RSS
Write some words about you and your blog here

Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

PHÁT TRIỂN DU LỊCH GÓP PHẦN GÌN GIỮ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HOÁ CỦA ĐỒNG BÀO CÁC DÂN TỘC HUYỆN SÔNG HINH


Vui hội cồng chiêng- a rap

Phan Thanh Quyền
Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Sông Hinh

Với đặc thù là một Huyện miền núi có nhiều dân tộc anh em sinh sống (Gồm 17 dân tộc): Ê đê, bana, kinh, chăm hroi, rắc lây, tày, nùng, dao, sán dìu…Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng, do vậy đời sống văn hóa và sinh hoạt văn hóa của đồng bào các dân tộc Huyện Sông hinh hết sức phong phú, độc đáo, đa dạng, đặc biệt là di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đây là tài sản tinh thần vô cùng quý giá. Trong đó tiêu biểu là văn hóa cồng chiêng nằm trong không gian văn hóa cồng chiêng tây nguyên được Unesco công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại vào ngày 15/01/2005.
Múa May-a của người Ê Đê M'DHour trong lễ đâm trâu


Sau hơn 25 năm xây dựng và phát triển, huyện Sông hinh đã đạt được những thành tựu đáng kể trên các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội; an ninh quốc phòng. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được nâng cao. Mức hưởng thụ văn hóa của người dân nhất là các vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc có sự chuyển biến rõ nét. Các hoạt động văn hóa thể dục thể thao thường xuyên được tổ chức từ huyện đến cơ sở. Các lễ hội văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện từng bước được khôi phục thông qua các hoạt động được tổ chức ở cấp Huyện, xã, thị trấn, thôn buôn và tham gia các hoạt động văn hóa ở cấp Tỉnh cụ thể: Hàng năm Huyện tổ chức liên hoan - thể thao các dân tộc; Hội diễn nghệ thuật quần chúng; Liên hoan văn hóa cồng chiêng; liên hoan đàn và hát dân ca…Các lễ hội được tổ chức ở các buôn làng như: Lễ bỏ mã; lễ cầu mưa; lễ mừng sức khỏe; cúng làng cuối năm; lễ mừng nhà mới; lễ đâm trâu…Thông qua các hoạt động văn hóa đã quy tụ được nhiều nghệ nhân tham gia biểu diễn và phát hiện nhiều nghệ nhân có trình độ hiểu biết về văn hóa nghệ thuật dân gian. Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo tồn gìn giữ.Một số thôn buôn đồng bào dân tộc đã có đội cồng chiêng, các hoạt động văn hóa thực sự là món ăn tinh thần không thể thiếu của mỗi người dân. Thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa đã thắt chặt thêm tình đoàn kết giữa các dân tộc, các địa phương trên địa bàn huyện.

Căn cứ Nghị quyết số:21/2006/NQ-HĐND khóa 6 ngày 29/12/2006 của hội đồng nhân dân huyện sông hinh về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc Huyện Sông hinh. UBND Huyện Sông hinh đã xây dựng đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc trên địa bàn Huyện Sông hinh và giao trách nhiệm cho Phòng Văn hóa và Thông tin thực hiện đề án này. Qua gần 4 năm thực hiện (Từ năm 2007-2010) đã được một số kết quả sau đây:
- Tổ chức khảo sát, sưu tầm di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn Huyện cụ thể như: Sưu tầm cồng chiêng, các làn điệu dân ca, sử thi, phục dựng lễ hội cầu mưa, sưu tầm các loại nhạc cụ, các trang phục của đồng bào các dân tộc trên địa bàn Huyện. Nhìn chung trong quá trình tổ chức thực hiện đề án Phòng Văn hóa và Thông tin nhận thấy đồng bào các dân tộc trên địa bàn Huyện có ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của địa phương, dân tộc mình.

- Tuy nhiên do sự nhận thức và điều kiện kinh tế khó khăn, sự tác động mặt trái của cơ chế thị trường, sự bùng nổ của các phương tiện thông tin nhất là Internet. Vì vậy, nhiều hoạt động văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc có nguy cơ bị mai một, thất truyền. Các nghệ nhân hiểu biết về các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian rất ít, thế hệ trẻ thiếu sự quan tâm về các hoạt động văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc theo đề án của UBND Huyện giao cho Phòng Văn hóa và Thông tin thực hiện gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể là nguồn kinh phí thực hiện đề án không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao, chưa huy động được sự tham gia của cộng đồng. Có nhiều lễ hội của đồng bào các dân tộc hết sức độc đáo, có ý nghĩa nhân văn nhưng không được tổ chức phục dựng. Đội cồng chiêng ở các thôn buôn của đồng bào dân tộc Êđê, bana rất ít, vì vậy một số cồng chinh của đồng bào bị đem bán hoặc trao đổi để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt kinh tế của gia đình. Trước thực trạng đời sống văn hóa và hoạt động văn hóa của đồng bào các dân tộc Huyện Sông hinh như tôi vừa đề cập, đây là một vấn đề cần phải được quan tâm giải quyết. Làm thế nào để giữ gìn và phát huy được các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc? Theo tôi, phát triển du lịch là phương án tốt nhất, hiệu quả nhất để phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hóa- xã hội.
Thưa các Đ/c!
Văn hóa và phát triển là sự vận động biện chứng mang tính quy luật. Trong nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay, bất cứ một địa phương nào cũng phải đặt tiêu chí phát triển lên hàng đầu. Bởi vì sự vận động và phát triển sẽ làm cho cộng đồng ở đó có cuộc sống tốt đẹp hơn, hướng đến giá trị nhân văn hơn. Như vậy, văn hóa phải năm trong tiêu chí phát triển chung. Ở trong mỗi quốc gia, mỗi Tỉnh, mỗi Huyện, hoặc mỗi xã trong đó người dân có thu nhập cao thì chưa đủ mà phải có đời sống văn hóa đẹp, mức hưởng thụ văn hóa phải cao. Như vậy, phát triển du lịch chính là một phần trong nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Nếu phát triển du lịch tốt thì sẽ giải quyết được các vấn đề cơ bản sau đây:
- Giới thiệu quảng bá rộng rãi về đất nước – con người Huyện Sông hinh đến với công chúng trong nước và ngoài nước, đặc biệt là giới thiệu về bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc trong Huyện (Văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể).
- Các nghệ nhân sẽ có điều kiện giao lưu văn hóa và biểu diễn để giới thiệu cho khách du lịch về những hoạt động văn hóa của địa phương như: Văn hóa cồng chiêng; các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian; các lọai nhạc cụ của đồng bào các dân tộc; các lễ hội hết sức độc đáo như: Lễ hội đâm trâu, lễ bỏ mã, lễ cầu mưa, lễ mừng sức khỏe, lễ mừng nhà mới…
- Khi được tổ chức biểu diễn giới thiệu cho du khách, các nghệ nhân sẽ có sự sáng tạo, say mê và lưu giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc mình, sẽ có điều kiện để truyền lại cho thế hệ trẻ biết giữ gìn và phát triển các loại hình văn hóa hết sức độc đáo này. Khi biểu diễn phục vụ, các nghệ nhân sẽ có thêm một phần thu nhập kinh tế, từ đó sẽ có điều kiện để đầu tư xây dựng các chương trình văn hoá nghệ thuật dân gian mang tính chuyên nghiệp và quy mô hơn, góp phần xã hội hoá các hoạt động văn hoá nghệ thuật.
Để thực hiện được mục tiêu đặt ra, theo tôi muốn khôi phục và phát triển được các hoạt động văn hóa để phục vụ khách du lịch thì cần phải tập trung vào những nhiệm vụ và giải pháp sau đây:

Thứ 1: Xây dựng nhà văn hóa thôn buôn:
Chúng ta cần tập trung ưu tiên đầu tư có trong điểm để xây dựng nhà văn hóa thôn buôn, xây dựng nhà kiên cố quy mô, đảm bảo tiêu chuẩn về thiết kế, diện tích sinh hoạt trong nhà và hoạt động ngoài trời. Địa điểm cần phải phù hợp thuận lợi để tổ chức các hoạt động văn hóa. Điều cần lưu ý và chú trọng đó là khâu thiết kế mẫu nhà văn hóa phải được đồng bào sinh sống ở thôn buôn đó lựa chọn quyết định. Việc đầu tư xây dựng, bố trí địa điểm phải được kiểm tra kỉ lưỡng phải có sự thống nhất cao giữa các ngành liên quan, vì đây là địa điểm tập trung sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nơi diễn ra các hoạt động văn hóa. Tránh tình trạng đầu tư xây dựng một cách tràn lan, lãng phí không hiệu quả.
Thứ 2: Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc:
Đây là nhiệm vụ cần phải được chú trọng quan tâm đúng mức trước mắt cũng như lâu dài. Theo tôi cần tập trung khôi phục các đội đánh cồng chiêng, các đội nhảy Arap ở các thôn buôn. Tập hợp qui tụ các nghệ nhân biết biểu diễn các loại nhạc cụ, nghệ nhân hát các làn điệu dân ca, sử thi, để có sự đầu tư hỗ trợ giúp đỡ. Bởi vì hiện nay các nghệ nhân biết được các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật này là rất ít, nếu không được đầu tư thì sẽ có nguy cơ mai một, thất truyền.
Trang phục truyền thống của người Ê Đê M' DHour

Hiện nay Huyện Sông hinh có nhiều lễ hội độc đáo như: Lễ hội đâm trâu; lễ cầu mưa; lễ bỏ mã; lễ mừng sức khỏe; lễ mừng nhà mới…nhưng do điều kiện kinh phí khó khăn vì vậy các lễ hội này ít được tổ chức và phục dựng. Đề nghị Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, UBND Huyện nên chọn điểm để đầu tư tổ chức phục dựng mỗi năm ít nhất là một lễ hội ở một địa phương để giới thiệu quảng bá nét văn hóa độc đáo này của đồng bào dân tộc.

Thứ 3: Tổ chức liên hoan văn hóa nghệ thuật dân gian:

Hàng năm hoặc định kỳ Sở VHTT&DL, UBND Huyện cần tổ chức liên hoan văn hóa nghệ thuật dân gian như: Liên hoan đàn và hát dân ca; liên hoan văn hóa cồng chiêng…Để các nghệ nhân có điều kiện thể hiện tài năng và nâng cao trình độ nghệ thuật. Qua liên hoan sẽ phát hiện được các tài năng để có điều kiện bồi dưỡng, đào tạo phát triển.

Thứ 4: Giới thiệu quảng bá trên các thông tin đại chúng:

Đây là vấn đề hết sức cần thiết trong công tác quảng bá giới thiệu các loại hình nghệ thuật dân gian của đồng bào các dân tộc Huyện Sông hinh đến với công chúng. Vì vậy để nghị UBND Huyện có sự đầu tư hỗ trợ để xây dựng chương trình văn hóa nghệ thuật phát trên đài truyền thanh - truyền hình Huyện, trung tâm truyền hình Việt nam tại Phú yên theo định kỳ.

Thứ 5: Xây dựng các tua du lịch trong và ngoài tỉnh:

Cần phải xây dựng các tua du lịch trong và ngoài tỉnh, xác định Sông Hinh là một điểm đến. Trong quá trình thực hiện các tua du lịch đến Sông Hinh phải có chương trình biểu diễn văn hoá nghệ thuật dân gian của đồng bào các dân tộc gắn với tổ chức các lễ hội truyền thống để phục vụ du khách.

Nếu chúng ta thực hiện tốt những nhiệm vụ và giải pháp như tôi đã nêu thì các hoạt động văn hóa của Huyện Sông hinh sẽ đáp ứng được chất lượng phục vụ cho khách du lịch khi đến tham quan và ngược lại khách tham quan sẽ được thưởng thức, khám phá về các hoạt động văn hóa rất độc đáo của địa phương.

Kính thưa các Đ/c!

Thực hiện Nghị quyết TW 5 (khóa VIII) của Đảng về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”. Đảng ta đã khắng định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển, đồng thời là mục tiêu cao cả của Chủ nghĩa xã hội”. Đây là một trong những luận điểm cơ bản và có tính chiến lược nói lên vị trí cực kỳ quan trọng của văn hóa đối với đời sống xã hội nhất là trong xu thế phát triển và hội nhập như hiện nay. Phát triển du lịch là một nhiệm vụ quan trọng để góp phần phát triển kinh tế - xã hội và cũng là để góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc Huyện Sông Hinh.

Hội thảo “Định hướng và những giải pháp phát triển du lịch Huyện Sông hinh” Bao gồm nhiều nội dung liên quan đến các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, liên quan đến các ngành các cấp. Trong thời gian có hạn tôi chỉ xin phép được phát biểu trao đổi một số vấn đề cơ bản và đề xuất những nhiệm vụ giải pháp trọng tâm về công tác phát triển du lịch góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc Huyện Sông hinh. Với hi vọng được sự quan tâm giúp đỡ của các cấp lãnh đạo, sự phối hợp của các ngành các cấp để chúng tôi thực hiện tốt hơn về nhiệm vụ phát triển văn hóa trên địa bàn Huyện Sông hinh. Thay mặt ngành Văn hóa và Thông tin Huyện xin được gởi đến các Đ/c lãnh đạo, quý vị đại biểu và toàn thể các Đ/c lời chào trân trọng- lời chúc sức khoẻ, hạnh phúc, thành đạt- Chúc hội thảo thành công. Xin cảm ơn.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét