RSS
Write some words about you and your blog here

Thứ Bảy, 13 tháng 9, 2014

Công tác dân vận là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể nhân dân và còn là trách nhiệm của mọi cán bộ, đảng viên. Làm rõ và liên hệ.

 (Thi hết môn Nghiệp vụ công tác Đảng, đoàn thể. 180')
Công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng nước ta; là điều kiện quan trọng bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng và sự củng cố, tăng cường mối quan hệ máu, thịt giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Nhiệm vụ này càng có ý nghĩa sâu sắc ở cơ sở, và đó là nhiệm vụ, là trách nhiệm của tất cả các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở, của mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, công chức, viên chức, chiến sĩ, lực lượng vũ trang.
Dân vận được hiểu là vận động nhân dân thực hiện các chủ trương chính sách đường lối của Đảng, Nhà nước bằng cách thuyết phục thông qua tuyên truyền, thông qua những hành động cụ thể. Công tác dân vận của Đảng là toàn bộ hoạt động của Đảng nhằm tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, được thể hiện bằng việc vận động nhân dân thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thông qua tổ chức Đảng, tổ chức Nhà nước XHCN, các tổ chức chính trị- xã hội, và vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ đảng viên.
            Từ khái niệm trên cho ta thấy chủ thể trong công tác dân vận là hệ thống chính trị các cấp, đối tượng là nhân dân, nội dung là vận động nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm mục tiêu tập hợp lực lượng, tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng.
Lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng minh vai trò, sức mạnh của quần chúng nhân dân, như Nguyễn Trãi đã nói: "Chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân, thuận lòng dân thì sống, nghịch lòng dân thì chết". Vai trò to lớn được biểu hiện ở ba nội dung: 
Thứ nhất, quần chúng nhân dân là lực lượng sản xuất cơ bản của xã hội, trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất, là cơ sở của sự tồn tại và phát triển của xã hội. Cách mạng khoa học kỹ thuật hiện nay có vai trò đặc biệt đối với sự phát triển của lực lượng sản xuất. Song, vai trò của khoa học chỉ có thể phát huy thông qua thực tiễn sản xuất của quần chúng nhân dân lao động, nhất là đội ngũ công nhân hiện đại và trí thức trong nền sản xuất xã hội, của thời đại kinh tế tri thức. Điều đó khẳng định rằng, hoạt động sản xuất của quần chúng nhân dân là điều kiện cơ bản để quyết định sự tồn tại và phát triển của xã hội.
Thứ hai, quần chúng nhân dân là động lực cơ bản của mọi cuộc cách mạng xã hội. Lịch sử đã chứng minh rằng, không có cuộc chuyển biến cách mạng nào mà không là hoạt động đông đảo của quần chúng nhân dân. Họ là lực lượng cơ bản của cách mạng, đóng vai trò quyết định thắng lợi của mọi cuộc cách mạng.
Thứ ba, quần chúng nhân dân là người sáng tạo ra những giá trị văn hóa tinh thần. Quần chúng nhân dân đóng vai trò to lớn trong sự phát triển của khoa học, nghệ thuật, văn học, đồng thời, áp dụng những thành tựu đó vào hoạt động thực tiễn. Những sáng tạo về văn học, nghệ thuật, khoa học, y học, quân sự, kinh tế, chính trị, đạo đức... của nhân dân vừa là cội nguồn, vừa là điều kiện để thúc đẩy sự phát triển nền văn hóa tinh thần của các dân tộc trong mọi thời đại.
            Mác và Ăng ghen chỉ ra rằng: Những công việc và tư tưởng của lịch sử đều là công việc và tư tưởng của quần chúng nhân dân. Quan hệ giữa Đảng cộng sản với nhân dân là quan hệ gắn bó thống nhất nội tại từ cả hai phía. Tất yếu khách quan sự ra đời của Đảng đã thể hiện rõ mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc.
            Lê nin khẳng định: Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân. Đảng là tổ chức tự nguyện đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng nhân dân; nhân dân cần có Đảng với tư cách là người lãnh đạo họ trong cuộc đấu tranh xóa bỏ áp bức, bóc lột, xây dựng xã hội mới. Sức mạnh của Đảng bắt nguồn từ mối liên hệ mật thiết với nhân dân, từ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân. Chỉ những ai tắm mình trong nguồn nước tươi mat của nhân dân thì mới chiến thắng và giữ được chính quyền.
Trong tác phẩm “Đường cách mệnh” (năm 1927) Người đã khẳng định: Cách mạng là sự nghiệp chung của dân chúng chứ không phải việc của một, hai người, đó là tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất phát từ luận điểm: Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân. Trong bài báo “Dân vận”, Người nêu một mệnh đề mang tính chân lý: "Dễ mười lần không dân cũng chịu- khó trăm lần dân liệu cũng xong", " Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vân khéo thì việc gì cũng thành công". Chủ tịch HCM bổ sung, phát triển quan điểm quan điểm khoa học của chủ nghĩa Mác Lê Nin về vai trò của nhân dân và mỗi quan hệ giữa Đảng với dân, thể hiện ở ba nội dung sau:
Một là, gắn bó máu thịt với nhân dân là vấn đề thuộc bản chất cách mạng và sự tồn vong của Đảng.
Hai là, sự nghiệp cách mạng là của  nhân dân, nhân dân cần có Đảng dẫn đường, lãnh đạo.
Ba là, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng là một vấn đề mấu chốt để tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với nhân dân.
Tổ chức cơ sở đảng (chi bộ cơ sở, đảng bộ cơ sở) là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị cơ sở. Hiện nay toàn Đảng ta với trên 52 nghìn TCCS đảng được tổ chức theo các khu dân cư, đơn vị sự nghiệp, cơ sở kinh tế, vai trò của các TCCS đảng với công tác dân vận rất quan trọng bởi vì:
Thứ nhất, cơ sở là nơi trực tiếp đưa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân và trực tiếp giải thích cho nhân dan, hướng dẫn cho nhân dân hiểu rõ và bàn bạc dân chủ, tìm ra giải pháp tối ưu, động viên, tổ chức nhân dân thục hiện một cách sáng tạo, sinh động đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng.
Thứ hai, các tổ chức cơ sở đảng được xây dựng theo đơn vị cơ sở là những điểm tựa qua đó Đảng hiểu từng tập thể, từng người lao động, từng người dân để tiến hành công tác tuyên truyền cổ động và tổ chức nhân dân. Hằng ngày tiếp xúc trực tiếp với nhân dân, tổ chức cơ sở đảng hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu và giải quyết những vấn đề cũng như những bức xúc của từng người dân; Sự quan tâm thường xuyên và liên tục của tổ chức cỏ sở đảng đối với công tác dân vận sẽ góp phần trực tiếp củng cố và mở rộng mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Đây là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên, lâu dài của các tổ chức cơ sở đảng.
Thứ ba, các tổ chức cơ sở đảng là gốc rễ để Đảng bắt sâu vào nhân dân, tiếp thêm sức mạnh và nhựa sống từ quần chúng. Bởi lẽ nguồn sức mạnh của Đảng không chỉ bắt nguồn từ bản thân Đảng, mà còn bắt nguồn từ mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân.
            Trong quá trình lãnh đạo đất nước đổi mới, những quan điểm chỉ đạo đổi mới công tác dân vận của Đảng mà NQ TW 8, khóa VI và nhiều nghị quyết quyết khác, những quan điểm của Đảng về công tác dân vận cần quán triệt đó là:
Một, cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân cần được quán triệt sâu sắc hơn nữa trong thời kỳ đẩy mạnh CNH,HĐH đất nước.
Báo cáo chính trị Đại hội VIII nêu: "CNH, HĐH là sự nghiệp của toàn dân, của mọi thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước là chủ đạo", "Lấy việc phát huy nguồn lực con người làm yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh và bền vững. động viên toàn dân cần kiệm xây dựng đát nước, không ngừng tăng tích lũy cho đầu tư đầu tư phát triển. Tăng trưởng kinh tế gắn với cải thiện đời sống nhân dân, phat triển văn hóa, giáo dục, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường". Quán triệt quan điểm nầy cần:
- Phải luôn luôn lấy mục tiêu vì hạnh phúc của nhân dân làm trọng, cách mạng XHCN không có mục tiêu nào khác ngoài việc thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, dân tộc độc lập, nhân dân tự do, ấm no, hạnh phúc.
- CNH,HĐH là sự nghiệp của toàn dân. Nhân dân là lực lượng, là người tiến hành mọi nhiệm vụ, mọi công việc trong sự nghiệp cách mạng to lớn trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và của đất nước .
- Chế độ ta là chế độ do nhân dân làm chủ dưới sự lãnh đạo của Đảng, do đó phải thật sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân. Cần khắc  phục tệ quan liêu, xa dân, không tin dân, tham nhũng, chuyên quyền độc đoán, vi phạm quyền làm chủ của dân.
- Nhân dân nước ta bao gồm các giai cấp, các tầng lớp dân tộc anh em. Vì thế, cần thực hiện đại đoàn kết dân tộc để tiến hành cách mạng XHCN và bảo vệ Tổ quốc.
Hai, Động lực thúc đẩy phong trào quần chúng là đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân và kết hợp hài hòa các lợi ích, thống nhất quyền lợi và nghĩa vụ công dân.
            Vấn đề động lực của phong trào nhân dân được thể hiện rõ hơn ở cả ba mặt: Đáp ứng lợi ích thiết thân; giác ngộ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường; quyền làm chủ cuộc sống bản thân và xã hội.
            Dân chủ cũng là một lợi ích, là tiền đề của công tác dân vận.
Ba, Các hình thức tập hợp nhân dân phải da dạng. Xã hội ta càng phát triển, nhu cầu con người càng đa dạng, do đó, nhu cầu lập hội sẽ càng tăng lên.
            Đa dạng hóa các hình thưc tập hợp nhân dân thể hiện đa dạng hóa về tổ chức, tuy nhiên không nhất thiết đoàn thể nào cũng có hệ thống bốn cấp và phải theo nguyên tắc: ở đâu có sự tập hợp của nhân dân, ở đó phải có Đảng lãnh đạo và sự quản lý của Nhà nước.
Bốn, Công tác dân vận là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể nhân dân.
Lực lượng làm công tác dân vận gồm:
- Đảng: Trước hết là trách nhiệm của Đảng. Đảng vừa là người lãnh đạo cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội tiến hành công tác dân vận, vừa là lực lượng trực tiếp vận động nhân dân, lôi cuốn và tổ chức nhân dân. Mọi cán bộ, đảng viên đều phải làm công tác dân vận theo chức trách của mình, khắc phục hiện tượng không muốn làm hoặc không biết làm công tác dân vận.
-Bộ máy nhà nước: Trong điều kiện Đảng lãnh đạo chính quyền thì mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân không chỉ thông qua tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên mà chủ yếu được tiến hành thông qua bộ máy nhà nước.. Mọi cán bộ, công chức, viên chức đều phải nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân, ý thức trách nhiệm trước dân và đều phải làm công tác dân vận theo chức trách của mình. Nhà nước còn phải phối hợp và tạo điều kiện để phát huy vai trò của MT và các đoàn thể nhân dân
- Mặt trân và các đoàn thể nhân dân: Là lực lượng chủ lực của công tác dân vận, là cầu nối giữa Đảng- Nhà nước và các tầng lớp nhân dân
MTTQ giữ vai trò to lớn trong việc củng cố và tăng cường khối Đ Đ K toàn dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc V.N XHCN
Các đoàn thể chính trị- xã hội là người đại diện, bảo vệ lợi ích và quyền làm chủ của nhân dân tham gia quản lý nhà nước. Đoàn viên, hội viên còn phải là người gương mẫu và biết vận động những người xung quanh mình tham gia các hoạt động do đoàn thể mình đề xướng
Vậy, công việc dân vận không phải công việc riêng của đoàn thể mà là của cả hệ thống chính trị, có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với nhau, dưới sự lãnh đạo của Đảng
Tổng kết thực tiễn, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 về " Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đân vận trong tình hình mới" bổ sung, hoàn thiện quan điểm của Đảng về công tác dân vận trong tình hình mới, đó là:
Thứ nhất, Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; nhân dân là chủ, nhân dân làm chủ.
          Thứ hai, Động lực thúc đẩy phong trào nhân dân là phát huy quyền làm chủ, đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân; kết hợp hài hoà các lợi ích; quyền lợi phải đi đôi với nghĩa vụ công dân; chú trọng lợi ích trực tiếp của người dân; huy động sức dân phải đi đôi với bồi dưỡng sức dân; những gì có lợi cho dân thì hết sức làm, những gì có hại cho dân thì hết sức tránh.
          Thứ ba, Phương thức lãnh đạo công tác dân vận của Đảng phải gắn liền với công tác xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Mọi quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước phải phù hợp với lợi ích của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu để nhân dân tin tưởng, noi theo. 
Thứ tư, Công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Trong đó, Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận, đoàn thể làm tham mưu và nòng cốt.
          Thứ năm, Nhà nước tiếp tục thể chế hoá cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ" thành quy chế, quy định để các tổ chức trong hệ thống chính trị; cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang thực hiện công tác dân vận; các hình thức tập hợp nhân dân phải phong phú, đa dạng, khoa học, hiệu quả.
Địa phương tôi đang công tác là một địa bàn miền núi, đa sắc tộc, người dân tộc thiểu số chiếm gần một nửa; đời sống nhân dân có xuất phát điểm thấp, còn gặp nhiều khó khăn; Các thế lực thù địch lợi dụng tự do tôn giáo lôi kéo kích động người nhẹ dạ gây mất trật tự địa phương; Trình độ đôi ngũ cán bộ, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số còn thấp về mọi mặt.
Vượt lên trên khó khăn, trong những năm qua, công tác dân vận ở địa phương tôi luôn được các cấp ủy Đảng quán triệt và triển khai thực hiện mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Đặc biệt, năm 1990, Nghị quyết 8B (khóa VI) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng "về đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân" đã làm cho công tác vận động quần chúng ở địa phương có bước chuyển biến tích cực về nhận thức, nội dung, phương thức hoạt động. Các cấp ủy đảng luôn coi trọng công tác dân vận, quán triệt sâu sắc quan điểm dựa vào dân để xây dựng Đảng, đã đề ra những chủ trương, nghị quyết, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, tăng cường công tác xây dựng Đảng, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân, được các tầng lớp nhân dân đồng tình, ủng hộ. Hệ thống dân vận các cấp đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo công tác dân vận. Mặt trận và các đoàn thể từng bước đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, mở rộng hình thức tập hợp nhân dân, hướng về cơ sở với các việc làm thiết thực như : Thường xuyên tiếp xúc đối thoại giữa lãnh đạo với người dân; Thực hiện mô hình mỗi cán bộ, đảng viên, cơ quan đơn vị giúp đỡ hộ gia đình, thôn buôn nghèo ; Xây dựng các phong trào giúp nhau xóa đói giảm nghèo ; Đẩy mạnh tuyên truyền bằng nêu gương người tốt việc tốt qua nhiều kênh như sóng phát thanh, truyền hình đài huyện, xã, qua các bản tin tài liệu nội bộ, tuyên truyền trực tiếp trong các buổi họp hoặc các buổi thăm quan thực tế; Các phong trào xây dựng cơ sở như Phong trào gia đình văn hóa, xây dựng thôn buôn khu phố văn hóa; Phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ được triển khai đa dạng nhiều hình thức và luôn đổi mới; Chế độ cho già làng , người có uy tín được triển khai thực hiện ; các chính sách vùng dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn được giải quyết kịp thời, nhân dân được bàn bạc, tham gia ý kiến vào các công việc của địa phương …
Nhờ vậy, Dân chủ xã hội ngày càng được mở rộng, qua đó đã tập hợp, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực vào các phong trào cách mạng, thi đua yêu nước, mang lại nhiều thành tựu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, kinh tế- xã họi địa phương không ngừng phát triển, cuộc sống của người dân đổi thay từng ngày, không còn hộ đói, hộ nghèo giảm, hộ giàu tăng nhanh; người dân được chăm sóc y tế, được học hành đầy đủ; có điện, đường khang trang; niềm tin của nhân dân với Đảng ngày càng gắn bó…
          Tuy nhiên, công tác dân vận còn nhiều hạn chế, yếu kém:
          - Việc xây dựng và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận còn chưa kịp thời, kém hiệu quả;
            - Một số nơi có cán bộ biểu hiện xa dân, hách dịch, sách nhiễu
          - Chưa đánh giá và dự báo chính xác những diễn biến, thay đổi cơ cấu xã hội, thành phần dân cư, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân... để có chủ trương, chính sách phù hợp.
          - Việc thể chế hoá chủ trương, quan điểm của Đảng về công tác dân vận chưa đầy đủ, nhất là cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ".
          - Công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận chưa được quan tâm đúng mức.
          - Một số chính sách chưa đáp ứng nguyện vọng, lợi ích của nhân dân, nhiều bức xúc chưa được giải quyết;
          - Quyền làm chủ của nhân dân ở nhiều nơi bị vi phạm, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
          Tình hình trên đây có nguyên nhân khách quan, như : Đặc thù vùng núi, vùng đồng bào dân tộc, điểm xuất phát thấp, đời sống hiện nay của bà con nhân dân còn nhiều khó khăn
Trình độ nhận thức của người dân,Trình độ một bộ phận đội cán bộ, nhất là người DTTS còn hạn chế
Các thế lực thù địch lợi dụng vùng dân tộc, lợi dụng tôn giáo chống phá khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất trật tự địa phương.
Nhưng chủ yếu do những nguyên nhân chủ quan.
          Một là, Một số cấp uỷ đảng chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của công tác dân vận; chưa thấy hết trách nhiệm và chưa quan tâm đúng mức lãnh đạo, chỉ đạo công tác này.
          Hai là, Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo, quản lý còn thiếu gương mẫu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
          Ba là, Phương thức lãnh đạo của Đảng về công tác dân vận chậm được đổi mới, chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của thực tiễn.
          Bốn là, Tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội ở một số cơ sở yếu kém, giảm sút vai trò lãnh đạo, phối hợp thiếu chặt chẽ, không sát dân, không làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân.
          Năm là, Chưa xác định rõ trọng tâm, trọng điểm và bố trí đủ nguồn lực cho việc triển khai, thực hiện chủ trương, chính sách công tác dân vận.
Sáu là, Phương pháp vận động, tập hợp quần chúng chưa phù hợp với từng đối tượng, đặc biệt là đối với người DTTS, người theo đạo.
          Bảy là, Việc chăm lo, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, đoàn thể chưa thực sự đáp ứng yêu cầu.
Để công tác dân vận đạt hiệu quả ngày càng cao hơ, theo tôi địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau :
            Một là, tăng cường công tác tuyên tuyền giáo dục nâng cao nhận thức trong toàn Đảng, toàn dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận trong tình hình mới. Phổ biến các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước đến với người dân kịp thời, hiệu quả bằng nhiều phương tiện khác nhau để dân hiểu, dân làm theo.
Hai là, đẩy mạnh, kiên quyết và kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Ðảng hiện nay" gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tạo sự chuyển biến rõ nét trong xây dựng, chỉnh đốn Ðảng để nhân dân tin tưởng, noi theo.
Ba là, tăng cường và đổi mới công tác dân vận của các cơ quan nhà nước. Coi đây là khâu đột phá trong chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác dân vận. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và đổi mới lề lối làm việc; tăng cường trách nhiệm công vụ, ý thức phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền định kỳ tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, nắm bắt và giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc chính đáng của nhân dân. Coi trọng ý kiến của nhân dân, các chính sách bảo đảm nguyên tắc thuận với lòng dân, xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Bốn là, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, quần chúng. Nội dung hoạt động phải thiết thực, chất lượng; Mỗi đoàn viên, hội viên phải là nhân tố tích cực thực hiện tác dân vận. Các phong trào thi đua yêu nước, trong đó có phong trào "Dân vận khéo" đảm bảo sát với nhiệm vụ chính trị, thực tế của địa phương, đơn vị. Ðẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhân rộng các điển hình, các nhân tố mới.
Năm là, tăng cường công tác đào tạo, bố trí, sử dụng những cán bộ có năng lực, trình độ, phẩm chất vững vàng làm công tác dân vận đáp ứng yêu cầu mới
Sáu là, quan tâm hơn nữa đến người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số... vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, mỗi một người dân tích cực sản xuất, kinh doanh, góp phần quan trọng để đất nước phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Trên cơ sở đó cải thiện, nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân trong thời gian tới.
Bảy là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra và giám sát việc thực hiện công tác dân vận. Nội dung kiểm tra trong đó có việc thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Ðảng về công tác dân vận; việc thực hiện quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị và giải quyết các vấn đề bức xúc chính đáng trong nhân dân.
Tóm lại, công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng nước ta; là điều kiện quan trọng bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng và sự củng cố, tăng cường mối quan hệ máu, thịt giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Thực hiện công tác dân vận là trách nhiệm của tất cả các tổ chức trong hệ thống chính trị, của mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, công chức, viên chức, chiến sĩ, lực lượng vũ trang. Xác định rõ tầm quan trọng của công tác dân vận, địa phương tôi đã có nhiều giải pháp tăng cường lãnh đạo về công tác dân vận, nhờ vậy niềm tin của nhân dân với đảng ngày một gắn bó, nhiệm vụ kinh tế- xã hội địa phương không ngừng phát triển. Tuy nhiên ddeer làm tốt hơn nữa công tác dân vận, đáp ứng yêu cầu đổi mới thì địa phương tôi cần tăng cường bám sát cơ sở, thực hiện tốt một số giải pháp vừa nêu trên.

Là người công tác, sinh sống tại địa phương, được tham gia lớp Trung cấp chính trị tại chức K63, tôi càng nhận thức sâu sắc rằng công tác dân vận là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt không chỉ của cấp ủy đảng mà còn là của từng cán bộ, đảng viên. Vì vậy để góp phần thực hiện tốt công tác tư tưởng, tôi nghĩ rằng trước hết mình phải tích cực hơn nữa tự tìm tòi, học hỏi nâng cao trình độ lý luận chính trị, Chủ nghãi Mác Lê Nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh; nêu cao tính tích cực, chủ động của người đảng viên, tuyên truyền cho người thân, hàng xóm láng giềng, mọi lúc mọi nơi về sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, tạo sự đồng thuận trong toàn đảng, toàn dân vượt qua mọi khó khăn thách thức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ngay từ cơ sở.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét