RSS
Write some words about you and your blog here

Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2013

Trao đổi nghiệp vụ truyền hình


NGHỆ THUẬT DỰNG PHIM (MONTAGE)
===========
Dẫn nhập:
- Lâu nay có nhiều ý kiến cho rằng kỹ thuật dựng phim (hình) là công việc của những kỹ thuật viên thao tác trên bàn dựng (hậu kỳ). Điều này đúng những chưa đủ và đặc biệt là không đánh giá hết vai trò quan trọng của việc dựng hình .
- Vì không đánh giá đúng vai trò của kỹ thuật dựng hình, nên dễ “bị bỏ qua” trong quá trình làm tiền kỳ (kịch bản, đạo diễn, quay phim) và
 “mắc lỗi” trong quá trình làm hậu kỳ.
- Quan trọng hơn là không phát huy được hết “sức mạnh to lớn” trong nghệ thuật dựng phim, một yếu tố quyết định đến sự thành bại của một tác phẩm điện ảnh và truyền hình.
- Điện ảnh là “cha đẻ” của các thể loại báo hình vì thế các kỹ thuật căn bản của dựng hình đều được áp dụng trong quá trình dựng phim (phóng sự, phim ca nhạc, phim tài liệu..., đôi khi cả trong tin tức.).
* Dĩ nhiên do tính đặc thù của báo hình nên nhiều kỹ thuật dựng phim trong điện ảnh có thể được bỏ qua (trong truyền hình gọi là kỹ thuật bỏ qua).

I. ĐỊNH NGHĨA, VAI TRÒ, VI TRÍ CỦA DỰNG PHIM

1. Định nghĩa:  
- Montage: (thuật ngữ tiếng Pháp) là kỹ thuật dựng phim (điện ảnh, phóng sự, phim tài liệu), bao gồm việc cắt và ráp dựng các cảnh quay.
2. Vai trò :
- “Công việc cắt dựng phim có thể so sánh với việc cắt, đánh bóng và lắp ráp một viên kim cương, để nó giữ được giá trị nguyên bản, đồng thời để nó trở thành tuyệt tác” (đạo diễn Athur C.Miller, người Mỹ, ba lần nhận giải thưởng của Viện hàn lâm điện ảnh Mỹ).
- Phim được sống đời sống thứ hai nhờ bàn dựng và thổi cho phim cái hồn (cố biên kịch Cao Thụy)
3. Vị trí :
- Là khâu quan trọng, quyết định đến sự thành công hay thất bại của một bộ phim, vì thế Montage còn được gọi là nghệ thuật dựng phim.
4. Yêu cầu của kỹ thuật dựng phim:
- Cắt bỏ những cảnh sai, thừa, diễn xuất kém, cảnh không cần thiết, phỏng vấn hư, không đúng trục ...
- Dựng phim: ráp nối những cảnh quay, trường đoạn thành một câu chuyện phim liên tục, mạch lạc, hấp dấn và ấn tượng
- Các cảnh quay giao cho người dựng phim phải đảm bảo 3 yêu cầu : kỹ thuật, mỹ thuật và dẫn chuyện.
5. Dựng phim phụ thuộc vào các yếu tố sau:
- Cấu trúc phim : Mở, kết phim như thế nào?; độ dài ngắn của các thể loại phóng sự ngắn, phóng sự, phim tài liệu...
- Nhịp điệu, tiết tấu phim : nhanh chậm (tình cảm hay hành động...)
- Tông phim: màu sắc, ánh sáng, độ đậm nhạt (buồn, vui, ma quái...)
- Nhạc phim : âm thanh, nhạc nền trong phim...(phim ca nhạc)
- Bố cục phim: phim chính luận (luận đề), phim tự sự, phim chân dung...  
* Chú ý :
          - Trong quá trình xây dựng kịch bản, quay phim, nên hình thành ý tưởng dựng phim để việc cắt dựng phim ít tốn thời gian, hoàn hảo và ấn tượng, đồng thời không phải sử dựng đến ký xảo và đặc biệt là không phải quay lại vì thiếu hình, thiếu phỏng vấn...
          - Ví dụ: Những hình ảnh, âm thanh để chuyển đoạn, vào phim, kết phim, các kỹ thuật quay phim ( zoom, lia, doly, traveling,poom, nhân hình, đóng mở hình, gắn filter... ) phải được hình thành ở khâu tiền kỳ.

II. CÁC THỂ LOẠI DỰNG PHIM

1. Dựng liên tục: chuyện phim phụ thuộc vào sự khớp dựng các cảnh quay liền nhau (sự liên tục về thời gian, chuyển động của nhân vật).
- Dựng liên tục phụ thuộc vào các yêu cầu : cỡ cảnh, sự chuyển động của máy quay, nhân vật, màu sắc, đường nét (đậm nhạc, ngang, thẳng, chéo...), trục diễn xuất (đây là lỗi dễ mắc phải nhất của quay phim và dựng phim).
Ví dụ 1: Dựng tin Nghệ sỹ Đặng Thái Sơn đến Nga biểu diễn
Cảnh 1: Cảnh máy bay đang chuẩn bị đap xuống sân bay
Cảnh 2: Nghệ sỹ Đặng Thái Sơn bước xuống cầu thang
Cảnh 3: Mẹ của NS Đặng Thái Sơn cầm hoa đón ở sân bay.
Cảnh 4: Đường phố  tràn ngập cờ, băng rôn, áp phích về buổi biểu diễn của Đặng Thái Sơn.
Cảnh 5: NS Đặng Thái Sơn biểu diễn trên sân khấu
Cảnh 6: NS Đặng Thái Sơn ngập tràn trong người và hoa chúc mừng trên sân khấu....

*Chú ý :  Tin này có thể dựng lại theo nhiều cách, bằng cách thay đổi thứ tự một vài cảnh quay, thì nội dung sẽ ấn tượng hơn và nhiều hàm ý hơn.

* Ví dụ nếu dựng lại : 4-5-6-1-2-3 : Nội dung sẽ không chỉ đơn thuần là một tin mà sẽ bao hàm ý nghĩa ca ngợi Người Mẹ Việt Nam, tổ quốc Việt Nam đã dâng tặng cho thế giới một nghệ sĩ lớn Đặng Thái Sơn. Để có được nội dung mới, yêu cầu phải có thêm lời bình đắc cho phần dựng lại.
Ví dụ 2:  Phim câm Chiến hạm Puchemkin của đạo diễn Sergei Eisenstein (phim kinh điển của Nga-1925). Chủ đề ca ngợi chiến công của các thủy thủ trên chiến hạm Puchemkin đã nghe theo tiếng gọi của Lênin, nổ súng đánh vào cảng Odessa, dinh lũy của chế độ Nga Hoàng (Theo lập trường của phe Xã hội chủ nghĩa). Sau sự thành công của bộ phim, hình thành nên thuật ngữ Montage Eisenstein hay Montage SoViet (nghệ thuật dựng phim của điện ảnh Xô Viết)

Cảnh 1: Chiến hạm Puchemkin.
Cảnh 2: Các thủy thủ trên tàu nhận khẩu phần ăn bị thiếu
Cảnh 3: Cảnh các thủy thủ trên tàu nổi dậy bắt trói toàn bộ thuyền trưởng và phe cánh ông ta.
Cảnh 4: Cảng Odessa, được lực lượng Sa Hoàng bảo vệ.
Cảnh 5: Chiến hạm Pochemkin nổ súng tấn công Cảng Odessa.
 Cảnh 6: Chiến hạm Pochemkin ra khơi trong ánh bình minh xung quanh là các tàu chiến khác.

* Chú ý : Từ bản phim gốc này, các nước Phương Tây đã mua lại bản quyền và chỉ thay đổi cách dựng của các cảnh, bộ phim đã hoàn toàn mang ý nghĩa trái ngược theo lập trường của phe Tư bản chủ nghĩa (Cảnh 1-3-5-6-2-4). Về sau người ta hay dùng thuật ngữ “Ngoại giao chiến hạm Pochemkin” để chỉ tính hai mặt của vấn đề chiến tranh lạnh giữa Nga -Mỹ và các nước Phương Tây.

2. Dựng theo biên tập: Hình ảnh được kết nối bằng sự liên tục của thuyết minh (liên tục nội dung và ý tưởng).
          - Phương pháp này phụ thuộc nhiều vào lời thuyết minh (phóng sự, phim tài liệu).
          - Các quy luận của ráp dựng có thể bị bỏ qua (phương pháp bỏ qua) nếu lời thuyết minh tạo được ý nghĩa cho hình ảnh.
- Các cảnh quay đôi khi khác nhau về không gian và thời gian nhưng bắt buộc phải có lời thuyết minh giải thích .
Ví dụ : Hai cảnh dựng nối tiếp sau
Cảnh 1 : Bệnh viện tim.
Cảnh 2 : Bé A đang chơi ở sân trường nhà mẫu giáo.
* Yêu cầu viết lời bình có ý giải thích : Bé A từng bị bệnh tim bẩm sinh, phải can thiệp bằng phẩu thuật,  nay 5 tuổi và khỏe mạnh...

3. Dựng song song : Chuyện phim phụ thuộc vào các cảnh dựng, không theo trình tự thời gian, không cùng bối cảnh...nhằm diễn tả các sự kiện, nhân vật cùng hành động song song, và câu chuyện đang diễn ra ở nhiều bối cảnh khác nhau (khác hoàn toàn với kỹ thuật xẹt hình)
- Phương pháp dựng này tiết kiệm được thời lượng phim, lời bình, tạo ấn tượng mạnh cho phim và kích thích sự suy nghĩ của khán giả.
- Mục đích :
·        Nâng cao tính hấp dẫn (một lúc xem được nhiều tuyến nhân vât, bối cảnh...)
·        Tạo xung đột (thống qua các tuyến nhân vật, các sự kiện)
·        Mức độ căng thẳng (tăng dần mức độ, ví dụ gia tăng tốc độ các hình ảnh liên tiếp nhau)
·        Sự hồi hộp (bắt buộc người xem phải theo dõi đến cảnh cuối cùng...)
·        Tạo sự so sánh ( giữa nhân vật với nhân vật, sự vật với sự vật, hiện tương...)
·        Diễn tả sự tương phản (sự đối lập nhau về cùng một vấn đề, ví dụ các nền văn hóa khác nhau trên thế giới...)
* Chú ý:
- Cảnh ráp dựng đầu tiên của loạt ráp dựng song hành, phải được sử lý như là cảnh để xác lập dẫn nhập, vì thế ta nên để cảnh này dài hơn các cảnh song hành tiếp theo.
- Phương pháp này rất được sử dựng trong phóng sự và phim tài liệu, nhưng phải hình thành ý tưởng từ khâu kịch bản và quay phim.
Ví dụ 1: Khi 2 tuyến nhân vật ở hai bối cảnh khác nhau
Cảnh 1: Cô gái đang bị truy sát bởi một tên cướp
Cảnh 2 : Cha mẹ cô gái đang bình thảng xem phim
Cảnh 3 : Tên cướp cầm cái rìu đuổi theo.
Cảnh 4: Cha mẹ cô gái người nhai kẹo cao su, người ăn kem
Cảnh 5 : Tên cướp vung rìu khi cô gái ngước nhìn với sự kinh hãi
Cảnh 6: Mẹ cô gái đưa kem lên miệng mút, kem rơi(nhân văn); lém mép(ý đồ xấu)...

Ví dụ 2 : Trong phim phóng sự : Như có Bác giữa núi rừng Trà My (phim dành HCV Liên hoan THTQ 2010)
Cảnh 1: Một nhóm cựu chiên binh đang họp mặt sinh hoạt, trong đó có ông A,B.
Cảnh 2: Cận cảnh ông A
Cảnh 3: Ông A đang sản xuất chổi và vợ cũng là cựu chiến binh(có mặt ở trong cảnh 1)
Cảnh 4: Cận cảnh ông B đang trong buổi sinh hoạt.
Cảnh 5: Ông B đang làm hoa cây cảnh.
Cảnh 6: Trở lại cuộc họp mặt của các cựu chiến binh.
* Lời bình đoạn này nói về các cựu chiến binh sản xuất kinh doanh giỏi.
* Nếu dựng nối tiếp sẽ cần nhiều hình, nhiều lời thuyết minh hơn, lại khó chuyển đoạn vì ở hai bối cảnh khác nhau...

4. Dựng ẩn dụ :
          - Kỹ thuật dựng sử dụng hình ảnh mang tính ước lệ hoặc so sánh.
          - Đây là kỹ thuật dựng khó vì yêu cầu bắt buộc là phải được hình thành ý tưởng ngay khi viết kịch bản hay kịch bản phân cảnh và đặc biệt là phải thu được hình ảnh ấn tượng...
- Ví dụ 1:  Hình ảnh cái xẻng bị hoen rỉ được tìm thấy trong mộ của các liệt sỹ (trong phim tài liệu Chị Năm Khùng, đạo diễn Lại Văn Sinh) được dựng và viết kèm lời bình : đến sắt thép còn không giữ được mình theo thời gian huống hồ xương cốt con người (ngụ ý : các anh đã nằm lại những nơi heo hút đã quá lâu, hãy hành động với tất cả trách nhiệm và tấm lòng tri ấn để sớm đưa các anh về với gia đình...).
- Ví dụ 2: Hình ảnh cối xay thịt đang xay nhau trẻ em để nuôi chó becgie (phim truyện Tướng về hưu, đạo diễn NSND Nguyễn Khắc Lợi) mang ý nghĩa tượng trưng cho sự tàn bạo, vô nhân tính của con người đối với đồng loại.
5. Dựng hoán dụ, nhân hóa : Đây là kỹ thuật dựng thường được sử dụng trong điện ảnh (vì nặng tính hư cấu), rất khó sử dụng trong truyền hình (vì thời lượng ngắn, tính chân thật của sự kiện...). Nếu sử dụng thì đòi hỏi nghiệp vụ đạo diễn, kịch bản và kỹ thuật quay phải cao.
          - Đặc biệt khi sử dụng phải am hiểu về điện ảnh và “chi tiết kinh điển  của điện ảnh”. Ví như : nhân vật soi gương, nhìn kính chiếu hậu...thì có hàm ý diễn tả tính hai mặt của nhân vật hoặc nhân vật rất đa dạng cần có cái nhìn khách quan; dây thòng lọng : có yếu tố chết chóc...hay nước chảy, xoáy qua các lỗ thoát ở trong toalet...yếu tố mang tính gột rữa, cuốn trôi mọi vật, khủng khiếp...
Ví dụ : Trong lũ lụt có cảnh 1 quả dừa khô, nổi dập dềnh trên mặt nước bị cuốn vào trong vòng xoáy của nước, cứ nổi lên, trồi xuống, bị cuốn xoáy, cuốn xoáy... diễn tả sự tàn khốc của bão lũ và sự nhỏ bé của con người...

          III. CÁC KIỂU RÁP DỰNG CĂN BẢN
1. Ráp dựng giữa động tác (cắt nối hai cảnh giữa chừng một động tác):
- Cắt dựng khi diễn xuất đang diễn ra hoặc giữa các cảnh động với nhau.
- Cắt phim trong lúc di động là công việc và quyết định của người dựng phim, chứ không phải người quay phim.
 * Chú ý : Yêu cầu người quay phim không được ngừng máy trong lúc diễn xuất hoặc có sự kiện quan trọng đang diễn ra ( ví dụ : cảnh cận đang đi lên , xuống cầu thang; đang chạy nhảy qua chướng ngại vật...)
2. Ráp dựng liên tục:
-         Cắt dựng liên hệ chặt chẽ với tính liên tục.
* Chú ý : Người quay phim nên thực hiện thêm các cảnh quay  “dự phòng” để đề phòng việc “thiếu cảnh” “sai trục” “ không rắc co” trong quá trình ráp dựng liên tục, tốt nhất nên lấy thêm các hình cận, đặc tả...
3. Ráp dựng theo bố cục hình:
- Đảm bảo các thành phần của bố cục hình như nhân vật, đồ đạc, vật dụng, bối cảnh phải giữ đúng vị trí trong khuôn hình (trục diễn xuất, kích cỡ, gần xa...)
* Chú ý : Các chi tiết không quan trọng trong khuôn hình nên loại bỏ từ trước khi quay.
- Khi thay đổi các góc máy, cần chú ý trục diễn xuất và các chi tiết trong khuôn hình( Bên A- Bên B).
4. Ráp dựng cảnh quay tĩnh và động :
-         Cảnh tĩnh (nhân vật động) chuyển sang cảnh động.
-         Ví dụ : Cảnh 1 : Cảnh tĩnh - hai nhân vật đi
   Cảnh 2: Cảnh theo máy hai nhân vật hoặc bước chân
* Trong trường hợp này có thể dựng ngược lại.
* Chú ý : Một cảnh quay tĩnh đối với một chủ thể tĩnh, mà ta nối với một cảnh quay động, hoặc từ một cảnh quay động nối liền với một cảnh quay tĩnh, chủ thể tĩnh thì hình ảnh sẽ không hợp lý, gây khó chịu cho người xem.
-  Ví dụ: Nhân vật đang ngủ- nội cảnh, dựng với hình máy quay lia theo nhân vật đang bơi-ngoại cảnh. Trường hợp này nên dựng một hình tĩnh ở giữa là bề bơi và cho nhân vật từ từ xuất hiện vào khuôn hình.
5 . Ráp dựng theo độ dài, ngắn của các cảnh quay:
          - Một cảnh quay động phải được sử dụng hết cảnh quay vì khó cắt.
- Một cảnh tĩnh thì nên cắt nhiều hơn để tạo sự sinh động.
* Chú ý : không nên để cho máy quay phim “đi ngắm cảnh” vì những cảnh zoom, lia, doly..., khi không tạo được sự khác biệt về nội dung và ấn tượng như cảnh toàn. Vì các động tác máy luôn làm mất thời gian của người dựng và nội dung phim.
6. Ráp dựng theo âm thanh:
          - Thu âm đồng bộ (thu âm trực tiếp)
          - Âm thanh không đồng bộ
          - Thuyết minh, lời bình.
*Phỏng vấn là yêu cầu bắt buộc của các phóng sự, phim tài liệu
- Dựng phỏng vấn yêu cầu phải đảm bảo về khuôn hình, cỡ cảnh, bố cục, độ tương phản, âm lượng, tiết tấu...
- Các phỏng vấn không đồng trục dựng nối tiếp nhau, bao giờ cũng gây ấn tượng.
- Các phỏng vấn đồng trục cần xẹt hình, hoặc sử dụng các hình ảnh lót, có thể dùng các kỹ thuật nháy hình(đen, trắng), mix hình, gạt hình...
* Chú ý : Không có một yêu cầu cụ thể nào bắt buộc phải dựng bao nhiêu phỏng vấn liền nhau. Tuy nhiên phải chú ý đế tiết tấu của phim (phóng sự ngăn, phóng sự, phim tài liệu...)

* Chú ý : Âm thanh có thể tạo ra nhiều ý tưởng dựng hình ấn tượng, âm thanh có thể giúp cho việc chuyển đoạn được dễ dàng.

          IV. MỐI LIÊN HỆ GIỮA QUAY PHIM VÀ DỰNG PHIM

- Người quay phim sẽ có sự quan sát tốt hơn, ghi hình hiệu quả hơn khi làm việc bên bàn dựng với người dựng phim giỏi.
- Giúp người quay phim biết phân cảnh, sử dụng loại cỡ cảnh hợp lý, hiệu quả, tránh được việc thiếu hình.
- Giúp chỉnh sửa một vài lỗi kỹ thuật trong quá trình quay phim, tạo thêm hiệu ứng về hình ảnh cho các cảnh quay và các trường đoạn.
- Giúp cho người quay phim có trách nhiệm hơn trong việc kết hợp và đảm bảo các yếu tố thẩm mỹ, kỹ thuật và dẫn chuyện trong khuôn hình với một phong cách đồng  nhất và gây ấn tượng với người xem.
- Quay phim tốt mà dựng dỡ là phim tồi, quay phim dỡ mà dựng giỏi là phim không hay.

KẾT LUẬN
- Kỹ thuật dựng phim là một trong những khâu quan trọng hình thành nên một bộ phim và quyết định đến chất lượng của bộ phim đó.
- Để khâu dựng phim đạt hiệu quả, cần hình thành ý tưởng quay phim và dựng hình khi làm kịch bản, đạo diễn và phân cảnh.
- Kỹ thuật dựng phim phải được hiểu như là một thủ pháp nghệ thuật của phim (điện ảnh và truyền hình).
- Kỹ thuật viên dựng hình phải am hiểu về hình ảnh và các thủ pháp dựng phim.
- Phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa kỹ thuật viên dựng hình với biên tập, đạo diễn, quay phim.
- “ Học, học nữa và học mãi” là yêu cầu của kỹ thuật dựng phim.

                                                         QUANG NGUYỄN





0 nhận xét:

Đăng nhận xét