RSS
Write some words about you and your blog here

Thứ Tư, 30 tháng 9, 2009

Tiếng hát Quốc ca

                                                                   

Cờ đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh xuất hiện lần đầu tiên trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ 1940 trở thành ngọn cờ đấu tranh cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên ngôn độc lập, cờ đỏ sao vàng thành rừng hoa rực rỡ toả sáng giữa biển người mừng đón ngày đất nước Việt Nam độc lập.


            Đó là cơ sở để Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quốc Hội Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (khoá I) quyết định chọn làm Quốc kỳ và bài hát Tiến quân ca hùng tráng của nhạc sĩ Văn Cao được chọn làm Quốc ca, đã nhanh chóng trở thành “quốc hồn, quốc tuý” thành biểu tượng sáng ngời trong cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước và tự do, hạnh phúc cho đồng bào.

            Từ đó, cờ Tổ quốc cùng với cờ đỏ búa liềm của Đảng được tô thắm bằng máu của biết bao anh hùng liệt sĩ “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Từ quần chúng trung kiên, bất chấp mạng sống, quyết tâm giữ vững lá cờ cánh mạng dưới sự lùng sục ngày đêm của kẻ thù trong những năm dài sống trong lòng địch chờ ngày kháng chiến thành công. Đến những cảnh “chống li khai” trong âm mưu “Tố Cộng” “Diệt Cộng” của biết bao chiến sĩ kiên quyết không bước qua lá cờ, không phản bội sự nghiệp cách mạng của Đảng của dân tộc và máu của các anh hùng liệt sĩ trở thành “hồn thiêng sông núi” in đậm vào màu cờ của Tổ quốc yêu thương.

            Trong rất nhiều những câu chuyện kể về Quốc kỳ, Quốc ca của những năm dài kháng chiến, cảm động nhất là câu chuyện kể bằng thơ mà tôi được đọc đâu đó trong kho tàng thơ văn kháng chiến. Đó là bài thơ “Tiếng hát Quốc ca” kể về một ca phẫu thuật giữa rừng già trong điều kiện kháng chiến cực kỳ khó khăn thiếu thốn:
            “Bác sĩ đang cưa chân một thương binh/ bằng cưa thợ mộc/Bác sĩ vừa cưa vừa khóc/Chị cứu thương nước mắt tràn trề/Nhìn ảnh Bác Hồ trên tấm vách tre/Người chiến sĩ vẫn mê mải hát: “Đoàn quân Việt Nam đi. Chung lòng cứu quốc…”/Cưa cứ cưa xương cứ đứt /Máu cứ rơi từng giọt đỏ hồng/Đôi tay anh xiết chặt đôi hông/Dồn đôi phổi vào trong tiếng hát: “… Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước, súng ngoài xa chen khúc quân hành ca…” /Anh hát đi hát lại bao lần/ vẫn chưa đứt xương chân /Vẫn chưa ngừng máu chảy …” và cả dân tộc này, cả đất nước này phải nén lại đau thương, biến căm hờn thành sức mạnh để hướng theo lời ca chiến sĩ  “… Tiến mau ra xa trường. Tiến lên…”

            Điều gì làm nên ý chí và nghị lực phi thường đó? Nếu không có một niềm tin sắt đá vào lý tưởng cứu nước, giải phóng dân tộc không gì lay chuyển nổi của người chiến sĩ cách mạng mới vượt qua được kỳ tích này và hình ảnh đó trở thành biểu tượng sáng ngời cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng nối tiếp nhau biến đau thương thành hành động chiến thắng mọi kẻ thù.

            Ngày nay, cờ đỏ sao vàng trở thành biểu tượng duy nhất của đất nước Việt Nam thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội được cả thế giới thừa nhận; Việc tổ chức chào cờ trở thành hành động yêu nước, tôn vinh quá khứ hào hùng, mặc niệm những gương anh linh tô thắm màu cờ, hướng đến những hành động cao đẹp vì đất nước, vì dân tộc để cống hiến và trưởng thành của mọi công dân.

            Nhận thức được ý nghĩa này và xuất phát từ thực tiễn của việc chào cờ hàng ngày trước lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ban Thường vụ Huyện uỷ Sông Hinh đã quyết định tổ chức chào cờ đầu tuần từ đầu tháng 10/2006, trước khi có Chỉ thị 06-CT/TW ngày 7/11/2006 của Bộ Chính trị về triển khai Cuộc vận động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đây là việc làm có ý nghĩa thiết thực trong giáo dục lòng yêu nước, đỉnh cao của giá trị văn hoá và nhân văn Việt Nam.

            Trong quá trình triển khai thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, việc chào cờ đầu tuần ở Huyện còn gắn liền với học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh dưới cờ càng có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc: Tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách sống và làm việc của Hồ Chí Minh ngày càng toả sáng dưới bóng cờ Tổ quốc và thấm đậm trong lòng mỗi chúng ta vào những giây phút uy nghiêm và long trọng nhất. Dường như cả đất nước, dân tộc và thời đại cùng hội tụ về đây dẫn dắt chúng ta trong từng lời nói, việc làm, từng cử chỉ hành động và từng mối quan hệ đồng chí, đồng bào đều hướng theo tư tưởng vĩ đại, tấm gương đạo đức trong sáng và phong cách giản dị thanh cao Hồ Chí Minh. Như lời đồng chí Lê Duẩn- Cố Tổng Bí thư của Đảng trong điếu văn tiễn Bác về cõi vĩnh hằng “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch - người anh hùng dân tộc vĩ đại và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta …” hoặc ngắn gọn như tiêu đề tác phẩm của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng “Hồ Chí Minh một con người một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp” nói về nhân cách văn hoá toàn vẹn, tiêu biểu của dân tộc và thời đại kết tinh ở Hồ Chí Minh.

            Càng học tập Hồ Chí Minh, chúng ta càng cảm nhận được tầm trí tuệ vĩ đại và nhịp đập mãnh liệt của trái tim luôn đồng cảm cùng đất nước, cùng dân tộc trong một nhân cách đạo đức thanh cao, trong sáng “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước nhà hoàn toàn độc lập, nhân dân được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì đến vòng danh lợi”.

            Ước muốn là vậy nhưng cả cuộc đời Người là chuỗi dài những vất vả lo toan vì dân, vì nước. 10 tuổi mất mẹ nơi kinh thành Huế không một người thân. Ra đi tìm đường cứu nước mà trong túi không có một xu, phải đem sức vóc của một thư sinh làm đủ các nghề nặng nhọc để tự kiếm sống mà hoạt động cách mạng. Hai lần bị cầm tù, một án tử hình vắng mặt, thiếu thốn trăm bề, luôn bị rình rập dưới mạng lưới mật vụ dày đặc của thực dân đế quốc và oái ăm thay trong cả một thời gian dài bị cấp trên, bạn bè, đồng chí và cả học trò của mình hiểu lầm, phản bội. Nếu không có ý chí cách mạng và nghị lực phi thường thì không thể nào vượt qua những thử thách đến mức ngặt nghèo để thực hiện lý tưởng. Đến khi giành được độc lập dân tộc, lại dành cả cuộc đời còn lại cho 2 cuộc trường kỳ kháng chiến mà nhiều lúc như ngàn cân treo sợi tóc. Mà giả như nếu có giành được độc lập toàn vẹn thì chưa chắc Người đã có cuộc sống yên bình vì “Nước nhà độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập càng chẳng có nghĩa lý gì”.

            Vì vậy trước khi “…đi gặp các cụ CácMác, LêNin và các bậc cách mạng tiền bối khác” Người còn bổ sung “suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa” và “sau khi tôi mất chớ nên tổ chức phúng điếu linh đình để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”.

            Qua hai năm học tập tư tưởng Hồ Chí Minh dưới cờ, cảm nhận sâu sắc nhất của tôi chính là ở tấm lòng khoan dung, nhân hậu hết mực yêu thương con người, yêu thương nhân dân. Là “người đầy tớ thật trung thành với nhân dân”. Khi trở thành Chủ tịch nước, Bác vẫn “là người lính vâng lệnh quốc dân ra trận…” và phấn đấu quên mình vì hạnh phúc của nhân dân.

            Tư tưởng thân dân- lấy dân làm gốc của Hồ Chính Minh gắn liền với truyền thống lịch sử văn hiến của dân tộc. Xuyên suốt 10 thế kỷ đấu tranh chống ách thống trị và đồng hoá của phong kiến phương Bắc và trở thành tư tưởng trị quốc từ thế kỷ thứ 10. Đó là cương lĩnh giữ nước của Khúc Hạo khi giành quyền tự chủ vào năm 907 “chính sự khoan dung, giản dị” khiến cho “nhân dân đều được yên vui”.

            Tư tưởng này được củng cố vững chắc qua 10 thế kỷ đấu tranh xây dựng và bảo vệ quốc gia phong kiến độc lập với 2 lần chống Tống thắng lợi và chính sách “Ngụ binh ư nông” thời nhà Lý. Ba lần chiến thắng Nguyên-Mông tạo nên hào khí Đông A rực rỡ thời nhà Trần. Nhưng đánh giặc cũng là để có thái bình xây dựng đất nước và “khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ, bền gốc, đó là thượng sách giữ nước”. Sang thời Lê, tư tưởng này trở thành đạo nghĩa dân tộc “phàm mưu việc lớn phải lấy nhân nghĩa làm gốc, nên công to phải lấy nhân nghĩa làm đầu”, “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân, quân điếu phạt trước lo trừ bạo” và “chở thuyền, lật thuyền mới biết sức dân mạnh như nước”.

            Đến thời đại Hồ Chí Minh, đạo lý này trở thành đạo tư tưởng, thành tấm gương hết lòng yêu thương nhân dân, tin tưởng vào trí tuệ và sức mạnh của nhân dân. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, cốt lỗi trong tư tưởng, văn hoá, đạo đức Hồ Chí Minh chính là lòng yêu nước, thương dân, thương yêu con người một cách bao dung, nhân ái với tất cả mọi người. Đó là triết lý nhân văn trong nhân sinh quan “ở đời và làm người của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

            Ở Hồ Chí Minh còn có sự kết tinh đặc biệt thống nhất giữa ý chí và hành động, giữa tư tưởng và đạo đức, giữa phong cách sống, làm việc với đường lối chính trị Hồ Chí Minh. Đó là: Tin dân, dựa vào dân, lấy dân làm gốc, dân là sức mạnh của đất nước, là trí tuệ của dân tộc, có dân là có tất cả “dễ mười lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Tư tưởng dân gian ấy được Hồ Chí Minh tiếp thu có kế thừa và chọn lọc từ đạo lý dân tộc, từ chủ nghĩa “dân vi bản” của Nho giáo phương Đông, đến “ý thức công dân” phương Tây và đặc biệt là ý thức hệ tiên tiến của chủ nghĩa Mác-Lê nin “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”.

            Trong cái thử thách khắc nghiệt của quá trình hội nhập quốc tế hôm nay, tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tiếp tục toả sáng cho dân tộc ta và cho cả nhân loại cần lao tiến bước vào văn minh tiến bộ vẫn phải dựa vào dân, lấy dân làm gốc, trên cơ sở thực hiện đại đoàn kết toàn dân, lấy liên minh công nhân-nông dân-trí thức làm nền tảng. Thực hiện “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/thành công, thành công, đại thành công”. Cả cuộc đời Hồ Chí Minh còn là thông điệp cho sự phát triển. Chính vì vậy mà tư tưởng, tấm gương đạo đức và giá trị cả cuộc đời Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá cho Đảng, cho dân tộc ta và cho cả nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét