RSS
Write some words about you and your blog here

Thứ Năm, 5 tháng 4, 2018

Sông Hinh: Phát triển cây ăn quả theo hướng bền vững



Với diện tích đất đai rộng lớn, màu mỡ, những năm qua, cây trồng đã chiếm vị trí chủ đạo trong phát triển sản xuất nông nghiệp tại Sông Hinh. Nhằm tạo bước đột phá, chính quyền địa phương định hướng cho người dân phát triển cây ăn quả có giá trị kinh tế cao theo hướng bền vững bằng những việc làm cụ thể.
Chuyên viên Phòng NN&PTNT Đoàn Thị Minh Thư kiểm tra mô hình sầu riêng xen khóm của hộ ông Cao Minh Thi, thị trấn Hai Riêng

Sau khi đi thăm quan học tập tại các tỉnh Miền trung, Tây nguyên, Huyện ủy Sông Hinh triển khai thực hiện Đề án xây dựng các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi năm 2017. Thực hiện Đề án, UBND huyện Sông Hinh đã cụ thể hóa bằng kế hoạch phân bổ chỉ tiêu, kinh phí và nhiệm vụ xây dựng mô hình.
Kế hoạch giao cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Sông Hinh là đơn vị đầu mối, chủ quản tổ chức triển khai xây dựng. Để có cơ sở triển khai, cán bộ chuyên môn của đơn vị đã phối hợp các địa phương khảo sát từng vùng đất, điều kiện vị trí địa lý, nguồn nước từ đó đưa ra định hướng phù hợp. Ví dụ như các xã Ea Bar, Ea Ly, thị trấn Hai Riêng, Ea Trol sở hữu nhiều đất đỏ bazan, kế hoạch đề xuất phát triển cây ăn quả giá trị kinh tế cao như sầu riêng, bơ; các xã Ea Bá, Ea Lâm, Sơn Giang phần lớn là đất thịt pha cát, cát đen phù hợp các loại cây như ổi, bơ, xoài… Mô hình được UBND huyện hỗ trợ toàn bộ tiền giống, một phần vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để bón lót khử trùng đất và chăm sóc ba năm kiến thiết cơ bản; một phần chi phí về vật tư, thiết bị hệ thống tưới; hướng dẫn quy trình kỹ thuật, hội thảo tập huấn, theo dõi, tổng kết…
Ngay sau khi triển khai, mô hình đã được người dân phấn khởi đón nhận, qua kiểm tra, rà soát, có 33 hộ đảm bảo tiêu chuẩn tham gia mô hình, các hộ dân tự nguyện đăng ký trồng cây ăn quả với tổng diện tích 20ha, trong đó nhiều nhất là cây sầu riêng với 12 ha, còn lại là xoài, bơ booth, ổi Đài Loan. Ông Nay Y Rú, Buôn Ken, xã Ea Bá cho biết: “Bà con đồng bào dân tộc ở đây sản xuất quảng canh phụ thuộc nước trời là chính, được sự hỗ trợ của nhà nước tôi mạnh dạn đầu tư thêm hàng chục triệu đồng tham gia mô hình, nước chảy về từng gốc, cây luôn xanh tươi, nhìn triển vọng lắm”. Còn ông KSor Y Cu, buôn Bưng B, xã Ea Lâm cũng đã mạnh dạn tham gia 0,5ha trồng ổi và 0,5 ha trồng xoài. Ông Cu cho hay, được tập huấn kỹ thuật, được cán bộ tận tình hướng dẫn gia đình yên tâm và cam kết thực hiện đúng quy trình kỹ thuật. Nhờ bón phân, tưới nước nên cây phát triển đều, tỷ lệ sống đạt 98%, không èo uột như cây sắn, cây bắp vụ trước.
Nhiều hộ tham gia mô hình đã tính đến bước đi lâu dài bằng việc trồng xen các loại cây ngắn ngày. Bà Trần Kim Diệu, thôn Ea MKeng, xã Ea Bar tham gia mô hình với 0,5ha sầu riêng, ngay sau khi sầu riêng bám rễ, bà Diệu đã tiến hành trồng xen bắp, cùng công chăm sóc tưới nước, bón phân, bắp phát triển tốt, đến nay đã trổ bông, đông sữa. “Vì trồng xen, sản lượng có thấp hơn nhưng giá ổn định như hiện nay vẫn có thể thu trên dưới chục triệu đồng, số tiền này tôi đắp thêm vào việc chăm sóc cây sầu riêng cho tốt hơn”- bà Trần Kim Diệu bày tỏ. Tương tự ông Cao Minh Thi, khu phố 8 thị trấn Hai Riêng tham gia mô hình với 0,5 hecta và được cấp 66 cây sầu riêng giống Ri6 và Monthong (nguồn gốc từ Thái Lan) với khoảng cách trồng 8m x 8m, không để lãng phí đất, ông đã đầu tư trồng 5 nghìn cây khóm xen cây sầu riêng. Mặc dù còn gần một tháng nữa mới đến kỳ thu hoạch khóm nhưng đã có người đến đặt mua với giá từ 6 đến 10 nghìn đồng/quả tùy loại to, nhỏ. Theo tính toán của ông Thi, chi phí cho giống, phân, công chăm sóc mỗi gốc khóm hết 4 nghìn đồng, như vậy khóm cho lời từ 2 đến 6 nghìn đồng/gốc, trong khi đó, khóm có thể khai thác nhiều năm, từ năm thứ 2 mỗi gốc có thể để hai nhánh cho hai quả. “Việc trồng xen là giải pháp hữu ích, lấy ngắn nuôi dài, giảm bớt công chăm sóc, làm mát đất trong mùa nắng nóng, giúp cây sầu riêng phát triển tốt hơn”- ông Thi khẳng định.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Khắc Sự cho biết, đối tượng tham gia mô hình là người địa phương, thống nhất và cam kết thực hiện theo phương pháp, quy trình đầu tư và quy trình kỹ thuật canh tác; có điều kiện về vốn đối ứng, chấp nhận mọi rủi ro về kinh tế, thiệt hại do thiên tai, khí hậu, thị trường gây ra, có vị trí thuận lợi về giao thông để tiện cho việc thăm quan, hội thảo học tập kinh nghiệm. Mô hình đặc biệt quan tâm đến hệ thống tưới tiêu, nguồn nước phải đủ kể cả mùa khô, có động cơ bơm phù hợp với quy mô của mô hình; phải nắp đặt dàn tưới đảm bảo mỗi hố từ 1 đến 3 béc tưới nhỏ giọt hoặc phun mưa theo công nghệ tưới tân tiến. Riêng năm 2017, huyện Sông Hinh đã trích 1 tỷ đồng hỗ trợ thực hiện mô hình chuyển đổi cây trồng vật nuôi, trong đó hỗ trợ trực tiếp các mô hình trồng cây ăn quả hơn 343 triệu đồng, ngoài ra còn có chi phí tập huấn, quản lý, thuê cố vấn; tham gia mô hình người dân đối ứng trên 1,5 tỷ đồng. Ngoài các cây trồng trên, một số xã, thị trấn đề nghị xây dựng mô hình cây ăn quả, cây thực phẩm khác như trồng rau, khai sáp, khoai lang Nhật, cam, bưởi da xanh… với diện tích lớn, huyện nghi nhận và tiếp tục triển khai cho các năm sau.
Những năm qua, cây ăn quả trên địa bàn huyện Sông Hinh không ngừng được mở rộng, đến nay diện tích tăng lên trên 100ha. Thực tế nhiều hộ đã có thu nhập từ 70 đến 100 triệu đồng/năm từ một hecta cây ăn quả. Tiêu biểu như mô hình trồng cam của ông Đoàn Minh Tuấn, thị trấn Hai Riêng và ông Lê Đình Long xã Ea Bar; mô hình trồng sầu riêng của ông Năm Trừ, mô hình trồng chanh dây của ông Đinh Văn Công, xã Ea Bar; mô hình trồng chuối của ông Nguyễn Ngọc thừa xã Ea Ly, … Tuy nhiên do tự phát, việc kiến thiết vườn trồng chưa được bài bản từ đầu, chất lượng giống không đều, kỹ thuật chăm sóc chưa đầy đủ đã làm hạn chế năng suất, giảm hiệu quả cây trồng khi biến động giá cả.  “UBND huyện xây dựng mô hình chuyển đổi cây trồng nhằm hướng tới mục tiêu năng suất, chất lượng sản phẩm, giúp người dân thấy rõ vai trò của việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời định hướng chuyển đổi những diện tích trồng trọt không hiệu quả sang các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích đất. Với sự tham gia hưởng ứng tích cực và sáng tạo của người dân, tin tưởng mô hình sớm đạt mục tiêu kế hoạch đề ra”- ông Nguyễn Khắc Sự cho hay. 
                                                                                                
Văn Thùy

0 nhận xét:

Đăng nhận xét