RSS
Write some words about you and your blog here

Thứ Tư, 8 tháng 1, 2014

Lịch xuống giống vụ đông xuân 2014


UBND huyện Sông Hinh               CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
PHÒNG NN VÀ PTNT                                    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc.

           Số:      /PNN.                                          Sông Hinh, ngày 11  tháng 11   năm 2013

“ V/v chỉ đạo xuống giống
vụ Đông xuân 2013-2014
và chăm sóc lúa mùa, cây
trồng khác”


Kính gửi:  - Uỷ Ban Nhân Dân các xã, thị trấn
                                                      - Các đơn vị trực thuộc có liên quan.

            Để chuẩn bị cho vụ sản xuất Đông Xuân 2013-2014, Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện đề nghị các đơn vị có liên quan, UBND các xã thị trấn chuẩn bị và triển khai các nội dung sau:

            I- ĐỐI VỚI LÚA VỤ MÙA 2013
Tiếp tục chăm sóc các trà lúa theo hướng thâm canh tăng năng suất, bảo đảm an toàn dịch hại (bón phân, tưới tiêu nước, phòng trừ dịch hại...); áp dụng theo chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM để cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt tạo tiền đề cho năng suất cao.
Khi  lúa chín chủ động thu hoạch nhanh, gọn, khuyến khích áp dụng cơ giới hóa để hạn chế thất thoát sau thu hoạch, tận thu sản phẩm và thực hiện tốt các khâu làm đất sớm ngay sau thu hoạch, vệ sinh đồng ruộng nhằm làm giảm mầm mống sâu bệnh lây lan sang vụ sản xuất sau.
II. TRIỂN KHAI SẢN XUẤT LÚA VỤ ĐÔNG XUÂN 2013-2014
* Định hướng chung: Những vùng đất cao, thiếu nước tưới, sản xuất lúa kém hiệu quả cần chuyển sang cây trồng khác như : Bắp lai, cây họ đậu; không để tình trạng bỏ ruộng, không sản xuất.
1- Làm đất, vệ sinh đồng ruộng, bón phân lót:
Các địa phương chỉ đạo tiến hành sớm các khâu làm đất, vệ sinh đồng ruộng, cày dầm, vùi lấp gốc rạ, cỏ dại, lúa chét, lúa cỏ và thu dọn tàn dư thực vật nhằm tiêu diệt mầm mống sâu bệnh, hạn chế lây lan sang vụ sau; nhất là bệnh đạo ôn, rầy nâu, rầy lưng trắng (môi giới truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và lùn sọc đen trên lúa).
Tiếp tục duy trì việc diệt trừ chuột bằng các biện pháp thủ công hoặc bẫy bã kết hợp với việc bắt thu gom ốc và trứng ốc bươu vàng trước khi gieo sạ.
Hướng dẫn cho nông dân biện pháp ủ, xử lý phân chuồng bằng men vi sinh, tận dụng tối đa nguồn phân hữu cơ tại chỗ để bón cho ruộng, cải tạo độ phì, lượng bón 5-10 tấn/ha.
2- Về lịch thời vụ
 Lịch gieo sạ dự kiến từ ngày 20/12/2013 - 10/01/2014, tùy theo thời gian sinh trưởng của từng loại giống và điều kiện cụ thể bố trí gieo sạ gọn, tập trung để

 lúa trỗ bông tập trung sau 05/3/2014 DL (tiết Kinh trập) và thu hoạch trước 20/4/2014.
Các địa phương cần vận dụng theo hướng gieo sạ sớm để tránh mưa, kết hợp theo dõi diễn biến thời tiết khí hậu của Trung tâm Khí tượng thủy văn để chủ động bố trí các đợt gieo sạ cho phù hợp.
3- Về cơ cấu giống lúa
Khuyến cáo sử dụng bộ giống lúa ngắn ngày và trung ngày có thời gian sinh trưởng dưới 110 ngày, cụ thể:
Giống chủ lực: ML202, ML4-2, ML48, ML49, ML216.
Giống bổ sung: OM4900, ML68, ML4, ĐV108 và các giống lúa đã qua sản xuất thử có triển vọng như : PY1, PY2, OM6976, DDT, PC6, TBR36, TBR45, AN26, AN14. Khuyến khích sử dụng các giống lúa lai đã được khảo nghiệm cho kết quả tốt, phù hợp với điều kiện địa phương như: TH3-3, BIO 404, Syn 6, HR182, Xuyên Huyên 178, Đắc ưu 11.
Địa phương nào có điều kiện thì triển khai các mô hình sử dụng giống lúa xác nhận để sản xuất. Sử dụng giống cấp xác nhận và giống nông hộ của nông dân để gieo sạ.
4- Lượng giống gieo sạ :
Áp dụng các phương pháp sạ theo hàng, sạ thưa hợp lý, lượng giống gieo sạ khoảng 120- 140 kg/ha; vùng chủ động tưới tiêu nước có thể sạ hàng, sạ thưa với lượng giống 100-120 kg/ha và lượng 50-55 kg/ha đối với lúa lai.
5- Về công tác phân bón
Phân hữu cơ : Cần thiết phải sử dụng phân hữu cơ như Phân chuồng, phân xanh tại chỗ để bón cho đồng ruộng kết hợp với Lân Văn Điển từ 300 - 350 kg.
Phân vô cơ: Bón phân theo đúng quy trình kỹ thuật nặng đầu nhẹ cuối, bón phân cân đối hợp lý (chú trọng đến việc bón đủ phân Kali), đúng loại, đúng liều lượng, đúng thời kỳ. Công thức bón phân là 200 - 220 kg đạm Urea, 80 - 100 kg Kali Clorua, đối với lúa lai bón tăng thêm 10-15 % (cần sử dụng phân đơn để giảm chi phí đầu tư). Những đồng ruộng chưa đảm bảo đủ dinh dưỡng thì bổ sung thêm phân bón lá đặc biệt là giai đoạn trước trỗ 7-10 ngày và sau khi trỗ đều. Bổ sung thêm phân đạm xanh, SiUrea, NPK có chứa chất Agrotanin, phân đạm hạt vàng 46A+..... để tăng năng suất cây trồng, nâng cao độ phì nhiêu cho đất.
6- Theo dõi, phòng trừ dịch hại
* Đối với sâu, bệnh hại lúa:
Tiếp tục duy trì và áp dụng tích cực biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp trên đồng ruộng.
Bà con nông dân thường xuyên thăm đồng để kiểm tra, phát hiện sâu bệnh hại lúa kịp thời và có biện pháp phòng trừ hữu hiệu và đồng bộ hoặc bà con nông dân có thể báo cho ngành Nông nghiệp từ xã lên huyện để có sự hướng dẫn phòng trừ kịp thời và đạt hiệu quả.
Chú ý: Vụ Đông Xuân thường xuất hiện bệnh đạo ôn, thối thân, thối bẹ, lem lép hạt lúa và đặc biệt bệnh lùn sọc đen… Về sâu hại có đối tượng sâu năn, rầy nâu, sâu cuốn lá, sâu đục thân, bọ trĩ, rầy lưng trắng, chuột hại …



7- Triển khai thực hiện Cánh đồng mẫu lớn lúa lai
Từ những kết quả đạt được trong vụ Đông Xuân & Hè Thu 2013, Phòng Nông nghiệp & PTNT tiếp tục triển khai thực hiện cánh đồng mẫu lớn lúa lai tại 11 xã, thị trấn. Kế hoạch diện tích trên 150 ha, ước năng suất đạt trên 74 tạ/ha.
Ngay từ đầu vụ Phòng sẽ phổ biến chính sách hỗ trợ để nông dân đăng ký diện tích tham gia, tổ chức tập huấn quy trình kỹ thuật thâm canh sản xuất lúa lai, kỹ thuật ngâm ủ, gieo sạ giống để giúp nông dân yên tâm sản xuất.
B- ĐỐI VỚI CÂY TRỒNG CẠN CHỦ LỰC VÀ RAU, CỦ QUẢ:
Cây trồng cạn là cây trồng ưa nước chứ không chịu nước, nên khi đất đủ ẩm là tiến hành trồng ngay. Trong suốt quá trình sinh trưởng phát triển cần đủ nước cho cây sinh khối tạo năng suất. Không nên trồng cây trên đất bạc màu và đất khó thoát nước vào mùa mưa. Các địa phương chỉ đạo nông dân xuống giống sớm khi đất còn đủ ẩm nhằm tránh khi cây trồng ra hoa kết trái gặp khô hạn.
1-    Cây bắp lai:
Thời vụ trồng: Khi kết thúc mùa mưa, đất còn ẩm tiến hành làm đất trồng ngay. Vào cuối năm 2013.
Chú ý: Trồng theo kỹ thuật thâm canh: rạch hàng xong bón lót phân chuồng hoai mục và lân, sau đó lấp một lớp đất mỏng mới tỉa hạt, thời kỳ chăm sóc kết hợp bón thúc 3 lần.
2-    Cây sắn mỳ, cây mía:
          Thời vụ: Loại cây trồng này ít bị áp lực của thời vụ trồng, khi đất đủ ẩm tiến hành làm đất sâu và kỹ; Đối với cây mía rạch hàng sâu (20 cm trở lên), bón lót phân chuồng hoai mục, lân theo rãnh, sau đó lấp một lớp đất mỏng rồi đặt hom trồng. Đối với cây sắn cuốc hố cạn (10cm) đặt hom nghiêng 30o sau đó lấp đất kỹ: Tháng 01-6/2014.
          Chú ý: Chọn hom đạt tiêu chuẩn, có 3 -5 mắt mầm.
          + Hom sắn: Lấy đoạn giữa của cây sắn.
          + Hom mía: Chọn cây mía từ 06 – 08 tháng tuổi, không bị sâu, bệnh.
          Thời kỳ chăm sóc làm cỏ, kết hợp rạch hàng bón thúc phân vô cơ, sau đó vun gốc kỹ. Khi gặp nắng hạn kéo dài, nếu có đủ điều kiện thì tưới nước bổ sung để cây sinh trưởng phát triển tốt.
          Cơ cấu các giống sắn mới cho năng suất cao như : KM94-5, KM140, KM98-5, KM 419.
3- Sản xuất Rau, củ quả:
Ngành nông nghiệp huyện khuyến cáo cho nhân dân tăng cường sản xuất các loại rau, củ quả để cải thiện thêm bữa ăn hàng ngày. Sau khi hết mùa mưa, cần tận dụng quỹ đất vườn, đất bãi bồi ven sông, suối để trồng các loại rau, cây họ đậu cây lấy củ có thời gian sinh trưởng ngắn ngày (75-90 ngày).

C. ĐỐI VỚI CÂY CÔNG NGHIỆP DÀI NGÀY
Từng địa phương rà soát lại và thực hiện quản lý quy hoạch cây dài ngày theo các quyết định quy hoạch chi tiết các vùng nguyện liệu, tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng gắn với vùng sản xuất và chế biến.
Tổ chức các hình thức liên kết sản xuất như HTX, câu lạc bộ, tổ nhóm nông dân trong sản xuất cây dài ngày để có điều kiện áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, tạo sản phẩm hàng hóa nhiều, chất lượng tốt, tiêu thụ lợi nhuận.
Khuyến cáo sử dụng giống mới, tăng cường đầu tư thâm canh, thực hiện sử dụng nguồn nước hợp lí, tưới tiêu khoa học, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh kịp thời sau niên vụ 2013, để cây sớm phục hồi, tạo đà cho năng suất chu kì sau.
Tăng cường công tác quản lý và kiểm tra chất lượng cây giống sản xuất kinh doanh và trước khi đưa vào trồng mới nhằm cung cấp cây giống đạt tiêu chuẩn.
Trên đây là những việc cần quan tâm trong chỉ đạo sản xuất vụ Đông Xuân 2013- 1014  và biện pháp chăm sóc lúa mùa, cây trồng cạn, cây công nghiệp của ngành Nông nghiệp huyện Sông Hinh. Đề nghị các đơn vị chức năng quan tâm và phối hợp chỉ đạo, các địa phương tổ chức triển khai đến từng thôn, buôn để nông dân biết và thực hiện.                                        
                                                         
         Nơi nhận:                                                                                       TRƯỞNG PHÒNG
- UBND xã, thị trấn;
- UBND huyện;
- Văn phòng huyện uỷ;
- Trạm BVTV huyện;
- Trạm KNKL;
- Trạm Thú y huyên;
- Lưu.
    

0 nhận xét:

Đăng nhận xét