay đêm hình ảnh cũng chỉ là đen trắng.

Trong bảng thông số, bạn cần quan tâm đến những thông số sau:
IR LED: Số lượng đèn LED hồng ngoại.
VISIBLE DISTANCE AT: Khoảng cách quan sát.
Khi hoạt động ở chế độ hồng ngoại, các đèn LED sẽ tự động bật lên, và đòi hỏi công suất khá lớn, đó là lí do tại sao nguồn cấp cho các Camera hồng ngoại thường là lớn hơn nhiều với các Camera thông thường.

3. Chất lượng hình ảnh.

Chất lượng hình ảnh của một Camera phụ thuộc vào nhiều thông số.

Image Sensor: Cảm biến hình

Hiện tại, chỉ có 2 hãng sản xuất cảm biến hình trên thế giới là Sony và Sharp. Tuy nhiên cũng có sự khác nhau về chất lượng dẫn đến khác nhau về giá cả. Ngoài thị trường, bạn có thể thấy 2 chiếc Camera giống hệt nhau về kiểu dáng, nhưng giá cả khá chênh lệch nhau. Xin đừng ngạc nhiên, vì thực chất 2 chiếc Camera đó chỉ khác nhau 1 điểm duy nhất là cảm biên hình của hãng nào. Nếu bạn muốn chất lượng hình ảnh tốt, có 1 lời khuyên là nên dùng cảm biến hình của hãng Sony. Kích thước màn hình cảm biến càng lớn thì chất lượng càng tốt. (tuy nhiên màn hình 1/3 inch Sony CCD sẽ có chất lượng tốt hơn 1/4 inch CCD).

Resolution: Độ phân giải

Độ phân giải càng lớn thì chất lượng hình ảnh càng nét. Thưòng thì trong các ứng dụng không cần thiết phải quan sát thật rõ nét thì độ phân giải 480 TV Lines là hoàn toàn có thể chấp nhận được.
CCD Total Pixels: Số điểm ảnh.

Thông số này nói lên chất lượng hình ảnh, số điểm ảnh càng lớn thì chất lưọng hình ảnh càng tốt, tuy nhiên, chất lượng hình ảnh càng tốt thì cũng đồng nghĩa với dung lưọng ảnh càng lớn, và sẽ tốn bộ nhớ lưu trữ cũng như ảnh hưỏng đến tốc độ đường truyền. Thông thường là với NTSC: 811 (H) x 508 (V), với PAL: 795 (H)x596 (V).

4. Điều kiện hoạt động.

Minimum Illumination: Cường độ ánh sáng nhỏ nhất.
Thường được tính bằng Lux. Thông số này nói lên rằng, Camera chỉ có thể hoạt động ở cường độ ánh sáng lớn hơn cường độ ánh sáng nhỏ nhất. Trong điều kiện quá tối, nếu không phải là Camera có chức năng hồng ngoại thì sẽ không hoạt động được.
üÁnh nắng mặt trời:4000 lux
üMây:1000lux
üÁnh sáng đèn tuýp 500 lux,
üBầu trời có mây: 300lux
üÁnh sáng đèn tuýp đỏ 500 lux, trắng (300 lux) trắng sáng 1lux
üĐêm không trăng 0.0001 Lux
Xin chú ý đến loại Camera có chức năng Auto Iris(Tự động hiệu chỉnh ánh sáng). Đặc điểm của Camera loại này là chỉ với 1 nguồn sáng nhỏ, nó có thể tự động khuyếch đại nguồn sáng đó lên để có thể quan sát được.

Power Supply: Nguồn cung cấp
Hiện nay đa số các Camera đều dùng loại nguồn 12VDC, chỉ một số ít các Camera dùng nguồn khác. Tuy nhiên, bạn không phải lo lắng đến vấn đề nguồn 12VDC, vì phần lớn các Camera đều đi kèm với bộ chuyển đổi nguồn, do đó bạn có thể sử dụng trực tiếp nguồn 220VAC.

Operatinon Temperature: Dải nhiệt độ hoạt động.
Phần lớn các Camera đều cho phép hoạt động trong dải nhiệt độ -100C – 500C, nếu Camera của bạn được sử dụng trong những điều kiện khắc nghiệt như trong công nghiệp, khu vực có nhiệt độ cao thì bạn nên sử dụng các loại Camera chuyên dụng trong công nghiệp.

Operational Humidity: Độ ẩm cho phép.
Thông thường, độ ẩm cho phép là 85% RH (độ ẩm tương đối)

5. Góc quan sát.

Trong tài liệu kĩ thuật thường không ghi góc mở, mà ghi thông số d thay cho góc mở. Có thể sử dụng bảng quy đổi sau:
Tiêu cự
Góc mở
2.8mm
1050
3.6mm
900
4mm
850
6mm
700
8mm
550

Tuỳ vào ứng dụng của bạn mà nên chọn loại Camera có góc quan sát là bao nhiêu độ. Nếu bạn cần quan sát rộng, có thể chọn loại Camera có góc mở lớn (thường là 900). Còn nếu chỉ muốn quan sát trong một phạm vi rất hẹp thì cũng sẽ có những loại Camera phù hợp dành cho bạn.

Còn nếu muốn góc quan sát rất lớn, nên chọn loại Camera đặc biệt có chức năng Pan/ Tilt (quay ngang, quay dọc). Nếu bạn đã có một chiếc Camera nhưng không có chức năng Pan/Tilt, bạn hoàn toàn có thể cải tiến nó bằng cách lắp thêm một đế quay ngang, quay dọc, khi đó, bạn có thể điều khiển Camera của bạn quay theo bất cứ hướng nào bạn muốn.

6. Các thông số khác.

Những thông số trên cũng chỉ phản ánh được phần nào chất lượng của một chiếc Camera. Nhưng cũng xin nhắc với các bạn rằng một chiếc Camera tốt không có nghĩa là cả hệ thống của bạn cũng sẽ tốt. Vì hệ thống không đơn thuần chỉ là Camera.

Tác giả bài viết: Sưu tầm

Những chú ý khi quay phimNhững chú ý khi quay phim

Với cuộc sống số hiện nay, quay phim là một việc khá đơn giản. Tuy nhiên, nếu không chú ý, những tay máy không chuyên có thể mắc vào vài lỗi trong số 7 điều nên tránh sau.Các lỗi này những người mới bắt đầu cầm máy quay rất dễ gặp phải và chúng sẽ “giết” chết cái đẹp cũng như bố cục của đoạn phim mà người quay mong đợi.



Xin lưu ý dưới đây là 7 điều nên tránh khi quay phim:

1. ”Săn đầu người”
Luôn đặt chủ thể vào trung tâm khung hình. Không ít người suy nghĩ khá “chân chất” khi cho rằng chủ thể phải xuất hiện (tươi cười, buồn tủi, làm trò…) ngay vị trí trung tâm khung hình. Bạn đừng quên rằng chủ thể chính là nhân vật chính cho đoạn phim. Mỗi frame hình tập trung vào chủ đề và chủ thể nhưng mỗi frame hình này lại có vị thế riêng và là không gian sáng tạo đầy thách thức cho người cầm máy.

2. Lạm dụng tính năng zoom màn hình
Zoom màn hình là một tính năng thú vị. Nhưng nếu tính năng này bị lạm dụng nó sẽ khiến đoạn phim bị đổ rất đáng tiếc.

3. "Mọc rễ" với máy quay
Luôn đứng một chỗ thay vì tìm các góc quay thú vị khác nhau. Lỗi này xuất hiện khi người cầm máy quá chăm chú vào ống kính và thao tác mà quên mất mình cần phải di chuyển để lấy hình từ những góc khác nữa. Đừng bao giờ cho phép bản thân và chiếc máy quay của mình “mọc rễ” một chỗ trừ phi bạn muốn đoạn clip của mình là một ví dụ tiêu biểu cho một-góc-quay-tẻ-nhạt.

4. Lia máy trên mọi cảnh quay
Quét qua toàn cảnh sự kiện là một cách tốt để giới thiệu không gian và bầu không khí chung của câu chuyện đoạn phim chuyển thể. Nhưng đây tuyệt đối không thể là một kĩ thuật phải sử dụng nhiều. Ai cần một câu giới thiệu “cà lăm” mãi khi mà nội dung chính câu chuyện mới là điều được trông đợi nhất ?!

5. ”Làm cao” – quay mọi thứ ngang tầm mắt
Chỉ lấy hình ở vùng cao ngang tầm mắt là lỗi dễ xảy ra nhất trong số 7 điều nên tránh này. Hãy thay đổi tầm cao đó để không để lọt những điều thú vị khỏi khung hình của bạn và bạn sẽ thấy rằng kinh nghiệm này rất đáng giá.

6. ”Quay tỉa” – chỉ lấy hình từng đoạn ngắn 2-3 giây
Hãy tự tin thực hiện các đoạn phim thực thụ. Đừng nghĩ rằng bạn sẽ “ráp” các clip này sau trên máy tính. Điều đó đòi hỏi tay nghề của bạn phải đáng nể một chút nhưng cũng không đảm bảo sẽ tải hết không khí và diễn biến của sự kiện chỉ với những hiệu ứng chuyển cảnh.Do vậy, đừng tập cho mình thói “quay tỉa” các clip chỉ vài giây khá tai hại này.

7. ”Hậu cảnh chói lóa”
Quá nhiều ánh sáng rọi vào hậu cảnh thay vì phải chiếu sáng chủ thểNếu không lưu ý điều này, bạn sẽ phải dở khóc dở cười khi xem lại đoạn phim ngập tràn ánh sáng mà gương mặt chủ thể thì tối sầm vậy.Sơ suất này kết hợp với lỗi số 3 nói trên sẽ giúp bạn có một đoạn phim xem mà muốn độn thổ và… “hết thuốc chữa”!Do vậy, đừng bao giờ lặp cả 2 lỗi này trên cùng một đoạn phim. Nếu chẳng may đã rọi sáng không tốt cho chủ thể, hãy nhanh chóng lấy hình từ các góc quay khác nhau để sửa sai sau này.Một lần nữa xin bạn đừng quên trên đây là 7 điều nên tránh khi quay phim. Và nếu chẳng may bạn phạm các lỗi này, đừng tự ti mà hãy xem đó là một khởi đầu tốt khi bạn đã nhận ra điều cần cải thiện. Một khi đã nhận ra sơ suất, bạn chỉ có thể tiến bộ.

Nguồn tin: truyenthonghanoi

Kinh nghiệm của người quay phim

Một số mẹo vặt trong nghề quay .Mọi người phóng viên đều có những mẹo vặt riêng của mình trong nghề. Một số mẹo là về những cuộn băng, pin máy quay, đèn đóm hay là mic thu âm. Hầu hết họ đều có những mẹo mà chúng ta khó có thể thấy tường tận được. Đó là những kinh nghiệm của họ với những kỹ năng, kiến thức và khả năng trực giác mà chỉ nhờ có trui rèn qua nhiều thời gian trong nghề họ mới có được. Những kinh nghiệm quý báu này không đến nhanh được. Phải trải qua nhiều lần thử nghiệm và mắc lỗi sau đó họ sẽ rút tỉa ra những kinh nghiệm cho bản thân và thực sự mà nói mỗi lần mắc lỗi chúng ta lại học được rất nhiều điều hay.

Kinh nghiệm của người quay phimVới kinh nghiệm quay tin tức phóng sự trong 9 năm (tác giả Kevin): Tôi đã chứng kiến rất nhiều tình huống, tôi học được rất nhiều điều mới mẻ hàng ngày và biến chúng trở thành kinh nghiệm bản thân của mình. Kinh nghiệm quý báu nhất mà tôi học được đến trong kỳ thực tập đầu tiên của tôi. Một nhiếp ảnh gia đơn giản đã dạy tôi không bao giờ nói ”Tôi biết rồi”. Ngay khi bạn nói “Tôi biết rồi” mọi người sẽ để bạn tự làm và họ sẽ không chia sẻ kinh nghiệm kiến thức với bạn nữa. Hãy luôn mở rộng trí não của bạn để đón nhận thông tin.

Đối với những ai đang chập chững vào nghề, đây là một số lời khuyên đối với bạn, coi như là những kinh nghiệm đầu đời mà bạn có thể thu nhận được... Hy vọng rằng những kinh nghiệm này sẽ còn đựoc nhân lên nữa

1.Cân bằng trắng: Cân bằng trắng không chỉ đơn thuần là đưa máy quay của bạn vào một vật gì đó màu trắng và nhấn một cái nút. Vị trí và góc độ của bề mặt màu trắng đó cũng rất quan trọng. Nguồn sáng chính của bạn là cái gì, đến từ đâu? Từ bóng đèn bên trên hay từ ánh sáng mặt trời ngoài cửa sổ? Hãy điều chỉnh vị trí của việc cân bằng trắng của bạn theo những yếu tố đó. Một vài thay đổi nhỏ về cách làm thế nào và nơi nào được chọn cho việc cân bằng trắng của bạn có thể hoàn toàn thay đổi giá trị của hình ảnh bạn thu được.

2.Sử dụng chân máy: Một số người cho rằng máy quay không nên zoom lia nếu nó không được đạt trên một chân máy ổn định. Ở một thái cực khác nhiều người lại cảm thấy thoải mái khi sử dụng camera cầm tay mà theo họ những hình ảnh di động là rất có ý nghĩa. Có một thái cực trung gian hơn. Nếu bạn không có ý định di chuyển camera (lia hay cho máy chạy) thì chẳng có lý do gì không đặt máy quay của bạn lên trên một bệ đỡ ổn định (chân máy, bàn hoặc sàn nhà)

3.Lắng nghe âm thanh tự nhiên: Truyền hình không chỉ là hình ảnh mà còn là âm thanh. Theo dõi những âm thanh hấp dẫn của tự nhiên và thông thường đó là những nơi mà ta có thể kiếm được những hình ảnh tốt.

4.Kéo dài cảnh quay của bạn: Hãy chắc chắn là bạn sẽ kéo dài cảnh quay đủ để sau này có thể biên tập lại chúng. Hãy đặt một khuôn hình tốt và đếm đến 10 trước khi chuyển sang một cảnh mới.

5.Đừng ghi hình những cảnh quay đơn thuần - Hãy ghi lại một trường đoạn: Đừng nghĩ đến những hình ảnh đơn lẻ ngoại trừ những hình ảnh cùng xảy ra một thời điểm. Hãy ghi hình một đọan phim có Toàn cảnh, Trung cảnh và Cận cảnh. Hãy để mọi người đi vào và đi ra trong khuôn hình. Hãy để cho mọi người không thể nhận ra việc biên tập hình ảnh của bạn. Hãy để người xem cảm nhận họ là một phần của những hành động đó.

6.Zoom bằng chân của bạn chứ không phải ống kính của bạn: Mắt người không có chức năng zoom vậy nên máy quay của bạn cũng không nên zoom. Hãy di chuyển máy quay đến gần vật thể thay cho việc đứng từ xa zoom vào nó.

7.Tránh sử dụng đèn máy quay bằng mọi giá: Ánh sáng tệ nhất là thứ ánh sáng rọi cùng theo góc với máy quay của bạn. Nó làm cho vật thể bị bẹt đi và làm cho vật thể của chúng ta sẽ bị quá sáng không ăn nhập với background. Đơn giản là hãy di chuyển đèn tí chút sang một phía và bạn sẽ nhận được những hiệu quả ngạc nhiên. Tốt nhất là hãy sử dụng ánh sáng tự nhiên bất cứ khi nào có thể. Bạn không cần thiết phải sủ dụng tới ba đèn công suất lớn để chỉ chiếu sáng một vật nhỏ.

Sắp đặt cuộc phỏng vấn của bạn: Bỏ ra chút thời gian để sắp xếp nhân vật của bạn cho đúng môi trường hoàn cảnh. Đừng đặt họ cạnh những bức tường. Hãy sắp xếp có tiền cảnh và hậu cảnh trong cảnh quay của bạn để tạo ra chiều sâu cho khuôn hình. Sắp xếp các chủ thể của bạn ở phía phải hoặc phía trái khuôn hình sao cho khi chuyển cảnh những chủ thể này không nằm cùng một phía trên màn hình.

8.Nắm được câu chuyện và lắng nghe cuộc phỏng vấn: Hãy nói chuyện với người phóng viên để có thể biết hướng mà câu chuyện sẽ đi theo. Hãy thoải mái góp ý nếu góp ý của bạn làm cho mọi việc tốt hơn. Hãy lắng nghe vấn đề chính của cuộc phỏng vấn và tìm ra những câu phát biểu mang tính mấu chốt của cuộc phỏng vấn. Hãy chắc chắn là bạn đã có những hình ảnh để thể hiện nội dung mà cuộc phỏng vấn bàn luận đến. Kiểm soát và chuẩn bị mọi thứ thật kỹ càng.

9.Đừng ngại ngần sáng tạo: Một phần của việc tôi yêu thích công việc trở thành phóng viên truyền hình đó là việc tôi có thể làm cho mọi người trên thế giới được thể hiện ở những góc độ mà họ chưa bao giờ nghĩ đến hoặc được nhìn thấy trước đó. Một khi bạn đã có được những cảnh quay an toàn rồi bạn có thể thử những góc quay mới hay những cách di chuyển camera khác lạ. Cưỡi một con voi trong rạp xiếc hay góc nhìn của một con chó trong chuồng -bạn có thể làm tất cả. Làm gì thì làm, hay luôn luôn vui vẻ bạn nhé!

Nguồn tin: truyenthonghanoi.com

Nghệ Thuật Quay Phim
A.Bố cục và cỡ cảnh trong điện ảnh

1/ Cỡ cảnh: Lấy người để phân chia các cỡ cảnh
- Viễn cảnh: Bối cảnh rộng
- Toàn cảnh : Người toàn thân trong bối cảnh.
- Trung cảnh rộng : Người lấy quá nửa từ đầu gối.
- Trung cảnh hẹp : Người lấy bán thân.
- Cận cảnh rộng : Người lấy từ ngực.
- Cận hẹp: Người lấy từ cổ.
- Đặc tả : Chi tiết người hay đồ vật

2/ Bố cục trong điện ảnh:

Theo từ điển tiếng việt: Bố cục là tổ chức, sắp xếp các thành phần tạo thành một tác phẩm hoàn chỉnh.

Làm thế nào để người xem nhận ra một hay nhiều thông tin bằng hình ảnh trong một tập hợp các hình ảnh

- Dựa trên 4 nguyên tăc cơ bản: Đường nét, Hình dạng , Hình khối, chuyển động.

A/ Đường nét:

- Đường thẳng: Tạo sức mạnh
- Những đường thằng đứng, cao: Gợi sự sức mạnh uy nghi
- Đường nét cong nhẹ: tạo sự nhẹ nhàng thoải mái.
- Đường nét cong mạnh: Gợi sự cảm giác hoạt động vui tươi.
- Những nét đứng dài, cong bé dần ở cuối: Gợi vẻ đẹp uy nghi và u buồn.
- Những đường ngang hoặc dọc dài: Gợi sự yên lặng nghỉ ngơi.
- Những đường chéo đối nhau: Gợi sự xung đột, sức lực
- Những đường nét, mạnh, đậm, sắc nét: Gợi sự trong sáng, vui vẻ.
- Những đường nét dịu: Gợi sự trang trọng, yên tĩnh.
- Những đường nét bất thường: Hấp đẫn hơn những đường nét bình thường, nhờ khả năng của thị giác.

B/ Hình dạng

Hình dạng là tất cả những đồ vật tự nhiên hay do con người tạo ra đều có hình dạng, những hình hạng đó rất dễ nhận thấy trong đời sống. Còn hình dạng được tạo ra bởi sự di động của mắt người mang tính trừu tượng hơn bởi nó được di chuyển từ đồ vật này qua vật khác nó có thể vẽ được một hình tam giác, hình vuông, hình chữ nhật., vòng tròn hay nhiều hình dạng khác nhau.

- Hình tam giác : gợi cho ta được sức mạnh, sự ổn định. Đó là một khối chặt chẽ khép kín. cảm giác của người xem khi đưa mắt từ điểm này qua điểm khác mà không thể vượt thoát ra được. sự vững chắc đó dễ người ta liên tưởng đến núi non.

- Hình tròn: có chiều hướng gắn kết, nắm giữ sự chú ý người xem. Một đò vật hình tròn hay sự sắp xếp theo dạng hình tròn sẽ làm khán giả đưa mắt nhìn quanh mà không vượt thoát ra khỏi khung hình đó.

- Hình chữa thập : Đây là hình dạng phối cảnh hiếm hoi được xếp vào tâm của ảnh. Bởi 4 nhánh của chữ thập vươn ra chia đều khung ảnh. Chữ thập gợi sự đồng nhất và sức lực.

- Hình dạng “tia tỏa” : Đây là một dạng biến đổi của chữ thập vì có rất nhiều nhánh được tập trung vào trục. dạng này ta gặp rất nhiều trong thiên nhiên. Dạng hình này tạo nên sự vui nhôn hân hoan, vui vẻ.

- Dạng hình chữ L : hình này được kết hợp bởi đường thẳng đứng và đường nằm ngang. Nhờ bề ngang tạo cho ta cảm giác nghỉ ngơi và nhờ đường nét vươn lên thẳng đứng ta có cảm giác uy nghi trang trọng.

C/ Hình khối :
Chúng ta vẫn thường dung những từ như “dáng, hình dạng, hình khối” Cái dáng của của một đồ vật là đường viền của chính đồ vật đó.Hình dạng vừa trừ tượng vừa hình thức còn hình khối là cái chất nặng của hình ảnh của một vật, một khu vực, một hình thể hoặc một tập hợp của tất cả những thứ đó. Khối dạng có thể là một chiếc ôtô, may bay tầu thủy v.v. hoặc cận cảnh thật to của một cái đầu hay được kết hợp của nhiều hình thể,

Đường nét và hình dạng có thể khống chế một phối cảnh nhờ giá trị thẩm mỹ và tâm lý ,hoạc thu hút cảm quan khan giả băng sự lôi cuốn xúc động. Nhưng hình khối lại thu hút sự chú ý của khan giả bởi ánh sang, tương phản,

Hay mầu sắc. Những thủ pháp này sẽ tạo nên hình khối nổi bật giữa bối cảnh lôn xộn, rối rắm.

- Một hình khối sẫm mầu sẽ nổi bật trên một nên sáng, hoặc hình khối sáng sẽ nổi trên nền tối qua hiệu quả tương phản. Đó là một cách thức đơn giản để nhấn mạnh, để kéo một hình người hay đồ vật ra xa cách với bối cảnh.

- Một hình khối to lớn sẽ vượt trội lên cảnh trí nếu được so với một hay nhiều hình khối khác nhỏ bé hơn.Tâm cỡ của hình khối có thể có thể tăng thêm trong tương quan với khung ảnh nhờ cách lựa chọn góc độ thu hình.

- Một hình khối không có nhánh vươn ra, không có những đường gây, hoặc lởm chởm sẽ có sức vượt trội nhờ nhờ tính chất gắn kết chặt chẽ.

- Hiệu quả của hình khối sẽ vượt trội hơn nữa khi hình khối đó được tạo bởi những đường viền của ánh sáng. Như đám mây đen có đường viền của những tia nắng.

D/ Những di động:
Bố cục những di động là một dạng đặc biệt trong điện ảnh và Tr/Hình. Nhờ có tính chất thẩm mỹ và tâm lý di đông còn truyền đạt thêm nhiều ý nghĩa rất đa dạng về mặt hình ảnh cũng như cảm xúc đến với người xem. Di động có thể được tạo nên bởi đôi mắt nhìn từ điểm này qua điểm khác trong cảnh, hoặc là di chuyển của các vật trong cảnh quay. Những di chuyển này tạo thành những đường nét liên kết tương tự như đường nét bố cục. Di động có thể thay đổi ngay trong một hay nhiều cảnh quay.

*Ý nghĩa của di động:
- Di động ngang: Từ trái qua phải làm cho khan giả dễ theo dõi, tự nhiên hơn. Bởi chúng ta đã bị một thói quen đọc sách từ trái qua phải.
Di động từ phải qua trái gợi sự mạnh bạo hơn vì nó ngược lại với tự nhiên.

- Di động thẳng đứng bay lên : Sự vươn lên vô trọng lượng của các vật chất, như khói, hay tên lửa phóng vụt lên. Gợi ý ước muốn, sự ngưỡng mộ, những cảm giác nhẹ nhàng, hạnh phúc.

- Những chuyển động đổ xuống: Gợi cho ta ý nghĩ của sức nặng, của nguy hiểm, của lực đè nén. Những di động hướng xuống, trút xuống cho ta hình ảnh cảu sự tàn phá hoặc sự suy sụp. VD như thác nước

- Những di động chéo: là những hình ảnh mang tính căng thẳng nhất vì đó là những đường nét mạnh nhất. Những di động chéo gợi cho ta sự đối kháng, căng thẳng, sức ép. VD: hai lưới kiếm, những đường đạn, sấm chớp V.V

- Những di động cong: Gợi cho ta sự sợ hãi như đường nét uốn lượn của một con rắn. Tuy nhiên những chuyển động vòng tròn hay chuyển động quay vòng lại gợi sự vui tươi như ta thường thấy trong các khu vui chơi giải trí.

- Di động của quả lắc: Gợi sự đơn điệu nhàm chán, hay cảnh bước đi bước lại của con người đang bị căng thẳng.

- Di động dãn nở ra: VD như mặt hồ nước phẳng lặng bị ném viên gạch hay sự hốt hoảng của một đám đông.

- Di động bất thường: Những di động đối với hướng góc độ thu hình, hoặc bất ngờ sẽ hấp dẫn khan giả hơn bởi những kịch tính. VD ôtô lao thẳng vào ống kính, hoăch vật gì đó bất ngờ rời vào gõ độ thu hình.

Tác giả bài viết: N.Thảo

Làm chủ cân bằng trắng trên máy ảnh

Cân bằng trắng (white balance) là quá trình định nghĩa màu trắng cho cảm biến của camera, giúp xóa bỏ các sắc màu không thật trên ảnh chụp.

Mắt người rất nhạy cảm khi đánh giá màu trắng đang được chiếu bằng nguồn sáng nào, nhưng cảm biến của camera thì lại gặp khó khăn khi phải tự nhận biết (ở chế độ cân bằng trắng tự động). Cân bằng trắng chuẩn trong máy ảnh sẽ tính đến "nhiệt độ màu" (color temperature) của nguồn sáng, thể hiện tương đối độ ấm áp hay lạnh lẽo của nguồn sáng.

Cân bằng trắng sai có thể tạo ra màu da cam hay xanh dương "dại dại", thiếu sức sống và làm hỏng chân dung, phong cảnh (chỉ đến khi bạn đạt “trình” cao mới có thể chủ ý làm sai để tạo ra bức ảnh nghệ thuật hơn). Thực hiện cân bằng trắng trên máy phim yêu cầu gắn thêm kính lọc cho mỗi điều kiện ánh sáng khác nhau, nhưng với ảnh số chỉ cần người sử dụng hiểu nguyên lý là có thể cài đặt được ngay trong máy.

Nhiệt độ màu
Nhiệt độ màu miêu tả độ sáng bức xạ từ một vật hấp thụ đen tuyệt đối. Màu đen ứng với nhiệt độ màu là 0 độ K (thang độ Kelvin). Vật hấp thụ đó là đối tượng hấp thụ tất cả ánh sáng tới, dù phản xạ nó hay cho nó đi xuyên qua. Có ví dụ dễ liên tưởng là nung nóng một vật bằng kim loại hay hòn than, chúng được gọi là “nóng đỏ” khi đạt đến nhiệt độ nào đó, rồi chuyển sang “nóng trắng” khi đạt tới nhiêt độ cao hơn nữa. Giống như thế, vật hấp thụ ở các nhiệt độ khác nhau cũng có các màu nhiệt khác nhau về ánh sáng trắng. Dù gọi bằng tên gì, ánh sáng “có vẻ” trắng đó không chứa một màu nào trong dải quang phổ mà mắt người nhìn thấy:

Trong đó nhiệt độ màu 5.000 K tạo ra ánh sáng khá trung tính, trong khi 3.000 K và 9.000 K hình thành dải sáng dịch chuyển để chứa nhiều bước sóng da cam và xanh dương hơn. Khi nhiệt độ màu tăng lên, sự thể hiện màu trở nên “mát” hơn. Điều này có vẻ như không đúng với trực giác, nhưng thật ra các bước sóng ngắn hơn chứa ánh sáng năng lượng cao hơn.
Do người chụp ảnh chẳng bao giờ dùng thuật ngữ nhiệt độ màu để ám chỉ nguồn ánh sáng trên vật hấp thu thật sự nên nó ngụ ý là “nhiệt độ màu tương quan” với vật hấp thu có màu tương tự. Bảng sau đây là hướng dẫn quan trọng để tham khảo:
Nhiệt độ màu
Nguồn sáng tương ứng
1.000-2.000 K
Ánh nến
2.500-3.500 K
Đèn sợi đốt
3.000-4.000 K
Bình minh hoặc hoàng hôn (trời trong)
4.000-5.000 K
Đèn huỳnh quang
5.000-5.500 K
Flash điện tử
5.000-6.500 K
Ánh sáng ban ngày, trời trong, mặt trời trên đỉnh đầu
6.500-8.000 K
Bầu trời khá u ám
9.000-10.000 K
Bầu trời rất u ám, nhiều mây

Thực hành trên máy
Do một số nguồn sáng không giống phản chiếu từ vật hấp thu, chế độ cân bằng trắng còn dùng một tham số thứ hai là chuyển đổi xanh lá - đỏ tươi (green - magenta). Không cần chỉnh sự chuyển đổi này dưới ánh sáng ban ngày bình thường, nhưng cần chỉnh dưới ánh đèn huỳnh quang và các nguồn sáng nhân tạo khác. May là hầu hết camera số đều có một loạt thiết lập cân bằng trắng nên bạn không phải xử lý trong các bức ảnh thông thường.

Trong ảnh trên, ba mục đầu cho phép thiết lập nhiệt độ màu. Auto white balance là chế độ cân bằng trắng tự động, có trong tất cả camera số và dùng thuật toán để đoán, thường là giữa 3.000/4.000 K và 7.000 K. Custom white balance cho phép chụp ảnh một mẫu màu tham khảo dưới điều kiện ánh sáng tương tự rồi cài đặt mẫu đó làm cân bằng trắng cho các bức ảnh khác. Kelvin là mục mà bạn có thể đặt nhiệt độ màu tùy ý. Sáu cài đặt sẵn tiếp theo theo trật tự tăng nhiệt độ màu, nhưng nhiều camera nhỏ dạng bấm - chụp không có chế độ cân bằng trắng bóng râm.
Mô tả và biểu tượng cho các cân bằng trắng trên chỉ là ước lượng cho điều kiện ánh sáng thực tế mà máy hoạt động tốt nhất. Thật ra chế độ cân bằng trắng Cloudy khi dùng ban ngày lại tùy thuộc thời điểm, ví dụ lúc trời quá sáng nó sẽ làm ảnh bớt sáng hơn và làm sắc ảnh nồng ấm hơn. Nhìn chung, muốn ảnh ấm hơn bạn có thể tăng nhiệt độ màu bằng cách chọn những cài đặt ở gần phía dưới.

Nếu máy hỗ trợ, giải pháp cân bằng trắng tốt nhất là chụp với định dạng RAW. Các tập tin RAW cho phép cài đặt cân bằng trắng ở khoảng nhiệt độ màu và chuyển đổi xanh - đỏ rộng hơn. Thực hiện cân bằng trắng với file RAW cũng nhanh và dễ dàng. Bạn có thể điều chỉnh thang nhiệt độ và xanh - đỏ cho đến khi màu không ưng ý được loại bỏ, hoặc nhấn vào một mẫu tham khảo trung tính bên trong ảnh.




Chọn mẫu màu trung tính
Mẫu trung tính thường được dùng trong các trường hợp cân bằng trắng tự động thể hiện không như ý muốn bởi khung cảnh có quá nhiều màu lẫn lộn làm máy ảnh nhầm. Mẫu này có thể là một phần của khung cảnh hoặc là mẫu màu bạn mang theo người. Chú ý mẫu giấy trắng bạn mang theo khi chụp lên ảnh để cài đặt cho máy có thể không “trắng”, nhưng nó là màu trắng trong điều kiện ánh sáng đó.















Ví dụ, trong bức ảnh trên, màu trắng xám của lông chim được chọn làm mẫu màu để cân bằng trắng cho toàn bộ khung cảnh lúc nhập nhoạng tối. Bạn sẽ chụp mẫu màu lông chim này rồi cài đặt màu đó là “trắng” để máy ảnh hiểu.

Trong trường hợp khung cảnh không có màu trắng nào, các tấm thẻ và thiết bị đo màu như trên sẽ giúp bạn luôn chính xác khi quyết định đâu là màu trung tính. Thường thì mẫu màu xám lý tưởng là khi nó phản xạ đồng đều tất cả các màu trong dải màu.


Người ta có thể tự tìm mẫu màu để giảm chi phí, ví dụ như nắp hộp thiếc, nước cà phê, phần bìa trong của hộp bánh. Cần chú ý khi chọn mẫu màu có mức nhiễu cao, đó có thể là vùng “có vẻ” xám, kỳ thực lại là pixel màu do hiện tượng nhiễu màu gây ra.



Các chú ý: Một số đối tượng có thể gây rắc rối cho chế độ cân bằng trắng tự động của máy ảnh, kể cả dưới điều kiện ánh sáng ban ngày. Ví dụ, khung hình đã có quá nhiều yếu tố ấm và lạnh, do tính chất của đối tượng. Như bức ảnh dưới đây, toàn bộ đối tượng màu đỏ là chủ đạo nên camera nhầm đây là màu giả do một nguồn ánh sáng ấm gây ra. Sau đó, nó cố bù sáng cho màu đỏ này nên sắc màu bao phủ tấm ảnh rất gần với màu trung tính, nhưng làm như vậy nó đã tạo ra màu giả cho các hòn đá với sắc xanh lạnh. Bức bên cạnh dùng thẻ xám 18% để đo màu cho kết quả thật hơn.


Cân bằng trắng tự động của máy ảnh số thì hiệu quả hơn khi bức ảnh chứa ít nhất một màu trắng hay một yếu tố sáng không màu. Tất nhiên, không nên cố thay đổi bố cục để có một điểm không màu trong đó, chỉ cần người chụp luôn nhớ rằng không có nó sẽ gây rắc rối với chế độ cân bằng trắng tự động. Như bức ảnh trên, nếu không có chiếc thuyền trắng, cân bằng trắng tự động trong máy sẽ tạo ra bức ảnh có nhiệt độ màu ấm hơn.

Ánh sáng hỗn tạp

Nhiều nguồn chiếu sáng với nhiệt độ màu khác nhau có thể làm việc cân bằng trắng trở nên phức tạp hơn. Một số tình huống chiếu sáng còn không có cân bằng trắng chuẩn và sẽ phụ thuộc nơi độ chính xác màu được coi là quan trọng nhất.

Dưới ánh sáng hỗn tạp, cân bằng trắng tự động thường tính một nhiệt độ màu trung bình cho toàn bộ khung cảnh và dùng đó làm cân bằng trắng. Phương pháp này cũng chấp nhận được nhưng nó thường phóng đại sự khác nhau trong nhiệt độ màu giữa các nguồn sáng.


Trong bức ảnh trên, tòa nhà bên trái rất ấm áp còn bầu trời hơi lạnh. Đó là do cân bằng trắng được cài đặt dựa trên ánh trăng, mang lại nhiệt độ màu ấm cho nguồn sáng nhân tạo phía dưới. Cân bằng trắng dựa trên ánh sáng tự nhiên tạo nên kết quả thật hơn cho tấm hình. Nếu chọn màu đá tường làm mẫu tham khảo cân bằng trắng thì bầu trời sẽ xanh rất “kỳ dị”, không thật.

Tác giả bài viết: Sưu tầm


0 nhận xét:

Đăng nhận xét