Sáng ngày 12/12/12, tai trung tâm văn hóa thể thao,
huyện Sông Hinh tổ chức hội thi nghệ thuật đẽo tượng gỗ và chế tác nhạc cụ dân
tộc năm 2012. Đây là một trong các chương trình nhằm bảo tồn, phát huy giá trị
văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Sông Hinh.
Thuyết trình tác phẩm tại hội thi |
Với
chủ đề, Nghệ thuật các dân tộc thiểu số đồng hành cùng đất nước, hội thi đã thu
hút 18 nghệ nhân (chủ yếu là người Ba Na, Ê Đê) đến từ các 5 đơn vị: xã Ea Bar,
Sơn Giang, Ea Bia, Ea Trol và xã Sông Hinh. Vật liệu dùng để chế tác là những
thứ có sắn như tre, lứa, gỗ…; Mặc dù yêu cầu phương tiện dùng để chế tác hoàn
toàn thô sơ, truyền thống như dao, rừu, dựa, đục, lửa… nhưng với bàn tay khéo
léo, chỉ trong khoảng thời gian ngắn, nhiều tác phẩm tượng gỗ phản ánh sinh
động cuộc sống đã được hình thành. Tiêu biểu trong đó như: Tượng voi, tượng
người đánh trống trong lễ hội của Y Thiện, xã Sơn Giang; Tượng người ngồi khóc,
tượng nồi, lư cối giã gạo của ma Jun, Ma Ngâu, ma Ngoanh xã Ea Bar; Tượng người
giã gạo của Ma Thú, xã Sông Hinh hay tượng Người giữ rẫy, tượng con khỉ của Ma
Tác, xã Ea Trol…Phần lớn các loại hình trên hiện diện tại nhà mả mỗi khi có
người trong buôn làng mất.
Theo
những nghệ nhân, đồng bào Ba Na cũng giống như Ê Đê luôn có quan niệm rằng,
người sống ở về ban ngày, còn người chết ở về ban đêm của thế giới bên kia; họ
cũng cần sự chăm sóc khi như khi còn sống nên phải chia của cải, vật dụng thiết
yếu trong sinh hoạt. Và cũng để thể hiện tình cảm của người sống, những tượng
gỗ được coi là vật tượng trưng để phục vụ cho người đã chết. Tiêu biểu ở đây là
tượng phụ nữ đang giã gạo, kèm theo nồi đồng, bếp lửa để nấu cơm; người đàn ông
cầm cung tên đi săn bắt thú rừng làm thức ăn, tượng người đánh trống để mua vui
trong các lễ hội; hoặc cũng có khi là hình ảnh người phụ nữ mặt buồn rầu thể
hiện lòng tiếc thương của người đang sống với người đã khuất. Bên cạnh đó, các
con vật thân quen, như voi để làm công
cụ sản xuất; những chú khỉ thông minh, nhanh nhẹn vừa làm bầu bạn vừa giúp chủ
nhân canh giữ bảo vệ tài sản, mùa màng nương rẫy…
Bên
cạnh tượng gỗ, nhiều nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc được chế tác tỷ
mỉ, công phu, như Chinh Coóc của Ma Phin, xã Ea Bar; Đàn K Ni, đàn Goong Ba Na
5 dây của Y Mẻ xã Sơn Giang; Sáo đất, đàn goong 13 dây của Oi Lức và Ma Cao xã
Ea Bia; Chinh Nam của Oi Tiên, xã Sông Hinh. Trong đó có nhiều nhạc cụ mà đến
nay người chế tác ra nó và có thể biểu diễn thuần thục được chỉ tính đầu ngón
tay như Đinh Guih, Tơ Ky của Oi B lứ, xã Ea Trol.
Tiêu
biểu và ấn tượng nhất ở đây vẫn là bộ
nhạc cụ Đinh tút của nhóm nghệ nhân Mí Lát, xã Ea Bar; bằng những kinh nghiệm
của mình, họ đã lựa chọn nhiều ống lồ ô to nhỏ khác nhau để tạo ra những âm
thanh trầm bổng khác nhau; và để âm thanh đạt đến độ tinh tế, họ đã sử dụng
nước, thêm vào hoặc bớt đi để điều chỉnh theo ý muốn. Nó đặc biệt còn ở chỗ,
Đinh Tút cần có sự phối hợp nhuần nguyễn, ăn ý của tập thể 5 hoặc 7 người để
tạo ra bản nhạc vui hoặc buồn tùy theo từng lễ hội.
Qua
hai ngày thi, đã có 21 tác phẩm nghệ thuật cơ bản đã hoàn thành, phản ánh sinh
động đời sống vật chất, tinh thần ở vùng đồng bào dân tộc. Theo đánh giá của
ban tổ chức, mặc dù lần đầu tiên tổ chức và vào ở thời điểm cuối năm bận rộn,
nhưng hội thi sáng tác nghệ thuật đã nhận được sự hưởng ứng sôi nổi, nhiệt
tình, lao động miệt mài của đông đảo nghệ nhân.
Qua hội thi
này, các tác phẩm có chất lượng sẽ được bảo tồn, lưu giữ, tuyên truyền nhằm
phát huy tinh thần dân tộc, niềm đam mê những giá trị văn hóa truyền thống và
phát triển nhân rộng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời tiếp tục
phát hiện, bồi dưỡng, động viên những nghệ nhân tiếp tục sáng tác, cống hiến, phổ
biến rộng rãi những kinh nghiệm, kỹ năng của mình đã có cho các thế hệ mai sau.
Văn Thùy
0 nhận xét:
Đăng nhận xét