GẮN VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH
Thạc sỹ Lê Thế Vịnh
Trưởng Phòng Di sản,
Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Phú Yên
So với các địa phương trong tỉnh,
Sông Hinh là huyện có nhiều thành phần tộc người sinh sống. Theo thống kê của
Cục thống kê huyện Sông Hinh, hiện nay trên địa bàn huyện có trên 30 thành phần
tộc người cùng sinh sống, trong đó có 3 dân tộc cư trú lâu đời trên vùng đất
Sông Hinh là người Ê Đê, người Chăm H’roi và người Ba – Na.
Với một địa phương có nhiều thành
phần dân tộc sinh sống, nên di sản văn hóa ở đây từ vật thể đến phi vật thể vô
cùng phong phú và đa dạng. Ở bài viết này chỉ đi sâu một số loại hình di sản
văn hóa, mang tính chất định hướng cho sự phát triển du lịch trên địa bàn
huyện.
Về văn hóa vật thể, nét độc đáo nhất
phải kể đến là những chiếc nhà sàn của người Ê Đê. Trong sử thi Chi - Lơ - Kok
(do ông Ka Sô Liễng sưu tầm, biên soạn và xuất bản) thì ngôi nhà của Chi Lơ Kok
dài hàng trăm sải tay, đủ cho một gia đình mẫu hệ bao gồm nhiều thế hệ sinh
sống. Còn theo mô tả của một số học giả, thì nhiều ngôi nhà Ê Đê có độ dài bằng
một tiếng chiếng ngân. Ngôi nhà dài ấy, ngoài chức năng cư trú, còn là nơi sinh
hoạt của đại gia đình; nơi lưu giữ, bảo tồn các tập tục, tín ngưỡng; không gian
tổ chức các nghi lễ theo vòng đời người… Có thể nói, ngôi nhà dài Ê Đê là nơi
hội tụ đầy đủ bản sắc, vẻ đẹp của di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của
cộng đồng.
Ngày nay do tập quán cư trú của
người Ê Đê đã thay đổi, nên những ngôi nhà mẫu hệ gồm nhiều thế hệ sinh sống
không còn, thay vào đó là những ngôi nhà một hoặc hai thế hệ (ông bà - cha mẹ -
con cái) cùng sinh sống. Sự thay đổi về quy mô cư trú của mỗi gia đình làm cho
diện mạo văn hóa ngôi nhà dài xưa có những biến đổi theo. Điều dễ nhận thấy
nhất là các lễ cúng thuộc phạm vi gia đình giảm hẳn (do số lượng người giảm),
uy thế và quyền lực của người đàn bà chủ gia đình đối với các thành viên trong
gia đình không còn mạnh mẽ như xưa; việc truyền dạy, bảo tồn các tập tục, tín
ngưỡng cũng bắt đầu có hiện tượng mờ nhạt. Vì vậy, trong chiến lược phát triển
du lịch của Sông Hinh cần quy hoạch đầu tư xây dựng một số ngôi nhà dài với đầy
đủ các chức năng, nhiệm vụ vốn có của nó. Đây là một loại hình du lịch văn hóa
mang đậm bản sắc cư dân địa phương, gắn kết với cộng đồng và môi trường sống
đang được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm khai thác.
Về di sản văn hóa phi vật thể, Sông
Hinh là nơi có nhiều loại hình văn hóa độc đáo. Trước hết phải kể đến là kho
tàng sử thi của các tộc người Ê Đê, Ba Na và Chăm H’roi. Theo điều tra và thống kê của Sở Văn hóa –
Thông tin (nay là Sở VH,TT&DL) thì trên địa bàn Sông Hinh đã kiểm kê được
gần 100 sử thi, nhiều nhất là của người Ê Đê và trên 30 nghệ nhân hát sử thi.
Sử thi Sông Hinh không chỉ nhiều về số lượng, phong phú về chủ đề sáng tạo, mà
chất lượng nhiều bản sử thi có giá trị về văn hóa, lịch sử, được các nhà khoa
học đánh giá cao như Đam San, Xinh Nhã, Khinh Dú, Am H’Wứ….. Vì lẽ đó mà các
nhà khoa học không ngần ngại đưa ra nhận định rằng: “Sông Hinh là quê hương của sử thi”.
Trong đời sống tinh thần của đồng
bào các dân tộc thiểu số, sử thi chiếm lĩnh một vị trí rất quan trọng và có sức
thu hút mạnh mẽ, to lớn. Mỗi khi nghe nghệ nhân hát sử thi cất lên, thì dân
buôn từ già đến trẻ đều lũ lượt kéo đến im lặng lắng nghe hết đêm này qua đêm
khác. Người dân đến với sử thi không chỉ nghe tiết tấu, giai điệu và biểu đạt
của nghệ nhân qua từng chương, khúc, mà thông qua nội dung sử thi, nhân dân
nhận biết quá trình xây dựng buôn làng, lịch sử đấu tranh chống thiên nhiên và
xã hội, phong tục tập quán, nếp sống cộng đồng, mối quan hệ giữa các tộc người
trong địa vực cư trú…v..v… Mỗi sử thi là một câu chuyện lịch sử gắn bó với cộng
đồng cư dân, được truyền khẩu từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Rõ ràng việc đưa một loại hình văn
hóa mang tính tự sự dân gian vào khai thác du lịch là một vấn đề khó, song đây
là di sản văn hóa độc đáo, có sức thu hút đối với các nhà nghiên cứu trong và
ngoài nước, kể cả nhân dân địa phương. Với số lượng sử thi được điều tra, sưu
tầm và công bố, với giá trị nghệ thuật và nhân văn, tin rằng trong tương lai
không xa, sử thi Tây Nguyên sẽ trở thành di sản văn hóa truyền khẩu của nhân
loại, khi đó cơ hội phát triển sản phẩm này trở nên sáng sủa hơn. Vì vậy, những
người làm công tác văn hóa, du lịch Sông Hinh nên có sự chuẩn bị ngay từ bây
giờ, để đón nhận sự kiện đó.
Một di sản văn hóa độc đáo khác của
Sông Hinh là múa “trống tùng khắc”, và “trống đôi”. Các loại múa
này thường có tiết tấu nhanh và trình diễn theo lối ứng diễn, không có động tác
ổn định, nên hiệu quả tiết mục hoàn toàn phụ thuộc vào nghệ nhân trình diễn và
yêu cầu của người xem. Những động tác múa thường mô phỏng động tác các loài vật
gắn với đời sống cộng đồng, như gà, chó, khỉ, vượn, đười ươi…
Nét đẹp của “tùng khắc” và “trống
đôi” không chỉ ở tiết tấu, giai điệu và động tác biểu diễn sinh động
của nghệ nhân, mà thông qua âm thanh tiếng trống, nhịp tay vỗ (đánh) lúc mạnh,
lúc nhẹ; lúc dồn dập, lúc thong thả, buông lơi, thật
giống như bài dân ca dân tộc Chăm diễn tả:
Miệng tươi
cười như đóa hoa bầu,
Tay đưa
đi, đưa lại mềm mại,
Như gió
đưa ngọn tre,
Như cá
lượn, chim sà xuống đất.
Tiếng trống là lời nói đối đáp giữa
hai người. Sự thăng hoa, sự vui buồn cũng như lời nhắn gửi của nghệ nhân đều
thể hiện qua từng tiết tấu, âm điệu của mỗi tiếng trống. Người sành chơi, nghe
tiếng trống hiểu được tâm trạng, lời nói của hai nghệ nhân.
Để cho việc biểu diễn “tùng
khắc” và “trống đôi” được sinh động hơn, trong thời gian qua một số nơi
dùng “bộ chiêng 5” (nếu người Chăm dùng bộ cồng 3 chiếc) đánh đệm và
dùng “múa xoang” minh họa. Song sự kết hợp này nhiều nơi, nhiều lúc
diễn ra còn khiêm cưỡng và do đó kết quả đạt được chưa cao. Vì vậy, để đưa loại
hình văn hóa này phục vụ du lịch cần phải có sự đầu tư luyện tập, dàn dựng,
phục trang, trang trí và chọn lựa không gian biểu diễn phù hợp với loại hình di
sản văn hóa.
Trong di sản văn hóa phi vật thể,
Sông Hinh là nơi có số lượng lễ hội dân gian rất lớn.
Về vòng cây trồng có các lễ: chọn
đất, phát cây, đốt cây, trỉa hạt, cúng mừng cơm mới, cúng đưa lúa vào kho, cúng
lấy lúa ra dã gạo ăn. Nếu trong quá trình sản xuất gặp nắng hạn, mưa dầm hoặc
bị sâu bọ phá hoại mùa màng, dân làng tổ chức cúng Yàng.
Về vòng đời người có các lễ cúng: Bà
mụ, sinh đẻ, đặt tên, thổi tai, trưởng thành, lễ cưới, lễ mừng sức khỏe, tang
lễ, lễ bỏ mả……
Ngoài ra, trong năm buôn làng còn tổ
chức một số lễ cúng khác như: cúng đầu làng, cúng bến nước, cúng thần cây đa,
ma cây gạo, cúng về nhà mới, cúng mừng năm mới..v..v…
Trong các lễ hội nêu trên, lễ hội
thu hút đông đảo người tham gia và được chú ý nhiều nhất là lễ hội “xoây cột
con trâu”. Trong đời sống tâm linh của các tộc người ở Phú Yên, lễ “xoây cột con trâu” thường được tổ chức
vào ngày có trăng của tháng Giêng, tháng Hai hoặc tháng Ba âm lịch. Đây cũng là
tháng vụ mùa kết thúc, nhà nhà lúa đầy kho, ché đầy rượu, động vật và thực vất
tràn đầy sức sống. Lễ xoây cột con trâu thường tổ chức theo hai hình thức: cộng
đồng và gia đình.
Đối với buôn làng việc tổ chức lễ “xoây
cột con trâu” nhằm cầu mưa thuận gió hòa, cầu mùa. Hoặc do dịch bệnh
làm chết nhiều người trong buôn, do cháy buôn, làm ăn mất mùa, mừng thắng trận
..v.v.. chủ làng thay mặt dân làng khấn xin Yàng trời Yàng đất trợ giúp con
người vượt qua hoạn nạn, khó khăn, đến ngày hẹn buôn làng tổ chức đâm trâu trả
nợ Yàng.
Đối với gia đình, lễ “xoây cột con trâu” được tổ chức nhằm tạ ơn trời đất đem
lại cho gia đình điều hay, việc tốt . Hoặc khi người trong nhà thường bị ốm đau,
bệnh tật, gia chủ khấn Yàng phù trợ cho họ tai qua nạn khỏi, nay đến ngày hiến
sinh cúng trả nợ yàng. Ngoài ra, lễ “
xoây cột con trâu” còn thấy trong lễ bỏ mả - một lễ hội quan trọng trong
vòng đời của các tộc người thiểu số cư trú tại Sông Hinh.
Sức hấp dẫn, thu hút của
lễ hội “xoây cột con trâu” không chỉ là yếu tố tâm linh, mà quan
trọng hơn là sự trình diễn các loại hình văn hóa cộng đồng như đánh chiêng,
trống, múa xoong, hát và cả nghệ thuật trang trí. Người dân tham gia lễ hội “xoây
cột con trâu” cảm thấy như đang tắm mình vào dòng chảy của lịch sử -
văn hóa dân tộc, với biết bao phấn khởi và tự hào; giúp họ xua tan những mệt
nhọc, khó khăn; vững bước đi lên trong những chặng đường sắp đến.
Hiện nay, tục xoây cột
con trâu chỉ còn thực hiện chủ yếu là “lễ cúng bỏ mả”. Đây quả thực là một
thách thức không nhỏ đối với công việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn
hóa nói chung, cũng như ước muốn đưa nó trở thành sản phẩm du lịch mang bản sắc
riêng của Sông Hinh. Để di trì và đưa lễ hội này thành sản phẩm du lịch, bên
cạnh dựa vào cộng đồng, huyện Sông Hinh cần định kỳ tổ chức lễ hội này và đầu
tư quảng bá trên các phương tiện thông tin, nhằm tạo cho nhân dân địa phương
cũng như du khách thập phương có sự chuẩn bị cần thiết để tham gia.
Ngoài lễ hội xoây cột con trâu, lễ cúng bến nước
cũng là lễ hội độc đáo của cộng đồng các dân tộc thiểu số Phú Yên, mang đậm dấu
ấn thời tìm đất lập làng; được tổ chức hàng năm sau mùa thu hoạch, với mục đích
cầu cho mưa thuận gió hòa, dân làng ấm no, hạnh phúc; mong cho dòng nước tràn
đầy, trong sạch, mát mẻ, để dân làng không bị ốm đau và luôn có nước để uống.
Nét đọc đáo của lễ hội này không chỉ là lễ vật, cách thức cúng tế, mà thể hiện
ở nghệ thuật múa khiêl.
Xét về hình thức, múa khiêl là loại múa kiếm – một
hình thức vũ trang có từ lâu đời và tồn tại đến nay trong nghệ thuật diễn xướng
nghi lễ của người Ê Đê. Trong sử thi Xinh Chơ Nga điệu múa này được mô tả trong
bước nhảy của chàng cao hơn ngọn cây, hơn cánh chim bay, quá nguồn mưa gió.
Người múa mặc trang phục khá đặc trưng, đầu quấn khăn nhiễu đỏ, thả hai đuôi
khăn về trước trán; mặc
áo đại bàng tung cáng, đóng khố kơtel, tay trái cầm khiêl, tay phải cầm đao,
nhảy múa với những động tác mạnh mẽ, dứt khoát, đầy uy lực.
Múa khiêl là loại múa giao đấu theo từng cặp. Vì
vậy những người múa phải có sự phối hợp hài hòa và chính xác để tránh những va
chạm có gây ra vết thương, làm đổ máu, một điều rất cấm kỵ trong tục cúng.
Người múa có thể bước lấy đà vài bước ở nốt nhạc thuộc phách nhẹ và nhảy tới
đồng thời hô to đúng vào các nốt nhạc chủ âm của tiếng chiêng Năm.
Múa khiêl là nghi thức thể hiện tài năng, khéo
léo và tinh thần thượng võ của người con trai. Vì vậy, những người múa phải
trải qua một cuộc kiểm tra tài năng và kỷ thuật; tức là họ dùng khiêl che đỡ
những thác nước do các cô gái đứng cạnh trút vào. Ai không bị ướt được công
nhận là người có tài năng, ngược lại, họ bị loại ra khỏi cuộc chơi.
Thật là thiếu sót nếu không chọn ẩm thực là sản
phẩm phục vụ du lịch của Sông Hinh. Nhiều người đến Sông Hinh đều có cảm nhận
rằng nơi đây có không ít món ăn đặc sản như thịt bò nướng trong ống tre, ngũ
tạng bò bóp mật bò, cá lăng nấu canh chua, thịt bò luộc chấm với muối ớt hoặc
với cánh kiến vàng…Song có một món ăn vô cùng độc đáo khác chính là những bát
cơm do đồng bào dân tộc xay, giã, nấu chín bằng những hạt lúa rẫy. Những bát
cơm ấy không chỉ kết tinh bằng công sức lao động, mà bằng cả trí tuệ của cộng
đồng được đúc kết, trải nghiệm từ thế hệ này đến thế hệ khác. Có lẽ đây là sản
phẩm thiên phú cho người phụ nữ, nhằm để họ bù đắp lại những thiếu hụt về đời
sống vật chất của nền kinh tế tự cấp tự túc.
Tóm lại: Di sản văn hóa của đồng bào các dân
tộc thiểu số huyện Sông Hinh có khá nhiều, song để phục vụ và phát triển du
lịch thì phải gắn với cộng đồng, coi cộng đồng là nhân tố bảo tồn và phát huy
các giá trị di sản văn hóa bền vững nhất. Song, huyện cần lựa chọn thời điểm và
loại hình thích hợp tổ chức “sự kiện văn hóa”, nhằm thu hút du
khách đến Sông Hinh, quảng bá và tạo cơ hội cho họ tiếp cận với đời sống thực
của đồng bào./.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét